Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

CHÚA THĂNG THIÊN.CN VII PHỤC SINH

Bài Suy Niệm:Chúa Nhật Phục Sinh 7 Năm C. Chúa Thăng Thiên. Cv 1,1-11; Ep 1, 17-23; Lc 24,46-53
Theo sách Công vụ Tông đồ Chúa Giêsu lên trời vào ngày thứ 40 sau khi Phục Sinh ( Bài đọc 1. Cv1, 1-11), còn theo sách Tin Mừng Luca thì ngay ngày Phục Sinh, Chúa ngự về trời ( Bài Tin Mừng. Lc 24,46-53).
Biến cố Lên Trời biểu lộ vinh quang của Đấng Phục Sinh, biến cố này không tách biệt khỏi mầu nhiệm Vượt Qua. Biến cố đánh dấu kết thúc cuộc đời trần gian của Chúa Giêsu, tôn phong Người làm Đấng Mêsia, Đấng Cứu tinh. Sự khác biệt về thời gian không quan trọng cho bằng việc phô bày mầu nhiệm phong phú nầy. Có thể nói được rằng biến cố Chúa Lên Trời thu tóm tất cả mầu nhiệm Kitô giáo. Trong cuộc Tử Nạn, Chúa Giêsu đã chiến thắng quyền lực sự dữ: Người đã từ chối hận thù, Người đã chiếu sáng tình yêu, Người đã đánh bại “các quyền lực và các ách thống trị”. Cho đến chết, Người từ chối bạo động, từ chối lấy oán báo ân. Người giải phóng bằng bất bạo động, chấp nhận tự hủy ra không.

Thánh Phaolô diễn tả việc Chúa Thăng Thiên như là sự chế ngự của Chúa Giêsu trên tất cả những gì chế ngự chúng ta. Chúa ngự trên mây về trời, đó là hình ảnh Chúa Giêsu được cất lên cao khỏi nhũng gì đối nghịch, ràng buộc nhân loại. Chúa nắm giữ quyền bính, đó là Vương Quốc của Thiên Chúa. Thăng Thiên là một giai đoạn trong tiến trình Tử nạn Phục Sinh không tách lìa nhau được. Thật vậy Tử nạn đem lại sự Sống lại, vì Tử nạn là thống trị sự chết. Tuy nhiên sự Sống lại không phải là dành lại sự sống ban đầu, nhưng là chảy tuôn vào trong sự sống của Thiên Chúa; điều này được diễn tả trong việc Lên trời, Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha. Thăng Thiên là cách nói khác về biến cố thực tế Phục sinh. Ngay khi bước vào cuộc Tử nạn, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Con Cha” (Ga17,1). Và khi lên trời “ có đám mây quyện lấy Người”, đám mây trong bài đọc 1 nói lên vinh quang đó (x. Bài đọc 1. Cv 1,9). “Chúa Giê su được cất lên ngay trước mắt các ông”, có nghĩa là Người biến mất, từ nay Người hiện diện một cách vắng mặt, một cách vô hình. Một hình thức ‘hiện diện mới’ mà ngày nay đối với người Kitô hữu như là điều kiện tin mà không thấy. Đức tin là chấp nhận sự hiện diện của Đấng vô hình.

Thăng Thiên minh họa hoàn cảnh hiện nay của chúng ta, hoàn cảnh của thời kỳ sống trong đức tin “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Nhưng thử hỏi “Thiên Chúa ở đâu?” Người lên trời. Người rời khỏi tầm mắt chúng ta, tuy nhiên Người vẫn ở lại với chúng ta “cho đến khi hoàn tất các thế kỷ”. Tất cả muốn nói lên rằng Chúa Giêsu thay đổi cách thức hiện diện, Người hiện diện bằng sự hiện diện thiêng liêng vô hình. Một sự vắng mặt hiện diện. Chúng ta không còn nhận thấy Chúa bằng con mắt trần tục nữa. Thật ra Chúa Giêsu loan báo việc Chúa Thánh Thần sẽ đến ngự trong chúng ta “Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” ( Bài Tin Mừng. Lc 24,49), Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Đừng bao giờ ly cách việc Chúa Giêsu về trời với việc Chúa Thánh Thần ngự xuống và sự trở lại trong Vinh Quang của Chúa Giêsu Kitô. Đó là ba thời kỳ hoàn tất trong công trình của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thăng thiên, niềm vui tràn ngập lòng chúng con vì Chúa là nhân vật của trái đất này đã bước vào Nước Trời, là con én báo hiệu mùa xuân thiên quốc, để chúng con “lòng đầy hân hoan” tiến bước trong hy vọng về trời. Amen. Allêluia.

LM. LUY GONZAGA NGUYỄN QUANG VINH
GX. PHƯƠNG HÒA – GP. KONTUM
GPKONTUM (07/05/2016) KONTUM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét