Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ.

 


Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ.

Chia sẻ của Lm Antôn.M Vũ Quốc Thịnh,CSsR

Trong khoảng thời gian không nhiều, bao nhiêu tin buồn cứ ập đến. Nỗi buồn cứ như ôm chầm lấy cái phận người hữu hạn.
Ngày qua ngày lại tới, tin buồn cha Cố Micae Nguyễn Hữu Phú về nhà Cha chưa nguôi thì lại là Cha Giuse Hoàng Văn Bính, rồi lại đến Cha giáo khả kính Giuse Trần Ngọc Thao.
Cha Giuse Hoàng Văn Bính ra đi ở cái tuổi còn rất trẻ, ở cái tuổi mà con người còn dệt bao mộng ước.
Rồi đâu đó ở giáo phận miền Tây sông nước cũng ôm trong lòng mình những nỗi buồn ai oán. Sự ra đi của 2 chủng sinh tuổi còn quá trẻ đã để lại trong lòng của gia đình, của bè bạn, của các vị Chủ Chăn nỗi thương niềm nhớ vô hạn. Dòng lệ như đã không còn vì không còn nước mắt để khóc người thân.
Cha Cố Giuse Lê Hoàng Thụy dòng Đaminh cũng vừa về nhà Cha sáng sớm ngày hôm nay. Cha ra đi sau 6 tháng dài bị cơn ung thư hành hạ như Cha Giuse Hoàng Văn Bính.
Đau gì ra đi còn đỡ chứ ung thư thì ai nào đó đang mang sẽ thấm từng cơn đau hành hạ. Thân mẫu thương yêu của tôi cũng đã đón nhận những cơn đau để rồi những ngày cuối đời phải chích thuốc giảm đau để cơn đau lặng xuóng. Gia sản cứ từ từ ra đi với căn bệnh ung thư của người Mẹ hiền yêu dấu.
Như cố nhạc sĩ họ Trịnh trần tình : Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ !
Đúng như vậy. Trong cái thân phận làm người mỏng manh, mỗi người chúng ta đã đôi lần tận mắt nhìn và thấy người thân của mình trút hơi thở cuối cùng để về với Nguồn Cội.
Phận con người không thể nào tránh khỏi cái chết, tránh khỏi sự sinh tử biệt ly. Người nay còn cười đó nhưng mai chưa biết sẽ ra sao. Nụ cười, ánh mắt và cả tấm lòng nhân hậu của những người thân thương sẽ không bao giờ còn thấy nữa. Họ ra đi để trở về nơi họ xuất phát bởi lẽ thân tro bụi cũng trở về với bụi tro.
Nỗi buồn càng thấm khi những người thân của chúng ta ra đi giữa cơn đại dịch bùng phát.
Cha xứ Nhà Thờ Mằng Lăng chia sẻ : "Bữa đó mình cũng muốn ra dự Lễ an táng của Cha Bính nhưng Cha Quản Hạt nói hạn chế nên mình ở nhà cầu nguyện. Thương người anh em trẻ lắm chứ !".
Vâng ! Không chỉ mình Cha Thái Mằng Lăng thương nhưng ai nào đó hơn một lần gặp gỡ, tiếp xúc cũng không thể nào không thương Cha Giuse nhất là khi nhìn thấy Cha Giuse đau đớn trong cơn trọng bệnh.
Hình ảnh cuối cùng khi chiếc thang máy của Trung Tâm Hỏa Táng Bình Hưng Hòa đưa Cha Cố Giuse vào lò hỏa táng sẽ làm cho những ai gần gũi Cha càng thêm đau thắt khi cuộc đưa tiễn quá vội vàng. Thường thì nghi thức tiễn biệt lần cuối cũng như những lời kinh nguyện hay chia sẽ cùng nén hương từ biệt người quá cố. Thế nhưng rồi Cha Giuse lặng lẽ đi vào cột lửa để cột lửa thiêu đốt Cha và dâng Cha lên Thiên Chúa của lễ toàn thiêu tuyệt vời đó là cả con người, thân xác và những gì Cha đã để lại cho bao người thân thương.
Sâu lắng, lặng lẽ và cô đơn như đè nặng trên vai những người thân có người nhà ra đi mãi mãi. Giữa cơn đại dịch này, sự trầm lắng càng lắng hẳn để rồi ta có cơ hội để nhìn lại phận người.
Phận của con người là thế. Như tôi thường hay chia sẻ với mọi người thân quen với câu Thánh Vịnh "mạnh giỏi chăng là được tám mươi". Những ngày này làm gì có mà có thể tám mươi. Con người ra đi rất nhanh và rất vội nếu như vướng phải con virus quái ác hay như nhanh và vội như Cha Giuse Bính và Cha Giuse Thụy.
Từng người tình bỏ ta đi ! Đúng như vậy vì như quý Cha Giuse, Cha Micae là những người "tình" với chúng ta trong nghĩa hiệp thông với gia đình như là gia đình của Hội Thánh. Hơn thế nữa, trong lời khấn dòng, anh em là anh em thật sự với nhau trong dòng huyết thống của Thánh Tổ Phụ.
Phận người là như thế đó ! Ngày mỗi ngày ta tiễn đưa những người thân của chúng ta về nơi cuối trời trong nỗi nhớ niềm thương. Những lần tiễn đưa đó như nhắc nhớ bản thân của mỗi người chúng ta về giới hạn của con người trong bệnh tật,trong tuổi tác.
Với tôi, những lần ra đi của những người đi trước phần nào nhắc nhớ cái phận người mong manh của mình. Chỉ cầ một cơn gió thoảng mà thôi thì nơi nó mọc cũng chẳng còn mang vết tích.
Chỉ mới hôm qua, nói chuyện với một trẻ, trẻ kể về chuyện Cha Chánh Xứ. Cha Chánh Xứ năng nổ để rồi chỉ với quỹ của Xứ là 50 triệu nhưng Cha đã vận động được số tiền ước tính trên trăm tỷ để xây Thánh Điện. Khi Nhà Thờ vừa hoàn tất chưa kịp khánh thành thì Cha Xứ coi như kiệt sức. Giờ nằm trên giường bệnh hướng về ngôi Thánh Đường mà mình đã lao công kiệt sức đức ra xây.
Còn nhiều và nhiều câu chuyện khác nữa để nhắc nhớ cho ta về phận người.
"Còn thấy gì sáng mai đây thôi ta còn bạn bè
Giọt rượu nào mãi chua cay trong tình vẫn u mê
Từ một ngày tình ta như núi rừng cúi đầu
Ôi tiếng buồn rơi đều
Nhìn lại mình đời đã xanh rêu".
Thật đúng như vậy. Ngày hôm qua không còn, ngày hôm nay đang sống và ngày mai sẽ không biết. Thế nhưng rồi khi nhìn qua nhìn lại thì tóc mình đã "muối nhiều hơn tiêu" và đời mình cũng đã xanh rêu.
Với dòng tâm tư như vậy, thắp nén hương lòng thương nhớ anh em và cũng lòng dặn lòng ngày mỗi ngày mình hãy sống đẹp nhất như ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời. Và hơn thế nữa, hãy sống, hãy yêu nhau như chưa yêu lần nào, hãy trao cho nhau tâm tư ngọt ngào vì lỡ mai sau duyên ta muộn màng khi ta nằm bất động như Cha cố Giuse Lê Hoàng Thụy thì ta cũng chẳng còn được yêu ai nữa.
Tưởng nhớ ngày Cha Giuse Lê Hoàng Thụy, O.P. về nhà Cha
Lm. Anmai, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét