Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

KHAI SINH BỘ LỄ SERAPHIM, BÀI THƯƠNG KHÓ VÀ EXSULTET tại nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt



Khai sinh bô lễ SÊRAPHIM

Cuối năm 1963, sau khi đi họp Công đồng Vaticanô II (kỳ II/5) về, Đức cha Hiền, giám mục Đàlạt, kêu tôi tới Tòa giám Mục để Ngài vừa thông tin vừa ra lệnh: “ Hiến chế phụng vụ là văn kiện đầu tiên của Công đồng vừa được công bố, trong đó Giáo Hội cải tổ phụng vụ sao cho có thể giúp giáo dân tham dự tích cực vào các lễ nghi phụng vụ. Cho nên sắp tới, giáo hội sẽ cho hát lễ bằng tiếng Việt, cha liệu đặt nhạc cho tôi Kinh Thương xót, Vinh danh…”. “Dạ thưa Đức cha, vâng, con sẽ cố gắng hết sức”. Trở về nhà xứ Đàlạt tôi thấy lo lắng, băn khoăn. Nhưng Ngài ra lệnh rồi, không làm cũng không xong. Nhưng lấy bản văn nào mà đặt nhạc đây, vì bản dịch trong sách lễ của nhà xuất bản Hiện Tại, tái bản tại Sàigòn năm 1962 không phải là bản dịch chính thức. Rất may chỉ một tháng sau (1/1964) là có cuộc Hội nghị thường niên của các giám mục Việt Nam tại trung tâm Công giáo Sàigòn. Chiếu theo Hiến Chế Phụng Vụ số 22,2 nói về trách nhiệm của Hội đồng giám mục trong việc điều hành phụng vụ, các giám mục đã kiện toàn tổ chức Hội đồng giám mục bằng việc bầu ra một Chủ tịch và hai Tổng thư ký. Công việc tiếp theo của Hội nghị là “ủy nhiệm cho các cha giáo sư Đại chủng việc Sàigòn tổ chức và điều hành Ủy ban Phụng vụ toàn quốc”. Các vị này đã mau chóng bắt tay vào việc. Sau một thời gian ngắn, từ Sàigòn người ta đã gửi cho tôi bản dịch phần thường lễ. Giáo hội Việt Nam hưởng ứng các quyết định của Công đồng mau mắn như vậy đó.

Khi bắt đầu soạn nhạc thì không thấy khó như mình tưởng. Tôi viết một mạch từ đầu tới cuối, hầu như không có sửa chữa. Viết xong thì lại nhận được bản dịch mới từ Sàigòn gửi ra Đàlạt, có sửa lại vài chữ. Không sao cả, tôi điều chỉnh lại bản nhạc rất nhanh, và bản nhạc mới còn khá hơn bản trước nữa. Tôi nhờ mấy người trong ca đoàn Seraphim lo giúp thu âm vào băng nhựa (cassette): anh Sơn, anh Minh lo máy ghi âm, còn cô Thủy thì lo hát. Tiếng hát thật tốt và đúng tâm tình cầu nguyện. Do gợi ý của mấy anh chị ca đoàn, tôi đặt tên tác phẩm này là Bộ lễ Séraphim. Tôi đem cuốn băng cassette báo cáo cho Đức cha Hiền. Đức cha cho nhiều cha nghe để đánh giá và góp ý: cha Lập viện trưởng Đại học Đàlạt, các cha trong ban giám đốc Giáo Hoàng học viện, cha Dulucq dòng Lazariste và một số các cha khác, không thấy ai góp ý gì, tất cả đều đồng ý cho sử dụng. Thế là cha Ngà cho hát tại nhà thờ Chánh tòa Đàlạt. Dân chúng nghe rất mau thuộc.

Bộ lễ này vẫn được hát như thế từ năm 1964 cho đến nay (2011), trừ một vài thay đổi nhỏ thể theo bản dịch năm 2005 của Hội đồng giám mục Việt Nam.
Thế rồi việc phải đến sẽ đến. Vào mùa chay năm 1965, Đức cha Hiền lại kêu tôi sang Tòa giám mục: “Lần trước cha viết bộ lễ được lắm đấy, vừa trang trọng, đơn giản như một bài bình ca, lại vừa rất tự nhiên trong giọng điệu tiếng Việt. Lần này cha viết cho tôi các bài thương khó, để lễ Lá tới đây ta hát cho giáo dân tham dự sốt sắng”. Tôi chậm rãi: “ Thưa Đức cha, bộ lễ thì tương đối dễ, chứ Bài Thương Khó thì khó lắm”
Tôi trở về nhà xứ Đàlạt, băn khoăn hơn lần trước. Vì dù sao thì bộ lễ cũng có bản dịch chính thức của Ủy Ban Phụng tự, chứ Bài Thương Khó thì Ủy Ban vừa mới thành lập đâu đã dịch kịp được, Ủy Ban còn biết bao nhiêu việc khác cần hơn. Thôi, tôi cứ bằng lòng với bản dịch Bài Thương Khó trong sách lễ Hiện Tại vậy. Thế là tôi lại dấn thân vào một cuộc mạo hiểm thứ 2.

Tôi lên Giáo Hoàng học viện mượn cuốn Bài Thương Khó bằng tiếng Latinh về nghiên cứu. Tôi nhận ra rằng các nhân vật trong cuộc thương khó có thể xếp thành ba vai: 1/ Người kể chuyện, 2/ Chúa Giêsu, 3/ Tất cả các người khác như: Phêrô, Giuđa, Philato, Thượng tế… cả 3 vai đều dùng quãng ba thứ: Người kể dùng La-Do, Chúa Giêsu dùng Re-Fa thấp, còn các người khác dùng Re-Fa cao. Quãng ba thứ lại rất thích hợp với cung đọc kinh mùa thương khó của giáo dân Việt Nam. Giọng kể hay nói của mỗi vai cứ lượn lên lượn xuống theo quãng ba như trên một cái xà ngang, một trục ngang. Cả ba vai đều không dùng công thức khởi đầu, nhưng mỗi vai đều có công thức kết thúc khác nhau. Thế là tôi đã tìm được cái chìa khóa để mở vào căn nhà Thương khó. Không ngờ giải pháp đó đã bước đầu đáp ứng nhu cầu. Ngày lễ Lá năm 1965, lần đầu tiên một Bài Thương Khó tiếng Việt được hát lên trong nhà thờ Chánh tòa Đàlạt, mà vai Chúa Giêsu lại chính là Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Giọng Ngài trầm ấm rất thích hợp với vai này. Giáo dân ai cũng phấn khởi vì cũng được tham gia hát thoải mái trong vai cộng đồng.

Sau lễ Lá, Đức cha Hiền lại gọi tôi: “Cứ theo kiểu này, cha soạn tiếp cho tôi bài Exsultet (Mừng vui lên) tức bài công bố tin mừng Phục Sinh, hát vào đêm thứ bảy Tuần Thánh.
Quả đây là một bài toán hóc búa. Vì bản bình ca tiếng Latinh có nét nhạc rất trang trọng, rất hay, nhưng cũng rất phức tạp. Nó vừa có giọng kể chuyện, công thức khởi đầu, công thức giữa câu, công thức kết. Đối với tiếng ngoại quốc (Latinh, Ý, Anh hay Pháp) thì công thức gì cũng không thành vấn đề, nhưng đối với tiếng Việt thì… Lạy Chúa tôi! Tôi cũng vẫn phải dùng bản dịch của sách lễ Hiện Tại, là bản dịch duy nhất có vào thời điểm này. Vì chưa tìm ra được một lối hát tương đương theo cung cách dân tộc, nên tôi vẫn phải dùng giọng kể chuyện theo quãng ba thứ và thích ứng các công thức nương theo lối hát bình ca của tiếng Latinh, là lối hát đã trải qua trên cả ngàn năm kinh nghiệm. Tôi sợ rằng nhiều linh mục và phó tế sẽ vất vả lắm khi phải hát bài này. Và quả thật, các cha phó ở nhà thờ Chánh tòa đều ái ngại khi nhìn thấy bản hát.
Cuối cùng chính tôi cũng phải đảm nhận hát bài này lần đầu tiên tại nhà thờ xứ Thánh Nicola Đàlạt trong nghi thức vọng Phục Sinh năm 1965.

Ghi lại ngày 01/09/2011, tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang
Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Nguyên phó xứ Chánh tòa Đàlạt
Nguyên giám mục Nha Trang

(Trích tập san NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG SERAPHIM)

Seraphim Dalat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét