VĂN KIỆN HƯỚNG DẪN VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN
Ý NGHĨA NGHI LỄ GIA TIÊN TRONG NGÀY CƯỚI HỎI, GIỖ KỴ VÀ TANG CHẾ
Một trong những lúng túng của người Công giáo khi tổ chức hoặc tham dự vào những dịp cưới hỏi, giỗ kỵ hay tang chế với những anh chị em không cùng chia sẻ một niềm tin tôn giáo. Bởi lẽ: chúng ta có được phép cúng kính (kiếng), bái lạy trước bàn thờ gia tiên, hay ngay cả bàn thờ Phật trong những dịp tang chế với những anh chị em Phật giáo không? Nếu chúng ta thực hiện những nghi lễ đó thì phải hiểu như thế nào cho đúng với tin thần Kitô Giáo?
Hội Đồng Giám mục Việt Nam qua Ủy Ban Văn Hóa, sau khi tìm hiểu, bàn thảo đã đưa ra “Văn kiện hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” để áp dụng thử nghiệm trong ba năm kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2019. Dựa vào văn kiện nầy, chúng ta hiểu được ý nghĩa và những việc có thể hiện trong những dịp đặc biệt nói trên.
Bàn thờ gia tiên và nghi thức lễ trong dịp cưới hỏi
Về việc bày biện bàn thờ gia tiên, văn kiện hướng dẫn như sau: “Trên bàn thờ gia tiên có bày sẵn lễ vật như nhang đèn hoa quả. Tất cả các lễ vật chỉ biểu trưng và gợi nhớ lòng tôn kính và biết ơn ông bà tổ tiên”. Nghi lễ được thực hiện “Nghi thức cưới hỏi bắt đầu bằng các nghi thức xã hội dân sự rồi tới lễ gia tiên. Theo truyền thống, lễ gia tiên được cử hành trang trọng. Trước bàn thờ gia tiên, hai bên cha mẹ và đôi tân hôn vái hương trước di ảnh tổ tiên. Tiếp đó là lời nhắn nhủ của mẹ cha hay người đại diện dành cho đôi tân hôn”. Tất cả những nghi lễ nầy nhằm: “Lễ gia tiên mang ý nghĩa, cha mẹ dẫn đôi tân hôn tới trình diện ông bà và bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Cuối cùng đôi tân hôn cùng với cha mẹ, họ hàng hướng lên bàn thờ Chúa dâng lời cầu nguyện của cộng đoàn” (Phần Hai, số I “Nghi thức gia tiên trong cưới hỏi”, số 1-3).
Nghi thức lễ gia tiên trong lễ tang và giỗ kỵ
Để tôn kính người quá cố trong tang lễ, văn kiện nói: “Trong lễ tang của giáo dân hay lương dân, giáo dân được thắp hương, vái hương trước thi hài người quá cố như dấu chỉ trân trọng người quá cố và bày tỏ lòng tin vào sự Phục sinh, “Ai cùng chết với Đức Kitô sẽ được cùng sống lại với Người” (Rm 6,8). Ngoài ra, trong những dịp giỗ kỵ, người Công giáo cũng được thực hiện: “Theo phong tục Việt Nam, “ngày giỗ cũng là ‘kỵ nhật’ được cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì mê tín (QNHĐCiM/NVN 1974,3).
Nghi thức lễ viếng tang của anh chị em lương dân
Cùng chia sẻ nỗi buồn vì sự mất mát người thân trong gia đình của những anh chị em lương dân, và tỏ lòng tôn kính với người quá cố. Văn kiện cũng hướng dẫn rằng: “Trong lễ tang, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương, vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố” (QNHĐGM/NVN 1974,5). Và “Phải coi là được phép và xứng hợp tất cả những (cử chỉ) cúi đầu và những biểu lộ khác có tính cách tôn trọng dân sự trước những người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ” (Plane Compertum Est, 4).
Việc thấp hương xá Phật trong nghi lễ viếng tang
Người Công Giáo có thể thắp nhang xá Đức Phật khi viếng đám tang của những anh chị em theo đạo Phật. Văn kiện hướng dẫn nói: “Với lễ tang theo nghi thức Phật Giáo, khách viếng thường được mời thắp hương và niệm hương trước bàn thờ Đức Phật trước khi viếng thi hài người quá cố. Trường hợp này, đốt hương và niệm hương trước Đức Phật như một đấng đáng tôn kính không mang nghĩa như thờ phượng Thiên Chúa”. (Phần Bốn, số II “nghi thức lễ tang của lương dân”)
Người Giồng Trôm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét