Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A.




PHỤNG VỤ LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A. Xem bài giảng bên dưới.

1. Bài đọc I (Is 7,10-14)
Vương quốc Giuđa đang ở trong tình thế khó khăn trước sự đe dọa xâm chiếm của liên minh hai nước Aram và Israel. Acaz, vua Giuđa, muốn chạy sang cầu cứu với Assur. Ngôn sứ Isaia yêu cầu vua xin một dấu chỉ từ Thiên Chúa: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh”. Nhưng Acaz đã từ chối lời đề nghị của Thiên Chúa, bởi vì, Acaz đã tin tưởng vào Assur. Acaz đã dối lòng khi thưa với ngôn sứ: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa”. Quả thực, Acaz đã chạy theo Assur để tìm kiếm sự ổn định chính trị. Đứng trước sự chối từ của Acaz, Thiên Chúa vẫn không từ bỏ kế hoạch của Ngài. Ngài vẫn yêu thương dân mình và ban một dấu chỉ để minh chứng Ngài ở với họ: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel”. Thiên Chúa vẫn luôn can thiệp vào trong lịch sử vì phần rỗi con người. Ngài đi bước trước dù con người có chối từ kế hoạch của Ngài.
2. Bài đọc II (Rm 1,1-7)
Phaolô khẳng định với các tín hữu Rôma rằng ngài được Thiên Chúa kêu gọi để trở nên Tông Đồ rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa: “Tôi, Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô; tôi được gọi là Tông Đồ và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa”. Tin Mừng mà Phaolô loan báo chính là Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Người là Đấng mà Thiên Chúa đã hứa ban qua miệng các ngôn sứ. Người mang lấy và chia sẻ thân phận con người. Người là sự hiện hữu cụ thể của Thiên Chúa giữa con người; Người quả thật là “Emmanuel”. Người yêu thương con người cho đến cùng, bằng chính cái chết và phục sinh hầu đem ơn cứu độ cho nhân loại. Phaolô cảm nghiệm điều này và mời gọi các tín hữu hãy sống kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô, vì trong Người chúng ta tìm được nguồn bình an và hiệp nhất với Thiên Chúa.
3. Tin Mừng (Mt 1,18-24)
Tin Mừng Matthêu tường thuật cho chúng ta việc truyền tin cho thánh Giuse và qua đó tác giả Matthêu cho thấy lời hứa của Thiên Chúa nay được hiện thực hóa. Giuse đã thành hôn với Maria. Tuy nhiên, trước khi hai người về chung sống với nhau, Maria thụ thai bởi quyền năng của Thiên Chúa. Giuse là một người công chính. Ông không muốn hạ nhục Maria cách công khai, nên đã tìm cách lìa bỏ Maria. Có lẽ Giuse đã phải đau khổ, chiến đấu với những nỗi day dứt nội tâm trước sự việc của Maria. Cả Giuse và Maria đều có kế hoạch riêng cho mình, họ muốn xây dựng một tổ ấm gia đình như bao bạn trẻ cùng trang lứa. Thế nhưng, Thiên Chúa muốn họ cộng tác vào kế hoạch lớn lao của Ngài. Thiên Chúa đã mặc khải kế hoạch này qua giấc mộng cho Giuse: “Này Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Những điều này là lời ứng nghiệm lời hứa của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia rằng Thiên Chúa yêu thương con người và muốn ở với họ. Giuse đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa và mau mắn cộng tác: “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.
Bài giảng :
Chúa nhật 4 mùa vọng
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÓN TIẾP CHÚA
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt 
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA (Mt 1, 18-24)
 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:  Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Ngày 17 tháng 12 vừa qua, ta đã đọc bài Phúc Âm nói về gia phả Đức Giêsu, trong đó Chúa Giêsu sinh bởi dòng dõi vua Đavít. Hôm nay, Phúc Âm lại trình bày cho ta một gốc tích khác của Người: Chúa Giêsu sinh bởi Đức Maria do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Phải chăng thánh sử Mattheu mâu thuẫn khi đưa ra hai gốc tích khác nhau như thế?
Thánh sử Mattheu không mâu thuẫn, nhưng khi trình bày cho ta hai gốc tích khác nhau của Chúa Giêsu, thánh sử có một dụng ý thần học. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên việc thụ thai phải do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Giêsu cũng là người nên phải sinh ra bởi một con người. Thiên Chúa ban Con Một cho loài người. Đức Maria đã đại diện loài người lãnh nhận. Nhưng quyền năng Chúa Thánh Thần tác động trên Đức Maria chỉ diễn ra trong riêng tư, âm thầm. Chính thánh Giuse đưa Chúa Giêsu ra công khai khi nhận Ngài vào dòng tộc Đavít. Qua trung gian của thánh Giuse, Chúa Giêsu đã chính thức gia nhập gia đình nhân loại, trong một đất nước, trong một dân tộc, trong một dòng họ. Tên tuổi của Người được ghi trong lịch sử của dân tộc, của dòng họ, của gia đình. Vận mệnh của Người gắn chặt với dân tộc, dòng họ, gia đình ấy. Người thực là Emmanuel, là “Thiên Chúa ở với chúng ta”.
Nhờ đâu mà thánh Giuse và Đức Maria được diễm phúc là những người đầu tiên, đại diện nhân loại tiếp đón Đấng Cứu Thế. Qua bài Phúc Âm Truyền tin và bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy thánh Giuse và Đức Maria có những đặc điểm sau đây.
1. Các Ngài có tâm hồn khiêm nhường sâu xa.
Đức Maria là một thiếu nữ có tâm hồn khiêm nhường. Từ nhiều thế kỷ qua, lời sấm về Đấng Cứu Thế vẫn được truyền tụng trong dân DoThái. Thiếu nữ nào cũng mong được làm mẹ Đấng Cứu Thế. Đó là một hạnh phúc, một vinh dự không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả gia đình, cho dòng họ, cho đất nước. Vậy mà khi nghe thiên thần loan báo tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Marria chỉ khiêm tốn thưa : "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Khi bà Êlisabeth ca tụng Ngài, Đức Maria đã đáp lại: "Vì Chúa đã đoái thương phận tôi tớ thấp hèn. Người nâng cao những người bé nhỏ". Đức Maria nhận ra sự thật là: Nếu Ngài được ơn Chúa ban thì không phải vì công trạng của mình, nhưng do lòng từ bi thương xót của Chúa. Vì khiêm tốn, nên Đức Maria âm thầm ghi nhớ tất cả mọi việc Chúa làm, mọi lời Chúa phán. Ghi nhớ để suy gẫm trong lòng. Càng suy gẫm lại càng thêm khiêm nhường. Càng khiêm nhường lại càng kín đáo.
Thánh Giuse cũng có tâm hồn khiêm nhường không kém. Đọc Phúc Âm, ta có cảm tưởng là thánh Giuse luôn tự rút lui vào trong bóng tối. Ngài luôn sống âm thầm khiêm tốn trong công việc tầm thường của thợ thuyền. Sự khiêm tốn ấy đặc biệt thể hiện trong bài Phúc Âm hôm nay. Khi biết tin Đức Mẹ đang mang thai Đấng Cứu Thế, thánh Giuse đã âm thầm bỏ đi. Ngài không dám tự cho mình cái vinh dự được làm cha Đấng Cứu Thế. Ngài không dám chiếm hữu quyền làm cha của Thiên Chúa. Ngài không dám mạo nhận công việc của Chúa Thánh Linh. Ngài là người công chính vì khiêm tốn sống đúng thân phận của mình. Ngài là người công chính vì trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.
2. Các Ngài mau mắn vâng lời Thiên Chúa.
Các ngài có chương trình cho đời sống. Chương trình ấy được suy nghĩ kỹ lưỡng vì được thực hành nghiêm chỉnh. Đức Maria khấn giữ mình đồng trinh. Thánh Giuse muốn sống âm thầm trong bóng tối. Nhưng khi nghe biết thánh ý Thiên Chúa các Ngài đã mau mắn xin vâng, bỏ dở chương trình riêng tư, chuyển hướng cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã thưa "xin vâng" bất chấp những đau khổ, khó khăn đang chờ đón. Thánh Giuse đã mau mắn vâng lời dù thánh ý Thiên Chúa chỉ mơ hồ giữa bóng đêm dày đặc, trong một giấc mộng lãng đãng mơ hồ.
Vì Chúa, các Ngài đã từ bỏ ý riêng mình. Vì Chúa, các Ngài đã thay đổi toàn bộ đời sống. Thay đổi quyết liệt. Từ bỏ dứt khoát. Vâng lời mau mắn.
Thái độ của các Ngài rất gần với thái độ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ tự hạ mình thẳm sâu. Dù là Thiên Chúa, Người đã không đòi cho mình quyền được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ làm một người bé nhỏ nghèo hèn. Người luôn vâng lời Đức Chúa Cha, vâng lời cho đến chết trên thập giá.
Đồng thanh tương ứng, đồng ý tương cầu. Giống nhau thì tìm đến nhau. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ khiêm hạ và vâng phục thánh ý Chúa Cha đã tìm được nơi cư trú tâm đắc nơi Đức Maria và Thánh Giuse, hai tâm hồn khiêm nhường và tuyệt đối vâng lời.
Lạy Chúa Giêsu bé nhỏ, bây giờ thì con đã hiểu biết phải dọn một máng cỏ như thế nào cho Chúa. Chúa muốn con khoét một hang sâu khiêm nhường trong lòng con, trải trên đó những sợi cỏ vâng lời mau mắn. Như thế con sẽ được hạnh phúc đón tiếp Chúa, Đấng rất khiêm nhường và rất vâng lời. Amen.
III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU
  1. Ngày càng có nhiều người mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhưng Lễ Giáng Sinh đã bị thương mại hóa. Bạn sẽ chuẩn bị Lễ Giáng Sinh thế nào cho phù hợp với tinh thần của Chúa?
  2. Sống khiêm nhường và vâng lời trong xã hội hôm nay có dễ không?
  3. Bạn nghĩ gì về việc Chúa Giêsu tự nguyện xuống thế, làm một người, làm con trong một gia đình?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét