Giọt nắng sau cùng tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Sáng ngày 21 tháng 4 năm 2025, mặt trời vẫn lên như mọi sớm mai, nhưng trên quảng trường Thánh Phêrô, dường như có một ánh nắng cuối cùng đang chầm chậm buông xuống, thổn thức giữa những mái vòm cổ kính và tiếng chuông ngân vọng. Lúc kim đồng hồ vừa điểm 7 giờ 35 phút, trái tim của một con người vĩ đại đã ngừng đập. Trong thinh lặng ấy, không gian như đông lại. Bao ánh mắt từ khắp năm châu đang đổ về nơi đây, mang theo những giọt nước mắt lặng thầm và lời thì thầm cuối cùng: “Tạm biệt Ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô.” Một người cha đã ra đi. Một người bạn của người nghèo, một người mang trái tim rộng lớn của Giáo hội, đã trở về Nhà Cha trong bình an.
Tôi - một người tín hữu nhỏ bé luôn dõi theo từng bước chân mục tử của Ngài qua màn hình, những trang sách, những lời giảng…xin được ghi vài dòng như nén hương lòng, tiễn biệt vị Giáo Hoàng của trái tim nhân loại.
Người con của Argentina, mang trái tim của cả thế giới
Sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires trong một gia đình di dân gốc Ý, Jorge Mario Bergoglio lớn lên giữa những con phố lộng gió của Nam Mỹ. Ngài từng là một cậu sinh viên chăm chỉ, một công nhân phòng thí nghiệm lặng lẽ, một nhân viên bán vé tàu điện giản dị... Nhưng trên hết, Ngài là một con người không ngừng tìm kiếm tiếng gọi của Thiên Chúa giữa những ồn ào của cuộc sống. Ơn gọi đã tìm đến Ngài, nhẹ nhàng mà dứt khoát, và từ đó, cuộc đời Ngài trở nên khí cụ bình an cho thế giới.
Khi được chọn làm Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo hội vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, Ngài đã chọn tước hiệu “Phanxicô”, để sống lại tinh thần nghèo khó, khiêm nhu và hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi.
Khoảnh khắc đầu tiên xuất hiện trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô, trước ánh mắt chờ đợi của hàng triệu người, ngài bước ra ban công Đền thờ, trước khi chúc lành cho dân Chúa Ngài cúi đầu, khiêm nhường xin cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện cho mình. Phép lành Urbi et Orbi hôm ấy đã mở đầu cho một triều đại giáo hoàng tràn đầy lòng thương xót. Mười hai năm sau, vào ngày 20 tháng 4 năm 2025 cũng chính nơi này, trong ánh sáng Phục Sinh năm 2025, ngài một lần nữa ban phép lành Urbi et Orbi như giọt nắng sau cùng rơi xuống quảng trường lịch sử. Một vòng tròn thiêng liêng được khép lại, triều đại giáo hoàng của lòng thương xót đã mở đầu và kết thúc bằng cùng một phép lành như lời từ biệt, nhưng cũng là lời nguyện chúc bình an vĩnh cửu cho toàn thể dân Chúa.
Một vị Giáo Hoàng của lòng thương xót
Tôi đã từng đọc thấy và nhìn thấy Ngài lặng lẽ bước đến những khu ổ chuột ở Rio, rửa chân cho người tù trong trại giam Ý, ôm lấy những người tị nạn ở Lesbos, Hy Lạp… Ngài không ngại bước vào những nơi bụi bặm nhất của nhân loại, để đưa bàn tay Chúa đến cho những ai tuyệt vọng.
Ngài từ chối những tiện nghi dành cho Giáo hoàng. Vẫn sống ở Nhà Thánh Marta thay vì điện Tông tòa. Vẫn đi xe đơn sơ, vẫn ăn trong phòng ăn chung, vẫn mang đôi giày cũ, viết tay từng bức thư mục vụ. Ngài sống giản dị như một tu sĩ Dòng Tên đích thực … những chi tiết ấy sẽ còn mãi trong ký ức của mỗi người tín hữu công giáo, đặc biệt là những ai từng tiếp xúc với Ngài.
Ngài không chỉ giảng dạy bằng lời, mà bằng cả đời sống. Không chỉ nói về Tin Mừng, mà chính Ngài là một trang Tin Mừng giữa thế gian.
Ngài ra đi… nhưng vẫn ở lại
Hôm nay, chúng ta không còn thấy bóng Ngài trên quảng trường Thánh Phêrô hay những buổi tiếp kiến thứ Tư. Nhưng lời Ngài vẫn vang vọng trong lòng Hội Thánh, trong từng thông điệp về bác ái, từng lời mời gọi sống đơn sơ, từng nhịp đập trái tim dành cho người yếu thế.
Hôm nay, quảng trường Thánh Phêrô lặng yên. Những giọt nắng chiều rơi nhẹ trên tượng Thánh Phêrô; không còn thấy bóng Ngài trên quảng trường Thánh Phêrô hay những buổi tiếp kiến thứ Tư, trên những bậc thềm đá nơi ngài từng bước qua. Không còn tiếng nói thân quen, không còn dáng ngồi trầm tư dưới mái vòm Vatican, nhưng lời Ngài vẫn vang vọng trong lòng Hội Thánh, trong từng thông điệp về bác ái, từng lời mời gọi sống đơn sơ, từng nhịp đập trái tim dành cho người yếu thế.
Tôi vẫn còn nhớ trong một bài giảng Ngài nói: “Chúng ta không được sống khép kín trong cung điện, nhưng phải mở cửa để Giáo hội trở thành bệnh viện dã chiến. Ở đó, người ta tìm thấy tình yêu và sự tha thứ.”
Hôm nay, bệnh viện ấy đã mất đi một vị lương y tuyệt vời. Nhưng tinh thần của Ngài sẽ còn chữa lành biết bao tâm hồn đang rướm máu trong thế giới này.
Và tôi tin rằng, Đức Phanxicô không đi mãi. Ngài chỉ đi trước, mở đường, như một mục tử không ngừng dẫn đoàn chiên về suối lành.
Lạy Chúa, xin thương đón nhận linh hồn Phanxicô
Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng xót thương đón nhận linh hồn Đức Thánh Cha Phanxicô, người tôi tớ trung tín vào hưởng ánh sáng vĩnh cửu. Nguyện xin những gì Ngài gieo trong đời sẽ tiếp tục trổ sinh những hoa trái thánh thiện trên cánh đồng Giáo hội.
Tạm biệt Ngài, người cha của lòng thương xót.
Tạm biệt Ngài, người cha hiền của chúng con.
Tạm biệt Ngài, người bạn của người nghèo.
Tạm biệt Ngài, chứng nhân khiêm nhu giữa lòng thế giới.
Con chiên của Ngài
Trong niềm tiếc thương và hy vọng phục sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét