Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

ĐỨC GIÁM MỤC PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI. (1909 - 1988)

 


ĐỨC GIÁM MỤC PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI. (1909 - 1988)

6. ĐỨC GIÁM MỤC PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI (1909 – 1988)

Ðôi dòng tiểu sử của Ðức cố Giám Mục Phêrô  Maria Phạm Ngọc Chi.

I. Tất cả là do ơn của Chúa ban: Chúa Cho là để Phục Vụ.

Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi sinh ngày 14-5-1909 tại Tôn Ðạo, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Bắc Việt Nam. Năm 1920 được Cha Pléneau Kim (MEP) chính xứ Tôn Ðạo cho nhập trường Ba Làng (Thanh Hóa). Năm 1921 về học tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình. Năm 1927 mãn tiểu chủng viện và được Ðức Cha Marcou Thành chọn đi tu học tại Trường Ðại Học Truyền Giáo Rôma.





Ngày 23-12-1933 thụ phong Linh Mục và sau đó ngài vẫn tiếp tục ở nội trú tại trường cũ, theo học tại Ðại Học Apollinaire và đã tốt nghiệp các văn bằng Tiến Sĩ Triết Học, cử nhân Thần Học và cử nhân Giáo Luật.

Năm 1935, ngài tiếp tục theo học Luật Khoa tại Ðại Học Paris, Pháp Quốc.

Năm 1936, ngài hồi hương và nhận chức giáo sư Ðại Chủng Viện Phát Diệm.

Năm 1944, ngài được cử làm phó Giám Ðốc của Ðại Chủng Viện này.

Năm 1946, Ðức Cha Lê Hữu Từ đặt ngài làm Chánh Án Hôn Phối Ðịa Phận đồng thời cử ngài vào Hội Ðồng Ðịa Phận. Kể từ năm 1945 đến năm 1950, ngài là vị cố vấn tin cẩn của Ðức Cha Lê Hữu Từ trong các vấn đề Luật Pháp và chính trị.

Ðầu năm 1946, ngài được Hội Ðồng Ðịa Phận ủy ra tranh cử Quốc Hội, nhưng vì sự man trá của Chính Phủ Việt Minh hồi đó, nên ngài đã từ khước sự trúng cử.

Năm 1947, ngài được thăng làm Giám Ðốc Ðại Chủng Viện Phát Diệm.

Năm 1950, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Bùi Chu và lễ tấn phong Giám Mục của ngài được tổ chức long trọng ngày 4-8-1950.

Năm 1954, Ðức Khâm Sứ Dooley ủy thác ngài trông coi hàng giáo sĩ và giáo dân Bắc Việt di cư vào Nam.

Ngày 5-1-1957, sau khi đã hoàn thành sứ mạng coi sóc người Di Cư, và do sự đề cử của Ðức Khâm Sứ Caprio tại Saigon, ngài được Tòa Thánh đặt làm đặc ủy tông tòa chuyên trách về Công Giáo Tiến Hành Việt Nam.

Ngày 5-7-1957, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám Quản Ðịa Phận Qui Nhơn và năm 1960 trở thành Giám Mục Chính Tòa Qui Nhơn. Trong những năm cai quản Ðịa Phận Qui Nhơn, ngài đã mở rộng cánh đồng truyền giáo và thu hoạch về những thành quả ngoài sự ước đoán mong chờ. Nhà văn Phạm Ðình Khiêm (dưới bút hiệu Ðức Khiêm đã viết trong cuốn sách mang tựa đề Thánh Giuse, Di Cảo của Cha Chính Lý, nơi trang 101) ghi nhận: "Phong trào Tân Tòng ở Ðịa Phận Qui Nhơn hồi ấy phát triển kỳ diệu, riêng khu Ðông Mỹ (Phù Mỹ?) của Cha Chính Mai Học Lý với một số linh mục Phát Diệm mở rộng tới 40 họ đạo mới".

II. Tất cả cho Ðà Nẵng Thân Yêu:

Ngày 18-1-1963, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII ký sắc lệnh tách Ðà nẵng ra khỏi Giáo Phận Qui Nhơn và đặt ngài làm Giám Mục tiên khởi cho Ðịa Phận mới Ðà Nẵng. Ngài về với con cái Ðà Nẵng thân yêu của ngài ngày 1-5-1963 cho đến ngày tạ thế, 21-1-1988. Ngày 18-1-1988 vừa qua Giáo Phận nhà đã cử hành Lễ Bạc Tạ Ơn Chúa mừng ngày Giáo Phận lên 25 tuổi để rồi mấy ngày sau đó toàn giáo phận đã bùi ngùi vĩnh biệt người cha chung. Chiếu theo Giáo Luật thì Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria đã cai quản Giáo Phận Ðà Nẵng được 25 năm và 4 ngày.

Từ ngày về cai quản Giáo Phận Ðà Nẵng, ngài đã xây dựng nhiều cơ sở mới cho Ðịa Phận: Tòa Giám Mục, Nhà Hưu Dưỡng cho các Linh Mục già yếu, Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan, Bệnh Viện An Bình tại An Thượng, Ðại Chủng Viện Hòa Bình là Chủng Viện miền tại Hòa Khánh, Trung tâm Công Giáo Tiến Hành cạnh nhà thờ Chánh Tòa Ðà Nẵng. Trước năm 1963, tại Ðà Nẵng chỉ có dòng nữ Thánh Phaolô và chị em Mến Thánh Giá Phú Thượng, nhưng sau năm 1963 trở đi, ngài đã cho phép hoặc mời thêm nhiều Hội Dòng khác nhau đến hoạt động truyền giáo trong Ðịa Phận như Dòng Mến Thánh Giá Huế, Dòng Kim Ðôi Huế, Tu Hội Tận Hiến Saigon, Tu Hội Nhà Chúa Saigon và Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa Biên Hòa ra Ðà Nẵng trông coi bệnh viện An Bình.

Con số linh mục địa phận chưa đầy 40 vị lúc Giáo Phận mới thành lập đã tăng lên 117 vị năm 1975. Sau năm 1975, vì lý do mục vụ và thời cuộc, nên trong Ðịa Phận còn khoảng 50 vị nữa thôi. Ðức cố Giám Mục đã gởi rất nhiều linh mục đi du học nước ngoài. Ngài vẫn chủ trương mỗi phân ngành chuyên biệt như Giáo Luật, Luân Lý, Xã Hội, Thần Học, vân vân... ít nhất phải có 3 cha trong Ðịa Phận có cùng một loại bằng cấp để giúp nhau làm việc, vừa có người kế tục công việc của một cha đang làm nếu chẳng may vị này qua đời đột ngột. Chúng tôi còn nhớ trong một dịp cấm phòng năm cho toàn thể linh mục địa phận, ngài đã khuyến khích các cha dưới 40 tuổi nên cố gắng xuất ngoại. Ngài nói: Nếu cha nào không có khả năng lấy thêm bằng cấp Ðạo, Ðời, thì ít ra có dịp quan sát tận mắt những tiến bộ của các nước Âu Mỹ để có thêm kiến thức mà về phục vụ tốt cho anh chị em Chúa và đồng bào trong nước. Chủ trương này của ngài đang tiến hành tốt đẹp thì Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản và chương trình này đành đình hoãn vô hạn định. Hiện nay có khoảng 15 linh mục Ðà Nẵng đang hoạt động ở nước ngoài, mà phần lớn đang phục vụ anh chị em Chúa tại Hoa Kỳ.

Khi Miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng Sản, năm 1975, ngài cũng cắp sách đi học tập cải tạo tư tưởng một mình với Ông Phó Trưởng Ty Công An Tỉnh Quảng Nam Ðà Nẵng là ông Lê Lực trong vòng hai tháng trời. Tháng đầu tiên, mỗi ngày 8 tiếng (sáng và chiều) và tháng thứ hai, hai tuần đầu mỗi ngày 4 tiếng và hai tuần cuối chỉ còn mỗi ngày 2 tiếng đến trình diện ông Lê Lực, Phó Trưởng Ty Công An đặc trách Tôn Giáo Vụ để được học tập và kiểm thảo. Ngày tốt nghiệp khóa học cải tạo tư tưởng 2 tháng, ngài được ông Lê Lực ban cho một phiếu mua xăng để tưởng thưởng, kèm theo là lời đe dọa: "Tội của ông thì nhiều hơn cát ngoài biển. Nhưng xét rằng vì tuổi của ông đã cao và giáo dân của ông còn cần đến ông, nên vì lý do nhân đạo, nhà nước khoan hồng và không bắt giữ ông. Tuy nhiên, ông có bị bắt giữ về sau này hay không là còn tùy vào thái độ của ông có tiến bộ hay không". Thế rồi ngày 10-7-1984, bất ngờ Tòa Giám Mục An Thượng bị công an tỉnh đến bao vây với lệnh "nội bất xuất ngoại bất nhập" và phòng Ðức Cha và cha Quản Lý bị phong tỏa và khám xét không chừa một ngọn cây đọt cỏ. Hôm sau Ðức Cha bị mời đi "làm việc" riêng và sau đó bị áp lực phải nhưỡng cơ sở Tòa Giám Mục, Tiểu Chủng Viện Gioan và Tu Viện Gioan Thiên Chúa cho Nhà Nước. Lúc đó Nhà nước hứa sẽ xây cất cho Tòa Giám Mục một cơ sở khác để đánh đổi lấy Tòa Giám Mục. Nhưng kể từ đó cho đến nay không thấy nhà nước thực hiện lời hứa ấy. Phần ngài, kể từ 20-7-1984 được đưa đi giam lỏng tại Trà Kiệu cho đến ngày mênh chung.

Ngoài những nhiệm vụ nặng nề, Ðức Cố Giám Mục Phêrô Maria còn viết nhiều cuốn sách giá trị về Pháp Luật và Kinh Thánh, trong đó có cuốn Phúc Âm Dẫn Giải bằng Việt ngữ ở Việt Nam cho những người học và nghiên cứu Thánh Kinh. Hiện nay Dòng Ðồng Công tại Hoa Kỳ có cho tái bản cuốn sách giá trị này.

Ðiểm nổi bật nhất trong đời sống công của ngài khiến những ai gần gũi ngài đều rất dễ dàng nhận thấy, đó là luôn luôn đúng giờ và cố gắng trả lời mọi thư từ dù vắn dù dài của bất cứ ai gởi cho ngài. Ngài hay nhắc vị quản lý của ngài rằng phải cố gắng trả lời mọi thư từ, giữ mọi liên lạc không phải vì phép lịch sự mà thôi, nhưng là để nhờ cậy về sau.

Với 79 năm hiện hữu ở đời, với 54 năm và 27 ngày phục vụ Chúa và anh chị em ngài trong thiên chức linh mục, với 27 năm 5 tháng và 6 ngày trong chức vụ Giám Mục tại các Giáo Phận Bùi Chu, Qui Nhơn và Ðà Nẵng, rồi với 3 năm 6 tháng và 1 ngày bị giam lỏng tại Trà Kiệu, Ðức cố Giám Mục đã có quá nhiều công nghiệp trước mặt Chúa... Biết bao nhiêu thánh lễ đã được ngài thượng tiến Chúa trong cuộc đời. Biết bao nhiêu linh mục đã được chính ngài đặt tay truyền chức thánh, biết bao nhiêu tu sĩ, nữ tu đã được đôi tay ngài đặt lên để hiến thánh họ. Biết bao nhiêu giáo dân đã được ngài ban phép Thêm Sức hay Rửa Tội cho. Cũng biết bao nhiêu ray rứt khổ đau ngài đã phải chịu đựng suốt hằng mấy chục năm trời trong thiên chức linh mục hiến tế và trong chức vụ giám mục chủ chăn. Công nghiệp của ngài để đâu cho hết! Nhưng không phải vì vậy mà ngài không cần đến con cái của ngài nhớ đến ngài trong kinh nguyện, trong ý lễ mỗi ngày dâng lên Chúa để xin Chúa thương sớm đưa linh hồn ngài về hưởng nhan Chúa trên trời, bởi vì:

"Cây càng cao thì gió càng lay,

Càng cao danh vọng càng dày gian lao."

Xin vì công nghiệp của Chúa Kitô trên Khổ Giá,

Xin vì những khổ đau mà Giáo Hội và Giáo Dân Việt Nam đang gánh chịu tại quê nhà,

Xin vì những hy sinh và lời cầu nguyện của con cái của vị tôi trung của Chúa đang ở nước ngoài dâng lên, xin Chúa sớm đưa linh hồn Ðức cố Giám Mục Phêrô Maria về hưởng kiến dung nhan dịu hiền Chúa trên trời. Amen.

 

Linh mục Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm (+17.09.2020)

Grand Haven ngày 23-1-1988

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét