Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Hướng Dẫn Mục Vụ Hôn Nhân Tại Giáo Xứ



Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin giới thiệu tài liệu HƯỚNG DẪN MỤC VỤ HÔN NHÂN  TẠI GIÁO XỨ để toàn thể gia đình Giáo phận được rõ.


TÒA GIÁM MỤC KON TUM
Số: 01/HDMVHN
HƯỚNG DẪN MỤC VỤ HÔN NHÂN TẠI GIÁO XỨ
 Hôn nhân kitô giáo là một bí tích, trong đó hai người nam và nữ có khả năng kết hôn, qua việc trao đổi sự ưng thuận với nhau, được liên kết trong một đời sống chung bất khả phân ly, để yêu thương nhau, cũng như để sinh sản và giáo dục con cái. Là những vị chủ chăn, tất cả các cha sở đều có bổn phận phải chuẩn bị cho các tín hữu bước vào đời sống hôn nhân.
1. CHUẨN BỊ
Việc chuẩn bị cụ thể được thực hiện qua việc tổ chức các khóa giáo lý hôn nhân tại giáo xứ (hoặc liên giáo xứ), nhằm trang bị cho các tín hữu những kiến thức căn bản về đời sống hôn nhân và gia đình, để họ biết mình có bị mắc ngăn trở nào không, hôn lễ của họ được cử hành ở đâu, và hồ sơ hôn phối gồm có những giấy tờ gì.
1.1. Khóa giáo lý hôn nhân .
Trước khi tiến tới hôn nhân, các bạn trẻ công giáo cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì thế, theo quy định của giáo luật (x. đ. 1063, 10 ; 1064), các khóa giáo lý hôn nhân tại giáo xứ (hoặc liên giáo xứ) phải được tổ chức trong thời gian tối thiểu là ba tháng, được phân chia như sau: mỗi tuần học ba buổi, và mỗi buổi học là một giờ. Đối với các bạn trẻ ngoại giáo muốn theo đạo để kết hôn với người công giáo, thì ngoài lớp giáo lý hôn nhân ra, họ phải học thêm lớp giáo lý dự tòng được tổ chức trong thời gian tối thiểu là sáu tháng, được phân chia như sau: mỗi tuần học ba buổi, và mỗi buổi học là một giờ.
1.2. Tìm hiểu xem có mắc ngăn trở gì không.
Trong thời gian chuẩn bị, các cha sở phải phân tích cho các đôi bạn biết tầm quan trọng của bí tích hôn nhân: Bí tích hôn nhân chỉ thành sự khi các người phối ngẫu không mắc một ngăn trở tiêu hôn nào (đ. 1083-1094), khi họ được tự do biểu lộ sự ưng thuận kết hôn (đ. 1095-1107), và khi bí tích được cử hành đúng thể thức của Giáo luật (đ. 1108).
1.3. Chọn nơi cử hành hôn nhân
Sau khi học xong khóa giáo lý hôn nhân, đôi bạn nam nữ phải xác định ngay nơi họ sẽ cử hành bí tích hôn phối.
1.3.1. Trường hợp hai người phối ngẫu đều là công giáo
Trong trường hợp hai người phối ngẫu đều là công giáo, cha sở phải biết họ có cư sở hay bán cư sở ở đâu, hay họ là người vô gia cư.
 1.3.1.1. Khi họ có cư sở hay bán cư sở
Nếu hai người phối ngẫu công giáo đều có cư sở hay bán cư sở, thì hôn nhân của họ được cử hành tại nhà thờ giáo xứ bên nam hoặc tại nhà thờ giáo xứ bên nữ, tùy họ chọn lựa, theo quy tắc của điều 1115. Trước kia, theo giáo luật 1917, thì hôn nhân buộc phải cử hành tại nhà thờ giáo xứ bên nữ (x. đ. 1097, §2).
2 1.3.1.2. Khi họ không có cư sở hay bán cư sở
Nếu hai người phối ngẫu công giáo đều vô gia cư, thì hôn phối của họ được cử hành tại giáo xứ mà họ đang cư ngụ (đ. 1115).
1.3.1.3. Khi muốn cử hành hôn nhân ở giáo xứ khác
Nếu đôi bạn công giáo muốn cử hành hôn phối tại một nhà thờ thuộc giáo xứ khác, thì phải có phép của Đấng bản quyền riêng hay của cha sở riêng (đ. 1115).
1.3.2. Trường hợp khác đạo
Khi một trong hai người phối ngẫu là người ngoại giáo, hôn nhân của họ được cử hành tại nhà thờ thuộc giáo xứ của người công giáo.
1.4. Hồ sơ hôn phối
Về việc thụ lý hồ sơ hôn phối, cần phân biệt hai trường hợp: hai người phối ngẫu hiện ở cùng một giáo xứ, và hai người phối ngẫu ở tại hai giáo xứ khác nhau.
 1.4.1. Hai người phối ngẫu ở cùng một giáo xứ
Khi hai người phối ngẫu ở cùng một giáo xứ, hồ sơ hôn phối gồm có:
 1) Chứng chỉ rửa tội và chứng chỉ thêm sức (hoặc sổ gia đình công giáo, trong đó có ghi ngày lãnh nhận bí tích rửa tội và ngày lãnh nhận bí tích thêm sức).
 2) Chứng chỉ giáo lý hôn nhân.
3) Giấy đăng ký kết hôn do chính quyền dân sự cấp.
 1.4.2. Hai ngƣời phối ngẫu ở tại hai giáo xứ khác nhau
Khi hai người phối ngẫu ở tại hai giáo xứ khác nhau, hồ sơ hôn phối gồm có:
 1) Giấy chứng nhận tình trạng thong dong do cha sở riêng của đương sự cấp (đ. 1121, §3).
2) Chứng chỉ rửa tội và chứng chỉ thêm sức do cha sở tại nơi rửa tội hoặc thêm sức cấp.
3) Chứng chỉ giáo lý hôn nhân.
4) Giấy đăng ký kết hôn do chính quyền dân sự cấp.
2. TRÌNH HÔN PHỐI
Ngoài những giấy tờ trên, cần phải có giấy giới thịệu của cha sở nữa.
2.1. Giấy giới thiệu
Giấy giới thiệu buộc phải có trong trường hợp hai người phối ngẫu công giáo ở tại hai giáo xứ khác nhau. Nếu hai người phối ngẫu công giáo đều ở cùng một giáo xứ, thì không cần phải xin giấy giới thiệu của cha sở.
 2.1.1. Trường hợp cử hành hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ bên nam Nếu muốn cử hành hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ bên nam, thì cô dâu tương lai phải xin cha sở của mình giới thiệu mình với cha sở bên nam. Trong thư giới thiệu, cha sở sẽ chứng nhận tình trạng thong dong của bên nữ, đồng thời cũng xác nhận ngày tháng rửa tội và thêm sức của bên nữ, nếu họ được rửa tội và thêm sức tại giáo xứ của ngài. Nếu không, thì đương sự phải xin chứng chỉ rửa tội hay thêm sức do cha sở tại nơi họ được rửa tội hay thêm sức cấp.
2.1.2. Trường hợp cử hành hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ bên nữ. Nếu muốn cử hành hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ bên nữ, thì chú rể tương lai phải xin cha sở của mình giới thiệu mình với cha sở bên nữ. Trong thư giới thiệu, cha sở sẽ chứng nhận tình trạng thong dong của bên nam, đồng thời cũng xác nhận ngày tháng rửa tội và thêm sức của bên nam, nếu họ được rửa tội và thêm sức tại giáo xứ của ngài. Nếu không, thì đương sự phải xin chứng chỉ rửa tội hay thêm sức do cha sở tại nơi họ được rửa tội hay thêm sức cấp.
2.1.3. Trường hợp cử hành hôn nhân chuẩn khác đạo
Trong trường một trong hai người phối ngẫu là người ngoại giáo, họ sẽ trình hôn phối nơi cha sở của người phối ngẫu công giáo, ngài sẽ thụ lý hồ sơ và xin cha sở có liên quan đến người phối ngẫu không công giáo điều tra về tình trạng thong dong của người phối ngẫu này.
2.2. Những người phải hiện diện khi trình hôn phối
Những người phải có mặt khi trình hôn phối là:
1) Cô dâu và chú rể.
2) Cha mẹ cô dâu và cha mẹ chú rể. Khi có lý do chính đáng, chỉ cần cha hoặc mẹ hiện diện là đủ rồi.
 3) Hai người làm chứng.
4) Đại diện Ban hành giáo (hoặc Hội đồng mục vụ).
2.3. Những việc phải làm khi trình hôn phối Những việc phải làm khi trình hôn phối là: tờ điều tra, việc tuyên thệ, tờ rao hôn phối, và đơn xin chuẩn khác đạo (nếu một người phối ngẫu là người ngoại giáo).
2.3.1. Tờ điều tra
Nếu hai người phối ngẫu có đầy đủ những giấy tờ liên quan đến hồ sơ hôn phối, cha sở sẽ tiến hành làm tờ điều tra. Đôi bạn và hai người làm chứng đều phải ký tên vào tờ điều tra cùng với cha sở, sau khi đã nghe cha sở đọc lại.
2.3.2. Lời tuyên thệ
Sau đó, đôi bạn sẽ đặt tay trên Sách Thánh và đọc lời tuyên thệ tuân giữ luật hôn nhân công giáo.
2.3.3. Tờ rao hôn phối
Cuối cùng, cha sở sẽ làm tờ rao hôn phối để thông báo cho giáo dân biết hôn nhân sắp được cử hành, nhằm điều tra những ngăn trở hôn nhân, chiếu theo quy tắc của điều 1069: “Tất cả mọi tín hữu buộc phải trình báo cho cha sở hoặc cho Đấng bản quyền địa phương những ngăn trở mà họ biết được, trước khi hôn nhân được cử hành”.
 2.3.3.1. Trường hợp đôi bạn công giáo ở cùng một giáo xứ
Khi hai người phối ngẫu ở cùng một giáo xứ, cha sở sẽ trao tờ rao hôn phối cho Ban hành giáo (hay Ban mục vụ) để rao trong nhà thờ ba lần. Khi có lý do chính đáng và hợp lý, cha sở có thể chuẩn rao một lần, cha quản hạt có thể chuẩn rao hai lần, và Giám mục giáo phận có thể chuẩn rao ba lần (tức là không rao). Nếu không ai thưa có ngăn trở, hôn nhân sẽ được cử hành.
 2.3.3.2. Trường hợp đôi bạn công giáo thuộc hai giáo xứ khác nhau.
 Khi đôi bạn thuộc hai giáo xứ khác nhau, hôn nhân của họ có thể được cử hành tại nhà thờ giáo xứ bên nam, hoặc tại nhà thờ giáo xứ bên nam, tùy ý họ chọn.
1) Cử hành hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ bên nam
Nếu đôi bạn muốn cử hành hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ bên nam, thì bên nữ phải xin cha sở mình giới thiệu với cha sở bên nam, để cha sở bên nam thụ lý hồ sơ hôn phối. Ngài sẽ làm tờ rao hôn phối để rao tại nhà thờ giáo xứ bên nam, đồng thời cũng gửi cho cha sở bên nữ một tờ rao hôn phối để rao tại nhà thờ giáo xứ bên nữ. Khi rao xong ba lần, cha sở bên nữ phải gửi kết quả về cho cha sở bên nam. Nếu không có ngăn trở gì, hôn nhân mới được cử hành.
2) Cử hành hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ bên nữ
Nếu đôi bạn muốn cử hành hôn nhân tại nhà thờ giáo xứ bên nữ, thì bên nam phải xin cha sở mình giới thiệu với cha sở bên nữ, để cha sở bên nữ thụ lý hồ sơ hôn phối. Ngài sẽ làm tờ rao hôn phối để rao tại nhà thờ giáo xứ bên nữ, đồng thời cũng gửi cho cha sở bên nam một tờ rao hôn phối để rao tại nhà thờ giáo xứ bên nam. Khi rao xong ba lần, cha sở bên nam phải gửi kết quả về cho cha sở bên nữ. Nếu không có ngăn trở gì, hôn nhân mới được cử hành. 2.3.3.3. Trường hợp hai người phối ngẫu khác tôn giáo
Khác tôn giáo là một ngăn trở tiêu hôn (đ. 1086, §1), vì thế một người công giáo muốn kết hôn với một người chưa được rửa tội công giáo, thì phải xin Giám mục giáo phận chuẩn hôn nhân khác đạo 1 , hoặc hôn nhân tạp giáo, nếu không thì hôn nhân bất thành, với những điều kiện được nêu lên ở điều 1125-1126. Luật chỉ buộc người phối ngẫu công giáo ký tên vào đơn xin chuẩn khác đạo mà thôi.
3. CỬ HÀNH HÔN PHỐI
 Hôn phối có thể được cử hành trong Thánh Lễ hoặc ngoài Thánh Lễ tùy theo trường hợp.
3.1. Nghi thức hôn phối được cử hành trong Thánh Lễ
Nếu hai người phối ngẫu đều là công giáo, thì hôn phối sẽ được cử hành trong Thánh Lễ.
3.2. Nghi thức hôn phối được cử hành ngoài Thánh Lễ
Hôn nhân khác đạo không có tính cách bí tích, dầu vậy cũng không thể tháo gỡ được.
Khi một người phối ngẫu không là kitô hữu, thì phải cử hành hôn phối ngoài Thánh Lễ.
Ủy ban Giám mục về Phụng vụ đã quy định nghi lễ hôn phối giữa người công giáo và người chưa được rửa tội phải được cử hành ngoài Thánh Lễ (xem Sách Lễ Mùa Vọng và Giáng Sinh, Sàigòn, 1969, tr. 354-356; Nghi thức cử hành hôn nhân, Hà Nội, 2008, tr. 23- 31). Ngoài ra, hôn nhân cũng được cử hành ngoài Thánh Lễ vì những lý do khác… theo tục lệ của mỗi giáo xứ.
3.3. Về việc cử hành thánh lễ hôn phối
Về việc cử hành thánh lễ hôn phối, phải tuân theo những hướng dẫn cụ thể được ghi trong lịch công giáo của giáo phận Kon Tum. Ngoài ra, cha sở nên khuyên các đôi bạn đừng cử hành hôn nhân trong mùa Vọng và mùa Chay.
 (1 Xem đơn xin chuẩn hôn nhân khác đạo. )
 4. SAU KHI CỬ HÀNH HÔN PHỐI
Sau khi cử hành hôn phối, cô dâu chú rể và hai người làm chứng sẽ ký vào sổ hôn phối của giáo xứ ngay sau khi cử hành bí tích hôn nhân, tại bàn đã dọn sẵn (x. đ. 1121, §1). Không được phép ký sổ hôn phối trên Bàn Thờ.
Cha sở đã chứng hôn phải ghi chú ngày hôn nhân đã được cử hành trong sổ Rửa tội của giáo xứ ngài phụ trách (đ. 1122, §1).
Cha sở đã chứng hôn cũng phải gửi chứng thư hôn phối cho cha sở có liên quan để ngài ghi chú vào sổ Rửa Tội của giáo xứ (đ. 1122, §2).
5. NĂNG QUYỀN VÀ THẨM QUYỀN CHỨNG HÔN
Cần phải phân biệt năng quyền chứng hôn với thẩm quyền chứng hôn.
5.1. Năng quyền chứng hôn Theo điều 1108, §1 và 1109,
 Đấng bản quyền địa phương và cha sở là những người có năng quyền chứng hôn chiếu theo chức vụ và trong giới hạn lãnh thổ của mình. Năng quyền chứng hôn này có thể thừa ủy (đ. 1111, §1), nhưng không được tái ủy, trừ khi người ủy quyền cho phép tái ủy cách minh nhiên. 5.2. Thẩm quyền chứng hôn Cha sở chỉ có thẩm quyền chứng hôn (đ. 1109):
1) Trong giáo xứ của ngài;
 2) Cho những đôi hôn nhân mà một người phối ngẫu thuộc quyền ngài;
3) Cho những đôi hôn nhân mà một người phối ngẫu thuộc lễ điển latinh;
4) Khi ngài không bị vạ cấm.
Vì thế, nếu không được ủy quyền, mà một cha sở chứng hôn cho những đôi hôn nhân không thuộc quyền mình, hoặc chứng hôn ngoài lãnh thổ của mình, thì hôn nhân vô hiệu. Nói cách khác, dù vị chứng hôn có năng quyền, nhưng không có thẩm quyền, thì hôn nhân vô hiệu.
 6. ÁP DỤNG TRONG GIÁO PHẬN KON TUM
Để có được sự thống nhất trong mục vụ hôn nhân tại giáo phận Kon Tum, bản hướng dẫn này được thử nghiệm trong toàn giáo phận kể từ ngày 19 tháng 3 năm 2017.
 Kon Tum, ngày 10 tháng 3 năm 2017
Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
Giám mục G.p Kontum đã ký.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét