Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Tiểu Sử : Linh mục Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CRM - Đấng sáng lập Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc CRM

 


HÔM NAY 21-06-2021 : KỶ NIỆM 14 NĂM ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG ĐỒNG CÔNG (NAY ĐƯỢC ĐỔI THÀNH DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC) VỀ BÊN CHÚA.



Tiểu Sử : Linh mục Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CRM
(1906 - 2007)
Cha Đaminh Maria cất tiếng khóc chào đời trong đêm 29.11.1906, trong một gia đình đạo hạnh thuộc Giáo xứ Đồng Quan, Thái Bình. Chúa ban cho Ông Bà cố Đaminh Trần Đình Trí và Maria Phạm Thị Thận 11 người con mà Cha Đaminh Maria là người con thứ sáu, và được đặt tên là Trần Đình Phán. Bé Phán chịu phép Thánh Tẩy vào ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, 08.12.1906, tại nhà thờ Đồng Quan và nhận Thánh Đaminh làm Bổn mạng. Năm 7 tuổi, bé Phán Rước Lễ lần đầu và lãnh phép Thêm Sức do Đức Cha Muragorri Trung, OP, Giám mục Giáo phận Bùi Chu. Cũng năm này, bé Phán mắc một chứng bệnh kỳ lạ: một bên ngực sưng phồng thật lớn, không lang y nào trong vùng chữa được, bà cố Thận tha thiết cầu khấn Đức Mẹ và bé Phán đã được lành bệnh.
Ngày 13.05.1914, cậu Phán vào Nhà Đức Chúa Trời để đi tu. Lúc đầu đời tu của cậu cũng long đong lận đận, ra ra vào vào đến 7 lần. Cho mãi đến năm 1921, cậu mới quyết tâm theo đường tu trì. Năm 1923, cậu Phán thi vào Tiểu chủng viện. Trong số 200 thí sinh dự thi, chỉ đậu 51 người và cậu Phán được xếp hạng 11. Cậu chính thức nhập Tiểu chủng viện Ninh Cường niên khóa 1923-1924 . Về đây, vì lớp trên đã có người tên Phán nên cậu được đổi tên là Phan.
Sau 5 năm ở Tiểu chủng viện, thầy Phan học Triết tại Đại chủng viện Bùi Chu ở Trung Linh niên khóa 1928-1929, và năm 1933 nhập ban Thần học tại Chủng viện Thánh Albertô, Nam Định. Thời gian này, vì cha Luis Định, OP, phải về Tây Ban Nha chữa bệnh, không trở lại Việt Nam nữa, nên thầy đã nhận cha Nguyễn Đức Thạc làm nghĩa phụ.
Trong suốt thời gian ở Tiểu và Đại chủng viện, thầy Phan luôn là sinh viên xuất sắc về học vấn, đặc biệt môn Triết lý và Tín lý; đồng thời, thầy cũng có tinh thần đạo đức và trưởng thành trổi vượt. Điều đó cũng được chứng minh trong 2 năm thử (đi giúp xứ 1931-1934) theo qui định của Chủng viện.
Tháng 10.1936, Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn truyền chức năm và chức sáu cho thầy Phan và thầy Túc. Ngày 22.05.1937, Đức cha phong chức linh mục cho hai thầy. Đây là lần truyền chức đầu tiên của Đức cha Hồ, nên Ngài đã đổi tên cha Phan là cha Thủ, có ý nói hai tân chức Thủ-Túc sẽ là tay chân của ngài.
Nhận thấy thầy Phan thực sự đạo đức và thánh thiện, lại giỏi Tín lý và Triết học kinh viện, nên sau khi thầy lãnh chức linh mục, Đức cha Hồ đã cử cha Thủ làm giáo sư Triết học và Linh hướng cho các chủng sinh Đại chủng viện. Khi Đại chủng viện chuyển về Quần Phương, cha Thủ dạy thêm môn Giáo luật. Đặc biệt trong số sinh viên Triết học của cha Thủ có các thầy sau khi thụ phong linh mục đã vào tu Đồng Công là: Cha Phạm Văn Hóa (cha Phương), Cha Hilariô.M. Đỗ Tri Tâm (cha Thuyên), Cha Bênađô. M. Bùi Khải Hoàn (cha Trung).
Đang khi làm giáo sư tại Đại chủng viện, cha Thủ có ý định đi tu dòng. Cha đã đến gõ cửa Dòng Đaminh, Hội Thừa Sai Paris, cuối cùng là Dòng Châu Sơn. Ngay thời gian chuẩn bị nhập Dòng Châu Sơn thì, vào lễ kính Đức Mẹ Đau Thương, 04.04.1941, ngày thứ Sáu trong Tuần Thụ Nạn, cha Thủ được ơn soi sáng: Lập một Hội dòng để giúp người Việt Nam nên thánh, vì Cha cho rằng người Tây nên thánh được sao người Việt lại không? Ngày 21.11.1941, lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Cha đã tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.
Tháng 02.1942, Đức cha cử cha Thủ làm Trưởng ban Truyền giáo Địa phận. Ý Chúa đã rõ, Cha đang có ý hướng lập một Dòng truyền giáo, nay lại được làm Trưởng ban Truyền giáo thì còn gì bằng! Thế là Cha quyết tâm tìm một đường lối thích hợp, đồng thời chiêu tập những người cùng chí hướng vào nhóm của Cha, để thử nghiệm đời sống cộng đoàn cho Hội dòng tương lai.
Sau 17 tháng làm Trưởng ban Truyền giáo, ngày 16.07.1943, lễ Đức Mẹ Carmel, Đức cha cử Cha Thủ làm Chánh xứ Dương A. Sau 3 năm coi xứ Dương A, Đức cha lại cử Cha làm Chánh xứ Liên Thủy. Trong thời gian coi xứ, Cha rất nhiệt tình và hăng say truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Cha đã tận hiến cả giáo xứ cho Đức Mẹ, khích lệ các gia đình tôn vương Mẫu Tâm, đền tạ Trái Tim Đức Mẹ và lập các hội đoàn công giáo như: Mẫu Tâm công giáo, Mẫu Tâm thương gia...
Cha xứ Liên Thủy liền chọn nơi đây làm chiếc nôi cho Dòng Đồng Công. Ngày 15.08.1948, Đức Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn trước khi qua đời 100 ngày, đã ban hành một văn kiện chuẩn nhận nhóm Truyền giáo của Cha Thủ thành Hội Đạo Đức (Pia Unio), với danh hiệu Đoàn Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Từ nay, những người trong Đoàn Đồng Công sẽ gọi nhau là anh em và Cha Thủ được anh em gọi là Anh Cả. Như vậy, trong giai đoạn này, ngoài trách vụ Cha xứ Liên Thủy, Bề trên Sáng lập Đoàn Đồng Công, Ngài còn gánh thêm chức vụ Phó ban Truyền giáo Giáo phận Bùi Chu (1950), Bề trên Dòng Khiết Tâm (02.02.1952), Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Bùi Chu, cùng hai nhiệm vụ nữa là Tư vấn Giáo phận và giải tội cho Đức cha.
Ngày 15.12.1952, Tòa thánh Vatican thẩm tra Hiến pháp Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Vào lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, ngày 02.02.1953, Đoàn Đồng Công được Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám Mục Bùi Chu tuyên Sắc Thành Lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công và Cha Đaminh Maria giữ nhiệm vụ Bề trên tiên khởi. Cùng ngày đó, 36 anh em được nhập lớp Tập đầu tiên của Dòng.
Năm 1954, khi đất nước bị chia đôi theo Hiệp định Genève, Cha Đaminh và toàn Dòng đã rời miền Bắc vào miền Nam. Sau khi tạm trú vài nơi, Cha Đaminh và toàn Dòng đã về Cù Lao Giêng. Ngày 02.02.1955, lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, Cha Đaminh vĩnh thệ trước mặt Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi tại nhà thờ Gia Định, với ơn chuẩn của Tòa Thánh.
Năm 1956, Dòng về định cư tại Thủ Đức, Gia Định-Sài Gòn. Chính tại đây, Tổng Tu Nghị I của Dòng được triệu tập, Cha Đaminh đã được bầu làm Bề Trên tiên khởi của Dòng. Tiếp đó, Cha còn được bầu làm Bề Trên trong các Tổng Tu Nghị II, III, IV.
Ngày 02.06.1975, Cha Đaminh bị cầm tù tại Dilinh, Lâm Đồng cùng với một số anh em Dòng (52người). Ngày 29.04.1977 Cha Đaminh được trả tự do và về sống với anh em Dòng tại địa chỉ 33b/2 ấp Phú Châu, Tam Phú, Thủ Đức (Nhà 30 gian, Đệ tử viện cũ). Ngày 16.05.1987, biến cố đau thương lớn lao xảy đến cho Dòng, nhiều anh em bị bắt, nên hôm sau Cha Đaminh tạm lánh lên Sài gòn làm đơn khiếu nại. Nhưng đến ngày 02.07.1987, Cha Đaminh bị bắt tại Tân Bình, Sài Gòn. Tòa đã kết án ngài tù chung thân, sau phúc thẩm đã giảm xuống 20 năm.
Trong sự quan phòng đặc biệt của Trời Cao, ngày 18.05.1993, Cha Đaminh đã được trả tự do, trở về đoàn tụ với anh em Dòng.
Vì tuổi cao sức yếu, ngày 15.06.2006, Cha Đaminh đã ủy quyền Tổng Phục Vụ cho Linh mục Gioan Maria Đoàn Phú Xuân để Ngài có thời giờ nghỉ ngơi, dọn mình về với Chúa. Ngày 03.01.2007, Cha Đaminh rất yếu mệt, nên anh em Dòng đã đưa Ngài đi cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, quận 5, và ngài tỏ ra rất sẵn sàng về với Chúa sau khi lãnh phép Xức Dầu và của Ăn Đàng. Nhưng với những lời cầu nguyện và hy sinh thiết tha của anh em Dòng cũng như của những người thân quen, Chúa và Đức Mẹ lại thương đưa Cha Đaminh về chung sống với đoàn em vào ngày 09.01.2007.
Ngày 11.06.2007, bệnh tình Cha Đaminh trở nặng, anh em Dòng lại đưa ngài đi cấp cứu. Ngày 15.06.2007, bệnh Cha Đaminh trở nên nguy kịch, các Bác sĩ quyết định đưa Ngài vào phòng hồi sức đặc biệt.
Tuy nhiên, mọi phương cách đều phải khuất phục Thánh ý Chúa và Người đã gọi Cha Đaminh về với Người lúc 20 giờ 45, thứ Năm, ngày 21.06.2007 tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sau 101 năm trên cõi đời, hơn 70 năm làm Linh mục của Chúa Kitô, 52 năm làm Tu sĩ và là Đấng Sáng Lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét