Lễ Đức Maria Nữ Vương 22.08 : Nguồn gốc và ý nghĩa.
I. NGUỒN GỐC LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG
-Thời Cựu ước, phụ nữ Do Thái khắp nước Giuđêa hoặc cư ngụ bên Ai Cập bỏ Đức Giavê mà thờ Thiên nữ vương, nên đã bị tiên tri Giêrêmia kịch liệt lên án (Gr 7:18; 44:15-28). Thiên nữ vương là nữ thần ái tình và sự phong phú tình yêu. Thiên nữ vương cũng là nữ thần tình ái thời xưa với nhiều tên khác nhau: là Venus tại nước Rôma, là Aphrodita tại nước Hy Lạp, là Ishtar tại nước Assyria (miền Bắc Irak ngày nay), là Atargatis tại nước Syria (giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Irak, Lebanon, và Israel), là Astarta tại nước Phoenicia (nay là miền duyên hải của các nước Syria, Lebanon và Israel), là Mylitta tại nước Babylon (miền nam Irak ngày nay), và là Isis tại nước Ai Cập.
-Sang thời Tân ước, Giáo hội Đông phương quan niệm rằng Đức Maria mới thực là Thiên Nữ Vương, nhưng là "Nữ Vương tình yêu xinh đẹp" (Hc 24:18).
-Thánh Ephrem viết những kinh mô tả Đức Mẹ là Bà Chúa, là Nữ Vương lộng lẫy hơn các thần Cherubim và vinh quang hơn các thần Seraphim, là Mẹ, là Đấng Trung gian.
-Giáo Hội Đông phương và Giáo hội Tây phương có kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương, thế kỷ XI), kinh Regina coeli (Lạy Nữ Vương Thiên đàng, thế kỷ XII), kinh Ave Regina coelorum (Lạy Nữ Vương các tầng trời, thế kỷ XII).
-Kinh cầu Đức Bà tôn vinh Mẹ là Nữ Vương các thần thánh gồm tám câu. Tám câu trên đây do Đức Piô VII thêm vào, từ cuộc lưu đày bên Pháp về Rôma ngày 24-5-1814.
Câu "Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông" do Đức Piô IX thêm vào ngày 8-12-1854 dịp ngài tuyên tín Đức Mẹ đầu thai vô nhiễm.
Câu "Nữ Vương linh hồn và xác lên trời" do Đức Piô XII thêm vào ngày 1-11-1950 dịp ngài tuyên tín Đức Mẹ hồn xác lên trời.
Câu "Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân côi" do Đức Lêô XIII thêm vào ngày 24-12-1883 để xin Mẹ phù giúp xây dựng lại xã hội suy đồi.
Câu "Nữ Vương ban sự bằng yên" do Đức Bênê-đictô XV thêm vào ngày 16-11-1915 để xin Mẹ cứu thế giới khỏi đệ nhất thế chiến.
Câu "Nữ Vương các gia đình" (giữa hai câu "Nữ Vương rất thánh Văn côi" và "Nữ Vương ban sự bằng an") do Đức Gioan Phaolô II thêm vào Kinh Cầu Đức Bà ngày Chúa nhật 31-12-1995, ngày Lễ Thánh Gia, để cầu cho các gia đình đang gặp nhiều khó khăn giữa thế giới hôm nay.
II. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ
- Thế kỷ 4, giáo hội Đông phương đã tôn kính Đức Mẹ là Nữ vương trong kinh cầu nguyện, nhưng chưa có lễ kính.
- Thế kỷ 11, Giáo hội Tây phương mới có các kinh cầu xin cùng Mẹ Nữ Vương.
- Năm 1900, nhiều đơn từ khắp Giáo hội gửi về Rôma tâu xin Đức Thánh Cha thiết lập Lễ Đức Mẹ Nữ Vương cho toàn thể Giáo hội,
- Năm 1925, Đức Piô 11 lập lễ Chúa Kitô Vua, phong trào vận động thiết lập lễ Mẹ Nữ Vương ngày càng lớn mạnh.
- Năm 1933, một đền thờ lớn tại Port-Said gần cửa kênh Suez, Ai Cập, đã được cung hiến Đức Maria, Nữ Vương thế giới.
- Năm 1954, Đức Thánh Cha Piô XII ban hành Thông điệp Ad Coeli Reginam và thành lập Lễ Đức Mẹ Nữ Vương cho toàn thể Giáo hội và mừng vào ngày 31 tháng Năm.
- Năm 1969, theo chiều hướng canh tân Phụng vụ, Đức Phaolô VI đã đổi lễ Nữ vương sang ngày 22 tháng Tám sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày 15 tháng Tám.
-Theo ĐTC Bênêdictô 16: Lễ kính Đức Mẹ Maria Trinh Nữ Vương, do vị tôi tớ Chúa là Đức Piô XII thành lập năm 1955, và việc canh cải phụng vụ do Công Đồng Vatican II đã bổ túc cho lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời, vì hai đặc ân này làm thành cùng một mầu nhiệm."
III. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ
Theo thần học, vương quyền của Mẹ Maria có những ý nghĩa sau đây:
A. Vương quyền của Mẹ phải được ở trong địa vị vương đế của dân Thiên Chúa, vì Mẹ là Mẹ Giáo hội, là chi thể tối cao và đặc biệt của Giáo hội, luôn mật thiết kết hợp với Giáo hội (LG, 53, 63). Và dân Chúa được ban hưởng tự do vương giả (1Pr 2:9; Kh 1:6; 20:4-6), chiến thắng ách thống trị tội lỗi nơi họ (LG, 36). Do đó, là Nữ Vương, Mẹ đã chu toàn sứ mạng hồi tại thế và còn thi hành sứ mạng ở trên trời. Sứ mạng của Mẹ có ba trạng thái:
1) Mẹ chiến thắng sự dữ nhờ đặc ân Vô nhiễm thai, và chiến thắng địch thù cuối cùng là sự chết (1 Cr 15:26) nhờ đặc ân Hồn xác lên trời.
2) Vương quyền của Mẹ là phục vụ theo tinh thần Phúc âm (Lc 22:24-40). Tuy là Nữ Vương, Mẹ xưng mình là nữ tì của Chúa (Lc 1:38) hết mình phục vụ nhiệm cuộc Cứu rỗi của Chúa.
3) Mẹ chấp nhận thực hiện Nước Thiên Chúa. Mẹ đồng thuận sứ điệp của thiên sứ về vương quyền vô tận của Đấng Thiên Sai (Lc 1:32-33).
B. Vương quyền của Mẹ chấp nhận đường lối của Phúc âm. Đường lối Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng, khác đường lối nước thế gian. Nước thế gian thực hiện bằng thống trị, kiêu căng, ích kỷ. Nước Thiên Chúa thực hiện bằng tình yêu, hy sinh và tận hiến. Đã được thừa hưởng Nước Thiên Chúa, Mẹ được Chúa Thánh Thần trao ban quyền giải thoát thế gian khỏi sự dữ và dìu dắt dân chúng về làm con cái Thiên Chúa.
C. Vương quyền của Mẹ thông phần vương quyền của Chúa Kitô. Mọi quyền năng trên trời dưới đất thuộc về Chúa Kitô (Mt 28:18). Mẹ cũng được thông phần vương quyền của Chúa Kitô trên ngai Đavít mà Thiên sứ đã loan báo cho Mẹ (Lc 1:32-33) vì Mẹ chịu thai và sinh ra Chúa (Lc 1:31).
D. Vương quyền của Mẹ hoà nhịp với những khát mong chính đáng của tâm trí con người thời nay. Ngày nay đầy những quyền thống trị bất công, đàn áp dưới nhiều hình thức, cần phải đổi hướng về công lý hoà bình và tình thương, để xoa dịu những đau khổ của con người. Vương quyền Mẹ Maria chói sáng tình thương, hoà bình và chân lý soi dẫn các nhà cầm quyền trên khắp thế giới.
IV. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ
Bài đọc I: Isaia 9:1-3, 5-6.
Lời tiên tri Isaia nói về dân chúng ở trong một xứ tăm tối âm u cùng cực và đói khổ, thời vua Assur nước Syria xâm chiếm Israel và bắt dân đi lưu đày. Tiên tri loan báo một ánh sáng loé rạng trong tối tăm: Một con trẻ đã sinh ra, một con trai được ban xuống. Vai Ngài đỡ lấy quyền bính và thiên hạ hoan hô tướng hiệu Ngài là "Mưu Sư sự lạ, Thần anh dũng, Cha đời đời, Vua bình an". "Quyền bính Ngài bao la. Bình an của Ngài vô tận trên ngai Đavít cho nước Ngài được vững bền kiên cố". Giáo hội luôn nhìn nhận lời tiên tri trên đây đã được thực hiện nơi Chúa Kitô, là Vua, là Con của Đức Trinh Nữ Maria.
Phúc âm: Luca 1:26-28.
Thánh truyện Truyền tin đã được chọn lựa để giải thích lời tiên tri Isaia về vương quyền Chúa Kitô, Con của Đức Trinh Nữ Maria: "Ngài sẽ làm lớn và được gọi là Con Đấng Tối Cao". Ngài sẽ làm lớn vì "Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavít, cha Ngài. Và Ngài sẽ làm Vua trên nhà Giacóp cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng tận". Cựu ước cũng đã nói triều đại Vua Đavít sẽ cha truyền con nối đến vô tận. Lời hứa này đã thực hiện nơi Chúa Kitô là Vua đời đời. Thưa "Xin vâng" với lời mời gọi của Thiên Chúa, Trinh Nữ Maria đã chấp nhận sứ mạng trong chương trình của Thiên Chúa về triều đại Vua đời đời.
V. THÁNH KINH
- Sáng thế 3:15: Đức Mẹ được dự liệu cộng tác mật thiết với Chúa Kitô trong công cuộc Cứu thế. Mà vì Chúa Kitô đã được tôn vinh là Vua do cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết và Đức Mẹ đồng công Cứu chuộc với Chúa, nên Đức Mẹ cũng được chia sẻ cùng quyền với Chúa.
- Luca 1:33: Con của Mẹ sinh ra là Vua và vương quyền của Người sẽ vô cùng vô tận. vì Mẹ hợp tác với Con Mẹ trong việc được tôn phong lên ngai vàng David, nên Mẹ cũng được tôn phong là Thái hoàng ngay khi Mẹ chịu thai Chúa.
- Matthêu 2:1-12: Ba vua nhận biết Ấu Chúa Kitô là Vua, tất nhiên cũng nhận biết vương quyền của Mẹ Người.
- Hoàng hậu Esther và bà Giudith như là hình bóng Mẹ Maria Nữ Vương.
- Thánh vịnh 45:10: Hoàng hậu đứng bên hữu Đức Vua mặc đồ trang điểm vàng ròng.
L.m. Phêrô, CMC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét