Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

CỘNG ĐOÀN NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ QUY NHƠN TẠI GIÁO XỨ TÂN HƯƠNG (KONTUM) TỪ 1932-1939

CỘNG ĐOÀN NỮ TU MẾN THÁNH GIÁ QUY NHƠN
TẠI GIÁO XỨ TÂN HƯƠNG (KONTUM) TỪ 1932-1939

Ngày 18-1-1932, giáo phận Kontum được khai sinh từ lòng Mẹ Quy Nhơn. Từ đó Kontum đã trở thành một giáo phận truyền giáo mới, đầy sức sống và tươi trẻ, nhưng vẫn luôn nối kết với giáo phận mẹ trong mối thân tình thắm thiết. Tu viện Mến Thánh Giá Gò Thị trực thuộc giáo phận Quy Nhơn, nhưng vẫn luôn hướng lòng về vùng đất Tây Nguyên và ước nguyện được dấn thân phục vụ tại đó, nhất là phục vụ những anh chị em người Dân Tộc. Hơn nữa, nhiều nữ tu của Hội Dòng lại là những ái nữ của Tân Giáo Phận, do đó mối thân tình lại càng thắm thiết hơn. Chính vì thế, vào mùa xuân năm 1932, bà Marie de Lorette, Mẹ Cả của tu viện đã đưa những nữ tu MTG Quy Nhơn đầu tiên vào cánh đồng truyền giáo của miền đồi núi đầy gió bụi và đầy hứa hẹn này.
 image001
 Nhà thờ Tân Hương, Gp. Kontum
 I- THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ XÂY DỰNG (1932-1935)
 A- Lý do thành lập:
Trong lễ khấn tạm đầu tiên ngày 19-2-1929, 14 khấn sinh tiên khởi của Hội Dòng đã long trọng thề hứa: “… hiến dâng đời sống phục vụ thiếu nhi trong các trường hợp, chăm sóc các bệnh và cô nhi[1].
 Lời thề hứa ấy nói lên một phần mục đích chính yếu của Hội Dòng là truyền giáo:
“Dòng chị em MTG là một dòng truyền giáo, nên mục đích thứ hai của chị em là dùng mọi phương tiện thiêng liêng và vật chất để loan báo Nước Trời”[2]
Đó chính là lý do thúc đẩy Hội Dòng nhận lời mời của cố Alberty Hiền, linh mục chính xứ địa sở Tân Hương, để dấn bước hoạt động tông đồ, đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của các linh hồn.
 B- Địa điểm hoạt động: Trường Têrêxa giáo xứ Tân Hương
Tân Hương, một trong những giáo xứ sầm uất của giáo phận Kontum, là địa bàn hoạt động đầu tiên của Hội Dòng MTG Quy Nhơn tại Tây Nguyên. Vào đầu năm 1932, một ngôi trường hai tầng của giáo xứ đã được hoàn tất và được đặt tên là trường Têrêxa. Trường nằm trong một khu vườn cây ăn trái, mát mẻ, diện tích trên một mẫu tây, nằm sát cạnh khuôn viên nhà thờ và nhà xứ.
Sau khi lo xong trường sở, cố Alberty Hiền đã quyết định mời tu viện MTG lên đảm trách việc giáo huấn. Thật là một cơ hội quý báu cho Hội Dòng thực hiện ước nguyện truyền giáo của mình. Mùa xuân 1932 cũng chính là mùa xuân khai mở con đường phục vụ đầu tiên của Hội Dòng trên vùng đất màu mỡ cao nguyên này, các nữ tu vừa phụ trách trường Têrêxa, vừa phục vụ những công việc của giáo xứ. Đây quả là một cơ sở hoạt động vô cùng lý tưởng. Hơn nữa, chính lòng ưu ái, lo lắng cố Albery Hiền đã làm cho chị em phấn khởi hăng say trong bước đầu của những tháng ngày phục vụ đầy ý nghĩa.
 image003
 Trường Têrêxa do cố Alberty Hiền xây dựng năm 1931
 C- Những tông đồ đầu tiên:[3]
 Trước nhu cầu cấp bách và lớn lao của giáo xứ Tân Hương, Hội Dòng đã gởi đến đây cùng một lúc 5 nữ tu tông đồ đầy nhiệt tâm và hăng hái. Cộng đoàn được giao cho bà nhất Claire (Anna Lê Thị Đời, tạ thế ngày 15-4-1940) hướng dẫn và coi sóc cùng với sự cộng tác của bà Elisabeth (Clara Ngô Thị Chanh, tạ thế ngày 8-9-1987). Đặc biệt để có thể phục vụ những người anh em dân tộc một cách tích cực và hữu hiệu, Hội Dòng đã cử 3 chị người dân tộc phụ lực trong nhóm tông đồ đầu tiên ấy. Đó là chị Véronique (Marie MƯK, đã tạ thế 30-3-1962), chị Ursule (Marie Niu, tạ thế 21-3-1947) và chị Anne ( Anna Ngơ, tạ thế 9-2-1986).
Qua năm 1933, bà Isabel (Maria Nguyễn Thị Đại, tạ thế 23-11-1947) được cử lên thay cho bà Claire về lại nhà dòng lãnh công tác mới. Đồng thời nhà mẹ cũng gởi thêm chị Cécile (Agnès Nguyễn Thị Thoạt) để bổ sung cho cộng đoàn.
Đến năm 1934, bà Elisabeth bị sốt và phải về Kim Châu. Bà Isabel cũng trở về nhà mẹ. Bà Claire lại lên Tân Hương để coi sóc cộng đoàn. Cùng năm đó bà Rose (Elisabeth Lê Thị Thủy, tạ thế 12-1-1985) được sai đến Tân Hương để phụ trách dạy lớp nhất cho các em người Kinh. Dẫu thế số các nữ tu đầu tiên đã không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng tại đây.

 image005
 Các nữ tu MTG thời kỳ đầu
 D- Những hoạt động chính yếu:[4]
 Hoạt động tông đồ của cộng đoàn Tân Hương thật đa dạng, vừa phụ trách trường Têrêxa vừa phụ giúp cố Alberty Hiền trong những công tác của giáo xứ, các nữ tu đã chứng tỏ khả năng thích ứng và uyển chuyển của mình.
 1- Hoạt động học đường:
Niên khoá đầu tiên (1932-1933) của trường Têrêxa cũng là niên khoá vất vả nhất của cộng đoàn một phần vì còn mới mẻ xa lạ, một phần vì chưa có gì qui củ. Đây là một trường học hoàn toàn miễn phí, thu nạp cả các em người Kinh lẫn người Dân Tộc. Do đó, để việc giáo dục được dễ dàng và hiệu quả, các nữ tu đã chia các lớp người Kinh và Dân Tộc riêng biệt. Chính nhờ sự hiện diện của 3 nữ tu người Dân Tộc mà các em miền núi đã được hướng dẫn tận tình, được an ủi và thông cảm. Dù đã chia ra nhiều lớp, nhưng trình độ các em không được đồng đều, nên các nữ tu phải kiên tâm, chịu khó theo dõi việc học của từng em một. Không những chỉ dạy văn hóa, các nữ tu còn chăm sóc đời sống tinh thần, đạo đức và dạy giáo lý cho các em. Nhờ đó trường Têrêxa ngày càng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được kỳ vọng của cố Alberty Hiền cũng như của bổn đạo Tân Hương và đồng bào chung quanh.
Ngoài ra, các nữ tu cũng đã mở nhà nội trú tại đây, để giúp cho các em ở xa có thể lưu ngụ tiện việc học hành. Phần đông các em nội trú là người dân tộc ở những buôn làng xa xôi đến. Với tình thương và lòng nhiệt thành, các nữ tu đã biến nội trú thành một gia đình vui tươi và đầm ấm.
Qua môi trường, các nữ tu đã thực hiện lý tưởng tông đồ một cách thiết thực và mang lại nhiều lợi ích cho các em thiếu nhi. Đồng thời, các nữ tu cũng hướng dẫn và góp phần đào tạo những mầm non ơn thiên triệu cao quý. Chính linh mục G.B Trần Khánh Lê và chị ngài là nữ tu Raymonde Trần Thị Kiểng đã qua những năm thơ ấu tại đây, và chính Mẹ Gabrielle Lê Thị Phi Hường cũng đã từng học đánh vần ê a tại trường Têrêxa này. Đặc biệt chỉ mấy tháng sau mùa khai giảng, các nữ tu đã tuyển chọn, hướng dẫn được 2 ơn gọi người dân tộc và đã gởi về nhà mẹ làm của lễ đầu mùa. Đó là chị Augustine (Marie Thérèse Kyinh Ngọc, nhập tu 17-8-1932, khấn tạm 22-8-1940, tạ thế 18-4-19…) và chị Pudentienne (Marguerite Marie Héo, nhập tu 17-8-1932, khấn tạm 22-8-1940, khấn trọn 22-8-1952, tạ thế 30-3-1972).
Như vậy hoạt động học đường đầu tiên đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, hứa hẹn cả một thời kỳ phát triển mạnh mẽ sau này (1935-1940).
 2- Hoạt động giúp xứ:
Mặc dầu rất bận rộn với những công tác học đường, các nữ tu vẫn không quản ngại hết mình phục vụ trong những công tác tông đồ tại giáo xứ Tân Hương:
Hoạt động tông đồ đặc biệt nhất là việc dạy giáo lý cho tân tòng. Công tác này đòi hỏi phải kiên tâm, dịu dàng và chịu khó. Các nữ tu đã thực sự đem nhiều linh hồn về cho Chúa, nhất là đối với các anh chị em người dân tộc.
Những lớp Xưng tội lần đầu, Thêm sức cũng đã được mở ra cho các em trong giáo xứ. Thêm vào đó, các nữ tu còn phụ trách cả ca đoàn, cả những công việc của nhà thờ: quét dọn, sửa soạn bàn thờ, đồ lễ… tấm gương hy sinh và nhiệt thành ấy đã làm cho mọi người kính phục mến yêu.
Nhìn chung, những năm xây dựng đầu tiên của cộng đoàn MTG Quy Nhơn tại Tân Hương đã mang lại nhiều thành quả vững chắc, đặt nền tảng và tạo đà tiến cho những năm kế tiếp.
            II – THỜI KỲ PHÁT TRIỂN (1935-1940)
 Sau bốn năm xây dựng, cộng đoàn MTG Quy Nhơn tại Tân Hương đã tạo được một nề nếp vững chắc và bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Vừa phụ trách trường Têrêxa, vừa lo công việc giáo xứ, các nữ tu còn mở mang thêm những công tác xã hội rất có kết quả. Đây quả là 5 năm vàng son của cộng đoàn MTG Quy Nhơn tại giáo phận Kontum. Cộng đoàn ngày một lớn mạnh về nhân sự lẫn hoạt động.
A –  Nhân sự:
Bà nhất Claire lên Tân Hương lần thứ hai (1934) chưa được bao lâu thì ngả bệnh phải về nhà mẹ điều trị. Bà Rose được cử làm bà nhất thay thế vào năm 1935. Bà nhường lớp nhất lại cho chị Cécile đảm trách để có thể trông nom quán xuyến và xếp đặt mọi chuyện trong nhà. Qua năm sau 1936 chị Cécile từ giã nhiệm sở, Hội Dòng lại sai thêm 3 chị đến bổ sung: chị Odile (Marthe Nguyễn Thị Truất, tạ thế 2-2-1997), chị Hélène Maria Nguyễn Thị Nhi, tạ thế 27-4-1987), và chị Candide Maria Trần Thị Thơm, tạ thế 25-6-1996). Sáu chị em và bà nhất Rose đã phải tận lực làm việc mới có thể quán xuyến hết mọi công việc. Tất cả chị em đều nêu cao tinh thần phục vụ xả kỷ vì yêu mến Chúa và Giáo Hội.
Qua năm 1938, sau khi cùng với các chị đi hát lễ tại xứ Kontrang theo lời mời của cha Nguyễn Thiện, chi Odide vốn đã yếu sẵn lâm bệnh nặng tai, nên phải về nhà mẹ tĩnh dưỡng. Hội Dòng lại sai thêm chị Marie (Maria Dương Thị Thuận, tạ thế 15-8-2000) và chị Angélique (Maria Lê Thị Truyển, tạ thế 3-5-1941) đến giúp cộng đoàn. Và mãi cho đến niên khoá 1939-1940, cộng đoàn Tân Hương luôn luôn có đủ 7 nữ tu hăng say hoạt động.
 B- Hoạt động:
Cũng như những năm đầu, các nữ tu tại đây vẫn tiếp tục hoạt động trong nhiều lãnh vực. Nhưng trong thời kỳ này những hoạt động ấy phát triển mạnh mẽ và phong phú hơn nhiều.
 1- Hoạt động học đường:
Giáo dục văn hoá: bổn đạo Tân Hương cũng như đồng bào chung quanh thấy các nữ tu tận tâm dạy dỗ con em nên rất mến yêu và tín nhiệm. Càng ngày số các em vào trường càng đông, kể cả các em ở những buôn làng xa xôi cũng tìm đến. Số học sinh gia tăng từ 200 lên 250 rồi 300. Vì thế năm 1937, cố Alberty Hiền đã cho cất thêm một ngôi nhà mới sát sau trường Têrêxa để có thể dạy lớp nhì và lớp nhất. Toàn trường như vậy có đến 8 lớp khác nhau và nhiều nữ tu phải kiêm nhiệm 2 lớp cùng một lúc. Những khoá thi yếu lược hằng năm đạt được những kết quả vô cùng mỹ mãn hầu hết là đậu 100%. Riêng các nữ tu người dân tộc cũng đã đào tạo được 2 lớp đi thi, kết quả hết sức tốt đẹp. Thường sau khi thi đậu, phần lớn các em người dân tộc được gởi đến trường Giuse do các nữ tu Vincent phụ trách để chuẩn bị cho các em có thể dâng mình cho Chúa, và đào tạo các em trở thành tông đồ phục vụ cho những người anh em dân tộc. Lúc ấy người ta quen gọi là “đi tu dòng Ảnh Vảy”, chương trình đó rất thành công. Như vậy, các nữ tu cộng đoàn Tân Hương đã biến trường Têrêxa thành vườn ươm hạt giống cho ơn thiên triệu. Thật đáng cảm phục và ca ngợi!
  1. Dạy nghề:
Ngoài việc trau dồi văn hóa, các nữ tu còn mở những lớp dạy nghề cho các em trong trường, nhất là các em nội trú người dân tộc, các chị đã mở những khoá dạy cắt may, thêu đan, kéo sợi, kéo chỉ, làm hoa giấy và nhiều việc thủ công khác. Đây là công việc bà Elisabeth đã qui tụ các em tham gia đông đảo các lớp may, cắt, thêu thùa này. Sau khi bà Elisabeth ra đi, chị Ursule đã tiếp tục mở thêm nhiều lớp khác. Với tài năng đặc biệt, chị đã tận tình dạy dỗ các em từng đường kim, mũi chỉ. Chị cũng hướng dẫn các em dệt được cả những tấm khăn người dân tộc thường dùng, đủ màu sắc và mỹ thuật, lớp thêu may luôn luôn có từ 30- 40 em theo học. Với sự tận tuỵ của chị Ursule, các em đã tiến bộ mau chóng. Kết quả thành đạt thật lớn lao. Đây là những bước tiên phong cho một chương trình giáo dục đa diện, thực tế và mang tính cách xã hội.
 3.Tông đồ giáo xứ:
Những điểm nổi bật nhất trong những năm phát triển của cộng đoàn Tân Hương chính là những công tác tông đồ trong giáo xứ. Dạy giáo lý thiếu nhi, phụ trách ca đoàn, chăm sóc thánh đường, viếng thăm an ủi các gia đình, những người già yếu bệnh hoạn và nhất là việc dạy tân tòng.
  1. Dạy tân tòng: từ ngày bà nhất Rose hướng dẫn cộng đoàn, công tác dạy giáo lý cho tân tòng đã tiến phát mạnh mẽ. Những lớp tân tòng được mở ra liên tục. Chính bà nhất trực tiếp đảm trách công việc này. Bà đã tận dụng hết mọi thì giờ có thể để hoàn tất sứ mạng cao quý đó. Hằng năm số tân tòng chịu phép rửa tội khoảng 30-40 người. Thật là một việc lạ lùng của Chúa. Qua công việc này các nữ tu cộng đoàn Tân Hương đã thực sự trở nên những nhà truyền giáo đặc biệt của Giáo Hội.
  2. Dạy giáo lý thiếu nhi: không những chỉ dạy giáo lý cho các em tại trường học, các nữ tu còn mở những lớp giáo lý đặc biệt cho các em trong giáo xứ. Những lớp vỡ lòng, thêm sức, bao đồng mở ra hằng năm giúp cho các em có một nền tảng giáo lý vững chắc. Các chị hướng dẫn các em cầu nguyện, tập từng cử chỉ, lời nói. Nhờ đó, đời sống đạo đức của giáo xứ ngày một tăng tiến.
  3. Phụ trách ca đoàn: ngoài ra các nữ tu còn đảm trách việc tập hát cho các em trong ca đoàn của giáo xứ. Đầu tiên ca đoàn do chị Cécile điều khiển, rồi đến bà nhất Rose, chị Anréque và cuối cùng là chị Hélène. Chị Hélène có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc nên đã làm cho ca đoàn tiến bộ nhanh chóng. Chẳng mấy chốc, ca đoàn Tân Hương trở thành nơi bậc nhất. Nhưng điểm đáng nói chính là nhờ những lời ca thánh thót, du dương, điêu luyện của ca đoàn mà những buổi lễ và những giờ kinh nguyện tại giáo xứ Tân Hương thêm sống động, sốt sắng và đạo đức. Đây cũng chính là một thành công mà các nữ tu đã gặt hái được trong những ngày phục vụ tại đây.
  4. Trông nom thánh đường: một công tác khác cũng được các nữ tu lưu tâm lo lắng, đó chính là việc trông nom thánh đường: quét dọn, soạn sửa bàn thờ, chưng hoa thắp nến. Các chị kiêm nhiệm cả chức ông từ nhà thờ… từ bàn thờ đến đồ lễ… tất cả đều ngăn nắp sạch sẽ. Nhất là trong những dịp đại lễ, các chị hết sức bận rộn vất vả. Dầu thế, các chị vẫn luôn vui vẻ phục vụ nhà Chúa rất nhiệt thành, góp phần xây dựng giáo xứ và giúp cho giáo hữu Tân Hương được sốt sắng và đến gần Chúa hơn.
 image007
Đài Thánh Giá và mộ góc Trường Têrêxa

  1. Thăm viếng và công tác bác ái:
Hằng tuần vào ngày nghỉ thứ năm, các chị tổ chức những cuộc thăm viếng các gia đình những vùng chung quanh, nhất là những gia đình nghèo khổ, đau ốm để giúp đỡ, ủi an. Cứ sáng thứ năm, các chị chuẩn bị cơm nước thật sớm cho vào gùi, rồi cùng với một số các em nội trú lên xe bò bắt đầu lên đường. Những cuộc thăm viếng ấy đã tạo nên những mối cảm thông sâu xa giữa phụ huynh học sinh và nhà trường, nhờ đó việc giáo huấn chăm sóc các em càng hữu hiệu và thành công. Rồi những lần thăm viếng các gia đình đói khổ, cô đơn đó là những cơ hội thực hiện tình bác ái phổ quát của Chúa Kitô. Chính tình thương hiền dịu của các nữ tu đã làm cho bao gia đình khổ đau được an ủi, nhất là những gia đình khô khan nguội lạnh được thức tỉnh và trở về với Chúa. Công việc tông đồ này tuy nhỏ bé đơn sơ, nhưng cũng đã mang lại nhiều thành quả lạ thường. Vả lại đây cũng là dịp để các nữ tu nghỉ ngơi, du ngoạn, quân bình đời sống sau những ngày làm việc quá vất vả mệt nhọc. Chính nhờ những cuộc tiếp xúc hữu ích ấy, các nữ tu đã dễ dàng cảm thông với quần chúng, bắt những nhịp cầu yêu thương để dễ dàng dẫn đưa các linh hồn về cho Chúa.
 5. Thánh hoá đời sống qua lao động:
Ngoài những công tác tông đồ đặc biệt trên đây, các nữ tu còn dành thời giờ cho công việc lao động, canh tác thửa vườn hơn một mẫu tây của trường Têrêxa, nhờ đó các chị đã biết hoà hợp giữa đời sống lao động trí óc, chân tay và cầu nguyện. Với sự cần cù chịu khó, các chị đã từng được rất nhiều khoai sắn, bắp, cà phê, cam quýt, dừa, mận làm cho khu vườn ngày một xinh đẹp và cũng thu được một số hoa lợi đáng kể. Đời sống lao động đã giúp cho các nữ tu biết chia sẻ và cảm thông với những khổ nhọc của những người chung quanh. Ngay cả trong những lúc du ngoạn, thăm viếng ngày thứ năm, các chị cũng đi bán củi, bẻ măng, để tập hoà mình vào nếp sống rừng núi của những người anh em vùng dân tộc. Lao động đã trở nên cơ hội để các nữ tu nêu cao tấm gương chịu khó và hoà đồng. Nhờ đó đời sống chứng nhân của các chị thêm phong phú và hiệu quả.
Nói tóm lại, thời kỳ phát triển 1935-1940 là một thời kỳ rực rỡ nhất của các nữ tu MTG Quy Nhơn tại vùng đất Cao nguyên này. Những kết quả thu lượm được là những hạt giống Nước Trời được gieo vào thửa đất màu mỡ. Tấm gương nhẫn nhục, tận tụy hy sinh, nhiệt thành phục vụ, bác ái, yêu thương của các nữ tu đã gây được những tác động đạo đức lớn lao trong tâm hồn của những người anh em lương giáo tại vùng này.

III. THỜI KỲ NGƯNG HOẠT ĐỘNG: Niên khoá 1939-1940
Cộng đoàn MTG Quy Nhơn vừa đạt đến đỉnh thành công thì cố Alberty Hiền lại muốn nhường cơ sở Têrêxa cho Tu hội Bác ái Vinh Sơn hoạt động. Do đó kể từ niên khoá 1939-1940, toàn thể cộng đoàn Tân Hương đã trở về nhà mẹ để lãnh nhận những nhiệm vụ mới.
Đối với các nữ tu, vâng lời là của lễ cao đẹp nhất, do đó các chị đã vui vẻ chấp nhận thánh ý Chúa để ra đi. Thành công nhiều lúc lại là cơ hội làm cho con người dễ tự phụ và quên Chúa. Ý Chúa bao giờ cũng nhiệm mầu, nhưng luôn nhằm mưu cầu lợi ích cho Giáo hội và các linh hồn. Do đó trong mọi sự chị em đã để mặc Chúa đưa dẫn.
Như vậy, kể từ niên khoá 1939-1940, nhiệm sở Têrêxa được giao lại cho chị em Nữ tử Bác ái Vinh Sơn và giáo xứ Tân Hương vắng bóng các nữ tu MTG Quy Nhơn từ đó. Thời gian ngưng hoạt động kéo dài trên 20 năm và mãi đến năm 1963, Hội Dòng MTG Quy Nhơn mới trở lại vùng Tây Nguyên, góp phần xây dựng giáo phận Kontum trong những cơ sở miền Pleiku màu mỡ và tươi đẹp.
Danh sách các Nữ tu Dòng MTG phục vụ tại GX Tân Hương  từ năm 1932 đến năm 1940:
1- Bà nhất Claire Lê thị Đời
2- Elisabeth Ngô Thị Chánh
3- Véronique Marie MưK
4- Ursule Marie Niu
5- Anne Ngơ
6- Isabelle Nguyễn Thị Đại
7- Cécile Agnès Nguyễn Thị Thoạt
8- Rose Lê Thị Thủy
10- Hélène Nguyễn Thị Nhi
11- Candide Trần Thị Thơm
12- Marie Dương Thị Thuận
13- Angélique Lê Thị Truyền.
……….
  
Minh Sơn
6/9/2014

Dựa theo các tài liệu:
-Tài liệu của Hội dòng MTG Qui Nhơn, cung cấp năm 2006.
-Kỷ yếu Giáo xứ Tân Hương, năm 2006.
[1] Kim Khánh 1929-1979 Dòng MTG Gò Thị Quy Nhơn, tr. 46-47.
[2] Nội Quy Dòng MTG Quy Nhơn, số 4.
[3] Viết theo cuộc thẩm vấn bà Elisabeth tại tu viện MTG Quy Nhơn ngày 20-3-1982.
[4] Phỏng vấn bà Elisabeth tại nhà mẹ Quy Nhơn ngày 20-3-1982;
  phỏng vấn bà Rose và bà Anne tại cộng đoàn Gò Thị ngày 22-3-1982.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét