Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

CN TN 33A. Ngày 16.11.2014. Lễ Tử Đạo Việt Nam
2Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Lc 9, 23-26
HẠT GIỐNG GIEO VÀO LÒNG ĐẤT
Bài Suy niệm
Nơi trung tâm Ki-tô giáo có mật đắng, khó uống và khó chấp nhận, mật đắng đó là thập giá, là con đường khổ nạn, ít người sử dụng và hiếm người muốn đi con đường đó.  Tuy nhiên Chúa Giê-su, Đấng cứu chuộc nhân loại đã sử dụng con đường đó bất chấp sự phản đối của các tông đồ đứng đầu là Phê-rô.  Đó là con đường của hạt lúa miến gieo vào lòng đất bị mục nát, phân hủy, mọc thành cây lúa và  đơm bông kết trái.  Người Ki-tô hữu gọi con đường đó là mầu nhiệm thập giá.  Con đường nầy được Chúa Giê-su lựa chọn cho chính mình và Người đã thực hiện đến cùng để đổi lấy ơn cứu chuộc cho nhân loại và Người đề ra cho mọi muôn đệ muốn nối bước theo chân Người như là điều kiện tất yếu. Người mẹ trong sách Ma-ca-bê đã đi theo con đường kinh sợ nầy khi nhìn thấy 7 con mình chết mà còn lên tiếng động viên người con út: “Con đừng sợ tên đao phủ này ; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.” (x. Bài Đọc 1.2Mcb 7,1.20-23.27b-29).  Con đường khổ nạn dẫn đến sự sống đời đời.
 Con đường thập giá nầy Giáo hội Rôma đã đi qua trong nước mắt với 300 năm bắt bớ tàn khốc, hý trường Cô-li-sêo ngày nay vẫn sừng sửng ngay giữa thành phố Rô-ma như chứng tích câm lặng nói lên thời kỳ bắt bớ khốc liệt. Các Ki-tô hữu bị ném vào hý trường làm mồi cho thú dữ để mua vui cho vua chúa và dân chúng.  Tua du lịch Rô-ma Italia không thể nào không giới thiệu với du khách điểm tham quan độc đáo : hang toại đạo Ca-lít-tô, đó là những địa đạo nhiều tầng nằm sâu dưới lòng đất, nơi ẩn núp của các Ki-tô hữu, và cũng là nơi hội họp của giáo đoàn Rô-ma thời xa xưa, đó cũng là nghĩa địa chôn cất các Ki-tô hữu.  Thật sự là sống ngang qua con đường chết chóc.
 Tình yêu đi trên con đường đau khổ, Giáo Hội Việt Nam trung thành với Chúa Giê-su Ki-tô cũng đi trên con đường nầy.  Đạo Chúa đến Việt Nam vào quảng 1533, chưa bén rể sâu lắm thì bao nhiêu biến cố chính trị xảy ra gây hiểm lầm, kéo theo các lệnh cấm đạo khắc nghiệt thời vua Lê chúa Trịnh, khi nhặt khi khoan đày đọa các Ki-tô hữu chừng non 300 năm, đặc biệt là dưới thời các vua triều Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị,Tự Đức, nhất là thời phong trào Văn Thân với chủ trương phân sáp các gia đình Ki-tô giáo (chia trẻ em công giáo sống với gia đình lương).  “Trong các vị Tử Đạo hôm nay, đi tiền phong có Thánh Vinh Sơn Liêm, dòng Đaminh là người Việt tử đạo đầu tiên năm 1733. Rồi tới Linh mục Anrê Dũng Lạc, người lương từ nhỏ đã phải ‘bán’ cho một thầy giảng dậy giáo lý, nhưng rồi Chúa cho tới chức Linh mục năm 1823,  ngài đã anh dũng chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21-12-1839” (x.Bài giảng lễ phong thánh 19.8.1988). Các sự thật trên đây được thánh Phao-lô lên tiếng ca tụng : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? …  Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. … Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (x. Bài đọc 2.Rm 8,31b-39).  Các  tiền bối của chúng ta đã anh dũng tuyên xưng đức tin như thế đó.
 Giáo hội Việt Nam trưởng thành trong đau thương được đặt ngang hàng với các Giáo hội trên thế giới. Chúng ta lớn tiếng tung hô vạn tuế các ngài.  Tuy nhiên hãy cầu xin cho được kiên vũng trong đức tin Ki-tô giáo ở thời đại mới nầy, không còn lệnh bắt đạo, nhưng cũng dễ lơ là đánh mất tôn giáo vì tư tưởng tương đối hóa, vật chất hóa, thế tục hóa, chúng len lỏi cả đến Thượng Hội đồng giám mục thế giới (2014) khi bàn về luân lý gia đình như hôn nhân đồng tính, tái hôn và li dị, một nhân nhượng bác ái mục vụ có thể kéo theo các hệ luận phức tạp khác.  Áp lực thế gian thật là lớn do trào lưu cấp tiến gây ra cho Giáo hội.  Các trào lưu nầy muốn áp đặt một “thứ tử đạo” không đổ máu, một nền luân lý Ki-tô giáo không thập giá, lấy chuẩn là lợi ích khoa học, cái gì lợi, cái đó là chân lý.  “Giáo hội không thể đi theo con đường đó“, con đường luân lý dân sự; “Chúng ta không chiều theo áp lực của thế gian” (Phát biều của Hồng Y George Pell, Nghị phụ THĐGM thế giới 2014. Nguồn Vatican).
 Lạy Chúa xin cho con am tường lời tiên tri thách đố của Chúa : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (x. Bài Tin Mừng Lc 9, 23-26) Amen.
Lm. LOUIS GONZAGA NGUYỄN QUANG VINH
GX. PHƯƠNG HÒA KONTUM
GPKONTUM (13/11/2014) KONTUM.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét