Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ - vị mục tử nhiệt thành truyền giáo và thành lập các giáo xứ.


Ngày 15.08.2020 giỗ lần thứ 13 cha Phaolô Võ Quốc Ngữ, xin ôn lại bước chân truyền giáo của ngài từ Đà Lạt, Kontum đến BMT.


Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ - vị mục tử nhiệt thành truyền giáo và thành lập các giáo xứ.

 Bước chân người tông đồ truyền giáo dường như không cho phép ngài dừng chân ngơi nghỉ. Vì thế, năm 1961, ngài giã từ Pleiku lên đường trở lại vùng đất Ban Mê làm quản xứ giáo xứ Thọ Thành.


Thời sơ khai của giáo hội, thánh Phaolô được xem như là nhà truyền giáo lỗi lạc của mọi thế hệ, và là nhà khai phá tài ba nỗi danh về việc thiết lập các giáo đoàn mới. Hành trình truyền giáo của ngài đi xuyên lục địa. Thời hiện đại, tiếp bước thánh Phaolô, vị thánh quan thầy, Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ cũng được người người ca tụng là nhà truyền giáo nhiệt tâm, nhà khai phá không ngơi nghỉ, và là người nổi danh về việc thiết lập các giáo đoàn mới. Hành trình truyền giáo của cha như là hành trình xuyên Việt từ Bắc chí Nam, bởi bước chân cha Phaolô đã in dấu trên 7 giáo phận: Phát Diệm, Quy Nhơn, Kontum, Xuân Lộc, Đà Lạt, Long Xuyên và Ban Mê Thuột.
Để bày tỏ lòng cảm phục, kính mến và để ghi nhớ công ơn to lớn của Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ đối với giáo hội Việt Nam, chúng tôi xin cố gắng ghi lại hành trình và những dấu chân của ngài, vị tông đồ nhiệt thành và người mục tử hết lòng vì đoàn chiên yêu dấu.
Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ sinh năm 1922, là con trai trưởng trong một gia đình nông dân công giáo hiền lành đạo đức. Gia đình có 7 anh em, 3 trai và 4 gái. Thân phụ là ông cố Gioan Võ Văn Hùng và thân mẫu là bà cố Maria Nguyễn Thị Thúy, sinh sống tại làng Hiếu Nghĩa, Xã Tuy Hậu, Huyện Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình.
Năm 1932, lúc 10 tuổi, chú Ngữ được cha già Phú, chánh xứ Tôn Đạo, nhận làm con thiêng liêng và cho vào học tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Giáo Phận Phát Diệm. Năm 1940 học trường Latin. Lúc đó, Thầy Ngữ rất giỏi tiếng Pháp, nên trong một dịp cấm phòng do cha người Pháp giảng tĩnh tâm, Thầy đã nhận ra nhu cầu truyền giáo cho người thượng tại Cao Nguyên Kontum. Vốn bản tính rất năng động, thích phiêu lưu mạo hiểm, và với hồn tông đồ truyền giáo thôi thúc mãnh liệt, nên Thầy đã không ngần ngại xin theo cha người Pháp vào Kontum để rao giảng tin mừng cho anh em sắc tộc miền cao nguyên này. Năm 1945, Thầy đang học triết học và thần học tại Đại Chủng Viện Quy Nhơn thì chiến tranh bùng phát. Đại Chủng Viện phải giải tán. Thầy phải trở về nhà ở với cha mẹ. Trong lúc đó, quê hương Thầy đang gặp nạn đói, nhà ở xa xứ đạo, đường xá lầy lội, tiết trời rét buốt, khăn áo mong manh, nhưng cứ mỗi sáng, mỗi ngày, Thầy vẫn cố gắng đều đặng đến nhà thờ tham dự thánh lễ và học hỏi thêm nơi cha xứ. Năm 1948, Thầy được theo học thần học tại Đại Chủng Viện giáo phận Bùi Chu và được chịu chức linh mục vào ngày 2/8/1952, lúc 30 tuổi và lấy khẩu hiệu đời linh mục là “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm cha phó giáo xứ Cư Tam, giáo Phận Bùi Chu. Vì Ngài thông thạo tiếng Pháp, nên mỗi khi Quân Pháp càng quét bắt dân, ngài đến can thiệp xin về, có lúc lên đến hàng mấy trăm người, trong đó có cả những cán bộ cách mạng.
Năm 1954, ngài theo giáo dân di cư vào Nam. Khởi đầu hành trình của ngài tại miền Nam là việc thành lập Giáo xứ Tân Mai, Biên Hòa trong 3 tháng. Rời Biên Hòa, ngài đi lên Bảo Lộc thành lập Giáo xứ Tân Bùi, Bảo Lộc trong 7 tháng. Vào trung tuần tháng 11 năm 1955, rời khỏi vùng đất sương mù giá lạnh, ngài đến với vùng cao nguyên đất đỏ Ban Mê bạt ngàn, khởi đầu bằng việc thành lập Giáo xứ Kim Châu. Với lòng nhiệt thành không cho phép ngơi nghỉ, nên khi Giáo xứ Kim Châu vừa đang được dần dần ổn định, ngài lại tiếp tục mở rộng địa bàn với việc thành lập Giáo xứ Kim Phát ngay bên cạnh giáo xứ Kim Châu. Lập thêm giáo xứ thôi thì chưa đủ, ngài lại thành lập giáo họ Kim Thành. Khi giáo xứ vừa bắt đầu thành hình, ngài liền nghĩ tới việc thành lập thêm cộng đoàn mới, nên ngài đã sẵn sàng chuyển giao giáo xứ lại cho cha già Yên coi sóc để tiếp tục tiến về dòng sông Sêrêpôk để thành lập giáo xứ Giang Sơn nằm giữa dòng sông chảy siết và núi cao hùng vĩ. Nhìn về hướng đông của ngọn núi cao hùng vĩ, có một số gia đình định cư trên hòn đảo chơ vơ. Để thuận tiện cho việc đi lại và quy tụ dễ dàng, ngài quyết định thành lập giáo họ Đông Sơn. Khi việc xây dựng cộng đoàn tạm ổn định, đời sống giáo dân trên đà phát triển thì tháng 8/1958, ngài lại xin Đức cha Kontum cử cha Nguyễn Hữu Nghị về làm quản xứ Giang Sơn và Đông Sơn để ngài tiếp tục lên đường tiếng lên tỉnh Pleiku để khai phá và tạo thêm các trại dinh điền mới. Và ngài đã làm quản xứ giáo xứ Thánh Tâm, giáo xứ Mỹ Thành và Hiếu Đạo.
Bước chân người tông đồ truyền giáo dường như không cho phép ngài dừng chân ngơi nghỉ. Vì thế, năm 1961, ngài giã từ Pleiku lên đường trở lại vùng đất Ban Mê làm quản xứ giáo xứ Thọ Thành. Vừa lãnh sứ mạng mới, ngài lại bắt tay vào việc xây dựng nhà thờ Thọ Thành. Năm 1962, khi công việc xây dựng nhà thờ hoàn thành, cũng là lúc ngài nói lời chia ta với đoàn chiên lên đường đi về hướng quốc lộ 27 để thành lập giáo xứ Hòa Bình.
Sau những năm tháng xả thân quên mình cật lực, xây dựng cơ sở vật chất, củng cố và phát triển đời sống đức tin dân Chúa, ngài đã ngã bệnh. Vì vậy, năm 1964, ngài xin phép Đức Cha đi dưỡng bệnh ở vùng sông nước Long Xuyên. Nhưng lạ thây, dưỡng đường ngài nghĩ ngơi không phải là nơi an nhàn thư thái, mà là đoàn chiên với muôn ngàn những lắng lo, bởi Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ lại nhờ ngài trông giúp giáo xứ Tân Thành và Ngọc Thành. Bầu nhiệt huyết đam mê xây dựng trào lên trong lòng ngài, nên dù mang tiếng là dưỡng bệnh, nhưng ngài lại ra tay tái thiết nhà thờ Ngọc Thạch. Năm 1965, hình như bệnh cũng đã thuyên giám, và nhà thờ cũng vừa tạm ổn, công đoàn chưa kịp mừng, thì đành phải nói lời tạm biệt với ngài vì ngài phải trở lại Ban Mê đầy kỷ niệm. Ở gắn bó, đi nhớ thương, trên đường về Ban Mê, ngài lại dừng chân trên quốc lộ 14 để thành lập giáo xứ Quy Hòa. Năm 1966, sau khi giáo xứ vừa thành lập xong, đời sống cộng đoàn bắt đầu đi vào nề nếp, ngài lại rời Quy Hòa để đi Phước An. Chính tại đây, ngài thành lập giáo xứ Thuận Hiếu, và khở công xây dựng nhà thờ Thuận Hiếu. Với uy tín lớn và tài ngoại giao nên tháng 4 năm 1966, ngài được điều về nhà thờ chánh tòa Ban Mê Thuột để cùng với Đức Cha Kim và cha Trần Thành Hòa hoàn tất các văn bản chia tách giáo phận tiếp thu khu đất và nhà của các sơ dòng Bênêđictin làm cơ sở tòa giám mục Buôn Mê Thuột – một giáo phận mới được tách ra từ giáo phận Kontum. Cũng trong thời gian này, ngài tiếp tục giúp đỡ Đức Cha Kim chuẩn bị văn bản thành lập và cơ sở vật chất để Dòng Nữ Vương Hòa Bình được hiện diện và phát triển nơi giáo phận mới.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nói về Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ vị mục tử nhiệt thành truyền giáo trong bài tiếp theo, rất mong quý vị và các bạn quan tâm theo dõi.

PHẦN II :
Với ước nguyện cả cuộc đời được sống giữa đoàn chiên, những ngày cuối đời được nghỉ hưu với đoàn chiên, nhất là được an nghỉ giữa đoàn chiên, và mong ước được chết trong vòng tay của Mẹ Maria yêu mến, những giây phút cuối đời, ngài không ngừng nhắc đi nhắc lại điệp khúc: “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đưa con về với Mẹ”, “Lạy Mẹ của con, con muốn nhờ Mẹ”. 

Văn Việt
Thời sơ khai của giáo hội, thánh Phaolô được xem như là nhà truyền giáo lỗi lạc của mọi thế hệ, và là nhà khai phá tài ba nỗi danh về việc thiết lập các giáo đoàn mới. Hành trình truyền giáo của ngài đi xuyên lục địa. Thời hiện đại, tiếp bước thánh Phaolô, vị thánh quan thầy, Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ cũng được người người ca tụng là nhà truyền giáo nhiệt tâm, nhà khai phá không ngơi nghỉ, và là người nỗi danh về việc thiết lập các giáo đoàn mới.
Từ năm 1954 đến năm 1968, trong vòng 14 năm Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ đã thành lập 10 giáo xứ là Tân Mai, Tân Bùi, Kim Châu, Kim Phát, Kim Thành, Giang Sơn, Đông Sơn, Hòa Bình, Quy Hòa, và Thuận Hiếu. Đồng thời ngài quản sáu giáo xứ là: Thánh Tâm Pleiku, Mỹ Thành, Hiếu Đạo, Thọ Thành, Tân Thành và Ngọc Thành.
Sau khi Giáo Phận Buôn Mê Thuộc được thành lập, cuối năm 1968, ngài được cử đi làm quản xứ giáo xứ Chi Lăng. Cuộc sống nơi xứ mới chưa yên ổn, mới chỉ được 4 tháng một ngày, vì công việc khởi đầu của một giáo phận đòi hỏi nhiều bàn tay tài ba tâm huyết. Do đó, năm 1969, ngài được mời về làm quản lý Tòa Giám Mục, đồng thời khởi công xây dựng tiểu chủng viện Phaolô Lê Bảo Tịnh, chuẩn bị nhân sự tương lai cho giáo phận. Hình như ngài có duyên nợ với giáo xứ Chi Lăng hay sao, mà sau khi công việc xây dựng tại Tiểu Chủng Viện tạm ổn, ngài lại khăn gói tới giáo xứ Chi Lăng lần thứ hai trong thời gian 11 tháng 11 ngày.
Sau một thời gian như trả hết nợ với giáo xứ Chi Lăng, năm 1970, ngài được sai đến với miền đất xa xôi cách trở, đó là vùng đất Phước Long. Tại đây, ngài lãnh xứ mạng làm quản xứ giáo xứ Phước Long. Sau 2 năm củng cố và phát triển cộng đoàn, năm 1972, giả từ Phước Long, ngài lên đường trở lại Buôn Mê Thuộc nhận trách nhiệm quản xứ giáo xứ Vinh Quang. Giáo dân của giáo xứ Vinh Quang càng ngày càng gia tăng nên một số gia đình đã di cư về phía Buôn Hồ để lập nghiệp, vì vậy năm 1974, ngài lại nói lời chia tay với bà con giáo xứ Vinh Quang, để đi thành lập giáo xứ Vinh Phước, đồng thời bắt tay xây dựng nhà thờ Vinh Phước, một giáo xứ mới nằm ngay bên cạnh giáo xứ Vinh Đức. Năm 1976, sau thời gian đi cải tạo về, ngài trở lại làm quản xứ giáo xứ Vinh Đức.
Năm 1980, ngài trở lại thành phố Buôn Mê Thuộc, tới thung lũng đầy thơ mộng làm quản xứ giáo xứ Hưng Đạo. Năm 1985, rời thung lũng, ngài đi đến Châu Sơn, núi ngọc, lãnh trách vụ quản xứ giáo xứ Châu Sơn. Sau thời gian miệt mài củng cố và phát triển giáo xứ Châu Sơn, năm 1989, từ biệt giáo xứ Châu Sơn ngài về nghỉ tại Tòa Giám Mục để chờ đợi cơ hội thuận tiện để trở lại giáo hạt Phước Long. Nóng lòng chờ đợi ở tòa giám mục thấy không ổn và không thuận tiện, nên cuối năm 1989, ngài xin Đức Cha về Sài Gòn lưu trú tại nhà hưu dưỡng Hà Nội để thuận tiện cho việc chăm sóc mục vụ cho giáo dân giáo hạt Phước Long vốn đang vắng bóng chủ chăn. Niềm mơ ước bấy lâu đã thành hiện thực, ngày 23/11/1991 ngài được chính thức về lưu trú tại giáo xứ Long Điền, làm quản hạt Phước Long, quản xứ Long Điền.
Bấy giờ, cả giáo hạt rộng lớn chỉ có vỏn vẹn 2 linh mục nên ngài đã đảm nhiệm thêm các giáo xứ Nhơn Hòa, Sông Bé, Phước Long, giáo họ Sơn Long và Sơn Giang. Nhận thấy nhu cầu từ các vùng sâu, vùng xa của giáo hạt khi giáo dân ngày càng gia tăng, ngài đã nỗ lực thành lập giáo họ An Bình, và giáo họ Đặc Ân. Vì số giáo dân đông, cộng thêm việc chăm sóc anh chị em sắc tộc, nên cần thêm người cộng tác, ngày 19/11/1994 ngài đã lo liệu sắp xếp thành lập cộng đoàn Dòng Nữ Vương Hòa Bình Long Điền với tôn chỉ “lo cho anh em sắc tộc”. Với lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt, ngài đã ra công tái thiết trung tâm hành hương Đức Mẹ Thác Mơ.
Năm 1997, sau cơn bệnh thập tử nhất sinh, nhưng được Chúa cho bình phục, ngài đã giao cho cha phó Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hậu nhận sở để về tiếp quản khu vực Đồng Xoài vừa được Giáo Phận Phú Cường bàn giao lại. Chính tại đây, ngài được giao trách nhiệm quản xứ Giáo xứ Đồng Xoài, và kiêm nhiệm giáo xứ Tân Hưng, giáo xứ Tân Lập, giáo xứ Thuận Lợi, giáo họ Thuận Phú, giáo họ Tân Hòa, và giáo họ Tân Lợi. Đồng thời ngài cũng thành lập giáo họ Đồng Tâm, và giáo họ Tân Điền. Ngày 17/9/1997, ngài đã lo liệu xắp xếp để thành lập cộng đoàn Dòng Nữ Vương Hòa Bình Đồng Xoài.
Ngày 10/01/2000, mặt dù tuổi cao sức yếu, và thấm mệt sau thời gian dài quên mình phục vụ, ngài xin nghỉ chức vụ quản hạt giáo hạt Phước Long, và xin nghỉ công tác mục vụ vì lợi ích chung của Giáo Hội. Nhưng chủ chăn giáo phận đã xin ngài cố gắng sức về lại Phước Long, một giáo xứ chưa có cơ sở vật chất, một đoàn chiên còn tản mát, và vì vâng lời vị chủ chăn khả kính, ngài đã vui lòng trở lại giáo xứ Phước Long lần thứ 2 để tái thiết và hồi sinh giáo xứ vốn chịu nhiều thiệt hại sau chiến tranh. Thế là một lần nữa, ngài âm thầm lãnh sứ mạng quản xứ giáo xứ Phước Long lần thứ 2 sau gần 30 năm xa cách.
Ngày 15/10/2001, dường như biết trước giờ an nghỉ đã gần kề, nên ngài tranh thủ sắp xếp thành lập cộng đoàn dòng Nữ Vương Hòa Bình Phước Long. Khi ngôi thánh đường cuối cùng ngài xây dựng còn dang dở, khi đoàn chiên cuối đời ngài chăm sóc vừa mới hồi sinh, khi cộng đoàn dòng tu công ngài thiết lập chưa được mừng đầy tháng, thì ngày 23/11/2001 ngài đã đi hưu dưỡng tại nhà dưỡng bệnh giáo phận tại giáo xứ Long Điền.
Về dưỡng bệnh tại nhà dưỡng bệnh Long Điền, tưởng là từ nay ngài được nghĩ ngơi, nào ngờ đâu, bề trên giáo phận lại xin ngài phục vụ cho đến giây phút cuối cùng. Nên dù đã nghĩ hưu, nhưng ngài vẫn tiếp tục điều hành công việc quản trị vườn cao su giáo phận tại Long Điền, một tài sản giáo phận do chính tay ngài gầy dựng và chăm sóc.
Với ước nguyện cả cuộc đời được sống giữa đoàn chiên, những ngày cuối đời được nghỉ hưu với đoàn chiên, nhất là được an nghỉ giữa đoàn chiên, và mong ước được chết trong vòng tay của Mẹ Maria yêu mến, những giây phút cuối đời, ngài không ngừng nhắc đi nhắc lại điệp khúc: “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đưa con về với Mẹ”, “Lạy Mẹ của con, con muốn nhờ Mẹ”. Và mong ước của ngài đã thành hiện thực, ngài được ra đi về cùng Chúa với Mẹ vào lúc 3h15 phút ngày 16/08/2007 khi mà cả giáo hội vừa hân hoan long trọng mừng chính Mẹ được diễm phúc được Hồn Xác Về Trời.
Thánh lễ đồng tế an táng được cử hành lúc 9h00 sáng ngày 20/08/2007 tại nhà thờ giáo xứ Long Điền, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, giám quản Tông Tòa giáo Phận Ban Mê Thuột chủ tế. Thi hài của ngài được an nghĩ cùng với đoàn chiên ngài tại đất thánh giáo xứ Long Điền, giáo phận Ban Mê Thuột.
Tác giả Văn Việt.

2 nhận xét:

  1. Có một thời gian dài ngài làm chánh xứ giáo xứ Hùng Sơn khu dinh điền Thanh Bình . Ngày Cha Ly trần Giáo dân giáo xứ Thanh Bình ( lúc này đã di tản về ở giáo xứ Đức an tập trung đi đưa tiển) mà không thấy nhắc đến tron bài viết này

    Trả lờiXóa
  2. cám ơn bài viết của ae, cố gắng viết đúng ngữ pháp tiếng việt và nên viết đúng những địa danh.

    Trả lờiXóa