Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Tu Huynh Với Sư Huynh Khác Nhau Thế Nào?

Trước đây, tại Việt Nam nhiều người quen biết các “Sư huynh” Dòng Lasan, điều khiển nhiều trường học nổi tiếng. Gần đây lại thấy xuất hiện từ ngữ “Tu huynh”. "Sư huynh" với "Tu huynh" có gì khác nhau không? Tại sao gọi là "Tu huynh"?
suhuynh.jpg  
"Sư huynh" và "Tu huynh" đều bởi một gốc mà ra, đó là dịch bởi danh từ “Frère” tiếng Pháp, “Brother” tiếng Anh. Tự nó, “frère” chỉ có nghĩa là anh (hoặc là em), chứ chẳng có dính dáng gì đến chuyện “sư” hay là “tu” hết cả. Theo tôi nghĩ, có hai lý do để gắn liền “sư” với “huynh”:

- Thứ nhất: Bởi các tu sĩ Dòng Lasan dạy học, cho nên gọi “sư” là phải. “Sư” có nghĩa là thầy giáo (nhất tự vi sư, bán tự vi sư).

- Thứ hai: Truyền thống Việt Nam đã gọi các người đi tu là sư(tựa như bên Phật giáo), hoặc nói nôm na là “thầy tu”. Dĩ nhiên, không phải tất cả các nhà sư (hay thầy tu đều mở trường dạy học, kiểu như thầy đồ), nhưng “thầy” được dùng theo nghĩa là người trổi vượt về đức hạnh. Trước đây, chúng ta nghe các từ “thầy tu, thầy dòng” khá thông dụng trong giới Công Giáo, thậm chí trường của các sư huynh Lasan được gọi nôm na là “trường các thầy dòng”.

Như vậy thì sư huynh với tu huynh cũng như nhau thôi, bởi vì tu sĩ nào cũng là sư hết, phải không?
Vừa đúng vừa không đúng. Đúng theo nghĩa vừa giải thích, nghĩa là tục lệ ở Việt Nam vốn trọng các tu sĩ, tôn làm “thầy” hay là “sư”; vì thế sư huynh với tu huynh cũng là một. Tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác, thì sư huynh không phải là tu huynh, và thậm chí cả hai từ đó đều không lột được hết tinh thần của nó. Như đã nói trên đây, tiếng “sư huynh” và “tu huynh” đều là hai kiểu dịch cho cùng một danh từ trong tiếng châu Âu: Frater (La-tinh), Frère (Pháp), Brother (Anh). Những từ này được du nhập vào đời tu trì Kitô giáo nhằm nêu bật một đặc trưng của đạo, đó là tinh thần huynh đệ trong cộng đoàn.

Nhưng mà đâu phải tất cả các tu sĩ đều là “Sư huynh” hay “Tu huynh” đâu, còn có các cha nữa?
Đúng thế. Việc du nhập tiếng “Frater” vào đời tu nhằm phản ứng lại não trạng chuộng địa vị giai cấp trong Hội Thánh. Tiếc rằng tính con người khó sửa cho nên trải qua lịch sử đời tu trì, đã có nhiều đợt du nhập tiếng “Frater”. Nhưng sau một thời gian thì đâu lại hoàn đấy, vì thế lại nảy lên một đợt cải tổ khác. Trong Hội Thánh tiên khởi, các Kitô hữu gọi nhau là anh em (thí dụ như Tông Đồ Công Vụ 1,15; 10,23; 11,29). Thánh Phaolô chuyên mở đầu và kết thúc các lá thư với lời chào: “anh em thân mến” (Fratres). Thế nhưng, dần dần, với sự củng cố hàng phẩm trật, các mối liên hệ cũng thay đổi: thân tình thì đối xử nhau như là cha con; còn nơi bàn giấy thì lại có vẻ như quan với dân. Nhằm phản ứng lại não trạng đó, khi đời tu trì mới chớm nở, các đan sĩ gọi nhau là anh em, như chúng ta thấy trong cuộc đời thánh Antôn, tổ phụ đời tu hành. Đến khi đời đan tu được củng cố với các bản luật, thì dần dần các sự phân biệt lại nảy ra. Một đàng, người đứng đầu cộng đoàn được gọi là “Abbas”, dịch nôm na là “cha” (hay sư phụ). Mối tương quan giữa “Abbas” với các phần tử được ví như liên hệ cha với các con; tuy vậy, các đan sĩ vẫn gọi nhau là anh em.
Thế nhưng, từ khi con số các tu sĩ chịu chức linh mục tăng lên (nhất là từ thế kỷ X), thì ta thấy nảy ra tựa như là hai giai cấp trong cộng đoàn: các đan sĩ (monaci) có chức linh mục, chiếm đa số, và được gọi là cha; danh từ “Fratres” chỉ còn được dùng cho những người không làm linh mục, thường vì ít học (Những người này cũng còn mang tên là “conversi” nữa). Sang đến thời Trung cổ, Thánh Đaminh và Thánh Phanxicô chủ trương trở về với Phúc âm và nếp sống các tín hữu tiên khởi, dựa theo lời khuyên của Chúa Giêsu: “Các con đừng gọi ai là cha, đừng gọi ai là thầy,... bởi vì chỉ có một Cha trên trời, một Thầy; tất cả các con là anh em với nhau” (Mt 23,8). Vì thế các tu sĩ Dòng Đaminh và Dòng Phansinh được gọi là “Fratres” theo ba chiều kích:

1/. Chiều ngang, giữa các tu sĩ với nhau, không có sự phân biệt giai cấp; tất cả đều là anh em với nhau.
2/. Chiều dọc, không có bề trên bề dưới hay là viện phụ; người lãnh đạo được coi là anh cả, anh hai (đại ca: Prior).
3/. Đối ngoại, các tu sĩ muốn được các giáo dân đối xử như là anh em.

Nhưng mà ở Việt Nam có ai gọi các tu sĩ Đaminh và Phansinh là “các anh” đâu?
Danh xưng chính thức của Dòng Đaminh là “fratres praedicatores” (các anh em giảng viên), và của Dòng Phansinh là “fratres minores” (các anh em hèn mọn). Khổ nỗi là chẳng bao lâu các tu sĩ này trở thành giáo sĩ, giám mục, giáo hoàng, cho nên cũng nhiễm bệnh say chức tước: Cha, Đức Cha,.v.v... Danh xưng “Fratres” chỉ còn dành cho những tu sĩ nào không chịu chức linh mục, ở Việt Nam quen gọi là các thầy trợ sĩ. Tóm lại, ở Việt Nam không ai gọi các tu sĩ Đaminh và Phansinh là “các anh”, hay “sư huynh”, “tu huynh”, mặc dù trên giấy tờ họ là “Fratres”.

Thế rồi, lịch sử xoay vần như bánh xe, một luồng canh tân khác nổi lên vào thời cận đại. Một thí dụ điển hình là Thánh Gioan Baptiste de la Salle: người đặt tên cho tu hội là “Frères des écoles chrétiennes”, quen gọi là các “sư huynh”. Điều trớ trêu là thánh tổ phụ nhấn mạnh rằng các tu sĩ mang danh là “Frères” (các anh), chứ không được gọi là “Maitre” (thầy giáo) tuy rằng họ chuyên việc dạy học. Như vậy dịch “sư huynh” là trái ngược với tinh thần của Thánh Gioan de la Salle. Ngài muốn các tu sĩ tuân giữ triệt để tinh thần Phúc âm: tất cả các con là anh em (Frère); danh xưng “thầy” (Maitre) chỉ dành riêng cho Đức Kitô mà thôi. Và cũng để tránh khỏi rơi vào sự phân biệt giai cấp đã xảy ra trong các Dòng cổ, ngài quyết định rằng các tu sĩ sẽ không chịu chức linh mục: như vậy sẽ không có các “cha” ở trong Dòng, mà chỉ có “Frères” mà thôi. Đó cũng là nguồn gốc của các Dòng “Frères”.

Ở Việt Nam, chỉ có Dòng Lasan mới gọi là “Frères” mà thôi, có phải vậy không?

Còn nhiều Dòng khác nữa, tuy Dòng Lasan nổi tiếng hơn cả; và thậm chí, nhiều khi nói tới “Sư huynh” hay “Frères” là người ta hiểu ngay là Dòng Lasan. Tại Việt Nam, chúng ta có thể nói tới hai hạng Dòng Frères, ngoại trừ Dòng Lasan.

- Thứ nhất: Một số Dòng được thành lập tại Việt Nam, với mục đích dạy học hay dạy giáo lý; Đó là các Dòng Thánh Tâm Huế, Dòng Thánh Giuse Nha Trang (hiện nay đã sáp nhập vào Dòng Ngôi Lời), Dòng Chúa Kitô Vua ở Cái nhum.

- Thứ hai: Ngoài những Dòng được thành lập tại Việt Nam, còn có những Dòng từ nước ngoài vào, điển hình là Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa (chuyên phục vụ trong Bệnh Viện). Sinh hoạt của những Dòng này thường chỉ giới hạn vào một địa phương, vì thế mà không được nhiều người biết đến như là Dòng Lasan, trước đây có mặt khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.

Mặt khác, các Dòng này không thu hút ơn gọi, bởi vì nhiều người quan niệm rằng, đã đi tu thì phải làm linh mục (làm cha) chứ không thể an phận làm “Frère”. Như đã nói trên đây, thực khó mà sống ơn gọi là “Frère”, xét về đối nội cũng như đối ngoại.

- Đối nội: Nghĩa là trong lòng cộng đoàn, Thánh Đaminh, Thánh Phansinh, Thánh Gioan Lasan muốn rằng tất cả các tu sĩ đối xử với nhau như anh em, không phân biệt giai cấp ngôi thứ.

- Đối ngoại: Các vị cũng muốn rằng, các tu sĩ cũng hãy đối xử với các tín hữu như các anh em, cho dù mình là thầy giáo.

Như vậy, dịch nghĩa của chữ “Frère” là “Sư huynh” thì không đúng hay sao?
Tôi nghĩ có hai điểm không đúng:

- Một: Như vừa nói, các Vị Thánh lập Dòng không muốn cho các tu sĩ mang danh là thầy giáo (maitre).

- Hai: Chữ “Frère” không phải chỉ là “anh” mà còn là “em” nữa.

“Huynh” có nghĩa là anh, còn “Đệ” là em; và dĩ nhiên, đây là sự phân biệt của văn hóa Đông phương, chứ bên Âu Tây không có sự phân biệt đó. Tuy nhiên, vài vị lập Dòng cũng ý thức mối nguy cơ là các tu sĩ muốn tỏ ra bậc “anh chị” đối với thiên hạ, cho nên đã phải thêm vào một tính từ “Petit Frères”, được dịch là “tiểu đệ” (nói nôm na là “em nhỏ”). Danh xưng này muốn diễn tả thái độ khiêm tốn không những trước mặt Thiên Chúa đã đành, mà còn trước mặt các phần tử trong cộng đoàn, và nhất là trước mặt người ngoài đời. Anh Chị cứ tưởng tượng coi, gọi các tu sĩ linh mục từ “cha” xuống “thầy” đã khó rồi, huống hồ là gọi bằng “anh”, và tệ hơn nữa, giáng xuống làm “em”!

Có lẽ sự khó khăn này bắt nguồn từ tâm lý đàn ông, thích danh vọng, ưa quyền cao chức trọng, ăn trên ngồi trước?

Có phần đúng, và ngay từ Phúc âm, Chúa Giêsu đã cảnh cáo não trạng này rồi, thí dụ Mt 20,24-28; 23,8-12. Tuy nhiên, không phải chỉ có nam giới mới mắc bệnh này, mà các bà cũng thế thôi. Anh Chị biết rằng, trong tiếng Âu châu, “Frère” là “anh em”, và “Soeur” là “chị em”.

Trong lịch sử các Dòng tu, khi các vị lập Dòng Nam muốn cho các tu sĩ gọi nhau là Frater (Frère), thì một phong trào tương tự cũng xảy ra bên nữ giới: các nữ tu gọi nhau là Soror (Soeur). Danh từ muốn phản ứng lại tập tục đan tu, nơi mà bề trên mang danh hiệu là “Viện Mẫu” (Abbatissa), nói nôm na là “Mẹ”. Thế nhưng dần dần, các nữ đan tu cũng được tặng chức “Mẹ” tuy không phải là bề trên hay lão thành; Đây là sự đua đòi với nam giới, từ khi các đan sĩ chịu chức linh mục và được gọi là “cha”. Vì muốn trở về với tinh thần Phúc âm, nhiều vị lập Dòng quyết định loại trừ tiếng “Mẹ” ra khỏi ngôn ngữ cộng đoàn. Các nữ tu gọi nhau là “Sorores” (chị em); người lãnh đạo là “Chị Nhất” chứ không phải là “Mẹ Bề trên”. Thế nhưng, thực tế như thế nào thì anh chị đã biết rồi. Và đến khi chuyển dịch sang Việt Ngữ, nhiều người thích gọi là “Xơ” hơn là “Chị”, và thử hỏi ai dám gọi họ là “Em”? Một cách tương tự như vậy, Dòng “Petite Soeur” được dịch nho nhã là “Tiểu Muội”, bởi vì đâu ai muốn bị đối xử như là những em gái nhỏ đâu? Tóm lại, sống cho trọn tinh thần Phúc âm không phải là chuyện dễ, dù là nam giới hay nữ giới.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

(catechesis.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét