Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Ở Ðăk Kia - Kontum có một tấm lòng.




Sống lặng lẽ trong một nếp nhà nhỏ giữa trại phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, TP Kontum), nữ tu Y Phương (dòng Ảnh Phép Lạ) dù đã nghỉ hưu nhưng ngày ngày vẫn tiếp tục nâng đỡ cho người phong, một công việc vốn đã được dì thực hiện hơn nửa thế kỷ nay.

Mẹ mất lúc 4 tuổi, sau đó 2 năm, ba cũng bị bệnh và qua đời, Y Phương và em trai từ nhỏ đã do ông bà nội cưu mang. Lớn lên một chút, trong những lần đi lễ ở nhà thờ gỗ, nhìn thấy các nữ tu dạy đàn, tập hát cho ca đoàn, trong lòng Y Phương ngày ấy đã ao ước được đi tu. “Thấy các sơ bận áo đẹp, rồi hiền nữa nên tôi thích lắm. Thích được như mấy bà”, nữ tu đơn sơ nói. Niềm mong mỏi được dâng hiến cuộc đời cho Chúa không chỉ là ước muốn nhất thời của tuổi trẻ mà theo thời gian càng được vun bồi. Để rồi năm 1961, dì xin vào dòng Ảnh Phép Lạ. Trong thời gian còn ở nhà tập, dì còn tham gia học lớp y tá, ngoài ra, có một năm tìm hiểu về công việc hộ sinh tại Đà Lạt. Sau khi khấn trọn vào năm 1962, vị nữ tu vào trại phong Đăk Kia, bắt đầu cho một chuỗi ngày tận tụy phục vụ.
Ở Đăk Kia, dì hằng ngày xoay vần với việc phân phát thuốc men, băng bó, chăm sóc cho người phong. Ban đầu còn có các nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái giúp, nhưng đến khi họ về lại Sài Gòn, trại phong chỉ còn sự hiện diện của các chị dòng Ảnh Phép Lạ. Có giai đoạn, cả trại chỉ có dì và một nữ tu cùng dòng. Hai người chia nhau công việc, hễ người này ở nhà chăm người bệnh, người kia lo việc làm rẫy, coi sóc heo, gà để trang trải chi phí sinh hoạt. Thời điểm ấy, trại phong tập trung rất đông bệnh nhân đến từ khắp các tỉnh Tây Nguyên. Họ đến Đăk Kia nương náu, mang theo những vết thương thể xác và một nỗi mặc cảm khôn nguôi trong lòng, bởi lúc ấy bệnh phong vẫn còn bị xem là bệnh rất đáng sợ.
Ở trong trại, mỗi ngày chứng kiến những cảnh đời bất hạnh, nữ tu Y Phương càng thấy mình không thể bỏ mặc những con người đang cần đỡ nâng này. Dì tâm sự: “Mới đầu thực sự mình cũng sợ chứ. Giúp họ băng bó hay hộ sinh mà tay cứ run run. Nhưng rồi cái thương nó thắng cái sợ. Mình lo họ không khỏi bệnh nên ráng giúp được bao nhiêu thì giúp”. Với vị nữ tu đã gắn gần cả đời mình với người phong này, tình thương nảy nở rất tự nhiên và được cho đi vô điều kiện. Bởi thế, trong suốt quãng đời đã đi qua, có biết bao lần dì đã thức trắng để băng bó cho bệnh nhân, hoặc nửa đêm, nghe có tiếng gọi cửa, lại thức giấc, tay lỉnh kỉnh dụng cụ, tất tả đi lo cho người đang chuyển dạ. Thời đó chưa có đèn điện như bây giờ, đêm khuya trại phong chìm trong màn đêm đen đặc. Vậy mà chỉ với ánh đèn dầu le lói trên tay, người nữ tu thoăn thoắt bước nhanh, sợ bệnh nhân phải chờ đợi mình quá lâu.
Hầu hết thời gian trong ngày, dì dùng để chu toàn cho người phong, rồi còn tranh thủ trồng lúa, chăn nuôi để có thêm thu nhập, nhưng số tiền làm ra cũng chỉ đủ cho một cuộc sống đạm bạc, gói ghém; dù vậy, tấm lòng luôn rộng mở đón nhiều mảnh đời bơ vơ. Có không ít trường hợp chưa làm kịp thủ tục, dì giúp tiền ăn uống trong thời gian chờ nhập viện. Bao nhiêu năm ở bên cạnh săn sóc người phong là bấy nhiêu năm, người nữ tu còn gánh vác cả vai trò một người mẹ. Thấy trẻ mồ côi, mới sinh không chốn nương tựa, dì lại nhận về nuôi. Những người con nuôi ấy bây giờ đều trưởng thành, có việc làm và đã gầy dựng cho mình một tổ ấm riêng.
Nay đã trên 80 tuổi, nhưng dì vẫn ở lại Đăk Kia. Bệnh nhân phong nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh của một bà cụ thấp người, tay nặng trĩu túi bánh mì của những đoàn từ thiện đến thăm tặng, phát tận tay cho từng người trong trại. Hay khi có ai sắp sinh nở, vẫn thấy cái dáng nhỏ bé ấy ân cần cúi xuống bên cạnh phụ giúp.
Đối với từng người ở trại phong Đăk Kia, nữ tu Y Phương chính là minh chứng sống động cho một cuộc đời luôn hy sinh vì tha nhân.
THIÊN LÝ.cgvdt.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét