NHỮNG TIẾNG RÚ XÉ LÒNG VÀ CUỘC SỐNG ĐẦY GIAN KHỔ.
Mới tỉnh ngủ, trên màn hình tin nhắn hiện lên dòng chữ như không muốn đọc : "H bị dính từ F0 cùng phòng làm việc rồi ! Giờ là F1. Lần đầu kết quả là âm tính, còn lần sau chả biết sao ! Chả còn tâm trí gì hết !"
Kèm theo dòng tin nhắn đó là hành trang để chuẩn bị lên đường nếu như được gọi đi cách ly.
Chả biết nói gì trong lúc này, chỉ biết nhắn gửi là nếu được thì xin cách ly tại nhà vì nhà khá rộng. Còn nếu như đi thì hình như có phương án là có một số khách sạn có cho cách ly gọi là tại chỗ cùng với sự kiểm soát của nhân viên y tế.
Vừa xong câu chuyện thăm hỏi, một video xem xong có lẽ không ai không nhói lòng.
Gia đình có 5 mẹ con được nhân viên y tế đến nhà đưa đi cách ly. Dĩ nhiên là người nào cũng mang trong mình bộ đồ y tế để cách bảo vệ sức khỏe. Thương nhất là đứa trẻ còn mãi mê bú mẹ như không hề hay biết. Cả khi xuống xe đến nơi cách ly thì đứa bé vẫn bú ngon trong bầu sữa mẹ.
Con virus quái ác đã lấy đi sinh mạng của biết bao nhiêu con người cùng rình rập biết bao sinh mạng khác nữa. Thương nhất là những y bác sĩ. Họ là những người phải nói là không còn cách nào khác là phải đương đầu với cơn sóng dữ. Họ ngày đêm túc trực bên bệnh nhân để tìm cách giành giật với thần chết.
Nơi tôi ở, xem chừng như bình yên một chút nhưng rồi lòng cũng chẳng thể bình yên. Thi thoảng không kể giờ giấc, những tiếng rú xé lòng cứ rú bên tai. Tiếng còi hụ như vậy là biết có người được chở đến nơi để cách ly tập trung. Mà ai ai cũng biết, nếu có thể, ai nào đó cách ly một mình như kiểu am cốc cách biệt để tránh lây nhiễm. Nếu như ở tập trung, có lẽ tình trạng nhiễm chéo làm cho con người mãi bất an. Chưa hết, chuyện vệ sinh ăn uống phải chăng là chuyện chẳng đặng đừng ở những nơi đang có đông người ở. Ở như vậy thì khả năng lây nhiễm lại tăng cao nhưng rồi để ở nhà thì cũng không được tốt. Sự giằng co để bảo vệ sự sống con người làm cho con người thêm mệt óc.
Con virus đến, cuộc đời người ta như xáo trộn. Chuyện công ăn việc làm chao đảo cũng đành nhưng tất cả mọi sinh hoạt khác đều bị thay đổi.
Sáng nay ra chợ, tính mua tí cá bớp về ăn cho thay đổi hương vị. Ở cái chợ nhỏ này, chỉ có vài 3 loại cá nhưng rồi con cá bớp cũng không còn. Hỏi ra thì chợ ngoài kia cấm cùng với xe bị cấm nên rồi cũng đành bó tay.
Ở Sài Thành, cuộc sống nghe đâu cũng xáo trộn lắm rồi.
Ở cái vùng nghèo này dường như cũng đang đi về nơi xa lắm bởi lẽ kinh tế ở vùng này gọi là vùng kinh tế không ổn định. Người dân ở vùng này suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để tìm kế sinh nhai. Nếu như con virus ác đó về đây thì chả biết còn ăn nói làm sao nữa. Hiện giờ, cũng như bao nơi khác, người mỗi người ở cái vùng nghèo này ráng giữ những quy định của y tế để phòng trách dịch mà thôi.
Vậy đó, cuộc sống dù ở đâu đi chăng nữa cũng đang vất vả lao đao.
Những gánh hàng rong, những mẹt rau mớ cá ở lề đường các chợ nay không còn nữa. Một số siêu thị hay chợ lớn cũng bị đóng cửa. Chợ đầu mối lớn về nông sản ở Sài Thành cũng đã ngưng họp chợ.
Thăm người quen ở Thới Tam Thôn, hắn buồn đến độ chỉ cảm thôi mà người không muốn dậy, Hắn lo lắn vì tiền thuê nhà cho tiệm bánh mì của hắn cùng với những chi phí không tên mà hàng tháng phải chi trả để rồi hắn nổ cái đầu. Thuyền to thì sóng lớn mà thuyền nhỏ thì sóng nhỏ theo. Dù là doanh nghiệp lớn hay cái tủ bánh mì cùng tiệm tạp hóa cũng lao đao trước những ngày giãn cách.
Lòng đang buồn, người quen ở Đà Lạt nhắn tin rằng lòng cũng chẳng yên khi nghe kể những mảnh đời cơ nhỡ ở cái vùng mà cái nghèo muốn ôm chặt con người ở nơi đây. Hễ không nghĩ thì thôi chứ khi nghĩ thì dường như không còn đường thoát. Rồi đây sẽ ra sao khi cuộc sống càng ngày gần như đi vào ngõ tắt.
Dẫu nhu cầu sống không cao, dẫu cuộc sống không mấy ảnh hưởng vì không vợ mà cũng chẳng con nhưng lòng sao an yên được. Lòng nhủ lòng chia sẻ chút gì đó cho người nghèo cách âm thầm và lặng lẽ.
Những ước mong mọi người cùng chung tay để chống cái con virus quái ác này để cuộc sống trở lại bình yên.
Đang ráp những dòng chữ này thì bà chị hôm nay hứng chí lên dọn cái chuồng cu của thằng em hỏi một câu trớt quớt : "Chừng nào về ?"
Biết nói sao bây giờ ? Cần về để khám bệnh, cần về để coi lại cái cỗ máy 85 cân nặng nề trĩu bệnh này lắm chứ ! Nhưng xem chừng ngày về ôi xa quá !
Sợ và sợ lắm những tiếng rú oan nghiệt của những chiếc xe cứu thương mang người đi cách ly. Sợ lắm khi nhìn thấy ai đó phải chia xa. Sợ lắm khi nhìn thấy con đường hay ngõ hẽm bị giăng dây.
Thầm nguyện cầu để Thiên Chúa cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt. Có lẽ như thế thì con người cũng đã thấm đòn trước sự dữ cũng như quyền năng của Thiên Chúa rồi. Xin Chúa hãy ra tay để cho con người mau có lại sự bình an như trước khi dịch đến.
Lm. Anmai, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét