Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

TƯỚC HIỆU NHÀ THỜ - TÊN GỌI GIÁO XỨ - THÁNH BỔN MẠNG GIÁO XỨ


Việc đặt tước hiệu nhà thờ và chọn bổn mạng giáo xứ xem ra đơn giản nhưng thực tế lại gây ra một số trùng lắp, dẫn đến ngộ nhận. 
Bài viết nhằm cung cấp một vài gợi ý về vấn đề này theo như truyền thống xưa nay trong Giáo Hội.
1. Tước Hiệu của Nhà Thờ

Về nguyên tắc, Tước Hiệu Nhà Thờ sẽ được Giám Mục đặt khi ngài cung hiến nó. Mỗi Nhà Thờ chỉ được một tước hiệu duy nhất mà thôi, trừ khi đó là tên của các vị thánh được cử hành chung một ngày lễ phụng vụ, chẳng hạn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.
Tước hiệu thánh đường giống như tên gọi của mỗi người, đó là cách để nhận biết ra ngay thánh đường khi nói tới tên của nó ở mỗi vùng đất nhất định. Nói tới nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn hay tới nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình ở Long Xuyên thì chúng ta biết ngay đó là nhà thờ nào. Không thể khác được. Tuy vậy, vì Thành Phố Long Xuyên chỉ có một nhà thờ và vì đó cũng là nhà thờ chính tòa giáo phận, do vậy từ lâu chúng ta có thói quen chỉ nói nhà thờ Chính Tòa Long Xuyên thôi. 
Giáo luật điều 1218 quy định: “Mỗi nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, không thể thay đổi tước hiệu nữa”. Chữ “riêng” ở đây được hiểu như là tên riêng cho thánh đường đó. Do vậy, có thể lấy Thánh Danh làm tước hiệu cho nhà thờ, như Nhà Thờ Chúa Biến Hình, nhà thờ Đức Mẹ La Vang, nhà thờ Chúa Thánh Thần vv... kể cả tên của các Chân Phước đã được ghi vào lịch phụng  vụ địa phương, nhưng đừng vì mộ mến cách nào đó mà các thánh đường trong một khu vực lại lấy chung một tước hiệu. Vì là tên của nhà thờ, mỗi thánh đường cần có một tước hiệu riêng biệt, không trùng lắp.
Ở Roma một thời, người ta quá yêu kính thánh Phêrô, nhưng không vì thế mà tước hiệu Phêrô được đặt cho hơn một nhà thờ tại kinh thành muôn thuở này, dù rằng các nhà thờ mọc lên như nấm. Cũng vậy, Châu Âu trong thuở vàng son của Dòng Tên, các trẻ em được đặt tên là Phanxicô hay Inhatiô rất nhiều, nhưng không vì thế mà dễ tìm thấy các nhà thờ Phanxicô hoặc Inhatiô gần bên nhau. Về điều này, chúng ta cũng cần suy nghĩ bởi nhiều nhà thờ của giáo phận Long Xuyên có chung một tước hiệu, dù rằng các nhà thờ này rất gần nhau, cùng chung trong một giáo hạt, hay thậm chí cận kề nhau.
2. Tên của Giáo Xứ
Ở rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu, Châu Mỹ, tên của giáo xứ luôn trùng tên với tước hiệu nhà thờ đã được cung hiến.Bởi trong thời đi tìm các vùng đất mới, người ta vẫn có thói quen lấy Danh Thiên Chúa hay Đức Mẹ, Thiên Thần, các Thánh và đặt tên cho nơi mới đến để dâng hiến cho các ngài. Và rồi sau đó họ xây lên một ngôi thánh đường mang tên Thánh đó để tỏ lòng sùng kính.

Còn ở Việt Nam, vì là xứ truyền giáo sinh sau đẻ muộn, các vùng đất đã có dân cư và gắn liền với địa danh lâu đời. Hơn nữa, vào thời các vị thừa sai đến Việt Nam, việc trở lại Công Giáo không ồ ạt thế nên cũng khó mà tẩy rửa tận gốc các tên tuổi đã có. Tên của giáo xứ được lập ra thường lấy lại tên của địa phương đó, chẳng hạn giáo xứ Bò Ót, giáo xứ Năng Gù, giáo xứ Ba Hòn vv...Hoặc nếu trong cùng một địa phương mà có nhiều hơn một giáo xứ, thì lúc đó người ta mới nghĩ tới việc đặt tên mới. Mà điều này thì khó xảy ra ở vùng tây nam bộ này, nơi người Công Giáo chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trên dân số. Vùng Cái Sắn có lẽ là một minh họa rõ nét hơn. Bởi lẽ mỗi con kênh thường có hai hoặc ba giáo xứ chia sẻ cùng một địa danh là tên của con kênh. Do vậy tên giáo xứ ở đây thường liên quan tới các nguồn gốc cũ, hoặc kết hợp với các yếu tố mới để làm thành danh xưng mới chứ không sử dụng địa danh hay tên gọi hành chánh nơi đang ở. Ví dụ như các giáo xứ Long Bình, Châu Long, Trung Thành, Tân Bùi vv... rải đều trên các kênh vùng Cái Sắn.
3. Bổn Mạng hay Quan Thầy giáo xứ
Thánh bổn mạng của giáo xứ được xem như vị chuyển cầu ơn lành cho giáo xứ. Việc chọn thánh bổn mạng cần được sự nhất trí giữa cha sở với giáo dân và nhất thiết phải được giám mục châu phê. Và vì thánh bổn mạng là vị cầu bầu cùng Chúa cho giáo xứ, nên không bao giờ được chọn các Ngôi Vị Thiên Chúa, hay Ba Ngôi. Vị trung gian chuyển cầu chỉ có thể là Đức Nữ Trinh Maria, các Tổng Lãnh Thiên Thần, hay một vị thánh, một chân phước nào đó. Nguyên tắc này tuyệt đối cấm chọn bổn mạng giáo xứ là Thiên Chúa.Đơn cử một minh họa, chúng ta có thể thấy:
·  nhà thờ Kitô Vua vì đã được cung hiến cho Chúa Kitô Vua Vũ Trụ,
·  giáo xứ Kitô Vua, theo nghĩa tên của giáo xứ là Kitô Vua,
· không thể có bổn mạng giáo xứ là Kitô Vua, hay là Thánh Tâm.
Khác với tước hiệu nhà thờ, bổn mạng giáo xứ hay thánh quan thầy địa phương có thể được các giáo xứ cận kề nhau chọn chung mà không bị một chế tài nào cả. Một vùng có nhiều nhà thờ nhưng dân cư vùng đó yêu mến một vị thánh nào đó, thí dụ như vùng Giáo Hạt Chợ Mới với Thánh Phụng và Thánh Quý, thì các giáo xứ trong giáo hạt có thể, và thậm chí còn rất nên, chọn hai thánh đó làm bổn mạng cho các giáo xứ trong giáo hạt này.
Tóm lại: tước hiệu nhà thờ, tên giáo xứ và tên thánh bổn mạng giáo xứ là ba vấn đề tách biệt nhưng lại có liên quan đến nhau. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, mỗi giáo xứ thông thường có ba ngày lễ được mừng trọng thể trong năm: ngày bổn mạng giáo xứ, ngày lễ tước hiệu nhà thờ theo lịch phụng vụ và ngày  kỷ niệm cung hiến nhà thờ. Trường hợp một giáo xứ có thánh Giuse làm bổn mạng đồng thời thánh nhân cũng được chọn làm tước hiệu nhà thờ và nhà thờ này lại được cung hiến vào ngày 19/03 thì khi ấy chỉ mừng long trọng một lần là xong. Nếu không, mỗi giáo xứ sẽ có nhiều dịp mừng trọng thể hơn trong năm như vừa nói tới.
Thay cho lời kết: người viết bài này mong ước góp phần trong việc gọi hay đặt tên giáo xứ và nhà thờ sao cho hợp lý, và nếu nhà thờ chưa cung hiến trọng thể thì có thể đổi tước hiệu để tránh việc có quá nhiều trùng lắp tên nhà thờ trong giáo phận. Đồng thời cũng mong các giáo xứ có được những ngày lễ mừng trọng thể riêng biệt của mình, đúng với tinh thần phụng vụ.
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét