Ngày 08 tháng 4 năm 2017, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố việc Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Cha ĐAMINH NGUYỄN VĂN MẠNH làm Giám mục Phó giáo phận Đà Lạt.
(x. https://www.youtube.com/watch?v=NEjwXvxtBWE (23phút)
Giáo phận Đà Lạt được Tòa Thánh thành lập ngày 24/11/1960. Giáo phận mới này được trao cho Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, nguyên Giám quản Tông tòa giáo phận Sài Gòn, với 81 linh mục triều và dòng, 77.324 giáo dân trên tổng số dân 254.669 người. Vào thời điểm này, có 1.547 giáo dân người dân tộc thiểu số trong tổng số gần 100.000 người trong địa bàn Giáo phận.
Đức cha Simon Hoà Hiền qua đời ngày 5/9/1973. Sau hơn một năm trống toà, ngày 30/1/1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI (nay là Chân Phước) bổ nhiệm Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm kế vị. Đức Giám mục tân cử được truyền chức Giám mục ngày 17/3/1975 tại nhà thờ Đức Bà Sàigòn, và ngày 19/3/1975, chính thức nhậm chức và cai quản giáo phận 19 năm cho đến năm 1994, khi được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Chính toà giáo phận Thanh Hoá.
Ngày 19/10/1991, Cha Tổng Đại diện Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Đà Lạt, thụ phong Giám mục ngày 3/12/1991. Đức cha Phêrô là Giám mục Chính toà Đà Lạt từ ngày 24/6/1994 cho đến ngày 22/4/2010 khi được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phó Tổng giáo phận Hà Nội. Sau 15 năm coi sóc Giáo phận, ngài đã gởi về Tòa Thánh báo cáo như sau : 327.769 giáo dân (Kinh 221.538, Dân tộc 106.231) trong tổng số dân trong tỉnh là 1.223.105 người) ; 107 linh mục triều (trong đó có 2 linh mục người Koho), 80 linh mục dòng (1 linh mục người Koho và 1 linh mục người Churu), 896 Tu sĩ nam nữ ; 76 giáo xứ, 18 giáo sở và 20 giáo điểm.
Sau gần một năm trống tòa, ngày 1/3/2011, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, nguyên Giám mục Chính tòa giáo phận Hưng Hóa, được bổ nhiệm kế vị Đức Cha Phêrô. Ngài đã về nhận Giáo phận ngày 17/3/2011, đến nay được hơn 6 năm.
Và hôm nay, giáo phận Đà Lạt có thêm Giám mục Phó là Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh.
Giáo phận Đà Lạt hiện có 379.122 giáo dân (Kinh : 241.629, Dân tộc : 137.493) trong tổng số dân tỉnh Lâm Đồng là 1.385.000 người) ; 174 linh mục triều (trong đó có 7 linh mục người Koho), 127 linh mục dòng (1 linh mục người Koho và 1 linh mục người Churu), 1.203 Tu sĩ nam nữ ; 98 giáo xứ, 23 giáo sở và 24 giáo điểm.
Tiểu sử Đức Tân Giám mục :
· Sinh ngày 12/8/1955 tại Cần Thơ, được Cha Grannec, MEP, ban bí tích Thánh Tẩy ngày 13/8/1955 tại Nhà thờ họ đạo Cần Thơ (khi đó thuộc giáo phận Nam Vang), nay là Nhà thờ Chính tòa giáo phận Cần Thơ (được thành lập ngày 20/9/1955).
· Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh là con thứ ba trong gia đình 3 trai 5 gái của Ông Bà Cố Phêrô Nguyễn Minh (qua đời năm 2000) và Anna Phạm Thị Yên (qua đời năm 2005) ; Ông Cố nguyên quán giáo xứ Phúc Nhạc và Bà Cố nguyên quán giáo xứ Dục Đức, giáo phận Phát Diệm ; hai người chị là nữ tu Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng và Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Gia đình hiện nay thuộc giáo xứ Thánh Linh, giáo hạt Thủ Thiêm, Tổng giáo phận Sàigòn.
· 1966-1973 : Tiểu Chủng viện Simon Hòa Đà Lạt.
· 1973-1980 : Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt.
· 1980-1994 : Làm việc mục vụ tại giáo xứ Tân Thanh, Bảo Lộc.
· 29/5/1994 : Được Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm truyền chức Linh mục.
· 1994-2003 : Phó xứ Tân Hóa, Bảo Lộc.
· 2003-2009 : Du học tại Rôma về Giáo luật, tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo luật tại Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana.
· Từ 2009 : Đại diện Tư pháp giáo phận Đà Lạt.
Ngày 8/4/2017 : Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm làm Giám mục Phó giáo phận Đà Lạt.
Theo Giáo luật (đ. 403-411),
· Giám mục Phó giúp đỡ Giám mục Giáo phận lãnh đạo toàn Giáo phận và thay thế ngài khi ngài vắng mặt hoặc bị ngăn trở ;
· Giám mục Phó có quyền kế vị ; khi Tòa Giám mục khuyết vị, Giám mục Phó tức khắc trở thành Giám mục Giáo phận ;
· Giám mục Phó và Giám mục Phụ tá phải được Giám mục Giáo phận đặt làm Tổng Đại diện.
Thi hành chỉ thị của Công đồng Vaticanô II về việc duyệt lại nghi thức truyền chức thánh “cả về nghi lễ lẫn các bản văn”, ĐTC Phaolô VI đã ban hành Sách Nghi thức mới ngày 18/6/1968. Hai mươi mốt năm sau, ngày 29/6/1989, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xuất bản một ấn bản mới với một vài thay đổi, tuy nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa về Bí tích Truyền Chức Thánh, ngay trong tựa đề Sách Nghi thức.
Tựa đề ấn bản cũ là : “Việc phong chức phó tế, linh mục và Giám mục” ; tựa đề ấn bản mới là : “Việc phong chức Giám mục, linh mục và phó tế”. Như vậy là có sự đảo ngược thứ tự. Trước đây, thứ tự tính từ dưới lên trên : trước hết lãnh chức phó tế, rồi sau mới đến chức linh mục và Giám mục ; xem ra đây là thứ tự của việc thăng quan tiến chức ! Bây giờ thứ tự từ trên xuống (Giám mục, linh mục, phó tế) : Giám mục là người có chức thánh tròn đầy nhất vì các ngài kế vị các tông đồ do việc đặt tay tông truyền ; linh mục và phó tế là những người được tham dự vào đó ; đây là thứ tự thần học. Chắc cũng vì thế mà tại Việt Nam có những nơi thay vì dùng từ “phong chức” thì dùng từ “truyền chức” là từ đã được dùng trong kinh 7 bí tích : “thứ sáu là Phép Truyền Chức Thánh”. Chỉ có một Bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng có 3 chức vụ : Giám mục, linh mục và phó tế.
Theo cách thực hành từ xa xưa, khi cử hành nghi lễ phong chức Giám mục, ngoài vị Giám mục Chủ phong, thường có ít là 2 Giám mục Phụ Phong. Cách thức này diễn tả tính tập đoàn của hàng Giám mục, nhất là qua việc tất cả các Giám mục hiện diện đặt tay trên đầu vị lãnh chức, cùng đọc một lời nguyện truyền chức, và chúc bình an cho vị tân Giám mục. Giám mục chủ phong hôm nay là Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Chính toà giáo phận Đà Lạt ; hai Giám mục phụ phong là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm, và Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục giáo phận Kontum.
Nghi thức Truyền chức Giám mục được tiến hành sau bài đọc Phúc Âm, gồm các phần sau đây :
· Hát Kinh Chúa Thánh Thần.
· Giới thiệu vị lãnh chức, và đọc Tông Sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô.
· Đức Giám mục Chủ phong huấn dụ Cộng đồng dân Chúa, và ngỏ lời riêng với vị lãnh chức.
· Vị lãnh chức tuyên bố công khai về đức tin và về nhiệm vụ sắp lãnh nhận.
· Hát kinh cầu các Thánh.
· Các Giám mục đặt tay trên đầu vị lãnh chức, và lời nguyện truyền chức. Đặt tay đi đôi với Lời nguyện Truyền chức là nghi thức quan trọng nhất khi cử hành Bí tích Truyền Chức Thánh.
· Sau Lời nguyện Truyền chức là các nghi thức diễn nghĩa : xức dầu thánh trên đầu vị Tân Giám mục – trao sách Phúc Âm – trao nhẫn Giám mục – trao mũ mitra – trao gậy mục tử – ngồi ghế Giám mục.
· Các Giám mục trao hôn bình an cho Tân Giám mục.
· Cuối thánh lễ, Đức Tân Giám mục đi ban phép lành cho cộng đoàn dân Chúa.
Tham dự thánh lễ hôm nay, ngoài sự hiện diện đông đảo của quý ông bà anh chị em giáo dân xa gần, còn có sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ nam nữ, tu sinh, chủng sinh, trong và ngoài giáo phận Đà Lạt. Ngoài ra, có sự hiện diện của quý vị đại diện Chính quyền các cấp, quý Cha Tổng Đại diện, quý Bề trên các Dòng tu, quý Cha Giám đốc và quý Cha giáo các đại chủng viện, quý Viện phụ, quý Đức Ông, và đặc biệt là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, và quý Giám mục đến từ 26 giáo phận trong cả nước :
Thuộc giáo tỉnh Hà Nội :
- Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn,
Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội ;
- Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh,
Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội ;
- Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt,
- Đức cha Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu,
- Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên,
Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam ;
- Đức cha Gioan Maria Vũ Tất,
Giám mục giáo phận Hưng Hóa ;
- Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long,
- Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri,
- Đức cha Giuse Nguyễn Năng,
Giám mục giáo phận Phát Diệm,
Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam ;
- Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến,
nguyên Giám mục giáo phận Phát Diệm ;
- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ,
- Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp,
- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên,
Giám mục phụ tá giáo phận Vinh ;
Thuộc Giáo tỉnh Huế :
- Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh,
Tổng Giám mục Huế,
Giám quản giáo phận Thanh Hóa,
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam ;
- Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng,
nguyên Tổng Giám mục tổng giáo phận Huế ;
- Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản,
- Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị,
Giám mục giáo phận Kontum ;
- Đức cha Giuse Võ Đức Minh,
- Đức cha Mátthêu Nguyễn Văn Khôi,
Thuộc Giáo tỉnh Sàigòn :
- Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc,
Tổng Giám mục tổng giáo phận Sàigòn ;
- Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng,
Giám mục phụ tá tổng giáo phận Sàigòn ;
- Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn,
Giám mục giáo phận Bà Rịa ;
- Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên,
- Đức cha Antôn Vũ Huy Chương,
Giám mục giáo phận Đà Lạt ;
- Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu,
- Đức cha Giuse Trần Văn Toản,
- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm,
Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam ;
- Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm,
Giám quản tông tòa giáo phận Phan Thiết ;
- Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước,
- Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ,
nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường
- Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai,
- Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo,
- Đức Giám mục Tân cử Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc ;
Ngoài ra, có sự hiện diện của
- Đức Cha Thomas Chung An-zu,
Giám mục giáo phận Gia Nghĩa, Đài Loan
Phần Phụng vụ Lời Chúa với các bài đọc Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab ; Tv 88 ; 1 Pr 5,1-4 ; Ga 10,11-16.
Sau bài công bố Tin Mừng, bước vào phần chính yếu của thánh lễ truyền chức Giám mục. Cộng đoàn dân Chúa cùng hát Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Tiến chức được hai linh mục phụ tá tháp tùng tiến đến trước Đức Giám mục chủ phong, với lời thỉnh cầu Đức cha Antôn “phong linh mục Đaminh Nguyễn Văn Mạnh lên chức Giám mục” và đọc lên Tông sắc bổ nhiệm của Đức thánh cha Phanxicô ký ngày 08-4-2017.
TÔNG SẮC
Phanxicô, Giám mục, Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa, gửi lời chào và Phép lành Tòa thánh cho con yêu quý Đaminh NGUYỄN VĂN MẠNH, linh mục Giáo phận Đà Lạt, cho tới nay là Đại diện Tư pháp, được chọn làm Giám mục phó Giáo phận Đà Lạt.
Vừa qua, Hiền đệ đáng kính Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, đã xin một Giám mục phó, để lo liệu tốt hơn cho các Kitô hữu, và Cha không ngần ngại chấp thuận lời xin của ngài.
Hỡi con yêu quý, Cha nghĩ con xứng hợp với chức vụ này, vì con thông thạo những công việc mục vụ tại địa phương, và đã làm tốt nhiệm vụ Đại diện Tư pháp.
Vậy, sau khi đã lắng nghe ý kiến của Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, Cha bổ nhiệm con làm Giám mục phó Giáo phận Đà Lạt, với mọi quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với phẩm chức Giám mục, theo các quy định của Giáo luật. Về việc truyền chức của con, Cha vui lòng cho phép con lãnh nhận chức thánh ở ngoài thành Rôma, do bất cứ Giám mục Công giáo nào, theo các quy định của phụng vụ.
Nhưng trước khi lãnh nhận chức thánh, con cần phải tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Cha và các Đấng kế vị Cha.
Tiếp đến, con hãy quan tâm gắn bó với Đấng Bản quyền của Đà Lạt.
Ngoài ra, con hãy thông tri Tông sắc này cho hàng giáo sĩ và dân chúng của con. Cha khuyến khích họ sẵn sàng đón nhận con và liên kết với con.
Sau cùng, hỡi con yêu quý, con đang bước vào nhiệm vụ quan trọng này, Cha phó thác con cho lời chuyển cầu của Đức Thánh Trinh nữ Maria, Đấng Phù hộ các giáo hữu, và của Các Thánh Tử vì đạo tại Việt Nam..
Làm tại Rôma, cạnh Đền thờ Thánh Phêrô, ngày tám tháng tư năm hai ngàn mười bảy, năm thứ năm triều đại Giáo hoàng của Cha.
Phanxicô, Giáo hoàng
Trong bài huấn dụ, Đức Giám mục chủ phong ngỏ lời với cộng đoàn và tiến chức về nhiệm vụ Giám mục.
Anh chị em thân mến,
Xin anh chị em hãy lưu ý: người anh em chúng ta đây sắp được cất nhắc lên bậc quan trọng như thế nào trong Hội Thánh. Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc nhân loại. Chính Người đã sai Mười Hai Tông Đồ đi khắp thế gian, để sau khi đã được tràn đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần, các Ngài rao giảng Phúc Âm, quy tụ muôn dân vào một đoàn chiên, thánh hóa và cai quản họ. Để nhiệm vụ này tồn tại cho đến ngày tận thế, các Tông Đồ đã chọn những vị phụ tá, và nhờ việc đặt tay, các Ngài đã thông truyền cho các vị ấy hồng ân Chúa Thánh Thần được lãnh nhận từ nơi Đức Kitô; và nhờ việc đặt tay mà sự viên mãn của bí tích Truyền Chức được trao ban. Như vậy, trải qua các thế hệ, truyền thống nguyên thủy được bảo tồn nhờ việc kế vị liên tục của các Giám mục, và sự nghiệp của Đấng Cứu Thế được lưu truyền và tăng triển cho tới thời đại chúng ta.
Chính Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta đã được tấn phong làm Thượng Tế đến muôn đời, đang hiện diện giữa anh chị em trong vị Giám mục được các linh mục vây quanh. Vì trong thừa tác vụ của Giám mục, chính Đức Kitô không ngừng rao giảng Phúc Âm và ban phát các mầu nhiệm đức tin cho các tín hữu. Nhờ nhiệm vụ hiền phụ của Giám mục, chính Đức Kitô gia tăng và sát nhập các chi thể mới vào Nhiệm Thể của Người. Chính Người dùng sự khôn ngoan hiền đức của Giám mục mà dẫn dắt anh chị em trên đường lữ thứ trần gian, tiến về nơi vĩnh phúc.
Vậy, với tấm lòng biết ơn và hân hoan, anh chị em hãy đón nhận người ah em của chúng ta, mà với tư cách Giám mục, chúng tôi nhận vào đoàn chúng tôi bằng việc đặt tay. Anh chị em hãy kính trọng Ngài như thừa tác viên của Đức Kitô và như vị ban phát các mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngài được ủy thác việc làm chứng cho chân lý Phúc Âm, cũng như phục vụ Thần Khí và sự thật. Anh chị em hãy nhớ Lời Đức Kitô phán cùng các Tông Đồ rằng: “Ai nghe các con là nghe Thầy, và ai khinh chê các con là khinh chê Thầy. Mà ai khinh chê Thầy là khinh chê Đấng đã sai Thầy”.
Còn Hiền đệ thân mến, là người được Chúa tuyển chọn, Hiền đệ hãy tâm niệm rằng: “Hiền đệ đã được tuyển chọn giữa loài người và được đặt lên vì loài người mà lo việc thuộc về Thiên Chúa”. Bởi lẽ chức Giám mục là danh từ chỉ công tác, chứ không phải chỉ danh dự ; và vị Giám mục phải phục vụ công ích hơn là cai trị. Vì theo huấn lệnh của Thầy Chí Thánh: “Ai làm lớn phải trở nên như người nhỏ, và ai quyền cao chức trọng phải trở nên như tôi tớ”. Hiền đệ hãy rao giảng trong lúc thuận lợi cũng như nghịch cảnh, phải hết lòng kiên nhẫn và dùng giáo lý mà khiển trách, dạy dỗ. Trong kinh nguyện và hy lễ cầu cho dân chúng mà Chúa đã trao phó cho Hiền đệ, Hiền đệ hãy ân cần kêu xin Đức Kitô ban dồi dào ân sủng thiên hình vạn trạng do nguồn thánh đức viên mãn của Người.
Trong Giáo phận được ủy thác cho Hiền đệ, Hiền đệ phải là người phân phát, quản lý và trung thành bảo vệ các mầu nhiệm của Đức Kitô. Hiền đệ được Chúa Cha tuyển chọn để cai quản Gia đình của Người, Hiền đệ hãy luôn nhớ đến Vị Mục Tử Nhân Lành: Ngài biết các chiên của Ngài và chúng biết Ngài, và Ngài không ngần ngại thí mạng sống vì đoàn chiên.
Tất cả những người Thiên Chúa trao phó cho Hiền đệ, Hiền đệ hãy yêu thương họ bằng một tình thương hiền phụ và huynh đệ, nhất là các linh mục và phó tế, là những người đồng phận với Hiền đệ trong thừa tác vụ của Đức Kitô, và cả những người nghèo khó, bệnh tật, những người lữ khách và ngoại kiều. Hiền đệ hãy khuyên bảo các tín hữu cộng tác với Hiền đệ trong việc tông đồ, và sẵn lòng lắng nghe họ. Còn những ai chưa gia nhập đoàn chiên duy nhất của Đức Kitô, Hiền đệ hãy lo lắng tới họ, bất chấp nhọc nhằn, kể họ như những người được gửi gắm cho Hiền đệ trong Chúa. Trong Hội Thánh Công Giáo được kết hợp bằng dây đức ái, Hiền đệ đừng bao giờ quên rằng: Hiền đệ đã được liên kết chặt chẽ với Giám mục đoàn, khiến Hiền đệ hằng phải bận tâm lo cho tất cả các giáo đoàn, và sẵn lòng tiếp cứu những giáo đoàn nào cần sự giúp đỡ. Vậy, Hiền đệ hãy quan tâm đến toàn thể đoàn chiên: Chúa Thánh Thần đặt Hiền đệ vào trong đó, để Hiền đệ điều khiển Hội Thánh, nhân danh Chúa Cha mà Hiền đệ thể hiện hình ảnh của Người trong Hội Thánh, nhân danh Con của Người là Đức Giêsu Kitô, mà Hiền đệ thi hành nhiệm vụ của Ngài là Thầy, là Tư Tế và là Mục Tử, và nhân danh Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho Hội Thánh Đức Kitô và là Đấng dùng sức mạnh của Người mà nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta.
Liền sau đó, tiến chức bày tỏ trước mặt Giám Mục và các tín hữu ý muốn sẽ thi hành nhiệm vụ của mình theo ý Đức Kitô và Giáo Hội, trong sự hiệp thông với Hàng Giám Mục, dưới quyền bính của đấng Kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ.
Rồi, cộng đoàn cùng hát Kinh cầu các Thánh.
Trong nghi thức chính yếu của việc truyền chức, các Giám mục đặt tay và Lời nguyện truyền chức có Sách Tin Mừng được đặt trên đầu tiến chức, với lời chính yếu được các Giám mục đọc lên, để ơn Chúa Thánh Thần được ban xuống trên vị Tiến chức, hầu giúp ngài thi hành nhiệm vụ Giám Mục : “Và giờ đây, xin Cha tuôn đổ trên vị tiến chức này Thần Lực phát xuất từ nơi Cha là Thánh Thần Thủ Lãnh mà Cha đã ban cho Con Yêu Dấu là Đức Giêsu-Kitô, và chính Đức Kitô lại ban cho các thánh Tông Đồ. Các vị này đã thiết lập Hội Thánh mọi nơi như một thánh điện Cha, để tôn vinh và ca tụng Danh Cha muôn đời”.
Các nghi thức diễn ý tiếp theo dành cho Đức Tân giám mục nói lên “vinh dự và trách nhiệm” dành cho người kế vị các Tông đồ : xức dầu thánh trên đầu, biểu thị sự tham dự của Giám mục vào chức Tư tế của Đức Kitô; nhận sách Phúc Âm cho thấy rõ nhiệm vụ chính của Giám mục là phải trung thành rao giảng Lời Chúa; nhận nhẫn Giám mục nói lên lòng trung thành của Giám mục với Hiền Thê của Chúa Kitô là Giáo Hội; nhận mũ mitra nhắc nhở Giám mục phải ân cần lo việc thánh hóa bản thân; nhận gậy mục tử, nói lên nhiệm vụ cai quản Giáo Hội được trao phó; nhận hôn bình an của các giám mục như là ấn tín ghi dấu việc ngài được nhận vào Giám-mục-đoàn.
Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.
Sau Lời nguyện hiệp lễ, Đức Tân Giám mục được hai vị phụ phong dẫn đi ban phép lành giữa lòng Dân Chúa. Trong phần chúc mừng, Đức Tổng giám mục Chủ tịch HĐGMVN và Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa Thánh có lời chúc mừng Đức Tân Giám mục, rồi Cha Tổng đại diện thay mặt Gia đình Giáo phận chúc mừng Đức cha Phó và dâng lời cảm tạ. Đáp lại, Đức Tân Giám mục đã dâng lời tri ân. Thánh lễ truyền chức Giám mục kết thúc với phép lành cuối lễ của Đức cha Chủ phong. Cộng đoàn ra về tràn ngập niềm vui…
Tưởng cũng nhắc lại, trước thánh lễ truyền chức Giám mục hôm nay, Giáo phận Đà Lạt đã có 3 lần tổ chức Thánh lễ truyền chức giám mục tại tiền đường trước nhà thờ Chính tòa: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (03-12-1991, Giám mục phó Đà Lạt), Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc (20-5-1999, Giám mục Mỹ Tho) và Đức cha Giuse Võ Đức Minh (15-12-2005, Giám mục phó Nha Trang).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét