1giờ sáng ngày 16.2.2014, anh niên trưởng Khóa 3 ĐCV Sài gòn báo tin: người anh em cùng lớp, Lm Giacôbê Nguyễn Kim Điền, Chánh xứ Giáo xứ Tân Mỹ vừa mới được Chúa gọi về vào lúc 00 giờ 10 phút, hưởng dương 57 tuổi. Anh em chúng tôi hiệp thông cầu nguyện và dâng thánh lễ sáng cầu nguyện cho anh Điền.
1.Canh thức
Chiều ngày 18.2, anh em Linh mục cùng lớp từ 7 Giáo phận đã tề tựu tại Nhà thờ Trung chánh (Cha Minh quản xứ). Đến 8giờ tối, anh em qua Nhà thờ Tân Mỹ, đeo khăn tang và cử hành giờ canh thức bên linh cửu của anh Điền.
Đông đảo bà con giáo dân mang khăn tang đang viếng xác, kinh nguyện sốt sắng bên quan tài đặt trước cung thánh.
Anh em ngồi quanh linh cửu anh cầu nguyện, hát thánh ca và chia sẻ cho nhau những kỷ niệm về cuộc đời anh. Bầu khí trầm lắng và thật cảm động, gợi nhớ những đức tin quý báu nơi anh: hiền lành, hay cười và luôn bình an. Từ năm 1980, Anh vào Đại chủng viện, được 2 năm chủng viện bị giải tán, anh về nhà kiên trì theo đuổi ơn gọi, mãi đến năm 1992 mới vào lại. Suốt 6 năm học, lớn tuổi hơn anh em, sức khỏe không tốt, anh học khá vất vả, rồi làm linh mục anh cứ bệnh tật liên miên, căn bệnh ung thư hành hạ nhiều năm cho đến khi anh qua đời. Anh em ngậm ngùi, sao anh vác thập giá nhiều và nặng đến vậy chứ! Ai cũng thương ai cũng đồng cảm và quý mến anh. Gần 15 năm làm việc, được phục vụ cho Chúa trong chức linh mục để minh chứng cho tình yêu Chúa, tình yêu kiên trì nhẫn nại qua chính con người và cuộc đời của anh. Anh em không có gì để chia sẻ cho anh ngoại trừ danh Chúa Giêsu Kitô. Anh mãi là gương sáng của lòng tin, lòng mến, lòng cậy trông vào Chúa cho anh em chúng tôi, và cho mọi anh em linh mục trẻ, vì sự nhẫn nại, hy sinh trong những khó khăn thử thách của đời anh.
Anh Điền ơi, chết là chia ly là mất mát, ngậm ngùi kẻ ở người đi. Nhưng dưới ánh sáng đức tin, chúng ta nhìn cuộc đời dưới khía cạnh lạc quan và tích cực. Chúng ta coi cuộc đời chỉ là một cuộc hành trình về quê trời, mình chỉ là khách lữ hành nơi trần thế thôi. Trong cuộc hành trình, mình phải nỗ lực vừa chịu đựng vừa vượt qua khó khăn để đi tới đích. Chúng ta nhớ lời Chúa đã dặn dò: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con... Thầy sẽ trở lại đón các con...”. Chúng ta cũng tin tưởng và lạc quan với lời thánh Phaolô nói với tín hữu Philipphê: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng chờ đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl3,20). Đồng thời, thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết thêm về ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta ở trên trời: “Chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cữu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1).
Có lòng tin như thế nên anh em chúng ta coi đời sống là một cuộc thử thách, đau khổ sẽ qua đi và chính đau khổ sẽ là phương tiện tiến tới vinh quang.
Cho đến lúc hồn ta trong hơi thở
Vẫn yên vui về cõi chết xa xôi.
Và u buồn là những đoá hoa tươi,
Và đau khổ là chiến công rực rỡ.
(Chế Lan Viên)
Đối với anh, giờ chết là giờ về với Chúa, về nơi Chúa đã dọn sẵn cho mình (x. Ga 14,1-6), ngày đó không phải là ngày sầu thương tang tóc mà là một ngày vui mừng. Chính vì thế, các bổn đạo đầu tiên gọi ngày chết là Dies natalis, ngày Sinh nhật trong Nước Trời. Với ý nghĩa đó, ông Walfany Goethe đã gọi “con người chết là một vì sao lặn để mọc huy hoàng hơn ở một bán cầu khác”. Giờ chết là ngày khải hoàn sau bao năm phải chiến đấu khổ cực ở trần gian.
Con người có sinh có tử, đó là luật của Đấng Tạo hoá đã an bài, không ai biết được mình sẽ ra đi vào ngày giờ tháng năm nào và ở đâu. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá, con người không thể làm ra sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết. Cầu chúc anh thượng lộ bình an trong chuyến đi đời đời vào lòng xót thương của Thiên Chúa.
Hơn 10giờ đêm, anh em mới trở về Nhà xứ Trung chánh nghỉ ngơi.
2.Thánh lễ
Thánh lễ an táng Linh mục Giacôbê được cử hành cách long trọng vào lúc 8g30 ngày 19.02.2014, tại Nhà thờ Giáo xứ Tân Mỹ, Hạt Hóc môn.
Đức TGM Phó Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế, đoàn đồng tế gồm 213 Linh mục đến từ nhiều giáo phận và dòng tu. Đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý linh tông huyết tộc và quý cộng đoàn trong, ngoài giáo xứ hiệp thông sốt sắng.
Đức TGM Phó Phaolô giảng lễ, suy niệm Tin mừng Mt 27,45-50,về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá.
Anh chị em rất thân mến,
Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết oan nghiệt giống như cái chết của Aben mà máu đổ ra kêu thấu tới trời.
Theo lời Tin Mừng, từ giờ thứ 6 tới giờ thứ 9, nghĩa là khoảng 12 giờ trưa tới 3 giờ chiều, tối tăm bao trùm toàn cõi đất, và màn ở trong đền thờ xé ra làm đôi ở chính giữa, chấm dứt cơ chế của thời cựu ước.
Cái chết của Chúa quả là cái chết oan nghiệt nhưng đó chỉ là mặt trái cái chết của Ngài, mặt phải cái chết ấy thì lại khác hẳn. Chính cái chết đó là cái chết cứu độ.
Cái chết đó biểu lộ lòng trung thành tuyệt đối của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa, biểu lộ lòng hiếu thảo tuyệt đối của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, và biểu lộ lòng tin tưởng hy vọng mà Chúa Giêsu đặt nơi Thiên Chúa là Cha của mình. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới thưa lớn tiếng: “Lạy Cha con xin phó thác linh hồn con ở trong tay Cha”.
Cái chết của Chúa Giêsu là một sự phó dâng. Phó dâng linh hồn, đó là cách nói phó dâng mạng sống mình cho Chúa Cha, là cái chết hy tế. Và chính sự phó dâng đó đã mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Và chính vì thế mà cái chết của Chúa trở thành cái chết để cho chúng ta được sống, để nhân loại được sống.
Theo lời thánh Luca: chính khi Chúa chết và phó thác linh hồn cho Thiên Chúa thì lúc bấy giờ Người trút hơi thở. Hơi thở ở đây là hơi thở của chính Người, mà Người là Con Thiên Chúa cho nên đây là hơi thở đây là Thần Khí của Thiên Chúa. Ngài trút hơi thở là Ngài trút lên cho toàn thể nhân loại, Ngài ban cho Giáo Hội hơi thở của Ngài. Và cũng chính nhờ hơi thở ấy, cũng chính nhờ Thần Khí đó mà tất cả chúng ta được cứu độ và được trở nên con cái của Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Có một cách nói khác được miêu tả trong Tin mừng Gioan, hôm nay sách Khải Huyền nhắc tới, đó là hơi thở, Thần Khí Ngài ban cho chúng ta khi Ngài chết được diễn tả trong hình ảnh nước sự sống từ cạnh sườn của Chúa chảy ra. Chính nước sự sống đó nuôi dưỡng tất cả loài người chúng ta, là sự sống cho loài người chúng ta, là sự sống cho Giáo Hội, là sự sống cho tất cả những ai tin tưởng vào Chúa Giêsu. Và chính nhờ hơi thở là Thần Khí, nhờ nước sự sống đó thì mới có thể có trời mới đất mới như sách Khải Huyền viết.
Anh chị em thân mến, đặc biệt anh em linh mục hiện diện nơi đây. Qua cái chết đau thương của cha Giacôbê, chúng ta thấy cách nào đó gần gũi với cái chết đau thương của Chúa. Tuy không phải là cái chết oan nghiệt, nhưng là cái chết rất đau thương. Qua cái chết đó tất cả chúng ta đều được mời gọi, đặc biệt là các linh mục hãy mạnh dạn góp phần vào việc canh tân đổi mới Giáo Hội để thực sự Giáo Hội có thể trở thành trời mới đất mới, hướng tới trời mới đất mới.
Hãy mạnh dạn canh tân đời sống linh mục của mình. Chỉ có thể mạnh dạn canh tân khi chúng ta có được hơi thở Thần Khí đó ở trong lòng chúng ta. Thần Khí của Thiên Chúa trong lòng chúng ta, khi chúng ta có được nước sự sống ở trong con người của mình thì chúng ta mới có thể mạnh dạn góp phần canh tân Giáo Hội và canh tân đổi mới chính cuộc đời của anh em.
Nếu anh em suy nghĩ về cái chết của cha Giacôbê và so sánh một vài mảnh đời, mình thấy như thế này: có những cuộc đời sao mà đau khổ quá, bệnh tật và thậm chí người ta nói là thất bại nữa, đau khổ rất nhiều, đau khổ cho đến chết, mới làm cha sở mấy tháng rồi bị chết; với những cuộc đời của một vài linh mục thì thành công rạng rỡ, người ta khen người ta vỗ tay, có rất nhiều điều kiện ngay trong đời sống trần thế này, ngay trong xã hội này, ngay trong lòng Giáo Hội, cả về phương diện vật chất nữa, có đầy đủ hết.
Nếu so sánh mảnh đời bất hạnh với mảnh đời một linh mục thành công ngay ở đời này thì anh em sẽ thấy rất khác nhau, một trời một vực. Nhưng cuối cùng anh em sẽ thấy có điều giống nhau, nghĩa là cuối cùng kết thúc cuộc đời thì ai cũng như ai thôi, kết thúc cuộc đời thì dù tất cả những đau khổ trần gian này cộng lại rồi cũng qua đi, đâu còn gì nữa đâu, đau khổ không còn, cái chết không còn, nước mắt không còn. Rồi một linh mục được vinh quang ở trần gian này nếu thật sự không biết chiều sâu, không có đời nội tâm, không có đời linh mục, để được phần thưởng của trần gian này liệu có hơn gì một linh mục đau khổ cả cuộc đời như vậy hay là như Chúa Giêsu đã nói: anh đã được phần thưởng ở thế gian này rồi.
Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ để mạnh dạn canh tân đời sống linh mục của mình. Đồng thời chúng ta suy nghĩ về một cái nhìn hết sức lạc quan, một cái nhìn tràn đầy hy vọng chứ không phải cái nhìn bi quan.
Chúng ta biết rằng, ơn cứu độ không phải chỉ là giải thoát: giải thoát khỏi sự chết, khỏi đau khổ, khỏi bệnh tật, không phải chỉ như vậy mà thôi nhưng ơn cứu độ đó còn là chính hạnh phúc mà Chúa chia sẻ cho chúng ta. Chúa muốn chia sẻ cho mọi người môn đệ của Chúa và đặc biệt chia sẻ cho anh em linh mục, những tông đồ đặc biệt của Người. Chính vì thế mà ơn cứu độ được ví như bữa tiệc linh đình được tổ chức ở trên núi, bữa tiệc vui vẻ vô cùng, hạnh phúc vô vàn. Chúng ta phải có cái nhìn mạnh mẽ như thế thì mới dẫn dắt, hướng dẫn Giáo Hội, dân Chúa lữ thứ trên con đường trần gian này để đi về cùng Chúa, một mai ngày chia sẻ hạnh phúc vĩnh hằng cùng với Chúa.
Và hôm nay trong thánh lễ này, chúng ta tin và đồng thời cầu nguyện cho anh em linh mục, đặc biệt cha Giacôbê được chia sẻ hạnh phúc vĩnh hằng được mô tả trong sách Isaia. Amen.
Cuối thánh lễ Cha Phó Xứ Tân Mỹ, Antôn Nguyễn Thanh Danh dâng lời cảm tạ.
Trong tâm tình yêu thương, suốt thời gian qua cũng như khi cha Giacôbê lâm bệnh cho tới lúc qua đời, quý Đức Cha, quý Cha quý Tu Sĩ Nam Nữ và quý vị đã đến thăm hỏi, động viên, thăm viếng, dâng lễ, và đặc biệt hôm nay lại một lần nữa đến hiệp dâng thánh lễ tiễn đưa và hiệp lời cầu nguyện cho cha sở chúng con được Thiên Chúa nhân từ xót thương và tha thứ những lỗi lầm thiếu sót để cha sớm về hưởng nhan thánh Chúa.
Chúng tôi cũng cám ơn đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy cũng như giáo xứ Tân Mỹ, hội kèn tây giáo xứ Lập Quang, hội mai táng Tân Phú Vinh cùng tất cả những ai thân quen đã giúp cha sở chúng con trong những ngày qua, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi tổ chức tang lễ hôm nay.
Trọng kính quý Nữ tu cộng đoàn Tân Mỹ thuộc hội dòng MTG Tân Lập, quý chức trong xứ họ, cùng toàn thể quý ông bà và anh chị em trong giáo xứ Tân Mỹ, giáo xứ Lộc Hưng, giáo xứ Trung Chánh, đã thay con túc trực giúp đỡ, chăm sóc cho cha sở Giacôbê từ tinh thần đến vật chất khi ngài nằm bệnh, đặc biệt khi ngài nằm xuống quý vị lại nỗ lực hơn nữa để giúp con và cùng con tổ chức tang lễ cho ngài. Và rồi, làm linh mục tuy được Chúa chọn nhưng cũng là con người, đôi khi cũng không tránh khỏi những lỗi lầm thiếu sót trong cuộc sống, trong đời sống mục vụ, vì vậy nếu cha Giacôbê có điều gì thiếu sót thì xin Đức Tổng Giám Mục Phó Phaolô, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ cùng toàn thể quý ông bà anh chị em thứ lỗi và cầu nguyện cho ngài. Xin tất cả mọi người cũng luôn tiếp tục và nâng đỡ cha sở Giacôbê chúng con trong lời cầu nguyện.
Đức TGM Phó Phaolô có những lời cuối.
Tôi nhận thấy, nói chung các cha trong Giáo Phận Sài Gòn làm việc rất tích cực, rất thương yêu chăm sóc giáo dân. Dĩ nhiên nhân vô thập toàn, nhưng những cố gắng đó được ghi nhận ngày hôm nay. Đồng thời, tôi cũng thấy giáo dân cũng rất tốt với các cha. Ít có nơi nào trên thế giới mà giáo dân nói chung cư xử tốt với các cha như giáo dân Việt Nam. Và giáo dân Việt Nam chúng ta cũng biết chăm sóc các cha trong đời sống mục vụ và đồng thời ngay cả trong đời sống vật chất thể lý khi các cha cần. Và tôi cũng nghe nói giáo xứ Tân Mỹ này đã làm những điều rất tốt, có tình cảm dành cho cha sở Giacôbê. Tôi hết sức chân thành cảm ơn quý cha cũng như cảm ơn giáo xứ.
Nhân dịp này, thay mặt cho Đức Hồng Y Gioan Baotixita, tôi xin tuyên bố: vì sự ra đi của cha Giacôbê, cha Antôn Nguyễn Thanh Danh sẽ làm quyền chánh xứ cho tới khi có quyết định chính thức.
Cha Hạt trưởng Hạt Hóc Môn Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng chủ sự nghi thức tiễn biệt.
Sau thánh lễ, cả cộng đoàn phụng vụ cùng trầm tư tĩnh lặng trên đoạn đường dài tiễn linh cửu đến nghĩa trang các Linh mục tại giáo xứ Trung Chánh.Cảm giác khi đứng trước nghĩa trang giữa rừng cây xanh um cũng thật đặc biệt. Những nấm mồ của các linh mục đã an giấc ngàn thu gây ấm lòng.Nghĩa trang như nối dài cuộc sống bình thường đến cõi thiêng liêng.
Mồ mả là chốn thiêng liêng nhất trong tâm thức người Việt. Mồ yên mả đẹp bao giờ cũng là phần thưởng lớn nhất và cũng là cuối cùng của một đời người. Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự sống thay đổi chứ không mất đi.
Sự tôn trọng đối với người đã chết hòa chung với sự tôn trọng đối với người còn sống. Những ngôi mộ các linh mục nằm gần gũi giữa cây xanh ruộng đồng nương rẫy. Một vòng đời đi qua, giống như một đoạn đường từ nhà ra đồng ruộng, lên rừng, rồi lại về nhà... Con người sinh ra ở trần gian không phải để để rồi vĩnh viễn cư ngụ tại đó, trái lại, đây chỉ là khởi đầu một cuộc hành trình về với Chúa.
Một cuộc sống hiến dâng phục vụ được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên. Trong sự tiễn đưa ấm áp của anh em Linh mục, linh tông huyết tộc, tu sĩ nam nữ, những bà con giáo dân nơi ngài từng phục vụ, trong sự đón nhận cũng ấm áp của đất trời...cha Giacôbê thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu.
Chính trong khát vọng về với Thiên Chúa, cội nguồn sự sống mà thi sĩ Tagore đã dâng lời kinh tha thiết:
Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận chốn huyền siêu. (Gitanjali 103,4).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Khóa 3 - ĐCV Sài Gòn.
W.GPPTVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét