TA MUỐN LÒNG NHÂN CHỨ KHÔNG CẦN HY LỄ. Chia sẻ của Linh mục Antôn.M Vũ Quốc Thịnh,CSsR
Chuyện sống đạo của người Kitô hữu cao điểm nhất vẫn là Thánh Lễ. Thánh Lễ là phụng vụ, là hy lễ cao đẹp nhất, quan trọng nhất mà dân Thiên Chúa dâng lên Chúa. Chính vì lẽ đó, ai nào đó đã là Kitô hữu khi ý thức được việc tế lễ thì trân quý Thánh Lễ.
Cơn đại dịch bỗng đâu ập đến. Nó dường như không báo trước cũng như không loại trừ bất cứ một ai. Chính vì sự nguy hiểm lây lan nhanh chóng và nguy hiểm của con virus quái ác thì dĩ nhiên mọi sinh hoạt trong đời sống của con người dừng lại. Chắc chắn chuyện hy lễ tập trung, sinh hoạt tôn giáo tập trung cũng bị dừng lại để bảo đảm sức khỏe cho bản thân cũng như của cộng đồng.
Đợt giãn cách đầu tiên, chắc có lẽ còn mới và lạ lẫm với mọi người để rồi tâm tư không đến tham dự Thánh Lễ thì cảm thấy như "ngứa ngáy" khó chịu, Với tâm tình đạo đức, một số người, một số gia đình trang trí bàn thờ thật đẹp, thật trang nghiêm để dự Lễ trực tuyến và cũng không quên đưa lên phây-búc. Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên và không ngờ với hình ảnh chén lễ và sách Lễ Roma để trên bàn thờ của gia đình như là vật dụng thánh để linh mục dâng Lễ vậy. Kèm theo đó có gia đình may áo Lễ cho con rồi để cho chúng đứng trước bàn thờ chụp hình ý nhu là con của họ dâng Lẽ vậy.
Dĩ nhiên như một thói quen đến Nhà Thờ dự Lễ và rồi khi bị ngưng thì hụt hẫng.
Thánh Lễ Chúa Nhật, Thánh Lễ trọng coi như buộc người dân tham dự. Thế nhưng rồi thử hỏi có bao nhiêu phần trăm đến Nhà Thờ với tấm lòng vui tươi phấn khởi. Và ngược lại, có bao nhiêu người xem chừng đến như hoàn thành bổn phận và có khi đến những tâm trí để ở đâu đó vì lẽ trên tay cứ trượt điện thoại thông minh thời thượng.
Và rồi, những đợt dịch kế tiếp bùng phát, ta lại thấy dường như không còn tiếng than van của chuyện tham dự Thánh Lễ nữa. Dần dần chuyện đến Nhà Thờ để tham dự Thánh Lễ coi như mất dần trong tâm thức của nhiều người. Điều mà nhiều người quên đó là Nhà Thờ đóng cửa không có Thánh Lễ nhưng vẫn mở cửa cho những ai thành tâm thiện chí đến để viếng Chúa,
Hẳn ai tiếp xúc với dòng nhạc của nhạc sĩ linh mục Thành Tâm sẽ không quên tâm tư của Ngài : "Ta về thôi vì Thánh Lễ đã hết, nhưng đời ta là Thánh Lễ nối dài, đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao trở thành chứng nhân ..."
Vậy đó ! Coi như Thánh Lễ tạm hết nhưng đời của Kitô hữu chính là Thánh Lễ nối dài. Thánh Lễ nối dài của người Kitô hữu đó chính là lòng nhân như Chúa Giêsu đã hơn một lần nói : "Ta cần lòng nhân chứ không cần Lễ tế". Và cũng có khi Thiên Chúa đã trách dân xưa : "Dân này thờ ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa ta".
Với tất cả những điều được dạy đó, đâu đó trong cái mùa dịch này, ta thấy có những sáng kiến thật hay đó là những cây ATM gạo, những sào quần áo không đồng của nhiều tấm lòng thơm thảo không phân biệt lương hay giáo.
Người Kitô hữu của chúng ta thì lạ ! Dù ở đâu nhưng vẫn thoang thoảng cái mùi hương lòng nhân ái của người Sài Gòn.
Nếu như chưa có dịch, đi loanh quanh Sài Thành ta vẫn thấy những bình nước lọc và cả trà đá cho những người lỡ đường khát nước. Kèm theo đó là những phần cơm, cháo, bánh mì được phát ở cổng các bệnh viện.
Phần Kitô hữu, đâu đó ta chợt thấy những phần quà nho nhỏ được phát đi từ giáo xứ Mẫu Tâm (Lăng Cha Cả). Đi về hướng bờ kè Kênh Nhiêu Lộc ta thấy được bánh mì được đựng trong ống lồng để chia sẻ với những người cơ nhỡ. Đi dọc một chút cũng theo bờ kè về hướng quận 3 thì trước hành lang Nguyện Đường Xóm giáo 2 của Giáo Xứ Kỳ Đồng cũng có những phần ăn kèm theo chai nước thật dễ thương.
Ở Giáo Xứ Chánh Tòa Bà Rịa, dù đeo khẩu trang nhưng mọi người đều nhận ra hình ảnh của Cha Xứ trong chiếc khẩu trang cùng các nữ tu dòng Thánh Phaolô đang đứng trong những bàn trang bị kính trắng để phòng tránh con virus quái ác để phát quà cho người nghèo. Quà ấy có khi là dăm ba ký gạo, có khi là phần cơm hộp làm ấm lòng của những ai cần đến.
Người Sài Gòn chơi sang lắm ! Không phải dạng vừa đâu. Muốn cơm chay từ thiện là có cơm chay từ thiện, muốn cơm gà là có cơm gà.
Vậy đó, người Sài Gòn nói chung và những điểm sáng của lòng bác ái mà mọi người nhận thấy những nơi đang bày tỏ lòng nhân hậu mà Thiên Chúa mời gọi.
Những ước mong có nhiều nơi nữa, có nhiều Giáo Xứ nữ phát huy truyền thống lòng bác ái mà Chúa mời gọi để chung chia chút gì đó cho người nghèo.
Có khi ta vẫn còn nệm ấm chăn êm trong mùa dịch bệnh nhưng còn và còn nhiều lắm những anh chị em di dân đang rơi vào cảnh bế tắc khi việc mất mà tiền nhà cùng mọi tiền chi phí cơ bản phải thanh toán.
Khởi đi từ chuyện dịch bệnh ấy, Thiên Chúa lại rất thích những lòng nhân được người Kitô hữu bày tỏ sau cánh cổng Nhà Thờ và sau Thánh Lễ. Ta về thôi vì Thánh Lễ đã hết, nhưng đời ta là Thánh Lễ nối dài ... âu vẫn còn là lời mời gọi, lời nhắc nhở về việc sống đạo và giữ đạo của mỗi chúng ta.
Lm. Anmai, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét