Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

ĐỨC TIN và LÝ TRÍ (Phần 1)

Bạn thân mến, 

Sau những giờ phút chúng ta cùng nhau trao đổi về vấn đề Đức Tin, mình cảm thấy hiểu và thông cảm với bạn nhiều hơn trước. Mình thấy một mặt bạn đang bị dao động những nghi vấn về vấn đề Đức Tin do chính lý trí của bạn và những lời phê bình chỉ trích của kẻ khác gây ra: những nghi vấn đó đang nắm lấy đức tin của bạn mà lay tận gốc, như để xem nó vững chắc đến mức độ nào. Nhưng mặt khác, bạn lại cố bám chặt lấy đức tin như người sắp chết đuối cố níu lấy những mảnh ván cuối cùng đang trôi nổi giữa trùng dương đầy sóng gió vì bạn cảm thấy dầu sao đức tin vẫn là lẽ sống của bạn; nếu bạn buông nó ra, bạn sẽ trôi dạt không biết về đâu. Nếu không còn đức tin nữa thì tất cả những nền tảng mà trên đó bạn đã xây dựng đời mình sẽ sụp đổ. Bị chia xẻ giữa hai chiều trái ngược nhau như vậy, bạn rơi vào một tình trạng rối ren bất ổn, hoang mang, lo sợ về cả hai mặt lý trí và cảm tính. Được chia sẻ tâm trạng đó của bạn, mình viết mấy dòng này tới bạn.

Trước hết, mình xin góp ý là bạn đừng phản ứng như kẻ tự nhiên bỗng có cảm tưởng rằng họ có thể đã lầm đường lạc lối rồi đâm ra hoảng hốt, chạy đôn chạy đáo khắp phía lung tung, vì trong sự hoảng hốt đó, bạn quá rõ là càng loay hoay lại càng rối loạn, càng hoảng sợ lại càng đi xa vào đường lạc lối. Vậy, việc đầu tiên là bạn hãy cố gắng giữ cho tâm hồn được bình tĩnh.

Muốn vậy, bạn nên ý thức rằng: sự dao động của bạn hiện nay không có gì đáng làm cho bạn phải hoảng hốt, lo sợ cả: vì đó là một điều rất thường, chẳng những tất nhiên phải xảy ra nữa, vì nó có một tác dụng cần thiết cho đức tin, lợi ích cho đức tin của bạn.
Quả vậy, đức tin không phải là một tĩnh vật như một thoi vàng, một viên ngọc, chỉ cần nhét kín vào két sắt khoá kín là đủ. Đức tin là một sự sống. Mà sự sống nào cũng vậy, cũng phải luôn chuyển động, biến dịch để tăng trưởng, để sinh hoa kết quả. Mà mỗi lần biến dịch và mỗi lần tăng trưởng là phải qua một cơn khủng hoảng. Khủng hoảng là vì phải rời bỏ một thế quân bình cũ chuyển sang một thế quân bình mới do sự thích ứng với những thay đổi ở bên trong cũng như ở bên ngoài. Một em bé lúc tập bò, tập ngồi, tập đi, mọc răng, đều qua những cơn nóng sốt; nam nữ đến tuổi dậy thì chuyển dần sang giai đoạn trưởng thành cũng phải qua một cơn khủng hoảng. Những khó khăn bên trong cũng như những nghịch cảnh bên ngoài, lẽ tất nhiên có thể gây nguy hại, nhưng là điều kiện cần thiết để kích thích cho sự sống được linh hoạt tăng trưởng; nếu quá bình an, thì tuy là ổn định, nhưng sợ rơi vào ù lỳ, khô cứng, nếu không muốn nói là chết cứng.
Thế nên, cơn khủng hoảng về đức tin của bạn hiện nay, dầu là vì lý do gì đi nữa (trí tuệ, tình cảm, đạo đức) và mặc dầu có phần nào đáng lo ngại, nhưng căn bản vẫn là một điều cần thiết và có thể bổ ích nếu bạn biết cách để ra khỏi đó.
Như vậy rốt cuộc phải thấy rằng đó là điều đáng mừng và bạn đã đón nhận lấy nó như một ân sủng với lòng cảm tạ biết ơn. Đáng mừng vì đó là dấu chỉ cho thấy đức tin của bạn sống động chứ không ù lỳ, vì có sống động mới có thắc mắc băn khoăn; và có thể đó là biểu hiện một sự phản tỉnh của một lòng tin đang tự tìm kiếm, tự kiểm điểm lấy chính mình để ý thức hơn nữa (vì chắc là đã có ý thức một phần nào rồi mới có sự dao động) những nhược điểm của mình để cố gắng vươn lên tìm hiểu, bổ khuyết và nhờ đó mà bước sang một giai đoạn khác trên đường trưởng thành sau khi đã khắc phục được cơn thử thách. Đã thấy rõ như trên, chắc là bạn sẽ bình tĩnh hơn, và nhờ vậy sẽ sáng suốt hơn để chúng ta cùng nhau đi vào vấn đề.

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau xét qua một vài nguyên tắc căn bản trong việc truy tầm chân lý. Trong công việc của chúng ta cũng gần như là một cuộc thực nghiệm khoa học, cần phải có phương pháp thích ứng, và nhất là cần phải có một thái độ đứng đắn trước vấn đề chân lý.

Chúng ta sẽ không làm cái việc khó khăn là định nghĩa chân lý là gì. Câu trả lời sẽ đến khi chúng ta kết thúc cuộc trao đổi này. Chúng ta chỉ lưu ý điều này: có nhiều loại chân lý, và mỗi loại đòi hỏi một phương pháp đặc thù, và một thái độ khác nhau của con người đối với nó. Thí dụ: muốn dò xem một người con gái có yêu bạn không mà bạn lại có thái độ và dùng cùng một phương pháp như lúc bạn tìm xem trong một bình nước có chất độc ác-xê-níc không, thì không thể nào bạn đạt kết quả được.

Cho nên, ngay từ bây giờ chúng ta có thể quả quyết rằng nếu Thiên Chúa có thật và ta muốn tìm gặp Ngài (hay chứng minh sự hiện hữu của Ngài) mà ta lại áp dụng phương pháp Pasteur đã dùng để chứng minh có vi trùng, thì chắc là không đạt kết quả. Vì nếu Thiên Chúa có thật, thì Ngài là một đối tượng khác vi trùng. Đối tượng ấy đòi hỏi một phương pháp khác, một thái độ khác.

Ngoài ra, trên nguyên tắc, ai cũng nghĩ rằng mình thích chân lý. Nếu gặp được chân lý, mình sẽ đón nhận ngay. Nhưng thực tế thì khác! Có những loại chân lý chúng ta dễ dàng đón nhận khi nó được phát hiện. Chẳng hạn chúng ta sẵn sàng nhìn nhận rằng: quả thật 2+2=4. Nhưng có những chân lý khác liên quan sâu xa đến cuộc đời của chúng ta, thì chúng ta chưa hẳn lại sẵn sàng chấp nhận nó đâu. Thí dụ: một người cha thông minh lỗi lạc, khó lòng mà nhìn nhận rằng quả thật mình có một đứa con đần độn! Thế rồi nhiều khi tình cảm, tưởng tượng chi phối, che khuất lý trí, đưa đến chỗ có thể phủ nhận ngay cả những sự thật hiển nhiên! Vì vậy, muốn tìm được, và đón nhận được chân lý, phải có cả một sự khắc kỷ, thanh lọc tâm hồn. Chân lý như mặt trời, tâm trí con người như mặt nước. Nước có trong thì mới soi đúng bóng sự vật. Nước vẩn đục và xáo động, bóng sự vật sẽ bị xáo trộn, lu mờ. Vì thế, người đi tìm chân lý khác nào một kẻ đi tìm thầy học đạo. Phải trai giới khiết tịnh, phải tự kiếm đời sống của mình để giải thoát mình, chẳng những khỏi những dục vọng thấp hèn, mà khỏi cả lòng tự cao tự đại, khỏi những tập quán, những thành kiến cố chấp, hẹp hòi. Khắc phục tình cảm, tưởng tượng để lý trí trở nên thuần khiết. Công việc thanh lọc này cũng như trước khi dùng dao, ta phải mài dũa cho sạch gỉ sét, trước lúc soi gương, ta phải lau chùi cho khỏi bụi bặm.
Hơn nữa, muốn tìm chân lý, ta phải yêu chân lý; yêu đây không phải là tinh cảm say sưa để tìm nơi chân lý một nguồn an ủi, mà là yêu theo nghĩa hy sinh những cái vị kỷ thấp hèn để tìm chân lý, để phục vụ chân lý. Yêu đây cũng không phải là đi chiếm hữu chân lý như một lợi lộc thoả mãn nhu cầu vị kỷ mà là để cho chân lý chiếm lấy trí tuệ của mình, không bắt chân lý ráp vào khuôn sẵn có của mình, trái lại sẵn sàng bỏ những khuôn sáo cũ, để mở rộng tâm trí mình ra đón nhận chân lý, dù chân lý ấy có làm mình phải chói chang nhức nhối, có đòi hỏi phải từ bỏ chính mình. Phải hướng về chân lý với tất cả tâm hồn mình là vậy. Vì thế người đã hiến dâng cả cuộc đời mình để truy tầm chân lý (dù là khoa học tự nhiên) thường có tâm hồn cao đẹp, khiêm cung, liêm khiết, bình dị, rộng rãi, dũng cảm, đơn thuần, nghiêm túc và từ tốn. Chân lý đối với họ là cả một giá trị gần như tuyệt đối mà họ cống hiến cả một đời để phục vụ. Nơi làm việc của những người ấy, nhiều khi phảng phất một bầu khí tôn nghiêm, phảng phất tinh thần nguyện cầu. Quả vậy, nguyện cầu là thái độ của một tâm hồn gạt bỏ tất cả, dồn hết tâm trí hướng về một đối tượng, rời khỏi mình, đi ra khỏi sự chật hẹp của bản thân, hướng tới với tất cả tâm hồn hiến dâng cho một đối tượng.

Tóm lại, tu viện khắc kỷ và trầm lặng nguyện cầu (theo nghĩa trên đây) là điều kiện cần thiết cho những ai muốn suy tìm chân lý. Ở đây cũng tưởng nói thêm điều này để bạn yên tâm là những điều kiện đó không phải để ru ngủ lý trí trong một giấc mơ huyền bí, mà chính là để gạn đục khơi trong tâm hồn, đưa tâm hồn vào một khung cảng sáng sủa, bình lặng, trần trụi, để lý trí được thông suốt, kiên cường bén nhạy, uyển chuyển sâu sắc, chín chắn, thoát khỏi những kìm hãm của dục vọng, của tập quán, thành kiến, hấp tấp vội vàng, nặng nề, thô thiển, nông cạn.

Ngoài ra, nếu có thể, cũng nên tạo một khung cảng sống bình lặng, xa những nơi huyên náo, xa những chuyện phiền toái cuộc đời ô trọc, ganh đua bon chen hối hả. Nếu có được một phong cảnh thanh u tĩnh mịch lại càng tốt. Hay ít nhất trong ngày cũng cố gắng tạo cho mình một sự vắng lặng bên ngoài trong một thời gian nào đó và trầm tĩnh tâm hồn đi vào sự vắng lặng bên trong. Có nhiều lúc, chỉ cần cố gắng tạo nên một khung cảnh sống như vậy, tạo nên một thái độ bên trong như vậy, tức khắc ánh chân lý sẽ bừng toả. Vì thực ra chân lý không ở đâu xa, mà đã có trong chính tâm hồn mình, chỉ vì ta để cho tâm hồn bị ô nhiễm, xáo trộn bởi dục vọng, thành kiến tập quán, bon chen, náo động nên nó bị che khuất giống như ánh mặt trời bị mây mù che phủ vậy. Chỉ cần quét sạch cho mây mù tan biến là tức khắc mặt trời ló dạng.

Tác giả : Nguyễn Khắc Dương 

(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét