Kỷ niệm về cha giáo Jean Faugère ( Cố Cao). Bài viết của Đức cha Aloisiô khi ngài còn du học tại Paris - Pháp Quốc tháng 01 năm 2008.
Nhân
dịp nghỉ Giáng Sinh và Năm Mới, đọc sách riết cũng mệt, bỗng dưng tôi có ý định
duyệt lại xem trong đời mình có những kỷ niệm nào không đối với Cố Cao, vừa là
thầy dạy vừa là cha linh hướng từ thời tiểu chủng viện.
Cố
Cao là tên Việt-nam của cha Jean Faugère (1921-2007) thuộc Hội Truyền Giáo Hải
Ngoại Paris. Ngài đã được Chúa gọi về quê hương vĩnh cửu ngày 11 tháng 12 năm
2007, tại Montbeton, miền Tây Nam nước Pháp, hưởng thọ 86 tuổi.
Tôi
được biết Cố Cao khi gia nhập tiểu chủng viện truyền giáo Kontum vào năm 1963…
Vì tiếng Pháp nửa chữ cũng không biết nên đương nhiên tôi được xếp hạng vào lớp
“đệ bét” 7B, cho đến học kỳ 2 mà ngày xưa gọi là đệ nhị lục cá nguyệt thì Mai
Xuân Nam và tôi mới được lên 7B’. Điều đó cũng không có gì ghê gớm lắm, vì cả 2
lớp 7B và 7B’ sẽ gặp nhau vào năm sau ở lớp 7A. Nhưng ở lớp 7B’ có một kỷ niệm
khó quên, đó là cú đá lịch sử của thầy B vào cái “bàn toạ” của một bạn cùng lớp
vì anh này đã khéo léo né được 2 cú rờ-ve… Nếu tôi không lầm thì lúc bấy giờ Cố
Cao chỉ dạy từ lớp 7A trở lên. Nhưng ngay từ 7B, lớp tôi đã được học với ngài
mấy buổi tập đọc tiếng Pháp khi vừa mới tựu trường. Có lẽ ngài phải trám vào
chỗ trống trong lúc thời khoá biểu và nhân sự chưa được ổn định. Tôi chỉ còn
nhớ được 2 tên riêng trong bài tập đọc là thằng Toto và con chó Médor thôi,
còn chuyện như thế nào thì đành chịu, có lẽ lúc bấy giờ cũng chẳng hiểu gì để
mà nhớ. Về sau, lớp tiếng Pháp vỡ lòng được tiếp tục với Cố Sanier.
Lên
lớp 7A, Cố Cao dạy chúng tôi trong “Livre
rouge” (sách đỏ), không phải sách đỏ của Mao Trạch Đông đâu, mà là
quyển sách có bìa mầu đỏ, tôi cũng không nhớ đầu đề là gì. Tên sách đỏ là
do Cố Cao gọi… Sau giờ học nào ngài cũng cho bài tập về làm vào giờ học riêng
ban chiều. Sung sướng nhất là vào các ngày lễ nghỉ khi ngài tuyên bố “ní đờ-voa
ní lơ-xông” (không có cả bài làm lẫn bài học). Hồi còn đi học thì thấy làm bài
khổ quá, nhưng về sau khi có dịp dạy học thì tôi mới ngộ ra 2 điều : một là, về
phía học sinh, càng làm nhiều bài tập, học sinh càng khá, hai là, về phía thầy
giáo, chấm bài cũng mệt không thua gì làm bài, có khi còn mệt hơn, vì câu tiếng
Tây học sinh viết ra không biết có ý muốn nói điều gì ! Như thế thì đủ biết các
ông Cố Tây ngày xưa dạy mình cũng phải kiên nhẫn lắm.
Từ
lớp 7A lên lớp sixième (lớp
6) là một bước nhảy lớn với những sách Histoire (Sử)
và Géographie (Địa)
dày cộm với những từ rất khó. Cố Cao tiếp tục dạy chúng tôi về Grammaire (Văn phạm) với vô số bài tập. Trong thời
gian này, tôi bị nhức răng và được Cố Cao lấy xe “con cóc” chở đi nha sĩ quân y
điều trị. Vì răng hư không trám được, nên cuối cùng đành phải nhổ đi. Một năm
sau đó thì phải, tôi lại bị lở ở dưới mắt cá chân. Sau mấy ngày chích và bôi
thuốc mà chẳng thấy bớt, Cố Cao chở tôi đi nhà thương Minh Quý cho bà Bác sĩ
Smith người Mỹ khám. Bà Smith cho một loại thuốc bôi và nhờ đó mà chân tôi được
khỏi.
Hình
như Cố Cao không có giờ lớp nào cho chúng tôi khi tôi học lớp cinquième (lớp 5). Trái lại khi tôi lên quatrième (lớp 4) thì lớp tôi học với Cố Cao ít là
4 môn : La-tinh đã 2 môn rồi, gồm Version (dịch
sang La ngữ) và Thème (dịch
sang Pháp ngữ), ba là môn Traduction (thème tiếng Việt, dịch sang Pháp ngữ) và bốn là môn Narration (bài tập làm văn viết bằng Pháp ngữ).
Bài Version latine mà
gặp tác giả César thì ôi thôi có rất nhiều “cộng sản”. Đó là 2 từ chúng tôi chế
biến từ 2 chữ “Cs” mà Cố Cao ghi ở lề quyển vở mỗi khi dịch phản nghĩa (contresens = Cs). Đối với chúng tôi, quả thật ông
César có lẽ chỉ giỏi đánh giặc thôi, chứ bài văn của ông thật là tối tăm mù
mịt. Tự bản chất tiếng la-tinh đã khó, câu văn dài nhằng của César lại càng làm
cho khó thêm. Bài Traduction cũng
không phải dễ, những thành ngữ như “du sơn du thuỷ”, nếu không được ông Cố mớm
cho thì không biết đâu mà dịch. Có một quyển tự điển Việt-Pháp lớn xài chung để
trên bàn thầy giáo, thế là chúng tôi thi nhau chạy lên chạy xuống tìm cầu may
những thành ngữ có sẵn. Có những trường hợp cứ tưởng ngon ăn, nhưng lại trật
lất. Đó là những chuyện cười ra nước mắt. Thí dụ chiếc ‘phao câu’ cá (flotteur) thì lại dịch là cái ‘phao câu’ con gà (croupion) ! Mệt nhất là bài Narration, nhưng có lẽ cái mệt của chúng tôi không thấm
vào đâu so với cái mệt của ông Cố phải chấm những bài viết bằng tiếng Tây mà
chính người Tây đọc cũng không hiểu. Chính vì thế ngài rất nghiêm khắc và quyết
liệt bắt chúng tôi phải làm nháp trước khi chép vào vở. Nhưng khốn nỗi sự làm
biếng lại là một trong bảy mối tội đầu, nên cũng có người muốn đốt giai đoạn để
viết trực tiếp vào vở cho mau. Cố Cao biết tỏng những mánh khoé của những học
trò mình, nên có một lần, trước khi hết giờ làm bài khoảng mười hay mười lăm
phút, ngài rảo quanh một vòng. Một anh chàng không có tờ giấy nháp bên cạnh đã
được “chịu phép thêm sức” ngay tại chỗ, có nghĩa là ăn ngay một bạt tai. Ngày
xưa khi chịu Thêm Sức, Đức Giám Mục chỉ tát nhẹ vào má như một cử chỉ tượng
trưng thôi, chứ “phép thêm sức” của Cố Cao không có nhẹ nhàng như vậy. Ngài vốn
hiền lành nhưng đòi hỏi sự nghiêm túc. Điều này cũng giúp chúng tôi ý thức
không được cẩu thả mà phải cẩn thận khi làm bài.
Hết
năm lớp 4, lớp tôi từ giã Kontum vào mùa Hè năm 1968 để đi “du học” Đà-Lạt, để
rồi sau 4 năm, khi đã mãn trung học đệ nhị cấp, ra trường với mảnh bằng tú tài
Pháp, chúng tôi lại trở về tiểu chủng viện để dạy lại các lớp đàn em, bên cạnh
Cố Cao cùng các cha các thầy khác.
Sau
mùa Hè Đỏ Lửa 1972, vừa mới ra trường, chúng tôi được thông báo là tiểu chủng
viện Kontum sẽ di tản về Đà-Lạt. Đức Cha Seitz (Kim) đã mượn được Học Viện của
Dòng Chúa Cứu Thế nằm ở ngoại ô thành phố Đà-Lạt, trên một ngọn đồi cao, ngay
cạnh giáo xứ Tùng Lâm. Vì địa chỉ là hộp thư 116, nên nơi đây được anh em gọi
là đồi 116. Học Viện được xây dựng kiên cố và được thiết kế như đại chủng viện,
nay bỗng dưng trở thành tiểu chủng viện nên có nhiều điều phải thích nghi. Vậy
là lớp tôi, gồm 9 người, được lệnh lên Đà-Lạt sớm trước cả tháng để cùng với
cha quản lý tiểu chủng viện Nguyễn Thanh Liên (cha Tổng Đại Diện hiện nay) bàn
tính xem phải làm những gì để chủng viện có thể sinh hoạt được. Rất nhiều việc
cần phải làm ngay : máy điện, máy nước, xây thêm khu vệ sinh, tắm giặt, bể chứa
nước và nhất là làm sân chơi. Vì là vùng đồi núi, nên phải vất vả lắm mới có
được một số sân bóng chuyền và bóng rổ tương đối bớt đi độ dốc !
Và
tiểu chủng viện Kontum cũng được khai giảng đúng ngày tại Đà Lạt. Tôi được chia
dạy có mỗi một môn La-tinh cho 2 lớp 5 và 6. Lúc đầu cũng hơi ớn, nhưng từ từ
rồi cũng quen. Sau vài tháng, Cố Cao đề nghị tôi đổi cho ngài lớp 6 để lấy lớp
4. Không hiểu sao ngài lại muốn như vậy. Điều này làm tôi suy nghĩ mông lung.
Hoặc ngài quá tin tưởng để có thể giao cho mình lớp 4, hoặc ngài không tin
tưởng đủ để cho mình giữ lớp 6, vì lớp 6 là lớp căn bản nhập môn vào tiếng
La-tinh. Nhưng thực tế trước mắt là La-tinh lớp 4 không phải dễ, cho nên, lượng
sức mình không kham nổi, tôi đã mạnh dạn từ chối đề nghị của ngài. Có lẽ ngài
thông cảm cho việc từ chối của tôi. Một năm sau đó, khi có dịp ghé đồi 116 thăm
ngài, ngài nói với tôi đại ý là hài lòng với các học trò đã học La-tinh với tôi
trong năm vừa qua.
Thế
rồi biến cố 1975 đến làm phân ly, chia cách, tản mác bạn bè, người thân. Các Cố
Tây bị trục xuất hết... Cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi được
tiếp xúc với e-mail, thì mới lại có dịp gửi đến Cố Cao những lời thăm hỏi, chúc
mừng vào các ngày Bổn Mạng hoặc Lễ Tết. Tôi còn nhớ Cố Cao trả lời e-mail nhanh
lắm. Chỉ hôm trước hôm sau là nhận được mail trả lời thôi. Vào khoảng sau năm
2000, một lần nọ, tôi thắc mắc về văn phạm một câu tiếng Pháp mà không sao lý
giải được. Tôi bèn nghĩ đến Cố Cao và gửi thắc mắc của tôi đến cho ngài, với
chủ ý chọc ngài cho vui chứ không mong gì ở lời giải đáp. Nhưng thật không ngờ,
ngài đã giải đáp thắc mắc cho tôi, và điều không ngờ nhất và làm tôi xúc động
là ngẫu nhiên tôi đã đem lại cho ngài một niềm vui nhỏ. Sau lời giải đáp, ngài
viết thêm đại ý nói rằng ngài rất cám ơn tôi vì tôi đã làm cho ngài trẻ ra và
lui lại thời làm “professeur”
(thầy giáo) ở Kontum. Qua đó tôi thấy rằng Cố Cao rất nhớ và yêu mến Kontum
cũng như các học trò của mình.
Một
bất ngờ khác lại đến với tôi. Vào tháng 10 năm 2005, Đức Cha Micael, giám mục
Kontum hiện nay, bảo tôi làm hộ chiếu để sang Pháp học vì đang có sẵn một học
bổng do Hội Truyền Giáo Paris cấp... Có lẽ nhờ sống “lang thang”, không làm cha
sở cũng chẳng làm cha phó, mà làm giấy tờ có vẻ nhanh hơn. Và tôi đã đến Paris
vào ngày 18 tháng 2 năm 2006. Nhờ vậy mà mùa Hè năm đó tôi đã nhờ Chị Germaine
Thoại hướng dẫn và sắp xếp để có thể đi thăm Cố Cao trước khi bước vào năm học
mới. Tôi đã xuống Toulouse và chính Chị ấy đã lái xe đưa tôi đi Montbeton vào
một ngày mưa. Gặp lại nhau, cha con mừng mừng tủi tủi. Bấy giờ ngài đã yếu,
phải ngồi xe lăn, nói năng khó khăn và không xử dụng vi tính được nữa. Không vi
tính, có nghĩa là không internet, không e-mail, và như thế là bị cắt đứt với
diễn đàn CVK và các học trò. Điều đó càng làm cho ngài thêm cô đơn và đau khổ.
Đó là lời giải thích của anh Philíp Xu và tôi hoàn toàn đồng ý với anh Xu về
điều đó.
Lần
cuối cùng tôi gặp Cố Cao là dịp lễ giỗ Đức Cha Seitz lần thứ 23 tại Montbeton
vào ngày 24 tháng 2 năm 2007. Tôi đi dự lễ giỗ cùng với gia đình Chị Thoại và Bác
sĩ Tường. Tôi được mời làm chủ tế ngày hôm ấy. Cùng đồng tế có Cố Beysselance,
Cố Chastanet (2 ông Cố này ngày xưa đã phục vụ tại Dak Mot, phía Bắc Kontum) và
2 linh mục sinh viên thuộc giáo phận Đà Lạt đang học tại Toulouse. Cố Cao yếu
quá không dự lễ được. Ngài chỉ xuất hiện trong bữa ăn sau đó. Và tôi có dịp
giúp ngài dùng những thức ăn nhẹ. Tôi đút cho ngài ăn như cho một em bé. Thật
dễ thương. Ngài tỏ vẻ vui mừng mặc dù hầu như không nói gì. Sợ ngài mệt muốn
đưa ngài về phòng, nhưng ngài không chịu. Và ngài đã hiện diện ở giữa đoàn con
cháu Đức Cha Seitz cho đến lúc chụp hình lưu niệm trước khi mọi người ra về.
Lúc về lại Paris, tôi nhận được tin Cố Cao đã lại phải vào bệnh viện. Có lẽ
ngài mệt vì cố gắng quá mức chăng ?
Đã
nhiều lần, cứ vào rồi ra viện, cho đến ngày 11 tháng 12 năm 2007 là ngày Cố Cao
vĩnh viễn xuất viện để được vào nghỉ ngơi đời đời trong nước Trời.
Ông
Cố ơi, Cha ơi, con rất lấy làm tiếc vì, trong trường hợp bất khả kháng, con đã
không có mặt trong ngày tiễn đưa Cha đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ngày hôm ấy,
hiệp ý cùng toàn thể những người thương yêu Cha, cách riêng với Hội Truyền Giáo
Paris, với giáo phận Kontum và với anh em CVK trên toàn thế giới, con đã dâng
lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho Cha, nhưng con vẫn thấy thiếu đi một cái gì đó.
Sau cả một đời phục vụ, xin Chúa ban cho Cha triều thiên nước Trời, và con tin
chắc rằng, từ trời cao, chắc chắn Cha vẫn thương yêu chúng con và luôn chuyển
cầu cho chúng con.
Paris, 2/1/2008
Aloysius Nguyễn Hùng Vị
CVK 1963
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét