ĐTC Phanxicô: Các Linh Mục: Khí Cụ Của Lòng Thương Xót Vô Biên Của Thiên Chúa
Trong bài Giáo Lý thứ 4 ngày 20 tháng 11, Đức Thánh Cha đã nói về vẻ đẹp của Bí Tích Giao Hòa. Ngang qua trình bày đơn sơ của ngài, chúng ta sẽ hiểu được tại sao vị linh mục, là một con người như chúng ta nhưng lại có quyền tha tội, đâu là thái độ cần có khi đến với tòa giải tội, tại sao chúng ta nên đến với tòa giải tội… và chúng ta cũng biết rằng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng xưng tội 15 ngày một lần. Sau đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến,
Vào thứ tư tuần trước, chúng ta đã nói về ơn tha tội, một cách thức cụ thể trong Bí Tích Thánh Tẩy. Hôm nay, chúng ta tiếp tục nói về chủ đề này, nhưng liên hệ đến một khái niệm được gọi là “quyền tháo gỡ” vốn là biểu tượng Kinh Thánh của ơn tha tội mà Đức Giê-su đã trao cho các môn đệ.
Trên hết, chúng ta phải nhớ rằng chủ thể của ơn tha tội chính là Chúa Thánh Thần. Ngài chính là nhân vật chính. Trong lần đầu tiên hiện ra với các môn đệ nơi phòng Tiệc Ly, Đức Giê-su thực hiện cử chỉ thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. (Ga 20,22-23). Đức Giê-su, với thân xác đã được biến đổi, đã là một con người mới, trao ban qùa tặng, là hoa trái phát sinh từ cuộc vượt qua cái chết dẫn đến phục sinh. Những qùa tặng này là gì? Bình an, niềm vui, ơn tha tội, sứ mạng, và trên hết là Chúa Thánh Thần vốn là nguồn mạch của tất cả ơn huệ này. Tất cả qùa tặng này đến từ Chúa Thánh Thần. Việc thổi hơi của Đức Giê-su, cùng với lời trao ban Chúa Thánh Thần, chỉ ra một sự trao ban sự sống, một sự sống mới tái sinh từ sự tha thứ.
Nhưng trên hết, thông qua cử chỉ thổi hơi và trao ban Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su đã tỏ bày những thương tích của Người, nơi bàn tay và cạnh sườn: những thương tích này tượng trưng cho cái giá của ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần trao ban cho chúng ta ơn tha thứ “được chuyển thông qua” những thương tích của Đức Giê-su. Những thương tích mà Ngài đã muốn giữ lại. Kể cả trong giây phút này, trên trời, Ngài đang tỏ cho Cha thấy những thương tích mà ngang qua đó đã cứu chuộc chúng ta. Và nhờ vào sức mạnh của những thương tích này, tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Như thế, Đức Giê-su đã trao ban sự sống của Ngài cho sự bình an và niềm vui của chúng ta, cho ân sủng nơi tâm hồn chúng ta, để tha thứ tội lỗi của chúng ta. Và điều này thật đẹp, thật đẹp để chiêm ngắm Đức Giê-su như vậy.
Chúng ta qua yếu tố thứ hai: Đức Giê-su trao cho các một đệ quyền tha tội. Nhưng tại sao vậy? Bởi vì hơi khó hiểu khi một con người lại có quyền tha tội. Đức Giê-su đã ban quyền này. Giáo hội là người cất giữ quyền tháo gỡ: quyền mở, đóng và tha thứ. Thiên Chúa tha thứ cho mỗi người nơi lòng thương xót vô biên của Người, nhưng chính Người muốn những ai thuộc về Đức Ki-tô và Giáo Hội đón nhận sự tha thứ thông qua thừa tác vụ Cộng Đoàn. Thông qua thừa tác vụ của các tông đồ, lòng thương xót của Thiên Chúa đến với tôi, tội lỗi của tôi được tha thứ và tôi được trao ban niềm vui. Trong cách thức này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống sự hòa giải cả trong chiều kích giáo hội và chiều kích cộng đoàn. Điều này thật đẹp. Giáo Hội, dẫu thánh thiện nhưng cũng cần hoán cải, đồng hành với chúng ta trong bước đường hoán cải trong Giáo hội. Giáo hội không tha thứ nhờ vào quyền tháo gỡ: không phải Giáo hội tha thứ, nhưng là phục vụ sứ vụ thương xót và cảm thấy biết bao hạnh phúc khi có thể trao tặng món qua thần linh này.
Có lẽ vài người không hiểu về chiều kích giáo hội của ơn tha thứ, bởi vì sự thống trị của chủ nghĩa cá nhân, và cả chúng ta nữa, những người tín hữu, chúng ta cũng nghĩ như thế. Chắc chắn, với tư cách cá nhân, Thiên Chúa tha thứ cho mỗi tội nhân biết ăn năn hối cải, nhưng mỗi người tín hữu được nối kết với Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô được nối kết với Giáo hội.
Và đây là điều chúng ta phải xem trọng! Đó là một qùa tặng, và cũng là một phương dược, một sự đảm bảo và là bảo chứng về sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho tôi. Tôi đi đến với vị linh mục và nói: “Thưa cha, con đã làm điều này…” “Cha tha tội cho con: Chính là Thiên Chúa tha thứ, và tôi chắc chắn rằng, trong giờ phút ấy, Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi. Điều này thật đẹp! Đây là một sự đảm bảo mà chúng ta thường nói: “Thiên Chúa luôn tha thứ cho tôi! Ngài không mệt mỏi tha thứ!”. Chúng ta đừng mệt mỏi đi đến với Ngài để cầu xin sự tha thứ. “Nhưng, thưa cha, con thấy ngại đi đến đó để nói ra những tội lỗi của mình…”. “Nhưng, hãy xem, mẹ và chị em của chúng ta thường nói rằng: thà một lần đỏ còn tốt hơn ngàn lần vàng (che è meglio diventare rosso una volta che non giallo mille volte – một câu châm ngôn trong tiếng Ý) eh!”. Và bạn hãy trở nên đỏ một lần, để bạn được tha thứ tội lỗi và tiến về phía trước.
Và cuối cùng: Linh mục chính là khí cụ để tha thứ tội lỗi. Sự tha thứ của Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta nơi Giáo Hội, và được thông chuyển cho chúng ta thông qua thừa tác vụ của anh em chúng ta. Các linh mục, cũng là một con người như chúng ta, các ngài cũng cần sự thương xót, để trở nên một khí cụ đích thực của lòng thương xót, trao ban cho chúng ta tình yêu vô hạn của Chúa Cha.
Các linh mục cũng phải xưng tội, các giám mục cũng vậy: Tất cả chúng ta là tội nhân. Đức Thánh Cha cũng xưng tội 15 ngày một lần, bởi vì Đức Thánh Cha cũng là một tội nhân! Và vị giải tội lắng nghe những điều tôi nói với ngài, ngài khuyên nhủ tôi và tha thứ cho tôi, bởi vì tất cả chúng ta cần sự tha thứ này. Đôi lúc, có người cảm thấy muốn xưng tội một cách trực tiếp với Thiên Chúa… Vâng, như tôi đã nói, Thiên Chúa luôn lắng nghe chúng ta, bí tích Hòa Giải được trao ban cho một người anh em của chúng ta để họ thông chuyển ơn tha thứ, nhân danh Giáo Hội.
Công việc phục vụ của các linh mục trong sứ vụ này, phát xuất từ Thiên Chúa, để tha thứ tội lỗi, là một điều đáng quý, là một việc phục vụ đáng quý, và nó hệ tại ở việc trái tim của họ có bình an hay không; khi trái tim của vị linh mục bình an, họ không đối xử tệ với các tín hữu, nhưng với lòng nhân từ, yêu thương và thương xót, họ biết gieo vào trái tim của các tín hữu niềm hi vọng, và trên hết, họ hiểu rằng, anh chị em của mình đến tòa giải tội là để tìm kiếm sự tha thứ và các vị sẽ lắng nghe họ như Đức Giê-su đã lắng nghe biết bao nhiêu người và chữa lành cho họ. Vị Linh mục không có tinh thần ấy thì tốt hơn, cho đến khi sửa lại, không nên trao ban bí tích này. Các tín hữu có quyền hay nhiệm vụ? Không, họ có quyền! Chúng ta có quyền, mọi tín hữu, có quyền tìm các vị linh mục, những người phục vụ ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, với tư cách là các thành viên của Giáo hội, chúng ta có ý thức được vẻ đẹp của ơn tha thứ mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta không? Chúng ta có cảm nhận được niềm vui, sự chăm sóc mẫu tử mà Giáo hội dành cho chúng ta không? Chúng ta có biết xem trọng bí tích này với sự đơn sơ và siêng năng không? Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta; thông qua thừa tác vụ của linh mục, Thiên Chúa sẽ ôm trọn chúng ta trong một cái ôm đầy mới mẽ, tái sinh chúng ta và cho chúng ta đứng lên và bắt đầu lại một hành trình mới. Bởi vì đây chính là cuộc sống của chúng ta: tiếp tục đứng lên và bắt đầu lại một hành trình. Cảm ơn anh chị em.
WSJVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét