1/. Những định kiến và những cảm thức lệch lạc về dung mạo của Thiên Chúa.
Đối với nhiều người, kể cả một số lớn tín hữu, Thiên Chúa vẫn còn là một Đấng rất xa lạ, Đấng chưa được biết đến, Đấng vô hình, vô biên đáng sợ. Đối với một số người khác Đấng ấy được coi như một Ông Chủ cứng ngắc, cứ đòi phải công bằng và đôi khi đòi hỏi đến độ tàn ác! Một số người khác cứ khăng khăng đổ trút trách nhiệm lên Thiên Chúa về những đau khổ mà họ phải gánh chịu. Họ cho rằng chính Ngài chứ không ai khác, đã gởi gian khổ đến cho họ. Một số người khác lại trách rằng chính vị Thiên Chúa vì quá nghiêm khắc đã gởi đến cho họ những thử thách quá sức chịu đựng... Tóm lại, mọi bất mãn của con người đều đổ lên đầu Thiên Chúa. Họ trách cứ Thiên Chúa và đôi khi ngang nhiên tỏ ra thù nghịch với Ngài. Chả ai dám tìm cách sống thân mật với Ngài, và cũng chả ai dám gọi Ngài cách thân ái là Abba : Cha. Cho dù chúng ta không biết, không hiểu, đôi khi còn trách cứ hoặc nghi ngờ...nhưng chính Vị Chúa Tể tối thượng ấy chủ yếu sống bằng tình phụ tử, luôn thực sự hướng dẫn mọi sự với tấm lòng hiền phụ. Qua vũ trụ vạn vật, qua Thánh Kinh, qua các tiên tri và nhất là qua chính Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Ngài đã tỏ mình ra cho người ta biết Ngài thật sự là một người Cha giàu lòng xót thương.
Qua các sách Tin Mừng, ta thấy rõ Đức Kitô rất quan tâm đến việc nói về Cha và giới thiện Cha cho chúng ta. Đức Giêsu đã không ngừng giảng về Cha, tỏ cho người ta thấy mọi sự bởi Cha mà ra và sẽ trở về với Cha. Tuy nhiên, đối với những con người hữu hình, thật không phải dễ để cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa vô hình. Ngay đến các Tông Đồ, những người môn đệ thân tín, luôn sống cận kề bên Đức Giêsu, luôn được nghe Đức Giêsu nói về Cha, nhưng họ cũng có cảm tưởng giống như những người khác, đó là, Vị Thiên Chúa mà Đức Giêsu thường gọi và dạy cho các Tông Đồ cũng gọi là Cha, dường như người Cha ấy luôn dấu mặt, và họ luôn khao khát một điều : đó là được trông thấy Cha (x. Ga 14,8). Nỗi khát vọng của Philipphê cũng là nỗi khát vọng của những Tông Đồ khác và có lẽ cũng là nỗi khát vọng của mỗi người chúng ta, một khát vọng thật chính đáng. Đức Giêsu đã không từ chối lời xin của Philipphê, Ngài đã chỉ cho Philipphê và qua Philipphê cho mỗi người chúng ta, cách thế để nhận ra Chúa Cha : "Ai thấy Thầy là thấy Cha rồi"(Ga 14,9). Philipphê đã thấy Cha rồi mà chẳng ngờ là mình đã thấy. Các Tông Đồ khác cũng vậy. Có thể nói nhìn đâu, các ông cũng thấy Cha trên trời tỏ mình ra, xuất hiện một cách rõ ràng nhất, thế mà các ông không nhận ra Ngài. Tình trạng của nhiều người ngày nay cũng thế. Ở mọi nơi, họ thấy Cha biểu lộ lòng nhân hậu, nhưng họ chẳng nhận ra được. Trong thâm tâm, cũng như Philipphê, họ ước ao Cha tỏ mình ra, cụ thể hơn và gần gũi hơn. Họ không ngờ rằng niềm ao ước của họ đã được toại nguyện. Chỉ cần nhìn vào Đức Kitô trong Phúc Âm là họ có thể thấy hiện lên dung mạo của Cha đằng sau những công việc, những cử chỉ và qua những lời Đức Giêsu giảng dạy. Cha đã đến với chúng ta, hiện diện giữa chúng ta qua chính Con của Người. Ngay cả khi chúng ta cho rằng Ngài vẫn xa lạ, nghiêm khắc hay cả đến tàn bạo đi nữa, Ngài vẫn hiện diện giữa chúng ta, ở liền với chúng ta để phủ nhận cái thành kiến ta có về Ngài. Qua Thánh Kinh, ta sẽ khám phá ra rằng, Vị Thiên Chúa toàn năng hằng hữu luôn ở gần bên chúng ta. Ngài quá gần gũi và dễ tánh, nhưng cũng thật cao cả trong cách cư xử như một Chúa Cha[1].
2/. Thiên Chúa, Cha nhân từ.
a/. Thiên Chúa là người Cha yêu thương trong công trình sáng tạo.
Qua công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người rất đặc biệt : Ngài dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài (x. Kn 1,27). Con người được chính Thiên Chúa dựng nên một cách rất đặc biệt hơn các sinh vật khác ở chỗ các sinh vật loại I chỉ sống theo bản năng và nhờ bản năng. Riêng con người, ngoài bản năng, con người con được Thiên Chúa ban cho những đặc tính mà chỉ có loài người mới có đó là lý trí, ý chí và tự do. Chính vì có lý trí, ý chí và tự do, nên con người phải chịu trách nhiệm về tất cả các ý tưởng lời nói và việc làm của mình. Những ý tưởng, lời nói và việc làm của con người, nói cách chung đó chính là hành vi nhân linh. Hành vi nhân linh của con người có 3 mức độ khác nhau : hành vi nhân sinh (theo bản năng và có chung với các sinh vật khác); hành vi nhân linh (chỉ có nơi con người) và hành vi siêu linh. (Thí dụ : ăn). Mỗi một con người phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa tự do của mình cụ thể qua những hành vi nhân linh của mình. Hành vi tốt sẽ mang đến hiệu quả tốt, còn hành vi xấu sẽ lãnh lấy hậu quả xấu. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, chính sự lạm dụng tự do của mình mà con người đã để tội len lỏi vào thế gian và làm thiệt hại nghiêm trọng chương trình tạo dựng của Thiên Chúa tình yêu. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã an bài cho họ mọi sự tốt lành, nhưng chính vì lạm dụng tự do mà con người đã tự hại mình (x. Kn 3,1-11).
b/. Thiên Chúa là người Cha nhân từ.
"Tỏ ra nhân từ được coi là điểm riêng biệt của Thiên Chúa, và nhờ đó Ngài bày tỏ sự toàn năng của mình hơn cả"[1]. Đó chính là điều mà thánh Tôma đã cảm nhận. Sự tha thứ và lòng nhân từ là hành vi tối thượng của sự toàn năng của Thiên Chúa. Ngay từ lúc nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã tỏ ra là người Cha nhân từ. Ngài đã tha thứ cho con người và cũng đã hứa ban cho con người Ơn Cứu Độ (x. Kn 3,15). Lòng nhân từ của Thiên Chúa đã trãi rộng suốt thời Cựu Ước. Trong các bài ca cầu nguyện, kêu khấn và tạ ơn, Thiên Chúa được xưng tụng là "sự âu yếm và xót thương" (Tv 111,4). Ngoài ra, Thiên Chúa thường được ca tụng là Đấng nhân từ và tốt lành :
"Chúa dịu dàng và thương xót,
Chậm giận và đầy tình yêu,
Chúa tốt lành với hết mọi người,
Chúa âu yếm mọi loài Ngài đã dựng nên" (Tv 145,8-9).
Các tác giả Thánh Vịnh tuyên dương lòng nhân từ chứa chan của Chúa bằng nhiều hình ảnh rất sống động (x. Tv 103,8,11-13; Tv 145,14; Tv 146,7-9).
Trong khi Cựu Ước mô tả lòng nhân từ của Thiên Chúa bằng nhiều cách khác nhau, bằng nhiều thái độ và nhiều hình ảnh, thì Tân Ước lại tập trung toàn bộ việc bày tỏ lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi thân thế và sự nghiệp của Chúa Giêsu Kitô : "Xưa kia, sau khi nhiều lần nhiều cách nói với cha ông nhờ các ngôn sứ, trong những ngày sau hết này, Thiên Chúa đã nói với chúng ta nhờ Chúa Con" (Dt 1,1-2). Trong Tân Ước, Đức Giêsu luôn mặc khải cho con người về lòng nhân từ của Chúa Cha. Đức Gioan Phaolô II đã tóm tắt điều đó như sau : "Chúa Kitô mang đến cho truyền thống Cựu Ước về lòng nhân từ của Thiên Chúa ý nghĩa trọn vẹn. Ngài không chỉ nói nhưng còn minh họa và giải thích bằng nhiều hình ảnh và dụ ngôn, mà nhất là Ngài còn nhập thể và ngôi vị hóa lòng nhân từ ấy nữa. Việc nhập thể của Ngôi Lời không phải chỉ là công việc của tình yêu Thiên Chúa (x. Ga 3,16), nhưng cũng là mạc khải tột đỉnh về lòng nhân từ của Thiên Chúa đã trở thành một ngôi vị"[1]. Thật vậy, việc Chúa Kitô đến trần gian, từ lúc sinh ra tới khi sống lại, là chân dung hoàn hảo nhất về lòng nhân từ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Những dụ ngôn về lòng nhân từ mà Chúa Giêsu sử dụng để loan báo lòng nhân hậu của Thiên Chúa là những hình ảnh rất sống động : con chiên đi lạc và được tìm thấy, đồng tiền rơi mất và nhặt lại được, người con đi hoang và được đón nhận lại trong vòng tay rộng mở của người Cha nhân hậu và đầy lòng xót thương (x. Lc 15).
c/. Thánh Kinh cho thấy Chúa là Cha nhân từ mà dân Chúa lại bội bạc.
Thánh vịnh 77 (78) đã tóm tắt lịch sử của dân Israel, một lịch sử đầy dẫy những bội phản và bất trung, bất hiếu của dân được tuyển chọn đối với Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành.
"Đừng như thể cha ông,
nòi ngoan cố phản loạn,
nòi tâm địa thất thường,
dạ bất trung cùng Chúa
.....
họ không giữ giao ước với Chúa Trời,
và chẳng chịu sống theo luật Chúa,
đã quên đi những việc Người làm,
những kỳ công Người đã cho chứng kiến.
...
Nhưng dân lại càng phạm tội mất lòng Chúa,
phản nghịch cùng Đấng Tối Cao tại miền hoang địa;
họ chủ tâm thách thức cả Chúa Trời,
đòi được ăn cho vừa sở thích.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc tình trạng bất trung bất hiếu của dân Israel. Ngài nhắc nhở cho bà con thuộc giáo đoàn Corintô, hãy nhìn vào gương của dân Israel như một bài học quý giá mà rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình : "Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta"(1Cr 10,6). Lịch sử của dân Israel phải chăng cũng là lịch sử của mỗi con người chúng ta ? Chúa luôn trung thành, còn chúng ta thì lúc vầy lúc khác. Chúng ta cứ sa đi ngã lại trong tội lỗi của mình. Kinh nghiệm của dân Israel giúp cho hiểu rằng tội chính là một sự vi phạm : vi phạm lệnh truyền hoặc vi phạm những lề luật nào đó.
d/. Lòng nhân từ của Thiên Chúa muốn cho tội nhân hoán cải để được sống.
(1) Thánh Kinh Cựu Ước : sám hối là một trong những bổn phận chính của con người và phải cố gắng chu toàn suốt đời. Việc sám hối gồm có việc chay tịnh (x. Ge 3,7) như việc mặc áo sám hối (1V 21,27; Is 58,5), rắc tro lền đầu và nằm trên tro (Is 58,5; Nhm 9,1) và lời cầu xin sám hối , mà các tư tế đọc lên trước toàn dân tụ họp (Hosê 14,34; Nhm 9; Dn 9,4-19; Br 1,15-3,8; Tv 13,14,79,102).
Những khi gặp sầu muộn và cùng cực, dân thấy Chúa sửa phạt và thúc bách họ nhận biết lỗi mà sám hối, chẳng hạn như khi bị thua trận, khi bị quân thù vây hãm, bị hạn hán, đói kém, ôn dịch hay bất cứ tai ương nào xảy đến. Họ cảm thấy cần phải sám hối trong những hoàn cảnh bất thường, và cũng thấy phải sám hối không ngừng. Mỗi năm họ cử hành ngày xá tội (Lv 23,28-32). Lầm lỗi của mỗi người đòi buộc mỗi cá nhân riêng biệt sám hối để giao hòa lại với Chúa. Hiệu quả của việc giao hòa là tâm hồn được đổi mới và được biến đổi để thành người tốt (x. Tv 50).
(2) Tân Ước :
* Là người tiền hô, thánh Gioan Tẩy giả luôn kêu gọi mỗi người phải lo hoán cải và trở về với Thiên Chúa để có thể vào được Nước Trời. (x. Mt 3,2). Sự hoán cải phải toàn diện và chứng tỏ bằng "quả phúc" của một hạnh kiểm mới, nhất thiết bằng tình yêu vô vị lợi và đi đôi với việc làm đối với tha nhân (x. Lc 3,8.10-11; Mt 3,8). Điều đáng lưu ý là việc sám hối được diễn tả bên ngoài, quy về Chúa và được Ngài chấp nhận. Tất cả được thể hiện trong một nghi thức, đó là phép rửa hay thanh tẩy hối cải để đáng được Thiên Chúa thứ tha (Lc 3,3).
* Đức Giêsu luôn kêu gọi mọi người phải hối cải, không phải vì Chúa sắp xét xử cho bằng vì Nước Thiên Chúa đang đến gần và Nước đó đang hiện hữu nơi chính Đức Kitô. Do đó, hối cải là bước đầu nhưng rất cần thiết để giúp người ta tin vào Đức Kitô. Dấu có lòng sám hối chân thật là khi người đó nhất quyết gắn bó với Phúc Am, với Chúa Kitô và với Ơn Cứu Độ. Không có lòng hối cải, không tin vào Đức Kitô, chính là tự kết án tử cho mình : “Nếu các ngươi không hối cải, thì các ngươi hết thảy cũng sẽ bị tiêu diệt như vậy” (Lc 13,3). Hối cải và tin vào Tin Mừng của Đức Kitô là điều kiện cần thiết để vào Nước Trời.
* Thánh Phao không ngừng khuyên bảo các kitô hữu sám hối bằng cách biến đổi thành con người mới, bằng cách sống tích cực ơn của Bí Tích Rửa Tội. Trong BTRT, con người xa tránh tội lỗi và quy hướng về Thiên Chúa. Việc làm này cần phải được tiếp tục và làm đi làm lại. BTRT làm cho cuộc sống tín hữu thành sự hoán cải không ngừng : “Quả thật, anh em đã chết và sự sống của anh em đã được ẩn tàng nơi Thiên Chúa, làm một với Đức Kitô…Vậy anh em hãy sát phạt chi thể mê theo thế tục : dâm bôn, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và tính tham lam hà tiện tức là một sự thờ quấy …”( Cl 3,3-5).
3/. Sự hiểu biết về Dung Mạo của Chúa Cha giúp linh mục nên giống Chúa Cha hơn.
Người giáo dân luôn gọi các anh em linh mục chúng ta là Cha và không chỉ gọi nhưng thực sự họ yêu quý chúng ta, kính trong chúng ta, những người Cha thiêng liêng của họ một cách rất chân thành. Đôi khi họ còn bênh vực chúng ta trước những người dám xúc phạm đến những người Cha thiêng liêng của họ. Ước gì mỗi anh em linh mục chúng ta luôn thực sự và mỗi ngày cố gắng noi gương Chúa Cha để trở thành những người Cha nhân từ, giàu lòng xót thương, chậm bất bình và hết sức khoan dung.
Cần Thơ ngày 20/10/2015
Gm. Stêphanô Tri Bửu Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét