Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Những “đóa hoa rừng” nơi miền cổng trời Kon Thụp - G.p Kontum.




Những “đóa hoa rừng” nơi miền cổng trời Kon Thụp - G.p Kontum.


Trong số hàng hàng loài hoa, những đóa hoa rừng vẫn khiến con người ta xao xuyến bởi vẻ đẹp độc đáo của nó. Không quá mượt mà, kiêu sa, đài các như những bông hoa được ươm trồng, hoa rừng có những nét hoang sơ, nguyên thủy đặc trưng. Không phải ai thích hoa cũng có thể thấu hiểu và yêu được những đóa hoa rừng; bởi vì chúng có sự độc đáo và hoang dã nên đòi hỏi sự kiên trì để cảm nhận, sự thông hiểu để chấp nhận những hình dáng có vẻ cứng khô tự nhiên của nó.
Kon Thụp là tên một xã vùng cao của huyện cổng trời Mang Yang, tỉnh Gia Lai, cũng là nơi đặt trung tâm cho một vùng truyền giáo rộng gồm 5 xã: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đăk Trôi và Kon Chiêng. Dân số toàn vùng khoảng 25.000 người, người Công giáo khoảng 1.000 người, đa số là người đồng bào thiểu số Bana có tập tính cộng đồng cao. Trong thời đại kỹ thuật số, đời sống văn hóa – kinh tế – xã hội của họ biến động một cách phức tạp, có khi mâu thuẫn, bởi những ảnh hưởng của internet tới thế hệ trẻ và phong tục tập quán truyền thống. Một bộ phận lớn người trung niên và người già không thể giao tiếp suôn sẻ bằng tiếng Kinh, giới trẻ khá thông thạo tiếng Kinh nhưng lại rất thụ động trong việc học hỏi giao tiếp với người Kinh. Đời sống kinh tế bấp bênh vì chủ yếu dựa vào nương rẫy, nền giáo dục và điều kiện y tế nghèo nàn khiến cho việc phát triển cộng đồng trở nên khó khăn, chưa có lối thoát ở tầm vĩ mô.
Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị cái nghèo dai dẳng đeo bám, và người đồng bào thiểu số Bana cũng không ngoại lệ. Họ nghèo về đời sống vật chất và đói về đời sống tinh thần, tôn giáo, mặc dù nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, các tổ chức tôn giáo và các tổ chức xã hội từ miền xuôi tiếp ứng lên không hề nhỏ. Dưới đây là một vài nguyên nhân chính:
  • Cách biệt địa lý dẫn tới hạn chế tiếp cận: vùng truyền giáo Kon Thụp cách thị trấn Kon Dơng (Mang Yang) khoảng 40 km và cách thành phố Pleiku 70 km, đường giao thông nhỏ và địa hình tương đối khó khăn để các phương tiện di chuyển dễ dàng và thông suốt.
  • Văn hóa, ngôn ngữ và xã hội co cụm: văn hóa vẫn tồn tại nhiều hủ tục, xã hội đồng bào Bana nơi đây còn giữ chặt những tục lệ không còn phù hợp với thời đại mới. Đặc tính làng xã còn khá kiên cố với những lệ bất thành văn khó bỏ.
  • Tỉ lệ người di cư đi làm ăn xa thấp: Tác phong nông nghiệp ăn sâu trong tiềm thức làm cho họ khó có thể hòa nhập được với môi trường có tác phong công nghiệp. Thanh niên đi làm ăn xa chỉ được một vài tháng cũng trở lại bản làng để làm nương rẫy. Bởi vì “Ta quen vậy rồi!”.
  • Trình độ học vấn thấp: Một điều chắc chắn phải khẳng định rằng không có lối thoát nào khác cho đồng bào thiểu số ngoài việc buộc phải thông thạo tiếng Việt. Nhiệm vụ này đặt lên vai của ngành giáo dục, tuy nhiên thực trạng giáo dục hiện nay ở vùng đồng bào thiểu số Bana nơi đây thật đáng quan ngại. Ở xã Kon Thụp, học sinh lớp 6, lớp 7 mà chưa biết chữ, chưa biết viết dường như là chuyện bình thường? Nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp” đã tự ý chán nản và bỏ học.
Những đóa hoa rừng vốn dĩ thật đẹp, nhưng với sự xâm lấn và hà khắc của một môi trường xã hội mới, những đóa hoa rừng có khi lạc lõng, phó mặc cho sự vùi dập của lốc, của bão, của chọn lọc xã hội mà họ có khi mới chỉ ngờ ngợ nhận ra thì đã muộn màng.
Trước thực trạng đó, thực thi công cuộc truyền giáo và dưỡng giáo nơi vùng sơn cước này tự nó đã không phải là chuyện dễ dàng. Ngoài những động thái của chính quyền sau vụ việc xử lý tà đạo Hà Mòn, những nguồn dư luận tiêu cực, vu khống âm ỉ từ một số tôn giáo khác, tới những hủ tục bám chặt lấy xã hội người đồng bào thiểu số, nhà thừa sai thực sự phải luôn thận trọng và kiên vững trong khát vọng gieo và giữ Tin Mừng nơi vùng đất này. Linh mục Quản xứ Kon Thụp Antôn Ngô Hồng Tú, SVD và linh mục phó xứ F.X. Trần Thanh Có, SVD đã và đang bằng nhiều cách để hỗ trợ người dân nơi đây phát triển đời sống đạo hạnh và cố gắng nâng cao hiểu biết cũng như biết tự ý thức hướng tới tương lai của họ.
           Tin tưởng rằng, với ơn Chúa, sự cố công không ngừng nghỉ của những anh em truyền giáo nơi đây, những đóa hoa rừng sẽ luôn khoe sắc, ngát hương như đã từng. Để rồi từ đó, mỗi đóa hoa rừng kết hợp với nhau, tô thắm hơn cho Giáo hội Chúa Kitô và góp phần làm cho đời sống địa phương thêm khởi sắc.
Gió Kon Thụp.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét