Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

53 NĂM NGHĨA TÌNH ĐÔI BẠN THÂN.




Đức TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt & Đức Cha Giu-se Vũ Duy Thống

Những tâm tình về đôi bạn tri kỷ, mà Đức TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt kể lại mấy ngày qua, sau khi nghe tin Đức cha Giu-se Vũ Duy Thống được Chúa gọi về.
53 năm, một chặng đường của đôi bạn tri kỷ, với biết bao kỷ niệm, bao tâm tình mà cả hai người cùng chung sống, cùng song hành:
- Cả hai ngài sinh cùng năm (Đức TGM Giu-se sinh 4/9/1952 tại Mỹ Sơn, Lạng Sơn; Đức cha Giu-se sinh 2/7/1952 tại Cao Mộc, Thái Bình). Hai ngài đều là người gốc Bắc di cư 1954; cùng thuộc Giáo phận Long Xuyên.
- Ngày 21/8/1964 các ngài nhập Tiểu Chủng viện Thánh Tê-rê-sa – Gp. Long Xuyên. Hai ngài trở nên đôi bạn thân thiết từ đây. Do thời cuộc nên Đức cha Giu-se học tại Đại Chủng Viện Thánh Giu-se – Sài Gòn và chịu linh mục ngày 26/10/1985; Đức TGM Giu-se tiếp tục học ở Đại chủng viện Thánh Tô-ma – Long Xuyên và chịu chức linh mục  ngày 31/5/1991.
Đức TGM Giu-se và Đức cha Giu-se đang giúp bếp ở Đại Học Công Giáo Paris 1994 (ảnh trên)
 - Đến ngày 3/12/1993, các ngài cùng được gửi đi du học tại Đại Học Công Giáo Paris. Suốt thời gian học ở đây, các ngài luôn song hành bên nhau trong mọi biến cố của cuộc sống.
- Sau này cả hai ngài được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II bổ nhiệm làm Giám Mục (Đức TGM Giu-se được bổ nhiệm ngày 18/6/1999; Đức cha Giu-se được bổ nhiệm ngày 14/7/2001).








 Đức TGM Giu-se và Đức cha Giu-se trong thời gian du học ở Paris – Pháp (1993 – 1997)
 Ngày 27/3/2017, được tin Đức cha Giu-se Vũ Duy Thống lâm trọng bệnh và phải nhập viện cấp cứu, Đức tổng Giu-se đã rất lo lắng cho sức khỏe người bạn thân. Ngài đã liên lạc thăm hỏi về tình hình sức khỏe Đức cha Giu-se. Suốt những ngày đó, ngài đã luôn cầu nguyện và xin cộng đoàn Đan viện Châu Sơn cùng với ngài cầu nguyện cho Đức cha Giu-se nhiều ơn lành của Chúa.
Trước đó một năm, trong dịp Đức cha Giu-se đi họp Hội Đồng Giám Mục tại Giáo phận Thái Bình, Mùa Phục Sinh, tháng 4 năm 2016, ngài đã ghé Đan viện Châu Sơn Nho Quan để thăm Đức TGM Giu-se. Đây là dịp cuối cùng hai ngài gặp nhau trên hành trình dương thế.















 Đức TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt và Cộng đoàn Đan viện Châu Sơn
dâng lễ đưa chân Đức cha Giu-se Vũ Duy Thống, Thứ 7/4/3/2017
 Ngày 1/3/2017, khi nghe tin Đức cha Giu-se được Chúa gọi về, hiện lên trên khuôn mặt Đức tổng Giu-se sự trầm lắng, thấm đượm một nỗi buồn. Vì Chúa đã gọi đi người bạn tri kỷ, lúc tuổi đời còn chưa già (65 tuổi). Đặc biệt  ngài là một người đang cần thiết cho Giáo phận Phan Thiết, cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Có lúc Đức tổng Giu-se đã buồn thốt lên:“Giá được tôi đi thay ngài thì tốt hơn, vì tôi đã nghỉ không làm việc, còn ngài đang làm nhiều việc cho Giáo hội”.
Trong suốt mấy ngày qua, ngài đã cầu nguyện thật nhiều, chia sẻ thật nhiều với anh em trong gia đình Đan viện Châu Sơn Nho Quan. Suốt ngày, Đức tổng đã mở lại video để nghe những bài hát do Đức cha Giuse sáng tác và do chính ngài hát. Ngài còn phân tích nội dung và ý nghĩa từng bài hát đó; ngài nói, “hơn hai hết, tôi rất hiểu con người, tâm tính của Đức cha Giuse: một con người thông minh tài trí hơn người, hiền hòa, đơn sơ, giản dị, tinh tế và tế nhị, luôn thể hiện phong cách một người nghệ sĩ mang lại niềm vui cho mọi người”. Đức tổng còn mở những trang album ảnh kỷ niệm của hai người một thời bên nhau khi du học ở Paris cho mọi người xem, và kể lại những kỷ niệm trân quý đó. Sát cánh bên Đức tổng mới hiểu được những tâm tình thật cảm động, mà ngài đã dành cho người bạn thân là Đức cha Giuse.
Sáng Thứ 7 ngày 4/3/2017, Đức tổng Giu-se cùng Quý cha, Quý thầy trong gia đình Đan viện Châu Sơn Nho Quan đã dâng thánh lễ trọng thể cầu nguyện cho Đức cha Giu-se. Trong bài giảng với chủ đề: Mùa Của Tình Thương,(1) Đức tổng đã diễn tả tình thương của Thiên Chúa đối với ông Lê-vi, qua bài Tin Mừng Lc 5,27-32. Với ba động từ “ Tìm – Gọi – Chọn”. Trình tự theo ba bước, Chúa đã đi tìm Lê-vi khi ông đang ở bàn thu thuế, rồi Chúa gọi ông đi theo Ngài, cuối cùng Chúa đã chọn Lê-vi làm tông đồ, cho ông được chia sẻ vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Từ bài Tin Mừng, Đức tổng Giu-se đã liên tưởng đến Đức cha Giu-se: “Tuy tài cao học rộng nhưng tính tình ngài phóng khoáng, phong cách giản dị, hoà đồng với mọi người. Hôm nay chiêm ngắm Chúa Giê-su đồng bàn với các bạn bè của Mát-thêu tôi thấy hiện lên hình ảnh của ngài. Ngài sẵn sàng đồng bàn với đủ mọi người thuộc mọi tầng lớp giai cấp, văn hoá, phe nhóm và quan điểm khác nhau.  Không bao giờ bệ vệ uy nghi quan cách, nhưng luôn vui tươi đơn sơ. Ngài chuyện trò rất vui. Có thể ngẫu hứng hát một bài phục vụ mọi người.
Cũng như Chúa Giê-su yêu thương và cư xử tế nhị với người tội lỗi, trân trọng và tuyển chọn Mát-thêu, đức cha Giu-se không lên mặt đạo mạo dậy đời. Trái lại ngài rất tinh tế và tế nhị. Không đồng tình với cái xấu nhưng luôn yêu thương và kính trọng người lầm lỗi. Vì thế những góp ý dậy dỗ của ngài khéo léo tế nhị và đi vào lòng người. Ta có thể thấy được điều đó qua các tác phẩm thi ca của ngài”.
Mùa Chay là mùa Chúa tỏ tình yêu thương đi tìm cứu độ con người. Đức Cha Giu-se đã là người thợ làm trong cánh đồng của Chúa. Ngài không ngừng gieo và gặt yêu thương. Ảnh hưởng yêu thương và hiệp nhất ngài tạo ra thật lớn lao và sâu xa. Tưởng nhớ ngài, chúng ta hãy tiếp tục công việc tốt đẹp của ngài: yêu thương và kính trọng mọi người. Để mùa yêu thương nở rộ khắp nơi.
M.Benado – BTT Đan viện Châu Sơn NQ.
(1)Thứ Bảy sau Lễ Tro
MÙA CỦA TÌNH THƯƠNG
Is 58,9b-14; Lc 5,27-32
Lễ đưa chân Đức cha Giuse Vũ duy Thống
Châu sơn 4-2-2017
 Ta có thể gọi mùa chay là mùa của tình thương. Như thư 2 Cô-rin-tô nói: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”. Lời Chúa hôm nay minh hoạ sinh động tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa.
 Lòng yêu thương của Chúa biểu lộ trong việc kêu gọi Mát-thêu. Tình yêu thương tiến hành trong ba bước.
 Bước thứ nhất: đi tìm. Mát-thêu đang ngồi ở bàn thu thuế. Nghĩa là đang ở nơi tội lỗi. Thế mà Chúa cất công đến tận nơi để tìm ông. Đi tìm đã là yêu thương lắm rồi. Đi tìm ở nơi tội lỗi lại càng yêu thương hơn nữa.
 Bước thứ hai: gọi theo. Tình yêu thương chưa dừng lại ở đó nhưng còn tiến xa hơn. Chúa mời gọi ông theo Chúa. Và còn yêu thương đến không ngờ Chúa tiến đến bước thứ ba: tuyển chọn ông làm tông đồ.
 Bước thứ ba: tuyển chọn. Đây là tình yêu ở mức cao nhất. Cho ông được chung phần chia sẻ kế hoạch cứu độ của Chúa.
 Quả thực tình yêu thương của Chúa thật lớn lao cao cả không ai hiểu được. Chúa ví mình như người thày thuốc đi tìm cứu chữa người bệnh. Đúng như I-sa-ia tiên báo trong bài đọc 1: “Nhờ ngươi, người ta sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, ngươi sẽ dựng lại những nền móng của các thế hệ trước, người ta sẽ gọi ngươi là người sửa lại những lỗ hổng, là kẻ tu bổ phố phường cho người ta cư ngụ”. Người chuyên đi cứu vớt, vực dậy, tái thiết, chữa lành. Lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời. 
Đọc Lời Chúa hôm nay tôi liên tưởng đến Đức cha Giuse Vũ duy Thống, người bạn của tôi từ 53 năm nay.
 Ngài là người thông minh tài trí hơn người. Học môn gì cũng xuất sắc. Nhưng ngài trổi vượt trong lãnh vực văn hoá. Chẳng thế mà ngài viết văn làm thơ làm nhạc rất hay. Chất văn hoá thấm đậm con người. Đi vào ẩm thực rất tinh tế. Và đặc biệt biểu lộ trong lối cư xử rất tế nhị.
 Từ khi làm giám mục ngài lập tức được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá của HĐGMVN liên tiếp  6 khoá cho đến nay. Từ khi ngài phụ trách tạp chí Hiệp Thông, tờ báo mới có diện mạo trang nhã và nội dung phong phú như ta thấy ngày nay. Đây có thể nói là một công sức lớn ngài đóng góp cho Giáo hội. Làm báo là chịu nhiều áp lực. Báo công giáo lại càng chịu nhiều áp lực hơn. Nhưng ngài vừa kiên quyết vừa khéo léo vượt qua tất cả. Một ví dụ tiêu biểu. Khi vụ Toà Khâm Sứ nổ ra Nhà Nước tìm mọi cách xuyên tạc bưng bít. Nhiều nơi kể cả những bậc vị vọng nghe theo Nhà Nước và không dám bén mảng đến Toà Khâm Sứ và không dám nói gì. Đức cha Giuse là người mạnh dạn đăng bài trên báo Hiệp Thông nói sự thật về Toà Khâm Sức.
 Một công trình khác của ngài là Nhà Truyền Thống của Tổng giáo phận Saigon. Ngài đã có sáng kiến, có tâm huyết thu thập cổ vật và trình bày lịch sử Giáo hội đầy sinh động và ý nghĩa.
 Hơn nữa ngài còn là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá của Toà Thánh trong 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Ngài đã cộng tác với Đức Hồng Y Poupard để  “évangélisation des cultures và inculturation de l’Évangile”. Đây là một kiểu chơi chữ đầy văn hoá nhưng cũng nói lên sứ mạng của văn hoá. Đó là Phúc âm hoá các nền văn hoá và Hội nhập Phúc âm vào văn hoá. Nói nôm na là biến Phúc âm thành văn hoá và biến văn hoá thành Phúc âm.
 Tuy tài cao học rộng nhưng tính tình ngài phóng khoáng, phong cách giản dị, hoà đồng với mọi người. Hôm nay chiêm ngắm Chúa Giê-su đồng bàn với các bạn bè của Mát-thêu tôi thấy hiện lên hình ảnh của ngài. Ngài sẵn sàng đồng bàn với đủ mọi người thuộc mọi tầng lớp giai cấp, văn hoá, phe nhóm và quan điểm khác nhau.  Không bao giờ bệ vệ uy nghi quan cách, nhưng luôn vui tươi đơn sơ. Ngài chuyện trò rất vui. Có thể ngẫu hứng hát một bài phục vụ mọi người.
 Cũng như Chúa Giê-su yêu thương và cư xử tế nhị với người tội lỗi, trân trọng và tuyển chọn Mát-thêu, đức cha Giu-se không lên mặt đạo mạo dậy đời. Trái lại ngài rất tinh tế và tế nhị. Không đồng tình với cái xấu nhưng luôn yêu thương và kính trọng người lầm lỗi. Vì thế những góp ý dậy dỗ của ngài khéo léo tế nhị và đi vào lòng người. Ta có thể thấy được điều đó qua các tác phẩm của ngài.
 Nói về tình yêu chung thuỷ ngài mượn hình ảnh đôi dép. Đi đâu cũng có nhau. Mòn đều nhau. Nếu mất một chiếc, dù có tìm được chiếc khác thay thế, nhưng người đi sẽ thấy ngượng chân.
 Nói về thái độ sống ở đời ngài mượn hình ảnh hạt cà phê. Cùng vào nước nóng là cuộc đời có những phản ứng khác nhau. Cà rốt thì ù lỳ chấp nhận nên trở nên mềm nhũn. Trứng tìm đối kháng nên trở nên chai đá. Riêng cà phê hoà với nước nóng làm mùi thơm lan toả cho đời.
 Nói về thái độ trân trọng những gì nhỏ bé trong đời ngài mượn hình ảnh một chút. Một chút những viên đá nhỏ nhưng nhiều chút lại thành hòn núi. Một chút thời gian nhưng nhiều chút thành cả một cuộc đời. Một chút cởi mở tươi vui thì xa xôi cũng thành gần gũi.
 Cứ thế những lời của ngài không làm người nghe bị áp đặt, nhưng tự tìm thấy chân lý và tự mình thay đổi.
 Hôm nay ngày thứ bảy đầu tháng không thể không nói đến Đức Mẹ. Đức cha Giu-se có lòng yêu mến Đức Mẹ sâu xa. Không những đã phổ nhạc bài thơ “Sao em không lần chuỗi” của Xuân ly Băng để khích lệ mọi người lần hạt, mà còn làm cho nhiều người yêu mến Đức Mẹ. Từ khi về Phan thiết, với tài tổ chức và lòng yêu mến Mẹ, ngài đã biến Tà-pao thành một địa điểm hành hương sốt sắng. Ngày 13 mỗi tháng nhiều ngàn người tuốn về Tà-pao và nhận được vô vàn ơn phúc qua tay Đức Mẹ.
 Yêu mến Đức Mẹ nên ngài cũng có tâm tình của một người mẹ đối với đoàn chiên. Không bao giờ coi con mình là xấu. Luôn tin tưởng con người có thể trở nên tốt. Vì thế luôn kính trọng con người. Hoà đồng với mọi người. Nhẹ nhàng sửa lỗi trong yêu thương tế nhị và kính trọng. Nhờ đó nâng con người lên.
 Mùa Chay là mùa Chúa tỏ tình yêu thương đi tìm cứu độ con người. Đức Cha Giu-se đã là người thợ làm trong cánh đồng của Chúa. Ngài không ngừng gieo và gặt yêu thương. Ảnh hưởng yêu thương và hiệp nhất ngài tạo ra thật lớn lao và sâu xa. Tưởng nhớ ngài, chúng ta hãy tiếp tục công việc tốt đẹp của ngài: yêu thương và kính trọng mọi người. Để mùa yêu thương nở rộ khắp nơi.
 Đức Tổng  Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt 










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét