Giuđa Có Được Lên Thiên Đàng Không?
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
Gần đây có một bạn trẻ hỏi tôi, “liệu ông Giuđa có được lên thiên đàng không, vì ông đã phạm tội tự tử? Nhưng nếu ông phải xuống hỏa ngục thì tội nghiệp cho ông quá, vì ông góp phần vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa.”
Trước hết, tôi cảm ơn bạn trẻ này đã tin tưởng và đặt cho tôi câu hỏi rất thú vị. Thực ra, đây là một vấn đề được bàn luận rất nhiều trong lĩnh vực tín lý và thần học của Giáo Hội Công Giáo nói riêng và các Giáo Hội Kitô Giáo nói chung. Dĩ nhiên đã có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận về đề tài này. Vì thế, tôi rất cẩn trọng tìm hiểu và trong khả năng có thể tôi sẽ đưa ra cách trả lời ngắn gọn nhất và hợp lý nhất, hy vọng những thông tin sau đây sẽ giúp bạn và mọi người hiểu được và đón nhận cách dễ dàng hơn. Tôi sẽ sắp xếp thành một số câu hỏi cơ bản và trả lời xứng hợp như sau:
1. Ông Giuđa là ai, ông có những phẩm giá và bổn phận nào?
Theo hiểu biết thông thường, ông Giuđa là một người được Chúa Giêsu chọn để trở thành môn đệ của Ngài. Sau khi được Chúa gọi, ông đã từ bỏ tất cả mà theo Ngài, gia nhập vào nhóm các tông đồ luôn sát cánh cùng Chúa trong đời sống công khai rao giảng của Ngài. Như vậy, trong suốt hơn 3 năm giảng dạy của Chúa, ông đã cùng Ngài và 11 anh em khác đi từ mọi miền của đất nước Israel để thực thi sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Ông đã được chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm, như cứu chữa người đau bệnh, làm cho người chết sống lại, bênh vực cho người nghèo, trừ quỷ và nhiều việc lành phúc đức khác. Hơn nữa, ngoài vấn đề truyền bá Tin Mừng cho muôn dân như các môn đệ khác, ông Giuđa cũng được Chúa Giê su và các môn đệ khác tín nhiệm, chọn làm người thủ quỹ trong nhóm của họ.
Dựa vào các thông tin trên, chúng ta có nhận định rằng ông là người tài giỏi và lanh lợi nên mới được giao cho trọng trách này. Tuy nhiên các môn đệ khác chỉ nhìn thấy mặt tốt của Giuđa, còn nhiều điều xấu nơi ông thì họ không để ý tới (có chăng Chúa biết rõ tính cách của ông nên nhắc nhở ông mấy lần), cho tới khi ông Giuđa phản bội Chúa họ mới vỡ lẽ nhìn ra con người thật của ông. Nói cách khác, trước khi phản bội Chúa Giêsu, ông Giuđa được coi như một hình mẫu con người hết sức hoàn hảo, thậm chí là giỏi giang hơn các môn đệ khác, nếu không các ông đã không chọn ông Giuđa giữ tiền và lo lắng đời sống cho họ.
2. Ông Giuđa có sống đúng với chức vụ của mình không?
Không, ông không sống đúng với tư cách, địa vị và bổn phận của ông, mà phạm nhiều tội rất nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của linh mục Giuse Đinh Quang Thịnh, Giuđa đã phạm những thứ tội như sau:
- Tội bán Thầy: Ông bán Chúa với giá rất rẻ, chỉ bằng giá của một tên nô lệ $30 (x. Mt 26, 15). Đây là tội lớn nhất của ông Giuđa đối với Thầy mình, vì tội tham lam mà bán đứng Thầy mình với giá rẻ mạt như vậy.
- Tội ăn cắp: Mặc dầu ông Giuđa được mọi người trong nhóm tín nhiệm, chọn ông làm thủ quỹ, nhưng ông thường lén lút lấy tiền để xài riêng, như trong Phúc Âm của thánh Gioan đã đề cập: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (x. Ga 12, 6).
- Tội cứng đầu, lỳ lợm và làm theo ý riêng: Trong giờ phút ly biệt, khi Chúa Giêsu và các môn đệ ăn bữa tiệc cuối cùng, Giuđa không nghe lời Thầy khuyên và cũng không màng đến các anh em đang rất buồn và bất mãn vì ý đồ kẻ muốn bán Thầy của ông (x. Ga 13, 18-21). Dù Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Chính anh là người nộp thầy” (x. Mt 26, 22-25), mà anh vẫn không cẩn thận, không chịu tin tưởng và lắng nghe.
- Tội lén lút làm chuyện xấu: Để thực hiện mưu đồ nộp thầy cho quân lính, Giuđa lén lút lánh mặt anh em, trong đêm tối đi ra ngoài để tìm cơ hội thuận tiện thực hiện mưu đồ này: “Hắn ưng thuận và tìm dịp tiện để nộp Đức Giêsu cho họ, lúc không có đám đông” (x. Lc 22, 6).
- Tội lợi dụng danh nghĩa: Ông Giuđa lợi dụng danh nghĩa lấy cớ giúp người nghèo để lường gạt người khác. Bằng chứng là khi cô Maria, em gái cô Matta, đã dùng 300 quan tiền mua dầu thơm để rửa chân cho Thầy thì Giuđa khiển trách, mắng cô là phung phí, nên để số tiền ấy đưa cho người nghèo còn tốt hơn. Thực ra ông mượn lý do giúp người nghèo để che đậy tính gian tham của mình, vì hễ có ai góp tiền vào quỹ chung, ông lấy nó để dùng theo ý riêng của mình (x. Ga 12, 5-6).
- Tội trốn không dự tiệc Thánh Thể: Trong khi 11 môn đệ ngồi lại ăn tiệc với Thầy mình thì ông Giuđa không hề màng tới. Khi mọi người đang quây quần bên Thầy mình trong “giờ phút Chúa thi ân, ơn cả nghĩa dày” (Tv 69/68), thì ông Giuđa lại bỏ đi gặp quân du dêu mà tìm cách bán Thầy mình cho họ.
- Tội lừa dối Thầy mình: Ông lấy nụ hôn là dấu yêu thương để chỉ điểm cho kẻ ác bắt Chúa Giêsu, dù lúc ấy Thầy vẫn gọi ông là bạn (x. Mt 26, 50).
- Tội thất vọng: Ông Giuđa sau khi phạm tội, thấy Thầy mình bị bắt và bị đánh đập dã man thì ông rất thất vọng, không còn tin vào lòng nhân từ hay thương xót và tha thứ của Chúa, nên thắt cổ tự tử (x. Mt 27, 3-5). Nói cách khác, sau khi phản bội Thầy, ông không hành động như cách ông Phêrô đã làm, là biết sám hối, khóc lóc, ăn năn và xin ơn tha thứ (x. Mt 26, 69-75), nhưng chọn cái chết tức tưởi để kết liễu đời mình.
Đây là tám thứ tội mà ông Giuđa phạm phải được ghi chép rõ ràng trong Kinh Thánh. Như thế, mặc dầu được chọn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, mặc dầu ông đồng ý nhập vào hàng ngũ đông đồ và nhận trách vụ quản lý trong nhóm các môn đệ, nhưng ông không sống và làm đúng với chức vụ và nhân phẩm của mình. Ông đã phạm nhiều thứ tội và những thứ tội đó dẫn đến một hậu quả hết sức đau buồn.
3. Thiên Chúa có đẩy Giuđa vào sự chết không?
Không, Thiên Chúa không đẩy ông Giuđa vào sự chết, nhưng vì ông ngoan cố, không ăn năn hối tội, không tin vào tình thương của Chúa mà tự mình tìm đến cái chết.
Theo lời Kinh Thánh, “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1, 13). Nhưng chính Giuđa đã tự tạo ra hỏa ngục cho mình, như bài viết đã đề cập, vì ông ta không chịu nghe lời Thầy mình cảnh báo, mà vẫn lỳ lợm sống giả dối, tham lam tiền của, và tự thắt cổ mà chết (x. Mt 27, 3-5).
Hơn nữa, Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Hội Thánh số 14 cũng nói: “Người đã thuộc về Chúa Kitô mà không kiên trì sống đức ái, thì xác nó thuộc về Hội Thánh, linh hồn nó ở ngoài Hội Thánh! Kẻ ấy chẳng những không được Chúa cứu độ mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn.”
Riêng với Đức Giêsu, Ngài đã từng than phiền về Giuđa, kẻ nộp Ngài rằng: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn” (x. Mt 26, 24). Đã có lần Ngài cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha về Giuđa: “Lạy Cha, trong những kẻ Cha ban cho Con, Con không làm mất một người nào, trừ ra con người hư đốn” (x. Ga 17, 12).
Vậy, Kinh Thánh và Truyền thống đức tin của Giáo Hội khẳng định cho chúng ta rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu và công chính. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, muốn chúng ta sống tốt lành, đồng thời Ngài sẵn sàng thưởng công Nước Thiên đàng cho chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng rất công bằng, Ngài cũng sẽ phạt chúng ta nếu chúng ta không sống theo lời dạy của Ngài. Vì vậy, trong thư gửi tín hữu Do thái, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người. Quả thật, Thiên Chúa chúng ta là một ngọn lửa thiêu” (Dt 12, 29).
Bởi đó, không ai được lạm dụng tình thương của Thiên Chúa mà chìm mình trong tội lỗi, chỉ muốn đòi Chúa thể hiện tình yêu cứu mình, mà quên rằng “Chúa sẽ trả lại cho mỗi người cân xứng tùy theo công việc họ đã làm, hoặc lành hoặc dữ!” (x. 2 Cr 5, 10).
4. Có cần ông Giuđa bán Chúa, để Chúa chịu chết ta mới được cứu độ không?
Không. Nếu có người nói ông Giuđa có công trạng trong việc giúp Thiên Chúa hoàn thành công cuộc cứu độ, theo các nhà thần học, đây là một suy nghĩ sai lầm. Vì Thiên Chúa, ngay từ đầu đã có kế hoạch cứu độ của Ngài, Ngài không cần đến hành vi tội lỗi và cái chết tức tưởi của ông Giuđa, nên không thể suy nghĩ rằng Giuđa góp công với Đức Giêsu trong việc thực hiện cứu độ loài người được. Việc Con Thiên Chúa phải chịu chết là tội ác của loài người, là sự ngoan cố không chịu lắng nghe lời rao giảng thống hối của Ngài, tệ đến mức họ phải quyết định phải loại bỏ Ngài đi ra khỏi đời sống của họ.
Giáo hội dạy ta rằng, sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm. Vì thế, cốt lõi của vấn đề là Chúa muốn cứu độ nhân loại, cứu nhân loại khỏi sự hư nát do tội gây ra. Ngay khi ông bà Adong và Eva phạm tội, Thiên Chúa đã sai nhiều vị tiên tri đến rao giảng sự thống hối, để ai tin thì sẽ được cứu sống. Cuối cùng Ngài cũng sai chính Con Một của Ngài đến trần gian để dạy bảo và kêu gọi mọi người: Ai muốn Chúa cứu độ phải được tái sinh bởi nước và Thần Khí (x. Ga 3, 5). Đây là ơn ban cho hết thảy mọi dân mọi nước, ai nấy đếu có quyền đến để lãnh nhận “không phải trả đồng nào” (Is 55,1).
Quả thật, nhiều thần học gia khẳng định rằng, nếu nói đến sự cộng tác trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thì người có công trong vai trò cứu độ này, chính là Đức Mẹ Maria. Đức Maria được Thiên Chúa đặc cách cho trở nên Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và đầy ân sủng giữa muôn vàn người phụ nữ (x. Lc 1, 30). Vì Chúa có ý định chọn Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa, nên Mẹ đã được trở nên tuyệt tác trong công trình tạo dựng của Ngài, ngay khi được thụ thai trong lòng bà Anna. Như thế Đức Maria được ơn phúc lãnh nhận ơn cứu chuộc do Con Thiên Chúa thực hiện, chứ đâu phải chờ đến khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại mới sinh ơn cứu độ. Nói cách khác, Đức Maria được Thiên Chúa cứu chuộc trước khi Con Thiên Chúa làm người. Nhờ có Mẹ mà toàn thể nhân loại chúng ta mới nhận biết Đức Giêsu và đón nhận ơn cứu độ do Ngài thực hiện. Cho nên không thể cho rằng ông Giuđa góp phần vào công cuộc cứu chuộc loài người của Thiên Chúa được.
5. Vài nhận định thay lời kết
Thật không sai khi ta đưa ra nhận định, rằng Giuđa đã trải qua một cảm giác hết sức đau buồn và tuyệt vọng, ông đã khóc rất nhiều vì tội phản bội Thầy mình. Ông than rằng: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt. 28, 4). Ông phản bội Chúa vì tham mấy đồng tiền lẻ, ông bán Chúa vì cái mộng làm quan nhưng giấc mộng đó đã không thành. Có thể ông bán Chúa vì mất niềm tin vào Ngài, khi những ngày lên Giêrusalem Chúa đã “bị dồn vào cái chết.” Sự thật hết sức phũ phàng, chẳng có cái gì để hy vọng nữa, ông trở nên giận dữ, thậm chí sợ hãi khi quân dữ đang kéo tới vào những lúc trời tối. Một cảnh tượng hết sức hãi hùng, vì thể, chối bỏ Chúa là cách tốt nhất để ông chạy thoát khỏi sự nguy hiểm sắp xảy ra. Ông bỏ chạy khỏi hiện trường để cứu lấy chính mình.
Giuđa đã rất hối hận và đã đi vào con đường cụt nơi đó phủ đầy bóng tối và chết chóc, ông cảm thấy lẻ loi, cô độc để rồi treo cổ trong khu vườn bỏ hoang. Vậy, có phải Giuđa xuống địa ngục bởi vì ông đã tự tử hay không? Rõ ràng, tự tử là tội, vì nó chống lại Thiên Chúa (Giáo Luật Giáo Hội Công Giáo, số 2281), nhưng đây không phải lý do tại sao Giuđa xuống địa ngục. Nhiều ý kiến cho rằng, ông Giuđa xuống địa ngục, bởi vì ông chưa bao giờ thật sự đứng về “phe” của Chúa, ông không dâng đời sống của chính mình cho Chúa Giêsu và quyết tâm theo Ngài cách cách trọn vẹn. Vì thế, như đã bàn luận ở trên, mặc dầu được Chúa gọi làm môn đệ nhưng ông vẫn âm thầm sống và hành động theo ý riêng của mình.
Có thể có người cho rằng Giuđa đã ăn năn về hành vi sai trái của ông. Nhưng Kinh Thánh chỉ thuật lại rằng: “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt. 27, 3). Đúng, ông Giuđa đã rất đau buồn về tội lỗi của mình, nhưng ông không xin Chúa tha thứ như ông Phêrô đã từng làm nhưng lựa chọn cái chết, chết cách thê thảm. Đây là điểm khác biệt, là bài học cho mỗi người chúng ta: cả hai ông đều phạm tội chối Thầy, cả hai đều vô cùng hối hận, nhưng khi ông Phêrô biết đặt niềm tin vào Chúa, ông xin ơn tha thứ thì được Chúa thứ tha; còn Giuđa, vì mất hết niềm tin vào cuộc sống và vào chính Thiên Chúa tình thương, thì hậu quả dành cho ông là cái chết.
Đây là một bằng chứng cụ thể, rằng ông Giuđa chết mà chưa được tha tội. Nếu theo Giáo luật, thì ông không được lên Thiên đàng. Tuy nhiên, khi suy bàn về những người tự tử, Giáo Hội cũng dạy ta rằng cần tiếp tục hy vọng vào Chúa, vào tình thương và lòng từ bi hay tha thứ của Ngài. Cụ thể, giáo luật số 2283 viết: “Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Người biết.”
Bài học rất có giá trị trong câu chuyện này dành cho chúng ta, đó là cần tiếp tục quan tâm và giúp đỡ anh chị em xung quanh nhiều hơn để ai nấy đều có cuộc sống vui tươi và hạnh phúc. Nếu chúng ta biết có một ai đó chọn cách tự tử để kết liễu cuộc đời họ, thì chúng ta cũng nên tiếp tục cầu nguyện cho họ, cho gia đình và những người thân quen của họ. Vì giáo luật còn viết thêm: “Hội Thánh vẫn cầu nguyện cho những người hủy hoại mạng sống mình.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét