VÀI GHI NHẬN TRONG THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ TẠI ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG.
Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương như vỡ òa vì niềm vui hứng khởi của lớp người từ Nam chí Bắc qui tụ về đây. Họ hiện diện để chia vui và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa cùng với cộng đoàn Đan viện vì những ơn lành Ngài đã ban cho: 7 tân phó tế và 7 tân linh mục.
Đồng thời, họ chúc mừng và cầu nguyện cho 2 linh mục kỷ niệm 25 năm, ngày mà các ngài được Thiên Chúa cắt đặt lên hàng khanh tướng. Có thể nói, niềm vui “kép” này như dấu chỉ về lòng thương xót của Chúa được thể hiện cách rõ ràng và cụ thể, sống động và cá biệt trên từng khuôn mặt của mọi người và từng thành viên trong gia đình đan viện. Niềm vui và lòng biết ơn ấy được gói gém trọn vẹn trong thánh lễ hôm nay cùng với hiến lễ vô giá của chính Đức Kitô, vị tư tế đời đời của Thiên Chúa Cha. Ước mong những tâm tình này được Chúa Cha vui nhận và chúc lành cho từng người hiện diện cũng như những người vắng mặt trong sự hiệp thông với niềm vui của cộng đoàn phụng vụ.
Thánh lễ truyền chức Linh mục và phó tế diễn ra lúc 9h00, ngày 30 tháng 06 năm 2016 do Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo Phận chủ sự tại nguyện đường của Đan viện. Cùng đồng tế với Đức Cha Antôn, có Viện Phụ Gioan Maria Vianney Nguyễn Tri Phương và cha Stanislao Phạm Xuân Lộc (mừng kỷ niệm 25 năm, ngày thụ phong linh mục), quý Viện Phụ, quí Cha thuộc giáo phận Đà lạt, quý cha khách và quý cha đến từ các đan viện thuộc Hội dòng Xitô Thánh gia.
Tham dự thánh lễ truyền chức, có rất đông tu sĩ thuộc nhiều Hội dòng khác nhau cùng với đông đảo quý khách là thân nhân, ân nhân, bạn hữu... qui tụ trong nguyện đường Đan viện để chung chia niềm vui với quý tân chức và Đan viện.
Khởi đầu thánh lễ, ca đoàn các thầy hát ca khúc "Tôi mừng vui" của tác giả linh mục Kim Long. Nội dung bài thánh ca như mời gọi mọi người sống tâm tình tạ ơn nơi đền thánh Chúa: Nơi đây, mọi người như được kín múc tận nguồn ơn cứu độ và lòng thương xót của Ngài. Với giọng nhạc trang nghiêm và đầy sức sống của nhạc sĩ tài ba này, cộng đoàn tiếp tục cất lên lời ca bài Tình yêu Thiên Chúa: “… con linh mục Chúa, vui lên bàn thánh, đáp tình Chúa mến thương…”. Trong lúc đó, 14 Đan sĩ là các tiến chức Linh mục và phó tế cùng đoàn đồng tế "hùng hậu" với gần 100 linh mục tiến lên cung thánh trong niềm hân hoan của dân Thiên Chúa.
Mở đầu của thánh lễ, Đức Cha ngỏ lời với cộng đoàn: xin mọi người hiệp thông và cầu nguyện với những biến cố lớn lao đánh dấu lòng thương xót của Chúa được thể hiện qua cộng đoàn Châu Sơn này.
Sau phần công bố Lời Chúa, ngài tiếp tục chia sẻ với cộng đoàn với tình người cha trong Giáo phận. Ngài đề cao vai trò tư tế của vị linh mục, người trung gian chuyển cầu cho mọi người theo gương Chúa Giêsu – Đấng đã tự nguyện hiến mình trên thánh giá làm của lễ đền tội cho nhân loại. Đồng thời, ngài cũng nhắc các tân phó tế trong vai trò phục vụ bàn thờ như Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Và cả hai (linh mục và phó tế) cần phục vụ trong yêu thương, từ đó, tạo nên sự hiệp nhất như các chi thể hợp nhất nên một thân thể với Đức Kitô là Đầu. Tiếp theo, ngài nhấn mạnh đến đặc sủng của đan sĩ linh mục với tư cách là hội dòng thuộc quyền Giáo Hoàng. Có thể nói, sự hiện diện của Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn tại Đơn Dương trong Giáo phận Đà Lạt là hoa trái phát sinh từ nguyện vọng của Cha Tổ phụ Henri Denys Cố Thuận – Đấng sáng lập Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Và với một loạt những biến cố lập dòng từ nhà mẹ (Phước Sơn) đến nhà con (Châu Sơn), Đức Cha đã đề cao linh đạo: Cầu nguyện và lao động, như một nhắc nhở từng đan sĩ luôn ôm ấp toàn thể thế giới vào trái tim của mình để từng lời kinh tiếng hát là lời tán dương chúc tụng Thiên Chúa thay mặt cho Giáo hội dâng lên Ngài.
Thánh lễ diễn ra thật khoan thai và trang nghiêm sau hơn 2 tiếng với các phần liên quan đến các nghi thức của một thánh lễ phong chức Linh mục và phó tế. Kết thúc thánh lễ với phần cộng đoàn nhận phép lành từ các tân chức linh mục. Với tâm tình khiêm tốn, Đức Cha rời khỏi “ngai tòa” cùng hòa nhập với cộng đoàn tín hữu đón nhận phép lành của Chúa. Qua đó, mọi người nhận ra phong cách gần gũi và trìu mến của vị mục tử cùng với lòng khiêm tốn, cúi đầu để đón nhận mọi hồng ân Chúa ban. Niềm vui được tiếp tục dành cho nhau khi quý khách chung vui trong bữa tiệc liên hoan tại sân trước của Học viện Thần học.
Một điều còn đọng lại nơi những người hiện diện hôm nay là lòng khiêm tốn khi đón nhận lòng thương xót Chúa tại khuôn viên đền Ngài.
Ước mong Năm Thánh lòng thương xót này như một cơ hội giúp các Giám mục luôn sống lòng thương xót như Cha, các linh mục ý thức mình là dụng cụ của lòng thương xót Chúa, các phó tế là những người loan truyền lòng thương xót Chúa, các đan sĩ là chứng nhân của lòng thương xót Chúa, và mọi tín hữu là hoa trái của lòng thương xót Chúa trong xã hội tục hóa hôm nay.
EYMARD An Mai Đỗ + Mai Thi, O.Cist.
Xem bài giảng của Đức cha Antôn Vũ Huy Chương.
Trước Công Đồng Chung Vatican II (1962-1965), người ta thường nói đến 7 chức: chức 1: Giữ cửa, chức 2: Đọc sách, chức 3: Trừ quỷ, chức 4: Giúp lễ, chức 5 (Phụ Phó tế), chức 6 (Phó tế) và chức 7 (Linh mục). Nhưng sau Công Đồng Chung Vatican II, từ năm 1968, khi ban hành Sách Nghi thức mới, Giáo hội đã bãi bỏ 4 chức nhỏ và chức 5, thay vào đó là 2 TÁC VỤ (Đọc Sách, Giúp lễ), và 3 CHỨC THÁNH (Giám mục, Linh mục, Phó tế).
“Bí tích Truyền Chức Thánh” bao gồm việc truyền chức Giám mục, Linh mục và Phó tế. Nghi thức chính yếu của Bí tích Truyền chức là việc đặt tay “tông truyền” kèm theo lời nguyện truyền chức.
Trước khi truyền chức, Giáo hội huấn dụ các thầy về chức vụ sắp lãnh nhận:
Về chức Phó tế, “các thầy sẽ là thừa tác viên phục vụ Bàn thờ, loan báo Phúc âm, chuẩn bị lễ tế, trao Mình và Máu Thánh Chúa cho các tín hữu. Ngoài ra, các thầy sẽ khuyên bảo lương dân cũng như tín hữu, dạy giáo lý, chủ toạ kinh nguyện, ban phép Rửa Tội, chứng hôn và chúc lành cho hôn phối, đem của Ăn Đàng cho người hấp hối, chủ sự nghi thức an táng..., chu toàn thừa tác vụ bác ái”.
Với các thầy sắp được truyền chức Phó tế, Giáo hội nhắc nhớ rằng: “Phó tế là những thừa tác viên của Đức Giêsu Kitô, Đấng ở giữa các môn đệ như người phục vụ…, sẽ thi hành thừa tác vụ trong bậc độc thân. Vì chưng, đó vừa là dấu chỉ, vừa là động lực của bác ái mục vụ, đồng thời cũng là nguồn mạch phát sinh nhiều hoa trái trong thế gian… Các phó tế còn là thừa tác viên Phúc âm…, minh chứng bằng việc thi hành Lời Chúa mà các thầy rao giảng bằng miệng”.
Về chức linh mục: “Thật ra, toàn thể dân thánh Chúa đều thực hiện chức tư tế vương giả trong Đức Kitô. Tuy nhiên, chính Vị Thượng Tế chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã chọn một số môn đệ để nhân Danh Người chính thức thi hành nhiệm vụ tư tế trong Hội Thánh thay cho nhân loại. Vì được Chúa Cha sai đi, chính Người đã sai các Tông đồ đi khắp thế gian, để nhờ các ngài và những Giám mục kế vị các ngài, mà luôn luôn hoàn tất nhiệm vụ là Thầy, là Tư Tế và là Mục Tử. Còn các Linh mục là những người được kêu mời hợp tác với hàng Giám mục trong nhiệm vụ tư tế để phục vụ dân Thiên Chúa, trở thành cộng tác viên của hàng Giám mục… để rao giảng Phúc Âm, hướng dẫn dân Thiên Chúa và cử hành việc phụng tự, nhất là trong Thánh lễ”.
Với những thầy sắp chịu chức Linh mục, Giáo hội mời gọi các linh mục thi hành nhiệm vụ rao giảng: khi suy gẫm Lời Chúa, các linh mục hãy chú tâm tin điều mình đọc, dạy điều mình tin và thi hành điều mình dạy… Các Linh mục cũng phải thi hành nhiệm vụthánh hóa trong Đức Kitô bằng việc cử hành các Bí tích: Rửa tội, Giải tội, Thánh Thể, Hôn phối, Xức dầu bệnh nhân; bằng việc dâng lời ca ngợi tạ ơn và cầu nguyện trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ thay cho dân Chúa và thế giới. Ngoài ra, khi liên kết và vâng phục Giám mục thi hành nhiệm vụ thủ lãnh và mục tử tốt lành của Đức Kitô, các linh mục cố gắng quy tụ các tín hữu thành một gia đình, để có thể hướng dẫn họ đến với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
Theo ý bài trích sách Dân số, các Phó tế và Linh mục là những người được chọn để trợ giúp Giám mục, tương tự như những người thuộc chi tộc Lêvi được chọn để trợ giúp ông Môsê lo cho dân Chúa (x. Ds 3, 5-9).
Theo ý bài Tin Mừng, các Phó tế và Linh mục là những người được Chúa Giêsu chọn: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 16-17).
Điều Chúa truyền dạy các phó tế và linh mục là yêu thương nhau, yêu thương hết mọi người, cùng với mọi người xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo hội, như lời Thánh Phaolô lưu ý trong thư gửi tín hữu Rôma: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người” (Rm 12, 4-6).
Đặc biệt, các Phó tế và Linh mục được truyền chức hôm nay còn là những người đã nhận được đặc sủng làm đan sĩ thuộc Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn là một Dòng tu chiêm niệm theo truyền thống Xitô. Đây là dịp để chúng ta ôn lại đôi nét lịch sử và linh đạo Hội Dòng Xitô tại Việt Nam:
Tại Việt Nam, Hội dòng Xitô xuất phát từ cha đáng kính Henri Denis Biển Đức Thuận (1880-1933). Trong nhiều năm ngài thao thức lập dòng chiêm niệm cho nam giới. Vào ngày 15/8/1918, ngài lập Tu Viện Phước Sơn tại Quảng Trị, thuộc giáo phận Huế, lúc đầu gọi là Dòng Đức Bà Việt Nam.
Từ một dòng thuộc quyền giáo phận, năm 1935, toàn thể tu sĩ Phước Sơn khấn trọng thể gia nhập Dòng Xitô thuộc quyền Toà Thánh. Lúc này cộng đoàn Phước Sơn đã lên đến 70 tu sĩ. Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tha thiết ao ước có một Dòng Nam chiêm niệm tại giáo phận Phát Diệm để, như ngài nói, “nên như cây thu lôi thiêng liêng, cùng với Dòng Kín (Nữ), bênh đỡ giáo phận bằng lời cầu nguyện và hãm mình”. Ngày 08/09/1936, Dòng Phước Sơn khai sinh nhà con tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình: đó là Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan (tại miền Bắc Việt Nam).
Từ một cộng đoàn non trẻ, Dòng Châu Sơn không ngừng củng cố, phát triển và lớn mạnh. Năm 1953, một số tu sĩ vào miền Nam thành lập cộng đoàn Châu Sơn Nam, tạm thời cư trú tại họ đạo Phước Lý (Thành Tuy Hạ, Biên Hòa). Tháng 06/1957, cộng đoàn Châu Sơn Nam di chuyển đến huyện Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức (nay là Lâm Đồng). Ngày 27/07/1961, cộng đoàn được Thánh Bộ Dòng Tu ban sắc lệnh thiết lập “Đan viện tự trị” với tên gọi “Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương”.
Trước những thành tựu đáng khích lệ của cộng đoàn Châu Sơn tại Đơn Dương, Đại Hội toàn Dòng Xitô năm 1963 nhất trí nâng Đan viện tự trị Châu Sơn cùng với hai Đan viện Phước Sơn và Phước Lý lên hàng “Đan Phụ viện” (Abbatia), một đan viện có Đức Viện Phụ. Thánh Bộ Dòng Tu châu phê quyết định này qua văn thư ngày 13/11/1963.
Ngày 06/l0/1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành sắc lệnh thành lập “Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam”. Thành phần Hội dòng Xitô Thánh Gia gồm có : Đan viện Phước Sơn, các nhà con của Phước Sơn và các đan viện do các nhà này thiết lập; các đan viện khác xin gia nhập Hội dòng, miễn là chấp nhận Hiến Pháp của Hội dòng. Ngoài ra, nữ đan viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước và các nhà xuất phát từ đan viện này cũng được sát nhập vào Hội dòng một cách trọn vẹn; tuy nhiên, các nữ đan viện này có Hiến pháp riêng.
Theo Hiến Pháp và Tuyên ngôn Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, tôn chỉ và mục đích đời đan tu “là một đời tận hiến chuyên về chiêm niệm, thể hiện sự thông phần mầu nhiệm Thánh giá, tuyên xưng sức mạnh và hoan lạc của ơn Phục sinh” (38). Vì chuyên về chiêm niệm, các đan sĩ Xitô Thánh Gia sinh hoạt hàng ngày trong khuôn viên đan viện, hay còn gọi là trong nội vi đan viện. Vì là Dòng chiêm niệm, nên cuộc sống của các đan sĩ giữ luật thinh lặng nghiêm nhặt, cốt để cho các đan sĩ dễ dàng kết hợp với Chúa, cầu nguyện cho Giáo hội, đặc biệt cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa. Linh đạo Xitô Thánh Gia là đời sống cầu nguyện và lao động (Ora et Labora), bắt nguồn từ tinh thần thánh Biển Đức, từ truyền thống Xitô nguyên thuỷ và từ Đấng sáng lập. Đời sống khổ chế và sống chung là nét đặc thù của đời sống đan sĩ Xitô.
Chúng ta hiệp dâng Thánh Lễ với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về ơn gọi đan tu được ban cho Giáo hội và Thế giới. Chúng ta tin tưởng vào lời cầu nguyện và hy sinh của các đan sĩ, nhưng cũng không quên cầu nguyện cho các đan sĩ, cách riêng cho các thầy sắp được truyền chức Phó tế và Linh mục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét