Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

Linh mục – Nhạc sĩ Ân Đức và bài "Dấu ấn tình yêu" viết trên nông trường Củ Chi.


Linh mục – Nhạc sĩ Ân Đức và bài "Dấu ấn tình yêu" viết trên nông trường Củ Chi.
Ngay tại nông trường Củ Chi, trong khắc nghiệt của thiên nhiên, những thử thách nội tâm của đời tu lại biến thành chất lãng mạn thánh trong Linh mục - Nhạc sĩ Ân Đức.
Trong những năm đầu của thập niên 1980 chúng tôi cùng học với thầy Hoan (thầy Hoan chính là Linh mục – Nhạc sĩ Ân Đức sau này) nhiều năm trong một lớp nhạc chính quy đặc biệt do Nhạc sư – Linh mục  Tiến Dũng giảng dạy.

Sáng tác “theo cách riêng của mình”

Gọi đặc biệt vì đây là lớp nhạc sau cùng của Cha Tiến Dũng, nơi ngài “rút ruột” để truyền đạt. Nhóm chúng tôi gồm bảy nhạc sĩ thánh ca, gồm tôi, thầy Hoan, LM Nguyên Hòa, Ngọc Kôn, P. Kim, Tiến Linh và Quốc Vinh.
Mỗi người khi đến học đều đã có sáng tác được một số người biết đến. Tuy vậy, tất cả đều như những “học trò ngoan, lần đầu tới lớp” trước sự nghiêm khắc, tâm huyết và uyên bác của cha Tiến Dũng. Không ai dám đến lớp muộn quá năm phút, chỉ trừ thầy Trần Ngọc Hoan được cha nhân nhượng vì ở quá xa thành phố, tận nông trường Củ Chi.
DẤU ẤN TÌNH YÊU LÀ BÀI THÁNH CA ĐƯỢC GẮN LIỀN VỚI CÁI TÊN ÂN ĐỨC VÀ CŨNG LÀ TÊN ĐẶT CHO NHIỀU ALBUM THÁNH CA CỦA LINH MỤC TRẦN NGỌC HOAN.
Cùng học một thầy nhưng mỗi người đều có quá trình tiếp xúc với âm nhạc khác nhau. Năm 1974, sau khi vào Dòng Xitô Phước Sơn, thầy Hoan mới bắt đầu sáng tác “theo cách riêng của mình” chứ chưa được học qua trường lớp hay thầy nào cả.
Ba tháng hè năm 1980, thầy được cho về thành phố học nhạc theo kiểu “học được cái gì hay cái nấy” với các nhạc sĩ Hùng Lân, Viết Chung, Xuân Thảo, Phạm Đức Huyến, thậm chí học cả guitar phím lõm với nghệ sĩ Văn Vĩ. Phải đến năm 1988, thầy mới có duyên đến học cha Tiến Dũng một cách chính quy trong lớp nhạc.
Sau năm 1978, thầy Hoan cùng với 12 anh em trẻ tình nguyện đến nông trường Phạm Văn Cội II (Củ Chi, còn gọi là nông trường Lô 6 hay nông trường Thiên Chúa giáo). Đây là quãng thời gian ấn tượng nhất cho hành trình cuộc đời theo Chúa của Linh mục Ân Đức. Dấu ấn cuộc đời này là lần tuyên khấn trọn đời vào tháng 4 năm 1980.

Như cây sậy yếu đuối vang lên những giai điệu tuyệt vời

Dấu ấn tình yêu được sáng tác nhân dịp lễ tuyên khấn trọn đời của một người anh em cùng dòng với tác giả tại nông trường năm 1985.
Sau khi đọc nhiều lần bài thơ số 1 trong tập Lời Dâng của thi hào Rabindranath Tagore, thần hứng cộng với nhạc hứng đã giúp Ân Đức sáng tác bài thánh ca nổi tiếng này. Hai phiên khúc đầu nói lên dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa in đậm trong cuộc đời Kitô hữu nói chung và cuộc sống thánh hiến của người tu sĩ nói riêng.
Ca từ của phiên khúc 3 và điệp khúc là sự khắc họa lại tư tưởng của Tagore: Khi tay Người bất tử âu yếm vuốt ve, trái tim nho nhỏ trong tôi ngập tràn vui sướng, thốt nên lời không sao tả xiết. Tặng vật Người ban vô biên vô tận, nhưng để đón xin tôi chỉ hai tay bé nhỏ vô cùng (Lời dâng số 1, bản dịch của Đỗ Khánh Hoan).
Hình ảnh “cây sáo của Ngài” ở phiên khúc 3 là một hình ảnh rất đẹp trong thi ca của Tagore. Thi hào đã dùng hình ảnh cây sáo sậy để nói về thân phận con người: Chỉ xin để tôi biến đời mình thành bình dị thẳng ngay như chiếc sáo sậy để Người phả đầy âm nhạc vào trong (Lời Dâng, số 7).
Chỉ trong bàn tay của Thượng Đế, nghệ sĩ vĩ đại, thì cây sáo mới vang lên được những giai điệu tuyệt vời. Ân Đức đã cảm thấy không có gì hạnh phúc hơn khi được Thiên Chúa sử dụng đời mình, để như ống sáo bằng cây sậy yếu đuối vang lên những giai điệu theo ý của Người.
Trên nông trường nắng gay gắt như thiêu đốt, nhưng mưa đến cũng bất chợt và sũng ướt. Những cơn mưa lớn làm Ân Đức liên tưởng đến muôn vàn ân huệ Thiên Chúa ban cho con người. Nhưng con người quá giới hạn, với hai bàn tay quá nhỏ bé, không thể nào đón nhận và chứa hết được tất cả hồng ân của Chúa cho dầu đôi tay đã rộng mở. Ý tưởng này đã hình thành nên ca từ nổi tiếng của điệp khúc:
Hồng ân Chúa tràn trề tháng năm

Tay con nhỏ bé đón sao cho vừa.

Tựa đề Dấu ấn tình yêu khá lãng mạn nhưng cũng như đa số các bản thánh ca khác của linh mục Ân Đức, đều liên quan đến đời sống thánh hiến. Tuy nhiều người cho rằng nhạc Ân Đức hợp với giới tu trì hơn nhưng thật ra có không ít người ở cõi tục vẫn rất yêu mến các thánh ca của cha.



– Ân Đức là cách mà tác giả phiên âm tên thánh bổn mạng Edouard của mình sang tiếng Việt.
– Những ca khúc được dệt từ tư tưởng của Tagore mang màu sắc rất “Ân Đức” bên cạnh các bài thánh ca quen thuộc khác như: 
Biết Chúa, biết con; Khúc hát một loài hoa, Tình khúc…

TS NGUYỄN BÁCH. donghanhonline.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét