Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Ngày Phong Cùi Giáo Phận Kontum (09/05/2016).


NGÀY BỆNH NHÂN PHONG GP KONTUM 2016 
 Theo chương trình hằng năm,
lễ kính  THÁNH ĐAMIEN TÔNG ĐỒ NGƯỜI PHONG HỦI, 
BỔN MẠNG BỆNH PHONG NHÂN Giáo phận được ấn định vào ngày 10/05.

Nhưng trong Năm Lòng Thương Xót (2016) Giáo phận muốn ôn lại tiểu sử của Thánh nhân, cũng như nhìn lại những công việc PHỤC VỤ của giáo phận đã là gì cho anh chị em bệnh nhân phong trong năm qua. Được sự đồng ý của Đức Giám mục Aloisiô NGUYỄN HÙNG VỊ, cha Tổng Đại Diện Nguyễn Vân Đông, Giám đốc Caritas Giáo phận cùng quí cha, quí tu sĩ nam nữ và những anh chị em trực tiếp phục vụ cho người bệnh phong từ nhiều năm đã tổ chức trước 01 ngày  (09/05/2016)  Hội Thảo tại giáo xứ Hoa Lư, Giáo hạt Pleiku và  dâng Thánh Lễ KÍNH THÁNH ĐAMIEN TÔNG ĐỒNG NGƯỜI HỦI.
Chúng tôi xin:
I – Tóm lược tiểu sử cha Đamien, Tông Đồ người Phong hủi.
II- 02 Đoạn VIDEO CLIP ghi lại Ngày Hội Thảo và Thánh Lễ: Đức Giám mục chủ tế và trên 10 linh mục đồng tế, đông đảo các tu sĩ nam nữ, quí thành viên đã phục vụ cho anh chị em bệnh phong, đồng thời trên 40 anh chị em bệnh nhân phong và trên 600 giáo dân đến dự thánh lễ rất cảm động.
I- Lược  sử cuộc đời cha thánh Đamien, Tông Đồ người Phong hủi.

 Cha Damien trước khi đến Molokai
Cha Joseph Damien de Veuster là người Bỉ, sinh năm 1840, lớn lên vào dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong tu viện Picpus tại Louvain, Bỉ, năm 1859. Cha Damien theo học tại Issy và Paris trước khi khấn trọn đời năm 1861, tiếp tục học tại đại học Louvain trong hai năm 1861-1863, và chịu chức linh mục tại Honolulu ngày 19.3.1864. Cha làm việc tông đô tại Hawai dưới quyền của Đức cha Maigret cho tới năm 1873, cha xung phong và được chấp nhận ‘đi Molokai phục vụ bệnh nhân phong cùi biệt giam’. 
 Hoạt động mục vụ
  • Thăm viếng các bệnh nhân:Như được ghi trong chương trình sống mỗi ngày: cha Damien đi thăm bệnh nhân mỗi buổi chiều, cha đi thăm từng trại, từng khu nhà ở, nhà ăn của các bệnh nhân. Nói chuyện thân mật với họ, hỏi thăm về gia đình, về nhu cầu thiêng liêng của họ… Nhiều lần cha bị chính quyền và ban y tế khuyến cáo, cũng như các nhóm truyền giáo Tin lành ganh tị, và các linh mục truyền giáo dòng Thánh Tâm phản đối.
  • Lo cho các bệnh nhân hấp hối: Cha Damien quan tâm nhiều đến các bệnh nhân hấp hối. Hơn thế, có những trường hợp một mình cha lo từ A đến Z.. Nhiều người chết không có quan tài, đành bó vải liệm xác và đem đi chôn… Đất ở đảo Molokai rất khô rắn, cha phải hì hục nhiều giờ mới đào được một cái huyệt…
  • Chấp nhận sự hôi hám nồng nặc:Trong một lá thư viết cho người anh là cha Pamphile, cha Damien thổ lộ : «Mặc dầu nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ, em chưa phải là người phong cùi, nhưng em đã là phong cùi giữa những người phong cùi. Vì em đã tập quen chấp nhận họ: Mỗi ngày lễ trọng, em đứng trên bàn thờ và mùi hôi thối xông lên, làm em nghĩ đến mồ của ông Lazarô. Mỗi lần em ngồi tòa, mùi hôi từ các vết thương lở loét xông ra làm em lợm mửa. Có lúc em phải bịt mũi lại. Cũng như vậy, mỗi lần em ban phép xức dầu cho một bệnh nhân…»
  • Vận động lòng kính trọng các bệnh nhân phong cùi: Ngay khi đến các trại cùi biệt giam ở Molokai, cha Damien cũng như nhiều bác sĩ khác có chung một cảm nghĩ ‘Molokai là hòn đảo vô nhân đạo’. Vì thế cha tìm mọi dịp, dùng mọi phương thế đề cao giá trị nhân bản của các bệnh nhân.
  • Cha Damien được ân thưởng và ái mộ khắp nơi. Cuối tháng 6.1881, Đức cha Kockeman, tân giám mục phó của Hawai đã đem trao tận tay cha Damien lá thư của công chúa Liliuokalani. Trong đó, công chúa bày tỏ: ‘Tôi vui mừng bày tỏ cùng cha lòng kính ái của tôi về những công trình anh hùng và vô vị lợi của cha giữa những người xấu số nhất trong vương quốc này, tôi muốn tuyên chứng công khai về sự tận tâm trung tín, nhẫn nại và khả ái mà cha đã quan tâm lo lắng về cả thể xác và tinh thần cho những người bị xa cách gia đình và bạn hữu của họ chỉ vì một chứng bệnh nan y, nguy hiểm. Ý thức rằng lòng tận tụy và hy sinh muốn giúp đỡ những người khổ đau của cha thật đáng được Đức Thánh Cha và Thiên Chúa của mọi người ân thưởng. Dầu vậy, tôi cũng xin cha vui nhận huy chương ‘Hiệp Sĩ Thượng Đẳng’ của Vương quốc Kalakaua như một tuyên chứng công trình tông đồ và bác ái của cha. Chính mắt tôi đã chứng kiến công việc của cha trong dịp thăm viếng Sở Truyền giáo của cha mới đây…”. Hai tờ báo Pacific Commercial Advertiser và Hawaiian Gazette đã đăng nhiều bài khen ngợi cha Damien;
  • Bị nhiễm bệnh thật sự.Ngày 25. 02.1885, cha Damien viết cho Đức cha Kockemann như sau: «Thưa đức cha, có thể con không sống bao lâu nữa. Chân con sưng lên và không chữa nổi, cho dù vết thương đã thành sẹo. Các đường gân sưng phồng lên và đau đớn lắm. Con không thể nào di chuyển nữa, con cũng không thể bỏ xa 600 bệnh nhân phong cùi Công giáo, nhiều người chết không có linh mục… Và ngày 30.4.1886, cha Damien được chính thức ghi danh vào sổ những người bị bệnh phong cùi. 
Cha Damien từ trần
  • Bệnh trở nên trầm trọng:Theo lời kể của ông Sinnett, ba hôm sau cha Damien chọn nằm dưới đất, trên rơm rạ, như một người bệnh cùi tầm thường nhất, nghèo nàn nhất. Sáng ngày hôm sau, ngài nói với ông Dutton, “Tôi đã dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa, tôi chết nghèo, tôi chẳng có gì cho tôi…” Người ta phải năn nỉ mãi ngài mới chịu lên giường, nhưng ôi, cha đã cho đi hết rồi, cho không có một tấm vải trải giường hay một bộ đồ để thay… Ngày 30.3, cha Conrardy xin bác sĩ Swif đến thăm cha Damien. Cha từ chối không ăn gì cả. Cha bị sốt tới 39 độ. Sau trưa cha xin cha Wendelin đến giải tội chung và giúp cha đi vào cơn hấp hối. Cha Wendelin cho cha rước lễ. Ngài kể lại rằng: ‘Hôm đó cha Damien vui vẻ khác thường. Cha bảo tôi ‘cha xem tay tôi trắng lại, các vết thương khép lại rồi, chỉ còn khuỷu tay hơi đen. Tôi ước ao gặp đức giám mục một lần nữa, nhưng Thiên Chúa nhân lành gọi tôi về cử hành lễ Vượt Qua với Ngài. Ngợi khen Chúa nhân lành. Chúa nhân hậu làm sao, Chúa cho tôi hai linh mục thánh thiện giúp tôi trong giờ sau hết của đời sống, rồi cả các nữ tu Bác Ái ở bệnh viện cũng cầu nguyện cho tôi. Bây giờ là ‘nunc dimittis’ của tôi… ». Tôi thưa với cha Damien: «Trên trời, xin cha đừng quên những người cha bỏ lại mồ côi ». Cha Damien trả lời : «Nếu tôi có chút công phúc gì ở bên Chúa, tôi sẽ xin Chúa chuyển ban cho tất cả các bệnh nhân phong cùi… » Tôi lấy một áo măng-tô quàng cho cha Damien và xin cha chúc lành cho tôi… ».
  • Tử đạo vì bác ái: Những ngày kế tiếp, cha Damien lúc tỉnh lúc mê. Bác sĩ Swif quen cho cha uống Whisky toddy để ngài hồi lại. Ngày 08. 04. 1889, đức cha Korkmann viết cho cha bề trên cả dòng Thánh Tâm : «Có lẽ cha đáng kính Damien sẽ chết vào giờ cha mong ước. Tôi hy vọng sẽ thăm lại vị tử đạo bác ái này sau lễ Phục Sinh. Cha đã thanh thỏa mọi điều chúng ta mong ước. Quỹ bác ái của cha còn 37.000 đola. Tôi sẽ cho người kế vị cha Damien được toàn quyền sử dụng số tiền này cho trại phong cùi… Khi nào cha Damien qua đời, chúng tôi sẽ tổ chức lễ an táng trọng thể cho cha ».
  • Đến và đi vào cùng ngày chủ nhật lễ Lá: Chúa nhật lễ Lá, 14.4.1889, cha Damien trở bệnh. Cha Wendelin cho cha rước lễ lần cuối. Bác sĩ Swif cho cha uống Whisky toddy, nhưng vô hiệu. Cha Damien vào hôn mê… Cha Wendelin, các nữ tu và bác sĩ Swif, ông Dutton và ông Sinnet quỳ quanh giường cầu nguyện cho cha Damien… Cha tắt thở nhẹ nhàng, và ông Dutton nói: “Cha đã được như lòng mong ước, cha đến đảo vào chủ nhật lễ Lá, cha cũng ra đi vào chủ nhật lễ Lá’. Thực ra cha Damien ra đi sáng thứ hai Tuần Thánh, 15.4.1889. Cha Wendelin tuyên bố: “Tôi nhìn thấy cha Damien thật can đảm, đôi mắt sáng tỏa sự chấp nhận, niềm vui và hài lòng. Môi cha không nói rõ ràng những điều lòng cha muốn bày tỏ, cha nắm chặt tay tôi cách thân tình”.
  • Huyệt an táng cha Damien được đào dưới gốc cây Pandanus, xây và gắn xi măng vững chắc…
  • Tôn vinh Hiển Thánh: Ngày 27.01.1936, xác cha Damien được bốc lên, đem về Honolulu, rồi  đem về Bỉ an táng trong nhà thờ của tu viện Picpus, hai tay chắp lại hướng về Hawai… Cha được phong Chân phước năm 1995 bởi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và tôn vinh Hiển Thánh ngày 21.10.2009 bởi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.

II- 02 Đoạn VIDEO CLIP ghi lại NGÀY HỘI THẢO & THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ
+ HỘI THẢO

+ THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ
GPKONTUM (13/05/2016) KONTUM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét