PHỤNG VỤ LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Hc 15,15-20; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37)
(Hc 15,15-20; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37)
Chủ đề: TINH THẦN GIỮ LUẬT
“Anh em đừng tưởng Thầy đến
để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ,
nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17)
để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ,
nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Chúa Giêsu dạy cho chúng ta thái độ và tinh thần giữ Lề Luật Thiên Chúa. Tình yêu là điều quan trọng nhất trong việc thi hành những điều dạy bảo của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ hoàn thiện và chu toàn Lề Luật khi chúng ta thực thi chúng bằng cõi lòng yêu thương. Như thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Rôma: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).
1. Bài đọc I (Hc 15,15-20)
Đoạn sách Huấn Ca hôm nay nói về việc tuân giữ Lề Luật và trách nhiệm cá nhân của con người trước những đòi buộc của Lề Luật. Con người hoàn toàn tự do trước những lựa chọn trong cuộc sống: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó”. Kết quả của cuộc sống là tùy thuộc vào sự tự do chọn lựa của con người. Thiên Chúa là Đấng chỉ cho con người con đường hướng đến sự thiện và sự sống. Để đạt tới đích điểm tốt đẹp mà Thiên Chúa mong muốn cho các tạo vật của mình, con người cần ý thức vai trò quan trọng của mình trong việc cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa, qua việc đáp trả và thực thi thánh ý của Ngài. Thiên Chúa đã ban cho con người quà tặng cao quý khi tạo dựng nên họ, đó là sự tự do. Hơn nữa, Ngài muốn con người dùng tự do của mình một cách đúng đắn và Ngài yêu thương những ai bước theo đường lối hoàn thiện: “Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện”. Con người sẽ phát triển cách trọn vẹn sự tự do của mình khi thực hiện những chọn lựa đúng với thánh ý Thiên Chúa.
2. Bài đọc II (1 Cr 2,6-10)
Thánh Phaolô nhắc đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa và loan truyền cho người khác sự khôn ngoan mà ngài đang cảm nghiệm. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh trên cây thập giá vì yêu thương nhân loại: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hi Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,22-23). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không theo lẽ tính toán hơn thua của con người, nhưng theo lý lẽ của tình yêu đích thực của Ngài dành cho con người. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải cho những ai có tâm hồn đơn sơ và thành tâm để đón nhận: “Lẽ khôn ngoan ấy, không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá”. Ngày nay, việc sống theo thánh ý của Thiên Chúa cũng bị cho là một sự điên dại dưới con mắt của loài người, nhưng đó lại là một mối lợi vô giá cho những ai được Thiên Chúa yêu thương mặc khải.
3. Phúc Âm (Mt 5,17-37)
Chúa Giêsu dạy cho con người biết tinh thần đúng đắn của việc tuân giữ Lề Luật. Việc giữ Luật không hệ tại trên mặt chữ viết của Lề Luật, nhưng đi vào chiều sâu của tinh thần giữ Luật: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Chúa Giêsu tôn trọng Lề Luật, dù một chấm một phết của Lề Luật sẽ không bị bỏ quên. Tuy nhiên, Người nhấn mạnh đến cái chiều sâu của việc tuân giữ Lề Luật, đó chính là tình yêu. Việc tuân giữ Lề Luật không dừng lại ở cái hình thức bên ngoài, nhưng cần phải đạt tới chiều sâu của tâm hồn. Đây chính là cao điểm và sự tự do đích thực của nội tâm trong việc giữ Lề Luật.
Chúa Giêsu đưa ra những ví dụ rất cụ thể để minh họa cho tinh thần của việc giữ Lề Luật. Luật dạy không được giết người, nhưng Chúa Giêsu còn đi sâu hơn khi nhìn về điều cấm này. Không phải vì một hành vi giết người mà một người nào đó bị đưa ra tòa xét xử, nhưng còn hơn thế nữa, chỉ cần oán giận, chửi rủa anh em mình thì cũng đáng bị “lửa hỏa ngục thiêu đốt”. Luật dạy không được ngoại tình, nhưng Chúa Giêsu còn đòi buộc hơn nữa. Không phải vi phạm việc ngoại tình là đủ để kết tội, nhưng chỉ cần có ý muốn ngoại tình là đã phạm tội rồi. Chúa Giêsu nhắm tới ý hướng, ước muốn của cõi lòng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo thật cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. Giữ Lề Luật là tuân giữ từ bên trong cõi lòng mới đạt tới mức trọn vẹn, chứ không chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài. Thái độ nội tâm của việc giữ Lề Luật là điều tối quan trọng và dẫn đưa tới việc thể hiện ra bên ngoài. Thiên Chúa yêu thích tâm hồn chân thành bước theo đường lối của Ngài. Đây là điều làm đẹp lòng Ngài hơn cả. Không làm điều gì xấu đến người khác vẫn chưa đủ đối với những người muốn thuộc về Đức Kitô. Người đòi hỏi chúng ta còn làm hơn thế nữa và đi bước trước trong việc suy nghĩ tốt, làm điều tốt cho người khác. Đây là tinh thần của việc giữ Luật. Chúng ta hoàn thiện Lề Luật với tình yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét