Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Tóm tắc tiểu sử cố linh mục Đaminh Mai Ngọc Lợi.

Tiểu sử

Cha cố Ðaminh Mai Ngọc Lợi sinh ngày 01 tháng 11 năm 1926 trong một gia đình có truyền thống đạo đức tại Ninh Cường, Bùi Chu.

Cha của Cha cố Đaminh là Cụ cố Vĩ – ngành trưởng của dòng họ Mai thuộc ba tỉnh Nam Định, Thái Bình và Hà Nam. Cha cố Đaminh là người con thứ 6 trong gia đình có 10 người con. Người em thứ 8 của ngài là Đức Cha Ðaminh Mai Thanh Lương, nguyên Giám mục phụ tá Giáo phận giáo phận Orange County, California, Hoa Kỳ.


Cha cố Đaminh thụ phong linh mục vào ngày 23 tháng 09 năm 1957 tại nhà thờ Ðức Bà – Sài gòn. Và chỉ sau đó một tháng, ngài được bổ nhiệm về làm Cha phó Thanh Bình – Pleiku. Kể từ đó, ‘chàng linh mục trẻ 30 xuân xanh’ gieo mình vào cánh đồng truyền giáo vùng đất đỏ Bazan Tây Nguyên cho đến khi được Chúa gọi về ngày 06 tháng 04 năm 2016 cũng tại cánh đồng Truyền giáo này, sau 60 năm rảo bước loan tryền Tin Mừng.

Hạt lúa miến

Đẹp thay trên đồi núi

bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,

người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ (Is 52, 7).

Chắc hẳn Cha cố Đaminh Mai Ngọc Lợi không tự cho mình có những bước chân đẹp để gieo rắc Tin Mừng trên mảnh đất Tây Nguyên, như chính đời sống của ngài – một đời sống âm thầm, đạo đức, bình dị và luôn hi sinh vì đàn chiên và cho con từng con chiên một.

Tuy nhiên, khi nhìn vào cách đồng Truyền giáo Tây – Tây Nguyên, chúng tôi chân nhận rằng: cuộc đời ngài như ‘hạt lúa’ được gieo vào mảnh đất Truyền giáo, đã thực sự mục nát để trổ bông.

Chính ngài là linh mục tiên khởi đến vùng đất núi rừng Ðức Hưng Tây Nguyên để loan báo tin mừng cho những lớp người mất phương hướng di dân đến Tây Nguyên từ những vùng miền khác nhau; chính ngài là người đã công bố bình an cho hàng vạn người đang ở trong thời loạn lạc, giặc giã; chính ngài là người đã loan tin hạnh phúc cho bao gia đình trong cảnh chia ly, cho đất nước đang thời chia cắt; và cũng chính ngài là người công bố ơn cứu độ cho nhiều anh chị em ngoài kitô giáo.

Hành trình
… hạt lúa miến trong lòng đất mẹ

Sau chưa đầy một tháng thụ phong linh mục, Cha cố Đaminh – một thanh niên Sài thành, được sai đến vùng đất Tây nguyên trong tình trạng đất nước đang bị chia cắt và chương trình di dân lập nghiệp của nhà nước đương thời.

… hạt lúa miến
trong dòng người di dân 1957 – 1965

Từ tháng 02 đến tháng 03 năm 1957, đã có một cuộc di dân lớn từ các tỉnh đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một số dân Nam Bộ lên Tây Nguyên, lập các Dinh điền ở Gia Lai và Kon Tum….

Nói đến số lượng Dinh điền trên toàn lãnh thổ, thì ở Gia Lai là nhiều nhất: có 29 Dinh điền chia làm hai khu. Khu Dinh điền Pleiku I và khu Dinh điền Pleiku II với tổng diện tích gần 30.000 ha và tổng số 34.952 dân.

Phong trào di dân diễn ra ồ ạt và tổ chức Dinh điền quy mô như thế đã làm thay đổi rất nhiều bộ mặt của vùng đất Tây Nguyên. Để đáp ứng nhu cầu của anh chị em tín hữu tại vùng này, Đức Giám Mục địa phận là Đức Cha Phaolô Kim đã gởi nhiều linh mục đến để đảm trách mục vụ. Sứ mạng của Cha cố Đaminh cũng biến thiên theo đó.

Vào tháng 11 năm 1957, Cha cố Đaminh được bổ nhiệm về làm Cha phó của Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ tại giáo xứ Thanh Bình – vùng đất thưa thớt bóng người nằm về phía Tây – Tây Nam Pleiku, cách Pleiku khoảng 36km, thuộc huyện Chư Prông (Cư Prông). Đến năm 1958, Cha cố Đaminh được đổi đến phụ trách Ya Krel – cực tây vùng này.

Từ tháng tháng 12 năm 1958, Cha cố Đaminh nhận phụ trách thêm giáo họ Thiên Phước vì Cha Curien Kim – chánh xứ Phước Thiện nghỉ theo định kỳ hàng năm tại Pháp, Đức Giám Mục địa phận. Sau hơn một năm, Cha cố Đaminh trao hai sở họ Thiên Phước theo ý của Đức Cha địa phận, để đảm nhận đảm nhận một sứ vụ khác rộng lớn hơn và nhiều thách thức hơn.

Cuối năm 1959, Đức Cha Phaolô Seitz (Kim) bổ nhiệm Cha cố Đaminh về làm chánh xứ Đức Hưng nằm trong địa bàn hành chánh quận Lệ Thanh (nay thuộc Đức Cơ). Gọi là ‘giáo xứ’ Đức Hưng nhưng đây lại là giáo xứ chưa có giáo dân. Một vùng đất tuyệt đại đa số là dân ở nơi khác (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh) quy tụ tại Dinh điền Đức Hưng để làm ăn sinh sống. Đời cha xứ của Cha cố Đaminh là thế !

Nhưng sứ vụ của Cha cố Đaminh không chỉ ở ‘giáo xứ’ Đức Hưng thuộc Dinh điền Đức Hưng này với khoảng 15.000 khẩu.

Dầu không được phân chia phụ trách các Dinh điền khác, nhưng với lòng nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, Cha cố Đaminh còn rảo bước tìm đến những con chiên đang thuộc 6 Dinh điền khác (Đức Khánh, Thăng Đức, Lệ Phong, Giáo Trạch, Đức Vinh và Đức Nghiệp) nằm rải rác trên vùng đất có tổng diện tích gần 30.000 ha và tổng số 34.952 dân.

Theo như phân vùng địa lý Dinh điền mà chúng tôi đã trình bày ở trên, cùng với tình hình chiến cuộc trong những năm 1957 đến 1965, vùng đất mà Cha cố Đaminh đảm nhận quả là một vùng đất truyền giáo mới mẻ và đầy thách thức: một giáo xứ có tên Đức Hưng chưa có giáo dân, 6 Dinh điền chưa có linh mục đặt chân đến; Dinh điền gần nhất cũng cách ‘giáo xứ’ Đức Hưng 5km, có Dinh điền còn cách nơi Cha cố Đaminh 30 km; cộng vào đó địa hình hiểm trở, đối diện với cảnh rừng mới phát hoang, cây cối lỏng chỏng, hiu quạnh; đôi khi mất hút trong mong quạnh, nhiều thú ác rình rập; những con số không to tướng: không cơ sở tôn giáo, không nhà thờ nhà nguyện, không nhà xứ; sống trơ trọi giữa những anh em chưa từng quen biết, với ngôn ngữ bất đồng; lại nữa, chiến cuộc nổ ra liên tục.

Vậy… làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? (Rm 10, 14 – 15).

Cha cố Đaminh được sai đi, và thực sự, ngài đã đi… đi tìm kiếm, đi khai phá, đi gầy dựng và đi bảo vệ… đi loan báo Tin Mừng, đi công bố bình an, đi loan tin hạnh phúc, và đi công bố ơn cứu độ.

Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng ! Với niềm tín thác vào Chúa, Cha cố Đaminh rảo quanh các Dinh điền, qui tụ mọi người, dạy giáo lý, đọc kinh tối sớm, dâng thánh lễ mỗi ngày chủ nhật, và kết quả là mùa gặt bội thu. Trong vòng 6 năm (1959 – 1965), Cha đã rửa tội hàng ngàn người. Số giáo dân đã lên 3.750, chưa kể số lớn dự tòng. Và một ngôi nhà thờ được xây dựng trong khuôn viên 2 ha, tại thôn 4, xã Ðức Hưng, quận Lệ Thanh. Các nhà nguyện họ nhánh cũng được xây dựng.

… hạt lúa miến
bị thổi bay trong biến cố 1965

Năm 1965, chiến tranh xảy ra trên bình diện rộng ở vùng đất Cha cố Đaminh đang vun đắp. Chiến thuật tranh chấp các buôn làng xảy ra khắp nơi và làn khói bom đạn đã buộc bà con giáo dân di tản. Các Dinh điền vỡ nát. Giáo xứ bị tản mác, tan tác. Bà con mạnh ai nấy chạy. Con số giáo dân trong vùng đất ngài chăm sóc gần 5.000 người giờ đây chỉ còn lại 200.
Trước tình hình giáo dân gặp nhiều khó khăn đủ mặt trong cơn lốc chiến sự: đi cũng chết mà ở lại cũng khó sống, Cha cố Đaminh không chọn ở lại hay ra đi. Ngài chọn đời sống phục vụ như Thầy Chí Thánh Giêsu. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy (Ga 12, 26). Ngài và một cha phụ tá đã theo giáo dân đến phần đất mới.

Sau thời gian cố gắng tìm kiếm các tín hữu, đặc biệt là anh chị em Giáo xứ Đức Hưng mà ngài đã từng phụ trách, thuộc vùng Lệ Thanh đã di tản năm 1965, Cha cố Đaminh đã gầy dựng lại đàn chiên của Chúa. Với cố gắng và hy sinh, sau 3 năm (1965-1968), Cha cố đã quy tụ được một đàn chiên đông đảo và xây được ngôi thánh đường tại Thanh An (cách thị xã Pleiku 26km, nằm phía tây trên quốc lộ 19 nối dài, nay thuộc xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông).

… hạt lúa miến
dãi dầu trong nắng, gió và lửa 1968 và 1972

Chưa yên được bao lâu, Đức Hưng tại Thanh An lại rơi vào trong vùng chiến lược. Trận chiến Mậu Thân năm 1968 bùng lên. Giao thông trục lộ 19 bị gián đoạn và nguy hiểm vì bom mìn. Dân chúng phần lớn chạy vào thị xã Pleiku, một số bị kẹt giữa hai làn đạn. Cha cố Đaminh cũng chạy loạn với bà con giáo dân.

Thế nhưng, từ thị xã, biết còn một số giáo dân sống trong khói lửa tại Thanh An, Cha cố Đaminh lại vượt những đoạn đường đầy u đất có gài mìn, để về lại với đàn chiên, chung chia số phận với những con chiên đang đau khổ.

Chiến tranh gây đổ nát và huỷ hoại mọi cơ sở, Cha lại xây dựng lại bằng chính con tim và những giọt mồ hôi của mình. Năm 1971, hầu mong có một nơi thờ phượng cho xứng đáng, nhà thờ được Cha cố Ðaminh kiến thiết và xây dựng lại với diện tích 400m2.

Nhưng chiến tranh nối tiếp chiến tranh. Bà con giáo dân chưa hết kinh hoàng với Tết Mậu Thân 1968, thì Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 lại gây ra bao cảnh tang tóc. Cảnh chạy loạn trong bom đạn chiến cuộc còn ác liệt hơn lần trước. Một lần nữa, Cha cố Đaminh và giáo dân Giáo xứ Đức Hưng đối diện với cảnh đổ nát, điêu tàn của chiến cuộc. Không mệt mỏi, không chán chường, không thất vọng… Cha cố Đaminh lại bắt đầu xây dựng lại.

Người ta thường nói: ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà, thì một lần di tản còn tệ hơn cả cháy nhà. Thế mà, bà con giáo dân của Cha cố Đaminh di tản tới ba lần: 1965, 1968 và 1972. Nhưng chưa là một dấu chấm hết !

… hạt lúa miến
mục nát trong những ngày tháng 03 năm 1975

Chiến cuộc bao trùm cả Tây Nguyên, mà vùng Thanh An – Thanh Bình là điểm nóng. Giáo dân bị xáo trộn, chao đảo mạnh, vì sợ bom đạn, sợ bị báo thù… Một lần nữa dân chúng lũ lượt bỏ nhà cửa, đất đai, cơ ngơi, gồng gánh ra Pleiku, hối hả đến Hậu Bổn (tỉnh Phú Bổn, nay là huyện Ayunpa), lao mình ra khói lửa, chạy xuống Tuy Hoà. Chiến tranh loạn lạc, Cha con mỗi người mỗi ngả.

Vì đàn chiên là lẽ sống, Cha cố Đaminh lại một lần nữa di tản với con chiên của mình, bỏ lại tất cả đằng sau với ước nguyện:

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành (Ga 17, 24).

Và cũng vì đàn chiên, Cha Đaminh lại trở về với họ, sau cuộc chiến.

… hạt lúa miến
nát tan … ngày về: 1975 – 1986

Ngày về… Lịch sử sang trang khác, Dinh điền vỡ tan, giáo dân tan tác, anh em linh mục không trở lại, nhưng Cha cố Đaminh trở về đó như một chứng nhân lịch sử.

Ngày về… Quân đội bỏ Pleiku, Kontum. Dân chúng di tản để lại cảnh vườn hoang nhà trống.

Ngày 20 tháng 4 năm 1975, Cha cố Đaminh trở về trước cảnh hoang tàn, thương tâm. Địa sở Đức Hưng giờ trở nên tiêu điều, bộ mặt thân thương của giáo xứ đã biến đổi. Xác chết của bảy người lính Biệt Ðộng Quân VNCH và mười mấy người lính Bắc Việt nằm ngổn ngang từ trong nhà thờ ra đến ngoài sân, chẳng được chôn cất. Việc đầu tiên Cha cố làm là chính tay ngài đã chôn cất các thi hài này.

Cuối năm 1975, người di tản cũng dần dần trở về, những con người xa lạ lại xuất hiện, sinh hoạt đảo lộn, tương lai bấp bênh, bầu khí tôn giáo ngột ngạt. Tất cả bắt đầu một cuộc sống mà đa số chưa quen: sống bằng lao động chân tay, tập thể, cải tạo ruộng đất, công thương nghiệp….

Cha cố Đaminh và bà con giáo dân giờ lại bắt đầu xây dựng. Ngài củng cố cộng đoàn bằng việc tổ chức lại Ban chức việc và quan tâm giáo dục đức tin cho giới trẻ. Ngài đào tạo lớp huynh trưởng, anh chị phụ trách giáo lý, ban hát…. Ngài thúc đẩy trẻ em học văn hoá, Ngài mở lớp huấn nghề trong họ đạo. Và cũng chính ngài lao vào việc, quần cũ, áo lính cày xới với anh chị em giáo dân; gần gũi với từng người, đặc biệt những anh em thương binh, cùng làm vườn, xay lúa với họ.

Không dừng lại ở đó, nhìn thấy từng lớp người đến Tây Nguyên lập nghiệp trong năm đầu sau năm 1975, Cha cố Đaminh đã len lỏi vào trong những vùng đất những gia đình để ổn định và nuôi dưỡng đời sống đạo của họ.

Cha cố Đaminh đã tiến sâu vào vùng Tây – Tây Nam Pleiku, gồm có Thanh Bình, Hoàng Ân, Hoàng Tiến… (tiền thân của Giáo xứ Hoàng Yên). Chỉ nói riêng về Hoàng Yên, giáo dân có thể nhận ra Cha cố Đaminh – một linh mục ‘không chịu bó tay’ trước thời cuộc.

Cha cố Đaminh đã tìm đến được với họ và thánh lễ đầu tiên được tổ chức tại nhà một gia đình Công Giáo dưới hình thức … lễ giỗ ! Và cứ thế hết nhà này giỗ đến nhà kia giỗ ! Đức tin càng thêm sức sống mãnh liệt cho đến khi họ làm được một nhà nguyện chung lấy tên là giáo họ Hoàng Yên.

… hạt lúa miến
vươn mình, trổ bông: 1986 – 2016

Khi đất nước đang chuyển sang thời kỳ đổi mới, nhiều ‘cánh cửa’ được mở ra hơn, tưởng rằng cuộc đời Cha cố Đaminh có thể nghỉ ngơi. Nhưng không, … vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người ( Mc 10, 45).

Do thiếu linh mục, Cha cố Đaminh còn kiêm luôn 3 họ khác là Thăng Đức, Thanh Hà (… – 2006) và Phú Mỹ (… – 2005), với tổng số giáo dân 1.500 người và 10 anh em dự tòng. Mỗi ngày Chúa nhật và lễ trọng, Cha cố Đaminh dâng thánh lễ nhiều nơi, mà đường giao thông giữa các họ đạo trái ngược, có chỗ xa 40 km, nên Cha cố Đaminh phải bắt đầu dâng lễ vào lúc 5 giờ sáng, để rồi kết thúc thánh lễ trong ngày ở nơi khác lúc17giờ. Vất vả, nhất là vào thời tiết mưa gió, đường trơn trượt… Khó khăn, nhất là khi chính quyền địa phương không cho phép dâng Thánh lễ, nhưng Cha cố Đaminh vẫn không nản lòng. Ngài luôn tìm mọi phương cách để dâng Thánh Lễ, dầu là lễ ‘chui’.

Mùa Chay năm 1990, vào ngày lễ tro Cha Đaminh Mai Ngọc Lợi vào dâng thánh lễ (chui) đầu tiên cho khoảng 20 giáo dân cho nhóm anh chị em giáo dân Thanh Hóa di cư vào Chưprông trong những năm 1984. Sau những nổ lực ‘chui’, Cha cố Đaminh Lợi xin Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục giáo phận nâng giáo họ thành gíao xứ Thanh Hà. Tháng 08 năm 2006, chính quyền chấp thuận cho thành lập giáo xứ Thanh Hà.

Như một kết thúc sau những tháng ngày tái xây dựng và ổn định, năm 1999, nhờ công sức của các ân nhân và giáo dân, Cha cố Đaminh đã xây dựng được ngôi nhà thờ Đức Hưng khang trang to lớn như ngày nay, được khánh thành vào tháng 11 năm 2000. Nhưng dường như, điều chú tâm của Cha cố Đaminh không phải là xây nhà thờ, mà là xây những con người. Cha cố Đaminh đã xây dựng cho Giáo hội một ngôi ‘Thánh đường thiêng liêng” là đưa anh chị em giáo dân đa số từ bên lương trở lại công giáo. Ngài không những đã xây dựng một ngôi thánh đường đẹp đẽ nguy nga mà còn xây dựng biết bao ngôi thánh đường thiêng liêng xinh xắn trong tâm hồn mỗi người bằng đời sống đạo xác tín, bằng đời sống nhân bản, bằng cách sống hiên ngang chân chính giữa thời buổi đầy những khó khăn…

Cha Cố Đaminh – người họa lại chân dung
của Đức Giêsu

Như Giêsu đã nhập thể vào đời trong sự tín thác, Cha Cố Đaminh Mai Ngọc Lợi cũng đã vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa khi ngài đặt chân lên vùng đất truyền giáo Tây nguyên này.

Cũng ở tuổi 30 như Giêsu, Cha cố Đaminh đã bắt đầu sứ mạng rao giảng, ươm trồng, nuôi dưỡng và xây dựng những mầm đức tin cho một vùng đất bao la rộng lớn.

Như muốn sống với Giêsu trong hành trình Thương khó, Cha cố Đaminh đã quyết định ở lại với đàn chiên, dẫu có trôi dạt trong bom đạn, chiến tranh, chết chóc, chạy loạn hay di tản.

Và như một linh mục của Giêsu, sống giữa đàn chiên của Giêsu, Cha cố Đaminh đã sống trọn vẹn lựa chọn đời linh mục của mình cho đến giây phút cuối cùng: sống với người nghèo, cho người nghèo và bình an tuyệt đối. Điều đó được chứng minh bằng việc ngài vẫn an vui dâng Thánh lễ vào chiều ngày 05/04/2016 (một ngày trước khi ngài mất).

Vâng, cuộc đời Cha cố Đaminh đã và đang họa lại chân dung của Giêsu, hạt lúa miến gieo vào lòng đất, tan nát đời mình để sinh nhiều bông hạt. Cha đã trở về với đất để chờ ngày mùa và chờ Chủ Mùa Gặt gặt lúa về.

Pleiku, 11/04/2016

Lm. Phêrô Ngô Phan đình Phục

GPKONTUM (12/04/2016) KONTUM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét