“Giải trừ vũ khí trong truyền thông”- sứ mạng của người kể chuyện giữa thời đại tranh tối tranh sáng.
“Chúng ta hãy giải trừ vũ khí trong truyền thông khỏi mọi thành kiến và oán hận, khỏi cuồng tín và thậm chí là hận thù; chúng ta hãy giải thoát nó khỏi sự hiếu chiến.”
– Đức Thánh Cha Lêô XIV
Khi Đức Thánh Cha Lêô XIV kết thúc bài diễn văn dành cho giới truyền thông (12/05) sau Mật nghị bầu tân Giáo hoàng, ngài không nói bằng những khẩu hiệu hay lời kêu gọi đao to búa lớn. Ngài nói bằng ánh mắt của một người mục tử đã đồng hành với đoàn chiên suốt một chặng đường biến động – từ Tuần Thánh, đến cái chết của Đức Giáo hoàng Phanxicô, rồi những ngày căng thẳng của Mật nghị vừa qua. Giọng ngài trầm, ấm và đầy sự kỳ vọng, như nói với chính từng người: “Chúng ta đã sống những ngày thực sự đặc biệt. Và tôi hy vọng những ngày này đã phần nào hé mở mầu nhiệm nhân tính nơi mỗi người.”
Tôi đã đọc lại bài diễn văn đó nhiều lần – không phải với tư cách một người đọc tin tức, mà như một người đang được soi sáng sứ mạng của chính mình. Làm truyền thông Công giáo hôm nay không chỉ là đưa tin về Giáo hội, càng không phải tô vẽ một hình ảnh không thật. Đó là lời mời gọi “giải trừ vũ khí” trong ngôn từ, hình ảnh, thái độ – để truyền thông có thể trở thành nhịp cầu, chứ không phải bức tường; ánh sáng, chứ không phải làn khói mù mịt của định kiến và hằn học.
Từ lời nhắn nhủ ấy, tôi hiểu rõ hơn rằng truyền thông không chỉ là phương tiện – mà là một cuộc nhập thể. Ngôn từ có sức mạnh tạo nên thế giới. Một bài viết công bằng có thể cứu vãn danh dự một con người. Một hình ảnh đúng lúc có thể khơi dậy lòng trắc ẩn. Một video lắng đọng có thể giúp người khác cầu nguyện và trở lại. Truyền thông, đúng như Đức Thánh Cha nói, có thể trở thành “không gian của đối thoại”, có thể là “mảnh đất nuôi dưỡng hy vọng”, và sâu xa hơn, là một hành vi loan báo Tin Mừng bằng chính lối sống công chính và liên đới.
Chưa bao giờ các nền văn minh lại cọ xát trực tiếp với nhau như thời đại hôm nay – cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Các chuyến bay xuyên lục địa, những dòng người di cư, khách du lịch, người lao động, du học sinh, và hơn cả là dòng chảy thông tin xuyên biên giới, đang khiến mọi khác biệt về văn hóa, tôn giáo, giá trị sống va chạm nhau hàng ngày, hàng giờ. Trong sự va chạm ấy, nếu thiếu đi khiêm nhường, thiếu tôn trọng sự khác biệt, nếu không cùng nhau chia sẻ những giá trị phổ quát và hành động tích cực, thế giới này sẽ trở thành một bãi chiến trường văn hóa.
Chính vì thế, truyền thông hôm nay không chỉ cần đúng – mà còn cần khiêm tốn. Không chỉ nhanh – mà còn cần thấu cảm. Không chỉ hấp dẫn – mà còn cần đối thoại. Khi mỗi bản tin, mỗi hình ảnh, mỗi bài viết được tạo ra với tinh thần tôn trọng người khác, cởi mở trước những quan điểm khác biệt, và sẵn sàng thích nghi để tìm kiếm điểm chung vì thiện ích lớn hơn, khi ấy, truyền thông mới thực sự góp phần kiến tạo một nền văn minh: nền văn minh của tình liên đới, của hy vọng, và của lòng nhân.
Tôi xúc động đặc biệt khi Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự hiệp thông của Giáo hội với các nhà báo bị bắt giam vì đưa tin sự thật – những người “thuật lại chiến tranh, đôi khi phải trả giá bằng mạng sống mình.” Có lẽ chưa bao giờ lời chứng của những ký giả nơi tuyến đầu lại trở nên quý giá như hôm nay: nơi các vùng chiến sự, nơi tiếng nói của dân nghèo bị bóp nghẹt, nơi những thảm họa môi trường bị giấu giếm… Khi truyền thông dám đứng về phía sự thật, họ không chỉ thực thi một nghề – họ đang làm một việc cực kỳ nhân bản.
Tuy nhiên, sự thật không thể tách rời khỏi tình yêu. Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô từng nói: “Sự thật mà không có lòng nhân thì trở thành xét đoán cay nghiệt.” Người Công giáo làm truyền thông phải luôn đặt một câu hỏi: tôi viết điều này, tôi quay hình ảnh này, tôi dựng video này – với thái độ nào? Vì danh tiếng hay vì lòng nhân? Vì thu hút tương tác hay vì khơi lên sự sống? Vì công kích hay vì chữa lành?
Khi truyền thông trở nên nạn nhân của sự cực đoan, của những định kiến chính trị hay phe nhóm, của sự đua tranh hiếu chiến, thì chính nó trở thành một phần của xung đột. Nhưng khi truyền thông biết “giải trừ vũ khí” khỏi thành kiến, khỏi oán hận, khỏi đua tranh thị phi – thì nó mở ra một lối đi mới: nơi đó, ngôn từ không còn là đá ném, mà là lời chia sẻ; hình ảnh không còn là vũ khí, mà là ánh sáng; mạng xã hội không còn là bãi chiến trường, mà là không gian gặp gỡ.
Tôi nghĩ đến biết bao tình nguyện viên truyền thông trong các giáo xứ, các dòng tu, các giáo phận – những người không nổi tiếng, không có máy móc hiện đại, nhưng đang tận tụy ghi lại từng khoảnh khắc nhỏ bé của đức tin, tình bác ái và công bình. Những người ấy – chính là gương mặt của một truyền thông âm thầm chữa lành thế giới: bằng niềm tin, bằng sự thật, bằng lòng thương xót.
Giáo hội cần một truyền thông như thế – không ồn ào, không áp đặt, không tô hồng, nhưng chân thật, nhân bản và dẫn đưa đến Đấng là Chân lý. Thế giới cần những người kể chuyện như thế – biết lắng nghe, biết thấu hiểu, biết chọn hy vọng thay vì sợ hãi, chọn sự thật thay vì định kiến, chọn xây dựng thay vì chia rẽ.
Truyền thông Công giáo hôm nay – hơn bao giờ hết – được mời gọi không chỉ là một nghề, mà là một ơn gọi. Ơn gọi để giải trừ vũ khí khỏi chính ngôn từ của mình, và góp phần giải trừ vũ khí trong thế giới đang tổn thương vì chia rẽ, hận thù và sợ hãi.
An Bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét