Vào ngày 17/08/2016 trên trang Vietcatholic News có đăng bài “Giáo phận Vĩnh Long: Lễ giỗ mãn tang Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân” của tác giả Người Giồng Trôm. Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân từ trần ngày 17/08/2013. Như vậy Giáo phận Vĩnh Long tổ chức giỗ mãn tang cho Đức cha vào ngày đúng 3 năm( 36 tháng)sau khi Đức cha từ trần.
Kế đến vào ngày 18/08/2016 cũng trên trang Vietcatholic News có đăng bài “Giáo phận Phan Thiết: Lễ giỗ mãn tang Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan” của tác giả Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An. Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan từ trần vào ngày 18/08/2014. Như vậy Giáo phận Phan Thiết tổ chức giỗ mãn tang của Đức cha vào ngày đúng 2 năm (24 tháng) sau khi Đức cha từ trần.
Cũng là lễ giỗ mãn tang, nhưng tại sao của Đức cha Phaolô lại tổ chức vào ngày tròn 2 năm, còn của Đức cha Tôma lại vào ngày tròn 3 năm?
Theo phong tục của người Việt Nam, người chết giáp đúng 12 tháng thì tổ chức giỗ đầu tiên gọi là lễ TIỂU TƯỜNG. Từ lễ này, con cháu bỏ các hung phục như đồ sô gai, mũ gậy,v.v…Nhưng vẫn giữ tang phục thường trong ba năm tang trở.
Người chết giáp đúng 24 tháng thì tổ chức lễ ĐẠI TƯỜNG (còn gọi là lễ Mãn tang). Nếu trong ngày này gặp được ngày tốt thì con cháu làm lễ TRỪ PHỤC (xả tang).Từ ngày này con cháu bỏ hết tang phục và coi như đã mãn tang.Nếu không gặp được ngày tốt thì trong vòng 3 tháng sau Đại Tường chọn được ngày tốt thì làm lễ Trừ phục còn gọi là Tế Đàm.
Tuy nói là để tang 3 năm (tính theo âm lịch) nhưng sự thực chỉ có 24 tháng mà thôi, bởi vì theo phong tục xưa con người sinh ra hoặc chết đi vào ngày cuối năm âm lịch cũng gánh chịu một năm.
Người Công giáo Việt Nam tổ chức lễ Đại Tường (mãn tang) cho người thân cũng là một cách hội nhập văn hóa và chúng ta nên cẩn trọng để việc hội nhập văn hóa có chọn lọc.
Nguyễn Văn Nghệ (Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét