Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Huấn Thị Bộ Giáo Lý Đức Tin về an táng và giữ tro hỏa táng.

VATICAN. Bộ Giáo Lý Đức Tin tái khẳng định lập trường của Giáo Hội cổ võ an táng người chết thay vì hỏa táng. Và trong trường hợp hỏa táng, phải giữ tro cốt người chết tại nghĩa trang hoặc tại nhà thờ, và không được rải tro trong thiên nhiên.

Trên đây là nội dung Huấn Thị “Ad resurgendum cum Christo” (Để sống lại với Chúa Kitô), do Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố sáng ngày 25-10-2016. Huấn thị gồm 8 đoạn, được ĐTC Phanxicô phê chuẩn ngày 18-3-2016 và truyền công bố. Huấn thị mang chữ ký ngày 15-8-2016 của ĐHY Tổng trưởng Gerhard Mueller và vị Tổng thư ký là Đức TGM Luis Ladaria S.I. Chính ĐHY cùng với 2 chuyên gia đã giới thiệu văn kiện này trong cuộc họp báo tại phòng báo chí Tòa Thánh.
Nội dung
Sau khi nhắc lại những lý do đạo lý khiến truyền thống của Giáo Hội cổ võ việc an táng người chết, nhưng không cấm hỏa táng trừ khi người ta thi hành việc này vì chống đối đạo lý của Hội Thánh, trong đoạn số 4, Bộ Giáo Lý Đức Tin  khẳng định rằng: “Nơi nào vì lý do vệ sinh, kinh tế hoặc xã hội khiến người ta chọn hỏa táng, - sự chọn lựa này không được trái với ý muốn rõ ràng hoặc giả thiết một cách hữu lý là không trái ý người quá cố, - Giáo Hội không đưa ra những lý do đạo lý để cấm hỏa táng, vì việc hỏa táng không chạm tới linh hồn và không cản trở sự toàn năng của Chúa làm cho xác được sống lại, vì thế nó không phủ nhận khách quan đạo lý Kitô về sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thân xác. Giáo Hội tiếp tục ưa chuộng việc chôn cất thi hài vì qua đó, Giáo Hội bày tỏ sự quí trọng hơn đối với người quá cố; tuy nhiên, việc hỏa táng không bị cấm, “trừ khi hành động này được chọn vì những lý do trái với đạo lý Kitô” (4).
Trong đoạn 5, Huấn thị khẳng định rằng:
Tro người chết, theo luật, phải được giữ ở một nơi thánh, nghĩa là tại nghĩa trang, hoặc trong một thánh đường hay một khu vực được thiết định với mục đích ấy, theo qui định của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội”.
Việc giữ tro tại một nơi thánh có thể góp phần giảm bớt nguy cơ lén lút đưa người chết ra khỏi kinh nguyện và ký ức của thân nhân và cộng đoàn Kitô. Ngoài ra, người ta cũng tránh được tình trạng người chết có thể bị quên lãng hoặc thiếu tôn trọng, điều này có thể xảy ra, nhất là khi thế hệ thứ I qua đi, và do những đường lối thực hành không thích hợp hoặc mê tín.”
Đoạn 6 của Huấn thị khẳng định rằng:
Vì những lý do nói trên, việc giữ tro người chết tại tư gia là điều không được phép. Chỉ trong những trườnghợp hệ trọng và đặc biệt, do những hoàn cảnh văn hóa của địa phương, vị Bản Quyền (Đức Giám mục giáo phận hoặc vị Tổng Đại diện), thỏa thuận với HĐGM hoặc với Hội đồng của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, có thể cho phép giữ tro ở nhà tư. Nhưng tro hỏa táng không được chia sẻ giữa những người thân trong gia đình với nhau và luôn luôn phải đảm bảo sự tôn trọng và những điều kiện thích hợp để bảo tồn tro”.
Trong đoạn 7, Huấn thị dạy rằng:
Để tránh mọi thứ mơ hồ phiếm thần, duy thiên nhiên hay duy hư vô, không được phép tung tro trong không khí, trên mặt đất hoặc trong nước, hoặc theo một cách thức khác, hay giữ tro trong các đồ kỷ niệm, trong một nữ trang hoặc các vật dụng khác; cũng để ý rằng không thể chấp nhận các phương thức tiến hành như thế dựa vào những lý do vệ sinh, xã hội hoặc kinh tế có thể khiến người ta chọn lựa hỏa táng”.
- Sau cùng, trong trường hợp người quá cố đã công khai yêu cầu hỏa táng mình và tung tro của mình trong thiên nhiên, vì những lý do trái ngược với đức tin Kitô, thì không thể cử hành lễ an táng đương sự, chiếu theo luật (n.8).
Họp báo
- Trong cuộc họp báo, ĐHY Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, Mueller, bày tỏ hy vọng “Huấn Thị mới này có thể góp phần để các tín hữu Kitô ý thức hơn nữa về phẩm giá của họ là con cái Thiên Chúa (Rm 8,16). Chúng ta đang đứng trước một thách đố mới đối với công cuộc loan báo Tin Mừng về sự chết. Chấp nhận con người là thụ tạo của Thiên Chúa không trở thành hư vô, đòi phải nhìn nhận Thiên Chúa là nguyên ủy và là vận mạng của cuộc sống con người: chúng ta xuất thân từ đất, chúng ta và sẽ trở về đất, trong khi chờ đợi sống lại. Vì thế, cần loan báo theo tinh thần Tin Mừng về ý nghĩa sự chết dươi ánh sáng niềm tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh, là lò tình yêu nồng cháy, thanh tẩy và tái tạo, trong khi chờ đợi người chết sống lại và sự sống trong thế giới mai hậu (Xc n.2). Như Tertulliano đã viết: “Sự sống lại của người chết, chính là niềm tin của các Kitô hữu: khi tin nơi sự sống lại, chúng ta là Kitô hữu”. (De resurrectione carnis, 1,1).
Đức ông Angel Rodriguéz Luno, Cố vấn Bộ Giáo lý Đức Tin, cho biết sở dĩ Huấn thị cấm “tung tro trong thiên nhiên”, là để tránh mọi sự lẫn lộn về đạo lý.. “Thực vậy, sự chọn lựa tung tro thường xuất phát từ ý tưởng với cái chết toàn con người bị hủy diệt, đi tới độ hòa với thiên nhiên, như thể đó là định mệnh chung cục của con người. Đôi khi nó cũng xuất phát từ một sự hời hợt, từ ý muốn che dấu hoặc riêng tư hóa khi nói về cái chết, hoặc từ sự phổ biến sở thích không đúng”.
Về vấn nạn: việc giữ tro hỏa táng của một người thân (cha, mẹ, vợ chồng, con cái) ở trong tư gia, có thể là do ước muốn gần gũi và thảo hiếu, giúp dễ tưởng nhớ và cầu nguyện. Đó không phải là động lực thường xuyên, nhưng trong một số trường hợp, có lý do ấy. Nhưng có nguy cơ việc giữ tro ở tư gia như thế, có thể tạo nên sự quên lãng và thiếu tôn trọng, nhất là khi thế hệ thứ I qua đi (Xc. n.5), hoặc có thể dẫn đến những thứ tang chế không lành mạnh. Nhưng nhất là phải để ý rằng các tín hữu qua đời là thành phần của Giáo Hội, là đối tượng kinh nguyện và tưởng nhớ của người sống, nên điều tốt đẹp là di tích của họ được Giáo Hội đón nhận và gìn giữ với lòng kinh trọng, qua dòng thời gian, tại những nơi mà Giáo Hội đã làm phép với mục đích ấy, không đưa họ ra khỏi ký ức và kinh nguyện của người thân và cộng đoàn.” (SD 25-10-2016)
(Vatican 25/10/2016)
G. Trần Đức Anh OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét