Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Hội thảo mừng 400 Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt – Lần thứ II

Hội thảo mừng 400 Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt – Lần thứ II


IMG_9554
SJVN-Vào lúc 08 giờ 30 sáng thứ bảy ngày 12.07.2014, buổi hội thảo thứ hai nhân dịp kỷ niệm 400 năm Dòng Tên loan báo Tin Mừng trên Đất Việt đã được tổ chức tại hội trường Học viện thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam. Hiện diện trong buổi hội thảo có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn, cha Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J., Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và quý khách xa gần.
DSC_0024
Buổi hội thảo này do ban Hội thảo Năm Thánh cùng các thành viên trong Ban sứ vụ Tông đồ trí thức của Tỉnh Dòng phối hợp tổ chức. Chủ tọa của buổi hội thảo là cha Antôn Phaolô Trần Quốc Anh, S.J.; điều phối viên là thầy Giuse Maria Cao Gia An, S.J. và hai diễn giả là cha Antôn Phạm Trung Hưng, S.J., tiến sĩ về linh đạo, giáo sư tại Đại học Santa Clara, Hoa Kỳ và cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J., tiến sĩ thần học kinh thánh.
giao-si-dac-lo
Trọng tâm của buổi hội thảo lần này xoay quanh cuốn giáo lý “Phép Giảng Tám Ngày” do linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes (tức Đắc Lộ) biên soạn bằng chữ Quốc ngữ, được in tại Roma, Ý vào năm 1651 cùng với từ điển Việt-Bồ-La. Đây được xem là quyển sách văn xuôi tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ quốc ngữ. Từ tác phẩm nổi tiếng này, linh mục Antôn Phạm Trung Hưng, S.J., sẽ trình bày về đề tài“Kiến tạo Không gian thánh – Bài học rút ra từ Sách Giáo lý (Cathechismus) của cha Đắc Lộ” và linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J., sẽ trình bày về “Cái nhìn về các tôn giáo theo Sách Giáo lý (Cathechismus) của cha Đắc Lộ.”
DSC_0030
Mở đầu buổi hội thảo, đại diện ban tổ chức, thầy Cao Gia An, đã gửi lời chào mừng Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và quý khách đến tham dự buổi hội thảo và giới thiệu sơ lược chương trình làm việc của hội thảo. Kể đến, cha Trần Quốc Anh đã có đôi lời giới thiệu về 2 diễn giả và nội dung của 2 đề tài.
IMG_9542
Qua đề tài “Kiến tạo Không gian thánh – Bài học rút ra từ Sách Giáo lý (Cathechismus) của cha Đắc Lộ”, trước hết cha Antôn Phạm Trung Hưng, S.J. đã trình bày sơ lược về cuộc đời và sứ mạng tông đồ của cha Đắc Lộ, nhà truyền giáo Dòng Tên đến Việt Nam vào thế kỷ 17. Cha Antôn đã nhấn mạnh đến “cái duyên” đã đưa đẩy cha Đắc Lộ đến với xứ “Con Rồng Cháu Tiên” cũng như những thích nghi và hội nhập của nhà truyền giáo này với văn hóa bản xứ thời đó.
IMG_9543
Trong phần tiếp theo của đề tài, cha Phạm Trung Hưng đã trình bày khám phá của ngài về “một không gian thánh” được tìm thấy trong sách giáo lý Phép Giảng Tám Ngày của cha Đắc Lộ. “Không gian thánh” này chính là nơi gặp gỡ thánh thiêng giữa Thiên Chúa và con người mà cha Đắc Lộ đã kiến tạo ra dựa vào phương pháp ‘đặt khung cảnh’ trong Linh thao của thánh Inhã và những đặc nét của văn hóa Việt Nam thời bấy giờ. Mục đích của “không gian thánh” này là để giúp người Việt vào đầu thế kỷ 17 đi sâu vào đời sống đức tin cá vị và mật thiết với Thiên Chúa. Cũng qua đó, phương pháp giáo lý của Cha cũng là nền tảng của hội nhập đức tin Kitô giáo vào văn hóa Việt Nam.
IMG_9605
Với đề tài “Cái nhìn về các tôn giáo theo Sách Giáo lý (Cathechismus) của cha Đắc Lộ,” cha Antôn Nguyễn Cao Siêu đã chia sẻ về mục đích của cha Đắc Lộ khi viết sách giáo lý“Phép Giảng Tám Ngày” là nhằm dạy cho những ai muốn “chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời.” Bên cạnh đó, cha cũng giải thích lý do vì sao cha Đắc Lộ lại có cái nhìn khá tiêu cực đối với các tôn giáo cụ thể là Tam giáo trên đất An Nam thời đó. Sau cùng, vị diễn giả cũng không quên nhấn mạnh rằng đối với thời đại hôm nay, cái nhìn này của cha Đắc Lộ có những giới hạn và sai sót, cả trong nội dung lẫn cách trình bày và phải đợi đến Công Đồng Chung Vaticanô II, Giáo hội mới có được cái nhìn tích cực hơn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
IMG_9623
Sau phần trình bày, các diễn giả đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, góp ý và câu hỏi liên quan đến đề tài của mình khiến cho bầu không khí của buổi hội thảo thêm phần sinh động.
IMG_9612
Sau khi tham dự 2 phần trình bày, Đức cha Phụ tá Phêrô đã có vài lời chia sẻ với tất cả các tham dự viên. Trước hết, ngài ngỏ lời chúc mừng Dòng Tên nhân dịp kỷ niệm 400 năm loan báo Tin mừng trên Đất Việt. Thứ đến, ngài lưu ý mọi người về mục đích của việc kỷ niệm và việc tổ chức hội thảo “là để loan báo Tin mừng.” Thế nên, ngài đã mời gọi các tu sĩ Dòng Tên và toàn thể tham dự viên tiếp tục suy tư về phương pháp loan báo Tin mừng của Đức Giêsu Kitô trong thời đại hôm nay, cũng như dấn thân hơn nữa trong sứ mạng loan báo Tin mừng trên quê hương Việt Nam.
Trước khi kết thúc hội thảo, cha chủ tọa hội thảo đã ngỏ lời cám ơn quý diễn giả, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý tham dự viên đã đến tham dự hội thảo.
Buổi hội thảo lần thứ 2 trong khuôn khổ mừng 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin mừng tại Việt Nam chính thức khép lại, nhưng có lẽ nơi tâm trí của từng tham dự viên đang mở ra “một hội thảo mới” với ưu tư và thao thức làm thế nào để loan báo Tin mừng trong cuộc sống hôm nay như lời mời gọi lên đường truyền giáo của Đức cha Phêrô.
Chỉnh Trần, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét