Trước khi đọc tiểu sử thánh nhân, chúng ta hãy đón nhận mấy dòng vắn tắt sau đây, nhưng bao hàm những ý tưởng thâm thúy ngài muốn để lại cho chúng ta khác nào những bông hoa thiêng liêng cao quý: “Lạy Chúa, con ao ước mến Chúa với tất cả lòng sốt mến xứng hợp với uy danh cao vời của Chúa. Con băn khoăn vì loài người tệ bạc với Chúa nhiều quá. Ước gì con được tử đạo để cùng đau khổ với Chúa. Chớ gì con được hạnh phúc chịu vài điều nhục nhã vì lòng mến Chúa. Sung sướng cho ai kính sợ Chúa vì họ sẽ lập được nhiều công phúc. Trái lại những kẻ nào chỉ mải mê chạy theo dục tình, họ sẽ không trung thành với Thiên Chúa. Lạy Chúa, nghĩ đến những hồng ân Chúa đã ban cho con, con hân hoan dâng lời ca tụng Chúa: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng”.
Lời nguyện cuối cùng này cũng là kinh mà Lui Gonzaga đã học được khi còn trên gối mẹ. Những ý tưởng đạo đức ấy đã ghi sâu vào tâm hồn non nớt của Lui lúc ấy và ảnh hưởng suốt cuộc đời thánh thiện của Lui sau này.
Lui sinh ra tại lâu đài Castiglionê gần Mantua, ngày 09-3-1568. Là con trai của một gia đình quý tộc đạo đức, hơn nữa dòng tộc Lui tự bao đời còn cống hiến cho giáo hội những vị Giáo Hoàng và Hồng Y xuất sắc, vì thế có thể nói rằng Lui đã được thụ hưởng một vốn liếng vật chất cũng như tinh thần và đạo đức phong phú. Nhưng trực tiếp và sâu xa hơn cả vẫn là ảnh hưởng của bà thân mẫu Mácta Tana. Bà đã chăm lo huấn luyện lòng đạo đức cho con ngay từ thủa còn trứng nước, hơn nữa bà còn thầm ước dâng con cho Chúa. Ông Ferrantô trái lại muốn hướng Lui theo nghề binh đao. Vì thế, khi Lui vừa biết thích các đồ chơi thì ông đã đặt vào tay cậu những món đồ chơi gồm một bộ mã giáp, một con ngựa sắt và đầy đủ các gươm đao có ý cho Lui làm quen dần với những vũ khí thật sau này. Năm 1577, ông lại gửi Lui cùng em trai là Rodolphô tới Florencia trọ học tại lâu đài lãnh chúa Phanxicô I. Ở đây Lui có dịp làm quen với các công chúa Êlênôra, Maria Mêđici và cũng nhờ cuộc giao tiếp với các bạn gái ấy mà Lui đã nhìn rõ thấy những nết xấu của mình: hay nóng giận, thiếu nhẫn nại, ẻo lả và thiếu tinh thần đạo đức. Nhờ đọc cuốn sách nhỏ nói về “Mầu nhiệm tràng hạt Mân Côi”, lòng đạo đức của Lui đã thức tỉnh. Từ đó cậu ham thích cầu nguyện và tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ cách riêng. Chính trước Ảnh Đức Mẹ Truyền Tin tại nhà nguyện dòng chị em “Tôi tớ Mẹ”, Lui đã khấn giữ mình trinh khiết. Và để trung thành với lời hứa Lui tìm mọi cách hy sinh hầu hãm trừ nết xấu và tăng gia lòng đạo đức.
Năm 1579, theo lệnh của cha, Lui cùng em trở về Mantua. Tại đây Lui bị bệnh sởi và chạy chữa lâu ngày mới khỏi. Dầu vậy từ đó, cậu vẫn yếu sức. Vì thế, Lui lại được phép cha trở về tĩnh dưỡng tại lâu đài Castiglionê. Đây là thời kỳ thuận tiện nhất để cậu thực hành đời sống thánh thiện với tâm hồn sốt mến. Có khi Lui chìm lắng hằng mấy giờ trong kinh nguyện và chiêm ngắm. Sách thiêng liêng cậu ưa thích nhất bấy giờ là cuốn “Nguyện gẫm hằng ngày” của thánh Phêrô Caniciô. Sau đó là những bức thư của các nhà truyền giáo từ Ấn Độ gửi về. Ngày 22-7-1577, Lui được Đức Hồng Y Bôrômê cho chịu lễ lần đầu. Từ đó, tâm hồn Lui càng chan hòa ơn Chúa và chiếu giãi những nhân đức tươi đẹp, đặc biệt nhất là tinh thần hy sinh phạt xác. Thêm vào đó đời sống khắc khổ nhưng vui tươi và trong sáng của các thầy dòng tu viện thánh Bácnabê đã cảm hóa Lui rất nhiều. Noi gương các thầy, Lui về nhà lấy dây xích chó làm dây đánh tội và thức đêm cầu nguyện. Vì thế mà Lui đã bị đau đầu và rồi sức khỏe mỗi ngày một kém. Đàng khác vì không có cha linh hướng, Lui chỉ biết đọc các tác phẩm của mấy triết gia khắc kỷ Hy lạp rồi tự dẫn mình đi trong đường tu đức. Do đó chẳng bao lâu, Lui cảm thấy mình như bị lạc đường. Nhưng biết nói với ai? Hằng ngày Lui chỉ biết than thở với Chúa: “Lạy Chúa xin hướng dẫn con!”
Cho tới năm 13 tuổi, Lui mới nhất định bỏ Mantua để xin vào một tu viện. Nhưng cậu băn khoăn không biết đâu là con đường thích hợp: Nhập tu viện thánh Phanxicô hay chọn dòng Chúa Giêsu? Trong lúc đó, ông Ferrantô, đoán biết ý định của con một phần nào. Ông bèn tìm cách đánh lạc chí hướng của Lui bằng cách dẫn cậu đi thăm các cung điện ở Mantua, Phêra, Parma, và Turinô. Hơn nữa ông còn từ chối ý kiến của nhiều vị Giám mục muốn cho Lui nhập hàng giáo sĩ địa phận mình. Cho đến một ngày kia, sau khi chứng kiến một việc hy sinh kỳ lạ của Lui, việc cậu đặt tay vào khe cửa xiết cho chảy máu ra để được dịp chịu khó, ông mới gặng hỏi con về ý hướng muốn đi tu hay ở nhà kế nghiệp cha. Không do dự, Lui thưa với cha một cách mạnh bạo: “Thưa cha, con xin đi tu”. Biết không cản được ý con, ông Ferrantô mới đành chịu cho phép Lui tự do theo ơn gọi. Lúc đó, Lui sung sướng chạy đến báo tin cho bà Mácta. Hai mẹ con cảm động đến rơi lệ, nhìn nhau, rồi cùng nhìn lên ảnh Chúa dâng lời cảm tạ!
Trước khi lên đường theo các cha dòng Tên, Lui còn ở lại Milanô bảy tháng để lo liệu công việc giúp cha, đồng thời học thêm triết lý. Ngày 02-11-1585 theo lệnh của thân phụ, thầy về Mantua ký bản nhường quyền cho em là Rodolphô kế nghiệp. Hai hôm sau, thầy lên đường đi Rôma. Theo ý thân mẫu, trên đường đi Rôma, Lui phải đến viếng đền Đức Mẹ ở Lorettô để hoàn tất lời bà đã khấn với Đức Mẹ khi sinh Lui. Ngày 25-11, Lui chính thức vào nhà tập tại tu viện thánh Anrê, ở Quirinal. Thời gian ở tập viện là những ngày thầy phải chiến đấu rất nhiều để theo đuổi ơn gọi. Vì theo lời kể lại, đó là thời kỳ Chúa gởi đến cho thầy nhiều thử thách nhất.
Quả thế, thầy vào nhà tập được ba tháng thì nghe tin thân phụ qua đời. Thêm vào đó, là những chuỗi ngày đen tối của linh hồn! Nhiều lúc thầy muốn cởi áo dòng vượt tường chạy về nhà vì thương mẹ nhớ em. Rồi tất cả những bóng người hào hoa thầy đã gặp cũng dồn dập sống lại trong trí tưởng tượng để quyến rũ thầy về thế gian! Có những lúc thầy hầu như thất vọng, thấy mình như không đủ sức theo đuổi lý tưởng tu trì! Nhưng với lòng thành và phó thác, thầy trình bầy tâm hồn với bề trên và hoàn toàn vâng theo lời ngài. Với những kinh nghiệm tu đức, cha bề trên khích lệ và khuyên thầy can đảm. Để xua đuổi những lý tưởng và cảm tình thương cha nhớ mẹ, cha dậy thầy phải cầu nguyện nhiều cho họ và phó thác để mặc cho Thiên Chúa định liệu. Cha bề trên còn giúp thầy chống lại những hoài niệm và hình ảnh xưa, bằng cách sai thầy ngày ngày mặc áo nhặm và đeo bị đi hành khất ngoài phố. Vì khiêm tốn và vâng lời, thầy Lui vui vẻ làm mọi việc như bề trên dậy. Nhờ đó dần dần thầy cảm thấy tâm hồn thanh thoát và nhẹ tiến tới trên đường thánh thiện.
Ngày 27-10-1586, thầy Lui trẩy đi Napôli với cha giám tập. Nhưng trên đường đi thầy bị chứng phong ban và sốt rét nặng nên người ta phải gửi thầy ở lại Rôma. Sau khi khỏi bệnh, thầy tiếp tục học và chuẩn bị khấn dòng ngày 25-11-1587. Nhờ trí thông minh và nền học thức vững chắc, thầy đã đáng được liệt vào số những nhà “kinh viện” có thế giá thời ấy. Thầy biện luận cương quyết và chính xác nhưng vẫn giữ thái độ khiêm tốn; do đó thầy càng được mọi người yêu mến và cảm phục.
Tháng 9-1589, cha bề trên cho phép thầy trở về Castiglionê để giàn xếp một việc tranh chấp giữ lãnh chúa miền Mantua và Rodolphô em thầy. Thầy Lui kêu gọi lòng quảng đại của lãnh chúa, và khuyên hai người vì lòng mến Chúa Kitô nên làm hòa với nhau. Bằng lời cầu nguyện và chay tịnh, thầy Lui đã được Chúa cho thành công như ý, và ngăn ngừa được những gương xấu có thể xảy ra! Sau đó thầy được lệnh trở về tu viện ở Milanô, và thầy được Chúa cho biết giờ chết đã gần đến. Thầy muốn trở lại Rôma một lần nữa để nhìn lại mái nhà thân yêu của tu viện, nơi đã khai tâm đời sống tu dòng của thầy. Chúa nhân lành hình như cũng không nỡ từ chối ước vọng tốt đẹp của người con nhỏ, nên đã soi sáng cho cha bề trên cả triệu thầy về chính tu viện Rôma. Trên đường về, thầy còn ghé thăm tu viện thành Siêna và đã diễn thuyết cho các sinh viên tu sĩ ở đấy một bài nhan đề: “Các bạn không chỉ là những người nghe, nhưng còn là những người thực hiện những Lời Chúa...”
Trở về Rôma, thầy còn được mời diễn thuyết trước hội đồng nhiều Giám mục nước Ý. Đó là một việc mà ngài chỉ dám lĩnh nhận vì khiêm tốn và vâng phục, hơn là vì vinh dự hay sung sướng. Để củng cố thêm lòng yêu mến Chúa, thầy dành những ngày còn lại để đọc và suy ngắm cuốn “Tự thú” của thánh Âutinh, cuốn “Diễm ca” do thánh Bênađô chú giải và quyển tiểu sử thánh nữ Catarina thành Gênôva.
Tuy ốm yếu và cần được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nhưng nhiều khi thầy đã quên mình để chỉ nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Người ta đã ca ngợi rất nhiều những hành động bác ái thầy Lui đã làm trong thời gian mất mùa và dịch tễ năm 1590-1591. Đầu tiên thầy xung phong giúp việc tại nhà thương thánh Sixtô, rồi dưỡng đường Đức Nữ Maria. Thầy không ngần ngại phải làm một người phu khuân vác để giúp đỡ đồng bào và các bệnh nhân. Nhiều khi thầy còn vác cả những xác người chết vì dịch tễ nữa. Thầy làm việc như thế cho đến ngày 20-6-1591, thì ngất trí suốt một đêm. Sáng hôm sau thầy tỉnh lại, từ biệt mọi người trong tu viện rồi tắt nghỉ êm ái khi đã rước lễ ăn đàng cách sốt sắng. Thánh nhân sống vừa chẵn 23 tuổi.
Xác thánh nhân được mai táng tại nghĩa trang Annuciđê. Bảy năm sau, vì nước sông Tibêri dâng lên quá mạnh, người ta buộc lòng phải cải táng và đem di hài ngài về nhà thờ thánh Inhaxiô được xây cất ở một địa điểm cao hơn. Ngày 21-5-1605, thầy được Đức Giáo Hoàng Phaolô V tuyên phong bậc Chân phúc, và năm 1726, Đức Biển Đức XIII truyền ghi tên ngài vào sổ các vị hiển thánh. Ngày 21-6-1725 Đức Giáo Hoàng lại đặt thánh Lui Gonzaga làm quan thầy các thanh niên.
Làm như thế, Đức Giáo Hoàng đã muốn cho các thanh niên nam nữ biết theo gương thánh trẻ mà quí trọng đời sống thanh khiết, yêu mến khổ hạnh là hai nhân đức cần thiết của tuổi thanh xuân. Dù không sống trong trắng được như ngài, thì ít ra các thanh niên biết theo gương ngài hãm mình, hy sinh. Đó là cách thế để sống thanh khiết và kiềm chế được những dục tình xấu xa hằng làm xáo động trí óc và tâm hồn chúng ta vậy.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét