Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT XVI TN NĂM A.




PHỤNG VỤ LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT XVI TN NĂM A. Xin xem bài giảng bên dưới.

BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC –  Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973

BÀI ĐỌC I: Kn 12, 13. 16-19
“Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người. Chúa chỉ tỏ sức mạnh Chúa ra khi có kẻ không tin vào uy quyền của Chúa, và triệt hạ kẻ kiêu căng không nhìn biết Người.
Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 85, 5-6. 9-10. 15-16a
Đáp: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung (c. 5a).
1) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. – Đáp.
2) Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa. – Đáp.
3) Nhưng lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung và thủ tín. Xin đoái nhìn đến con và xót thương con. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 8, 26-27
“Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 24-30 hoặc 24-43
“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: ‘Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?’ Ông đáp: ‘Người thù của ta đã làm như thế’. Đầy tớ nói với chủ: ‘Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ’. Chủ nhà đáp: ‘Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.
Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.
Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Đó là lời Chúa.
 “LÚA Ở ĐÂU, CỎ LÙNG THEO ĐÓ
(Suy niệm Chúa nhật XVI TN-A: Mt 13, 24-30)
M. Lasan Châu Sơn
Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng lối nói ẩn dụ qua ba dụ ngôn: cỏ lùng, hạt cải và, men trong bột để diễn tả về mầu nhiệm Nước Trời.
Chúng ta cùng dừng lại nơi dụ ngôn cỏ lùng để suy gẫm, hầu có thể rút ra những thực hành cụ thể trong cuộc sống thường nhật.
Đối với những người làm nông nghiệp, việc diệt cỏ dại để cho vườn cây, ruộng lúa xanh tốt bội thu được ưu tiên hàng đầu. Nắm bắt nhu cầu thiết thực của khách hàng, các hãng sản suất thuốc diệt cỏ đã tung ra những sản phẩm đa dạng diệt cỏ chọn lọc; chuyên diệt cỏ lá tròn, lá dẹp rồi có cả thuốc diệt hạt, diệt mầm… nhưng thực tế sau dăm bữa nửa tháng sị thuốc diệt cỏ thì cỏ dại có vẻ còn mọc tốt hơn trước. Điều ấy chứng tỏ rằng đất tốt cho lúa thì cũng tốt cho cỏ hay nói cách khác lúa mọc ở đâu thì dường như cỏ lùng cũng mọc theo đấy. Cũng tương tự như trong thế gian này có cả người lành kẻ dữ cùng sống bên nhau.
Chúa Giêsu đã ám chỉ điều này, khi kể cho các thính giả nghe dụ ngôn cỏ lùng, và Ngài giải nghĩa rằng: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái các thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. Vậy, như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa mà đốt đi thế nào thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”.
Thực tại lúa-cỏ lùng, hay nói trắng ra là thực tại tốt-xấu, thiện-ác vẫn đang sống động trong thế giới, trong Giáo hội, trong đan viện hay trong mỗi gia đình chúng ta. Theo chủ quan chúng ta muốn dật phăng những thứ “cỏ lùng” đó đi, nhưng lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng: hãy kiên nhẫn, đợi cho đến mùa gặt, kẻo nhổ “cỏ” mà lại làm chết “lúa” (x. Mt 13,29). Thánh Phaolô cũng nhắn nhủ rằng: “Anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến” (1 Cr 4,5). Bởi vậy, chúng ta hãy nhẫn nại, “chịu đựng những yếu đuối xác hồn của nhau”: chồng nhẫn nại với vợ, vợ nhẫn nại với chồng, anh chị em đồng tu nhẫn nại với nhau, đừng kì thị, coi thường hoặc “dán nhãn” anh chị em mình, dù họ có gian tham, độc ác, ăn nói điêu ngoa... Vì, nếu như cỏ vẫn mãi là cỏ chẳng thể nào trở thành lúa được, thì ngược lại kẻ xấu vẫn còn hy vọng trở thành người tốt, trở thành những ông thánh lớn, bà thánh lớn, thành những vị Phật tương lai... Chính vì lẽ đó mà Chúa hằng kiên nhẫn đợi chờ họ.
Mặt khác, xét ở phương diện cá nhân, không ai có thể phủ nhận thiện-ác đang đấu tranh ngay trong chính bản thân mình. Dù biết phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự thế mà sao chúng ta vẫn thích thú chạy theo các thụ tạo. Dù biết phải sống công bình, bác ái thế mà sao chúng ta cứ bóc lột, bất công, ích kỷ. Dù biết phải sống bao dung, tha thứ thế mà sao chúng ta cứ mãi hận thù… Vâng. Nếu Chúa chấp tội nào ai đứng vững được chăng! Nếu Chúa như viên cảnh sát rình chờ, bắt chộp, rồi khử trừ người tội lỗi, thì hỏi thế gian này sót lại được mấy người công chính đây? Nói như thế không có ý khuyến khích chúng ta nhởn nhơ, chai lì trong tội. Không. Chúng ta hãy trở về “khi trời còn sáng”, như người con hoang đàng trở về để hưởng phúc lạc bên Cha. Nhìn lại cuộc đời của các thánh, chẳng hạn thánh Mađanêna, thánh Phêrô, hay thánh Augustinô… lẽ nào lại không khơi lên trong chúng ta khát vọng thánh thiện này sao?
Chuyện kể rằng:
Có một tu sĩ phạm lỗi nặng về lời khấn. Thầy liền đến xưng thú cùng vị linh phụ. Ít lâu sau thầy tái phạm và lại đến xưng thú với linh phụ. Sau nhiều lần như thế, thầy cảm thấy mệt mỏi, chán nảnvà thất vong về bản thân mình. Thầy quyết định bộc bạch hết nỗi lòng với vị linh phụ:
- Thưa cha!Con thất vọng về chính bản thân con. Con muốn nên thánh thiện nhưng con không vượt thắng được tội lỗi. Con phải làm sao đây? Vị linh phụ âu yếm vỗ về:
- Con ạ! Chúa không thất vọng về bản thân con thì con chớ thất vọng về lòng Chúa thương con. Con hãy sống bình an, phó thác đường đời cho Chúa, nếu có phạm tội thì con hãy xin Chúa tha thứ và cứ làm như vậy cho đến khi Chúa gọi con ra khỏi thế gian này.
Vâng, mong ước cho bản thân, mong ước cho nhân loại trở nên hoàn thiện là nỗi khắc khoải chung của tất cả mọi người. Tuy nhiên, khát mong đó chỉ trở nên thực tế khi mỗi người thực hành việc hoán cải tâm hồn.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin nâng đỡ tình cảnh yếu hèn của chúng con, giúp chúng con biết canh tân bản thân, canh tân Cộng đoàn và gia đình trong tinh thần cầu nguyện, sám hối và hy sinh, hầu có thể dâng lên Chúa những hoa trái tốt lành “30, 60, 100” trong mùa gặt sau hết. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét