PHỤNG VỤ LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A. Xin xem bài giảng bên dưới.
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Đây Chúa phán: “Các ngươi đã nói rằng: ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5. 6-7. 8-9
Đáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c. 6a).
1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho con nhận biết đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.
BÀI ĐỌC II: Pl 2, 1-5 hoặc 1-11
“Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Đức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô.
Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 21, 28-32
“Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”. Đó là lời Chúa.
THẾ NÀO LÀ CÓ HIẾU?
(Mt 21,28-32)
Hoài Nguyên
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh các thượng tế và kỳ mục trong dân đến Đền thờ gặp Chúa Giêsu để hỏi về nguồn gốc quyền của Người. Và Chúa đã kể cho họ dụ ngôn này.
"Người kia có hai con trai", ngay câu mở đã cho thấy ở đây không hề có sự phân biệt, mà cũng chẳng có chuyện ưu tiên ưu ái gì cả; đơn giản tất cả đều là con. Đối với người đời, đôi lúc người ta lại ưu tiên cho con trưởng hơn vì nó sẽ lo hương nến khi mình về với tổ tiên. Nhưng đa số lại thiên vị cho con út hơn vì út được trút gia tài mà...Nhưng ở đây Chúa Giêsu đã loại bỏ hoàn toàn những quan niệm phàm trần đó, đã là con thì ai cũng như ai.
Ông đến với người con thứ nhất: 'Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho'. Nó đáp: 'con không muốn'. Một thái độ xem ra xấc xược và khó tha thứ. Tuy thế, đây lại là hạng người ngoài cứng nhưng bên trong lại mềm; bên ngoài sao mà thấy chẳng đáng thương chút nào, tính khí lại còn cọc cằn thô lỗ. Ấy thế nhưng bên trong những người này lại rất ấm áp, tâm địa hiền lành, biết lo và biết nghĩ cho người khác... Vì ngay sau đó anh ta hối hận và đã đi làm. Thông thường, những đứa con chỉ biết hối hận, khi nó ra đời đụng chạm với thực tế, nó mới thấy những lời răn dạy của cha mẹ lúc trước là đúng nhưng rất tiếc là chúng đã bỏ ngoài tai. Còn ở đây, đứa con thứ nhất cảm thấy hối hận sau khi làm trái lệnh của cha. Sự thống hối là điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời.
Ông đến với người con thứ hai và cũng bảo như vậy, 'Nó đáp: Thưa ngài, con đây!' nhưng rồi lại không đi'. Có những hạng người bên ngoài thì thơn thớt nói cười nhưng bên trong lại đang tìm mưu tính kế để hại người. Tiếng 'vâng' của người con này xem ra chỉ là hình thức xã giao, nói sao cũng được miễn là làm cho người khác thỏa lòng mát dạ là được. Đây hình như là thái độ của một thương gia hơn là tình cảm của một người con trong gia đình? Thiên Chúa không như con người 'nhìn mặt mà bắt hình dong' đâu. Ngài không bị vẻ hào nhoáng hay những lời nói bên ngoài đánh lừa; nhưng Thiên Chúa sẽ nhìn thấu tự tâm can.
Thay vì kết luận, Chúa Giêsu lại hỏi ngược lại để cho những người đang chất vấn ngài trả lời: ai mới thực sự là đứa con vâng lời cha? Nhưng điều làm cho họ cay đắng là Chúa đã so sánh họ với người con thứ hai và người con thứ nhất lại là những cô gái điếm và những người thu thuế. Những hạng người mà giới lãnh đạo Do Thái cho rằng không thể đứng cùng đẳng cấp với họ được!
Thiên Chúa không xét tri thức hay thất học, dòng dõi quý tộc hay bần cố nông...nhưng Ngài lại lấy tiêu chí kẻ nào thi hành lệnh truyền của Thiên Chúa kẻ ấy mới thực sự là con. Thế giá của một dòng tộc, ngay cả đến một dân tộc, cũng chẳng có giá trị bằng một người biết làm theo mệnh lệnh của Thiên Chúa.
Thế thì dựa vào đâu mà Chúa Giêsu lại coi giới lãnh đạo Do Thái là người con thứ hai? Một bằng chứng rất hiển nhiên, là họ đã không tin vào thánh Gioan Tiền Hô - một người mà đa số đều cho rằng là một ngôn sứ của Thiên Chúa, dĩ nhiên trong đó có cả những người tội lỗi và thu thuế, ngoại trừ giới lãnh đạo Do Thái là không tin. Nói cách khác, những ai phải được họ 'đóng mộc' công nhận là người tốt thì người đó mới được gọi là tốt.
Theo chú giải của Học viện Pio X : “Nói đúng ra Chúa Giêsu chẳng loại bỏ sự phân biệt giữa những kẻ tuân hành và những kẻ vi phạm lề luật. Người không chấp nhận sự buông tuồng của hạng này mà cũng chẳng lên án lòng trung tín của hạng kia. Nhưng Người tỏ cho cả hai biết một con đường mới mà điều quy chiếu chủ yếu không còn là lề luật nữa. Một viễn tượng mới đã được mở ra: nó đem đến nhiều tự do hơn trước lắm yêu sách quá tỉ mỉ và ít câu thúc hơn trước một chương trình sống chỉ đè nặng và làm vấp ngã con người”.
Viễn tượng mới này đòi hỏi phải tin vào sứ điệp của Gioan Tiền hô, mà yêu sách của Gioan người ta cứ lầm tưởng rằng ông chỉ chú trọng đến lòng sám hối và canh tân đời sống. Nhưng điều quan trọng nhất mà ông nhắm đến đó là phải tin vào “Đấng đến sau tôi, nhưng lại cao trọng hơn tôi”. Vì chỉ có Đấng ấy mới mang cứu độ đến cho mọi người.
Thế nhưng ngay lúc này đây, ngay cả đến Gioan Tiền hô giới lãnh đạo Do Thái còn không công nhận là một ngôn sứ thì làm sao mà họ có thể tin vào Chúa Giêsu là Đấng Messia được!
Lời Chúa hôm nay vẫn bỏ ngỏ, muốn trở thành người con thứ nhất hay thứ hai là do chúng ta chọn lựa. Mỗi khi yếu đuối phạm tội, ta đừng chán nản bỏ cuộc mà hãy sám hối đến với Chúa qua bí tích hòa giải vì lúc đó ta đang trở thành người con thứ nhất. Trái lại, những ai cảm thấy mình đạo đức, thánh thiện, không có tội gì cần phải xưng cả, hãy cẩn thận kẻo trở thành người con thứ hai đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét