Lạy chúa! Ngài có biết, tuổi thơ con mong ước nhiều đến như thế nào?
Tại mảnh đất khô cằn của ngọn núi cao nhất vùng quê nghèo, Ngài đã chứng giám cho lời thề ra đi của hai đứa trẻ, ra đi xây dựng quê hương, xây dựng mảnh đất này để có một ngôi giáo đường khang trang hơn, bề thế hơn.
Để không phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, để không phải co ro ngồi thật sát bên nhau mỗi lúc gió về, lúc đó lạnh lắm! Ngài có biết không?
Lúc đó, sao những lời kinh, lời nguyện tuổi thơ lại tha thiết và đẹp đến như vậy, Ngài nhỉ?
Con không biết phải giải thích thế nào, nó cũng giống như cảm giác con đói con cần thức ăn và con khát con cần nước uống vậy, trẻ nhỏ chúng con- những đứa trẻ của Làng Mới đã biết lo toan cho những giờ kinh, giờ cầu nguyện không gặp phải cảnh mưa to, gió lớn, vì vậy giờ kinh chúng con thiết tha mong ngóng như cảm giác chờ mẹ đi chợ về đầu ngõ vậy.
Những lúc mưa to, gió lớn, cây Thánh Giá bỏ hoang lâu ngày trở thành tụ điểm của chúng con. Tuổi thơ mộc mạc giản dị bên ngôi Thánh đường bỏ hoang đã trở thành mảng ký ức màu đỏ luôn chảy trong huyết mạch của mỗi đứa trẻ quê chúng con.
Tuổi thơ của những đứa trẻ Làng Mới là những chiều chơi trốn tìm xung quanh cây Thánh giá của Thánh đường hoang, là những chiều rủ nhau ăn trộm khoai nướng rồi no nê lại rủ nhau ra ao lò gạch cũ. Là những đêm mùa đông, tiếng hát át tiếng gió, là cả xóm ngồi co ro dưới bóng dáng to lớn của cây thánh giá đọc kinh mỗi lúc mưa to. Lúc đó, làm gì có mái che đâu, chỉ là một bãi đất trống, rồi mấy cái đòn (ghế nhỏ) để ngồi mà thôi. Những giây phút đó, đã gieo trong lòng mỗi đứa trẻ như con ước mơ thật cao đẹp, ước mơ xây dựng mảnh đất quê hương, xây dựng ngôi Thánh đường cho cha mạ quê mình. Đơn giản trong tâm trí của chúng con, chúng con không thích mưa, chúng con không thích gió rét, vậy mà, nó trở thành lý tưởng để chúng con chiến đấu, để đi trong cuộc đời này, có lẽ kể từ ngày bước ra khỏi thế giới của trẻ trâu, con chưa bao giờ quên được, và tất cả lũ trẻ trâu ở quê, tất cả người dân quê con, cũng không bao giờ quên, phải cố gắng để xây dựng ngôi Thánh đường cho riêng quê hương.
Rồi đến những mùa lũ, chúa đã giữ gìn quê hương chúng con, khi mà xóm làng chìm ngập trong biển nước mênh mông, thì chỉ duy ngọn núi nơi có cây thánh giá vẫn yên bình, nơi đó chở che cho trâu bò, lợn gà, cho tính mạng của cả dân làng, người dân quê con, dù ngoại đạo hay có đạo không ai có thể quên được. Rồi đến những ngày lễ quan thầy, được tổ chức trên ngọn đồi cao, cả xứ đạo cùng Suy tôn và chiêm ngắm cây Thánh giá sừng sững giữa trời xanh bao la, mặc dầu ngoài kia nước lũ vẫn đang về. Ngài có biết, quê con cần lắm một ngôi thánh đường không?
Con không bao giờ quên được khoảng thời gian con học tập, ôn thi đến ngủ quên trên cây Thánh giá, cũng chỉ vì một ước mơ ra đi xây dựng quê hương, nơi đây Chúa đã giữ gìn và ban cho con sức mạnh của cây Thập giá phải không?
Đó có phải là sự cứng cáp rắn rỏi trước mưa gió bão bùng, có phải đó là sự sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng bao bọc chở che… như ngày xưa chúng con vẫn trú dưới cây Thánh giá. Có phải chăng ngài hiện diện ở đó thật sự, để mỗi lúc con mệt mỏi, con đau đớn, con lại chạy đến cùng Ngài, qua cây thánh giá bỏ không giữa trời?
Rồi ngày thi con cũng đến, biết bao biến cố xảy đến với con, nhưng cái gì con được học, con ôn thi ở đó với Ngài, con đều may mắn gặp phải trong đề thi của mình, và con đậu đại học với số điểm cao. Ngài ơi, Ngài muốn gì ở con vậy?
Ngày con đi, con lên chào Ngài, vẫn vậy- vẫn cô đơn một mình và nhiều vết thương của thời gian, con đi mang theo nhiều ước vọng, Ngài có biết không?
Thời gian trôi qua nhanh, con nhận ra thánh ý Ngài trong cuộc đời con. Đã 4 năm xa quê, ngày mai quê hương lại vui mừng mừng lễ Suy tôn, vui lắm, đẹp lắm, nhưng con không thể nào về được, đau- nhớ- tiếc đến chênh vênh… dẫu sao, con vẫn tìm về với Ngài với cây thánh giá nhiều vết thương của đời con trong lời nguyện của mình.
Ngài có biết, quê con vẫn luôn cần một thánh đường để bao bọc chở che, con thiết tha cầu nguyện cùng Ngài, Ngài có biết?
Quế Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét