Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

LẦN GẦN ĐÂY NHẤT TÔI MỞ QUYỂN KINH THÁNH LÀ KHI NÀO?

Kết quả hình ảnh cho ảnh bìa quyển kinh thánh
“Người trẻ các con thân mến,

 Nếu có khi nào các con thấy quyển Thánh Kinh của cha thì các con sẽ ngạc nhiên; ủa, đó là quyển Thánh Kinh của Giáo hoàng sao? Một quyển sách cũ mèm, bị hư hết! Nhưng nếu các con cho cha một quyển mới trị giá 1000 đồng đi nữa, cha cũng không muốn. Cha rất yêu quyển Thánh Kinh cũ của cha, nó đi theo cha suốt nửa cuộc đời cha. Nó đã từng chứng kiến những niềm vui tột cùng của cha cũng như đã bị ướt mèm vì nước mắt của cha. Đó là gia tài quý nhất của cha. Cha sống với nó và không có gì trên thế gian này có thể làm cha xa nó.



Quyển Thánh Kinh mà con vừa mở ra này, cha thích nó vô cùng. Nó phong phú, đẹp mắt, đầy các chứng tá, chứng tá của các vị thánh, chứng tá của người trẻ và càng đọc càng thích thú, đọc cho đến trang cuối. Và sau đó? và sau đó các con giấu nó. Nó biến mất trên kệ, nó ở đàng sau hàng sách thứ ba. Nó đầy bụi. Và các con của con sẽ đem bán “ve chai”. Không, đừng để chuyện này xảy ra!"

Đọc những lời này của Đức Phanxicô, tôi bỗng giật mình và đặt cho chính mình câu hỏi làm tựa đề cho bài viết này : LẦN GẦN ĐÂY NHẤT TÔI MỞ QUYỂN KINH THÁNH LÀ KHI NÀO?

Cuộc mưu sinh tự bản chất của nó là khó khăn, và không bao giờ hết khó khăn. Người làm chủ hay người đi làm công, ai cũng phải bận bịu mưu tính cho công việc của mình. Thời gian 24 giờ một ngày dường như là không đủ. Sáng mở mắt ra là tất bật con cái đi học, cha mẹ đi làm. Căng thẳng ở những chỗ kẹt xe trên đường, vội vã ăn đại khái cái gì đó gọn nhẹ cho có chút tinh bột trong bụng mà vào sở làm. Chiều về, lại kẹt xe, về đến nhà là mệt nhoài. Vợ chồng con cái cơm nước, tắm rửa, chơi với nhau một chút là đi ngủ, ngày nào cũng như ngày nấy. Đó chỉ là sinh hoạt thường ngày của một nhân viên văn phòng có công việc "ổn định" và lương "ổn định". Ta chưa đề cập đến những người phải ngoại giao buổi tối, hẹn hò nhậu nhoẹt để thuận lợi cho công việc làm ăn, thì còn thời gian đâu mà dành cho Chúa? Các thánh lễ buộc ngày Chúa Nhật giống như một bổn phận. Lễ nào gặp cha giảng hay thì còn thấy phấn khởi chút. Lễ nào mà cha giảng quá dở hoặc âm thanh nhà thờ nghe không rõ thì thánh lễ chẳng khác nào là bổn phận phải làm mà thôi.

Dần dần, ta thấy dường như các vấn đề của mình, của gia đình mình, thì mình phải tự giải quyết bằng khối óc "biết lo toan" của mình. Từ đó, trong các sinh hoạt thường ngày của gia đình, ta quên mất Chúa trong cuộc đời ta. Sống trong xã hội ngày càng tục hóa, người ta ngày càng tự phụ vào khả năng của con người, thì người Kitô hữu cũng không phải không bị ảnh hưởng. Hằng ngày, ta phải tiếp xúc với nhiều người, mà các nội dung của các cuộc tiếp xúc đó chỉ là trao đổi công việc, hoặc những trao đổi về những vấn đề mà ta gọi là "thiết thực" như sức khỏe, thực phẩm sạch, và các vấn đề rất con người khác, tuyệt nhiên không có bóng dáng của Chúa.

Dần dần, Chúa không còn hiện diện trong cuộc sống của ta nữa. Đôi khi không phải vì ta cố ý bỏ Chúa, mà chỉ là ta "bận bịu" quá thôi. Nếp sinh hoạt của gia đình từ nào đến giờ như thế, do chồng ta, vợ ta quy định thế, ta không thể hoặc không dám thay đổi. Ta tự bào chữa về một sự bận bịu hợp lý, và hài lòng với lý lẽ đó. Nhưng thực ra, ta đang cố tình lãng quên, hoặc để mình bị những thứ yếu của cuộc sống lôi kéo. Ta không còn đủ khả năng phân biệt đâu là điều quan trọng nhất, đâu là thứ yếu.

Văn hóa xã hội trần tục vốn không tin vào Chúa, nên những chương trình truyền hình, những bài viết trên báo chỉ tập trung cố súy cho lối suy nghĩ duy lý và thực dụng. Đúng là những bài viết đó cũng có cái lý nào đó, nhưng nó làm cho người ta ngày càng tin vào những lời dạy của báo chí như là giải pháp tối hậu cho các vấn đề của cá nhân, của gia đình. Từ đó, ta bị cuốn theo lối suy nghĩ của cuộc đời, ta bị dòng đời cuốn trôi đi và đánh mất chính mình lúc nào ta không biết. Nói là "đánh mất mình" thì nghe có vẻ là nặng nề, vì thực tế là ta không phạm tội, không giết người, không tham nhũng hối lộ, không hoặc chưa tà dâm... nhưng đúng là ta đang đánh mất mình. Khi ta không còn là ta nữa, lòng đạo đức của ta bị phai nhạt đi vì lý này hay lẽ khác, thì lúc đó ta đã đánh mất chính mình. Ta đang bị đời đẩy đưa, chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ, tự phụ về mình, tự tìm cách giải quyết các vấn đề của mình... Chúa không còn tồn tại trong đời ta nữa.

Những lời đơn sơ của Đức Phanxicô nhắn nhủ ta xem lại cuộc sống của mình, xem lại nếp sinh hoạt của mình, của gia đình mình, để dành cho Chúa một chỗ đứng, dành cho Lời Chúa một vài phút trong ngày, để ta kín múc sự sống nơi Chúa, để ta tìm được bình an đích thực, là thứ bình an mà thế gian không thể ban cho ta được.

Xin cho Lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong lòng chúng ta, để thần trí và tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng và bình an của Chúa chúng ta. Amen.

Nhân Trần

Một chút suy tư sau khi đọc bài này : "Đối với Đức Phanxicô Thánh Kinh là quyển sách cực kỳ nguy hiểm"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét