Ngày 21 tháng 9
Các Thánh
Dành Cho Bạn Trẻ
|
SUSAN HELEN WALLACE, FSP
|
Thánh Matthêu
Thánh Matthêu là một người thu thuế trong
thành Caphanaum nơi Đức Chúa Giêsu sinh sống. Thánh nhân là người gốc Dothái
nhưng lại làm việc cho người Rôma, lúc ấy đang cai trị những người Dothái. Vì
lý do này, những người Dothái bản xứ rất căm ghét Matthêu. Họ không làm bất
cứ thứ gì chung với “những hạng tội lỗi công khai” này, như những người thu
thuế giống Matthêu vậy.
Thế nhưng, Đức Chúa Giêsu lại không cảm
thấy như vậy! Ngày kia, thấy Matthêu đang ngồi ở bàn thu thuế, Đức Chúa Giêsu
liền nói: “Hãy theo Ta!” Lập tức Matthêu bỏ lại tiền bạc và địa vị mà đi theo
Đức Giêsu, trở thành một trong số mười hai tông đồ của Người. Sau đó, Matthêu
đã làm một bữa tiệc rất thịnh soạn để thết đãi Chúa Giêsu. Ngài cũng mời các
bạn bè cùng làm nghề thu thuế như ngài tới gặp Đức Chúa Giêsu và nghe Chúa
dạy bảo. Có vài người đã bắt lỗi Chúa vì Người dám đồng bàn với những người
mà họ cho là “quân tội lỗi.” Tuy nhiên, Đức Chúa Giêsu đã có sẵn câu trả lời:
“Những người mạnh khỏe thì không cần đến thầy thuốc; chỉ những người đau yếu
mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, mà là để
kêu gọi những người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Mt 9,12).
Sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Matthêu
đã ở lại Palestina. Thánh nhân lưu lại đó ít lâu và rao giảng cho dân chúng
nghe biết về Đức Chúa Giêsu.
Chúng ta rất quen thuộc với sách Tin mừng
theo thánh Matthêu, cuốn sách mô tả câu chuyện về cuộc đời của Đức Chúa Giêsu
và những điều Người dạy. Tin mừng này được linh hứng và được đặt tên là Tin
mừng theo thánh Matthêu, nhưng chúng ta không chắc là thánh Matthêu có thực
sự là tác giả viết đã cuốn sách này hay không. Trong sách Tin mừng theo thánh
Matthêu, Chúa Giêsu được trình bày cho những người bản xứ Dothái như là Đấng
Mêsia mà các ngôn sứ đã tiên báo là sẽ đến để cứu giúp chúng ta.
Sau khi rao giảng Tin mừng cho nhiều người,
thánh Matthêu đã tử đạo để làm chứng cho đức tin ngài rao giảng.
Chúng ta có thỉnh thoảng dán nhãn cho ai
là “hạng đồi bại” hay “quân tội lỗi” không? Nếu có, chúng ta hãy cầu xin với
thánh Matthêu. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta tránh dùng những
nhãn hiệu đó. Chúng ta không muốn bắt chước các việc làm sai trái của họ,
nhưng chúng ta không nên khinh bỉ họ. Chúng ta hãy thẳng thắn nói “không” với
tội lỗi nhưng hãy đối xử với những người tội lỗi bằng tấm lòng hiểu biết và
cảm thông.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét