KIẾP PHÙ SINH THÁNG NGÀY VẮN VỎI. Lm Antôn.M Vũ Quốc Thịnh,CSsR
Thân phận con người quả là mong manh ! Thế nhưng rồi chưa bao giờ ta thấy phận người lại mong manh như thế !
“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Thánh vịnh 103, 16-17)
Với tình hình dịch bệnh như thế này, ta thấy phận người rõ nét hơn với cái câu :
“Lạy CHÚA, xin dạy cho con biết:
đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi,
để hiểu rằng kiếp phù du là thế.
Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,
kiếp sống này, Chúa kể bằng không.
Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,
thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.
Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng,
ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng”. (Tv 39)
Lời của thánh vịnh trên đây đã diễn tả sự hữu hạn của cuộc đời, sự mong manh của thân phận con người. Như bông hoa sớm nở chiều tàn, chúng ta dù là ai đi nữa, tất cả rồi cũng sẽ đi đến một chung cuộc biến tan... Cùng toàn thể Giáo Hội, chúng ta đang bước vào giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid. Đây cũng là dịp để chúng ta suy ngẫm về cuộc đời con người trong “kiếp phù sinh.”
Nửa đêm, Cô hàng xóm báo tin là ẹ chồng của Cô vừa qua đời. Bà qua đời trong hoàn cảnh dịch bệnh như thế này thì chuyện hậu sự coi như bối rối. Kể cả chuyện gia đình nhờ Thầy về để tụng kinh nhưng cũng bị khước từ. Trong đau xót, Cô nói : "Ngày mai, Nhà Chùa dặn chỉ có 1 người thân mang hài cốt người quá cố vào Chùa thôi ! Không có được đi 2 người. Nhà Chùa không tiếp nhiều".
Nghe mà đau đớn lòng. Lẽ ra con cháu cũng được theo Bà đến nơi thân xác Bà gửi tạm nhưng rồi cũng không. Và cũng lẽ ra, tôi đây và gia đình cũng đi viếng Bà vì là gia đình hàng xóm với nhau nhưng hoàn toàn không thể.
Giữa cơn dịch bệnh quái ác này, những cái gọi là thể hiện tâm linh cũng như tình nghĩa con người với nhau cũng bị dừng lại. Có những đám tang mà lẽ ra phải đến để tri ân, chia sẻ với gia đình và người quá cố vì sự ra đi của người thân nhưng đành chịu.
Gần đây nhất, những sự ra đi thầm lặng của các bậc cha anh không khỏi làm cho tôi cũng như nhiều người phải chạnh lòng. Dù ở xa, lòng vẫn đau đáu hướng về nhìn Cha Cố Giuse Trần Ngọc Thao, Cha Micae Nguyễn Hữu Phú, Cha Giuse Hoàng Văn Bính, Cha Lêô Lê Trung Nghĩa và nay là Cha G. B. Nguyễn Minh Sang.
Trên các trang mạng, thông tin buồn về nhiều sự ra đi của tu sĩ, linh mục trong lúc này thật là đắng cay. Nhìn những chiếc xe tang lặng lẽ không bóng người thân thật quặng lòng.
Nếu như trước đây người thân còn có cơ may đến Trung Tâm Hỏa Táng để nói lời chia tay thì nay không còn cảnh đó. Nếu như trước đây dù giãn cách vẫn có thể làm nghi thức tiễn biệt nhưng nay hoàn toàn không thể.
Anh bạn ở giáo xứ gần nhà quay lại cái cảnh chiếc xe tang từ từ đến Nhà Thờ, cánh cổng mở ra và ít phút sau linh mục đến rảy nước phép như ban lời chúc lành cho sự chia cắt của phận người thật đau đớn. Hoàn toàn không thể dù lòng có muốn.
Những mối thân tình, những nụ cười và những chia san với nhau trong đời tu nhưng nay cũng không được thể hiện. Đau lòng lắm chứ khi không được hiện diện bên linh cửu của những người thân cận trong lúc này.
Và rồi trong lúc này đây, chúng ta được mời gọi nhìn về cuộc sống của mỗi chúng ta. Với những ai có bệnh nền như bản thân tôi đây thì lại là người cần suy nghĩ. Tiền bạc, danh vọng hay nói vui một tí là những lời giảng nay không còn gì là quan trọng. Quan trọng hay không trong khung cảnh lúc này đó chính là lời mời gọi sám hối, lời mời gọi trở về với Chúa và với anh chị em, đặc biệt hơn cả là lời mời gọi nên thánh.
Lời mời gọi nên thánh càng khẩn thiết hơn bao giờ hết giữa cuộc sống thế tục hôm nay và nhất là giữa cơn dịch bệnh kéo dài và mất mát nhiều như thế này.
Trong xã hội hiện đại, nhiều người chỉ biết ăn chơi, hưởng lạc, bỏ quên những giá trị thực tại và sống vô trách nhiệm với chính mình, với cuộc đời. Cùng một cái nhìn về phận người mong manh, hữu hạn, nhưng lại có hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Người đời cho rằng đời người ngắn ngủi, chết là hết, nên cứ ăn chơi thoải mái cho thỏa mãn.
Và khi nhìn lại, với người Kitô hữu của chúng ta đây, dẫu cuộc đời có là “kiếp phù sinh” chóng qua, nhưng chết không phải là hết. Sự sống chỉ thay đổi mà không mất đi. Vì chúng ta tin có sự sống đời sau. Do vậy, cuộc sống ở trần gian của người Kitô vừa là hành trình vừa là phương tiện cho chúng ta tiến bước về bên Chúa. Chúng ta không sống hưởng lạc, không sống cho qua ngày đoạn tháng, cũng không “say giấc điệp vàng”, không quá quyến luyến với của cải vật chất, không tôn thờ danh vọng... Nhưng Kitô hữu sống đề thờ phượng Chúa, sáng danh Chúa, để thánh hóa bản thân, thánh hóa những người xung quanh và môi trường sống. Cho nên, suy ngẫm về “kiếp phù sinh”, với ơn gọi và sứ mạng của người Kitô hữu, chúng ta được cảnh tỉnh về thái độ của mình trong cuộc sống. Tôi đang ở đâu trong hành trình theo Chúa? Tôi đã và đang sống như thế nào với danh xưng Kitô hữu?...
Những ngày này, ta lại tha thiết cầu nguyện cho các linh hồn ông bà, cha mẹ, người thân của chúng ta và đặc biệt cầu nguyện cho các linh hồn mới được Chúa gọi về và chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho chính mình.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tỉnh thức và sẵn sàng, để sáng suốt lựa chọn cách sống và can đảm dấn thân cho Tin Mừng, sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu và trung thành với Chúa cho đến cùng. Xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ để giúp chúng ta chiến đấu với ba thù, chiến đấu để đi qua cửa hẹp là đường đưa đến sự sống thật.
Lm. Anmai, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét