Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

KMF có phụ lòng?Xin xem bài tường trình của Nguyễn Anh Võ,cvk67


Tường trình của anh Nguyễn Anh Võ, đại diện KMF ở Việt Nam

 IMG 2092
 Bữa cơm đạm bạc của các em học sinh nghèo tại cư xá Plei Kroi
Dr John Phạm, Tổng Thư Ký KMF, trong tờ LLCVK, vừa đúc kết cho biết, trong năm 2015, Quý Ân Nhân khắp nơi, đã quảng đại góp về tổng cộng 128,192 USD (một trăm hai mươi tám ngàn một trăm chin mươi hai đô la Mỹ) để giúp cho người nghèo Kontum, theo các chương trình mà KMF đang thực hiện. Vậy thì KMF đã sử dụng số tiền ấy làm những việc gì, có phụ lòng Quý Ân Nhân gần xa không?
Như các năm trước, KMF vẫn duy trì 4 chương trình chính yếu: Y Tế, Học Sinh Nghèo, Bệnh Nhân Phong, và Các Em Cô Nhi Khuyết Tật.
Ngoài 4 chương trình trên, Công Ty Lipoid (Germany) cũng qua trung gian KMF, giúp thêm một vài dự án xây nhà sinh hoạt đa năng cho các vùng đăc biệt khó khăn.
1 – Chương Trình Y Tế.
Chương trình này có 2 mảng: Phòng Khám Cao Thượng, cũng được gọi nôm na là Trạm Xá Cố Cao (TXCC), và Thùng Thuốc mỗi tháng cho các buôn làng.
1.1         – Phòng Khám Cao Thượng (TXCC)
Được xây dựng từ cuối năm 2009, TXCC bắt đầu hoạt động từ năm 2010, đăt tại làng Kon Jơdreh, cách TP Kontum khoảng 8 km, trên đường đi Măng Đen, Quảng Ngãi. Đội ngũ y tế gồm 1 bác sĩ trưởng Phòng Khám, làm việc bán thời gian cùng 1 y sĩ và 2 y tá làm việc toàn thời gian. Như vậy, TXCC hoạt động suốt tuần, kể cả Thứ Bảy & Chúa Nhật, sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều từ 14 giờ đến 18 giờ.
KMF1
Mỗi ngày khám và phát thuốc miễn phí cho khoảng 50 – 70 bệnh nhân từ các buôn làng khắp nơi nghe tiếng kéo tới. Ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật thường đông bệnh nhân hơn, có khi lên đến 150 - 200 người. Trong năm 2015, tổng cộng có khoảng 22 ngàn lượt bệnh nhân. Với tình hình hiện nay, TXCC chỉ có thể giúp các trường hợp thông thường. Các bệnh nặng hoặc cần chữa trị đặc biệt, thì phải khuyên người nhà đưa bệnh nhân tới bệnh viện huyện hoặc bệnh viện thành phố, và nếu thấy cần, thì TXCC hỗ trợ tiền xe. Ngoài ra mỗi tuần một ngày, nhân viên TXCC còn đi vào các buôn làng xa thăm các bệnh nhân già yếu không thể tới Phòng Khám.  
22 ngàn lượt bệnh nhân được khám bệnh và phát thuốc miễn phí trong năm 2015. Quý Ân Nhân cứ hình dung sơ sơ, nếu mỗi bệnh nhân khoảng 30 ngàn đồng VN thôi, cho 3 ngày thuốc, thì cũng đã ra một con số khổng lồ: 660 triệu VND, tức 32 ngàn USD. TXCC phải tiết kiệm tối đa, và thực chi cho 12 tháng của năm 2015 là 517,810,000 VND # 23,100 USD. Như vậy, tính trung bình, KMF chi cho mỗi lượt bệnh nhân hết 1.1 đô la thôi, tức chỉ bằng 1/3 cái bánh mì thịt hạng xoàng bên Cali. Mình không biết đó là điều đáng mừng, đáng giận, đáng buồn, hay đáng thương cho người dân quê mình đây?
 KMF2
 1.2         – Thùng Thuốc mỗi tháng cho các buôn làng
Giáo phận Kontum gồm 2 tỉnh Kontum và Gia Lai, với dân số gần 3 triệu, và diện tích hơn 25,000 km2, tức là rộng gấp 12 lần TP Saigon (kể cả nội & ngoại thành: 2,056 km2), và gấp 35 lần đảo quốc sư tử Singapore (716 km2). Nhưng đường sá đi lại thì còn lạc hậu lắm. Từ các buôn làng xa xôi khỉ ho cò gáy, lỡ bị bệnh thì làm sao? Trông chờ vào hệ thống y tế của nhà nước mà chết dần chết mòn chăng? Quý Ân Nhân sẽ tự hỏi: bảo hiểm y tế ở đâu, mê đi ke, mê đi két ở đâu, sao không lên tiếng đòi hỏi? Xin thưa đất nước này vẫn cứ là đất nước xhcn từ hơn 40 năm nay, và chưa bao giờ là một nước phát triển cả. Bởi thế, không có thịt bò thì phải ăn cá khô. Không có cá khô thì đành ăn đọt mì chấm muối. Lỡ có bị bệnh thì chạy tới Ông Cha Bà Xơ, mau mắn và dễ dàng hơn chạy ra chờ chực ở trạm xá của xã, nhiều khi chẳng biết có mở cửa không, mà nếu có mở cửa thì chưa chắc đã xin được thuốc đưa về, coi chừng xôi hỏng bỏng không.
Cho đến giờ này, KMF chỉ mới vươn tay đến được 22 giáo xứ người Thượng, có Ông Cha hoặc có Bà Xơ hay Các Yă (= Các Xơ người Thượng) phụ trách: Plei Tơwer, Kon Hơring, Mang La, Hà Mòn, Kon Rơbang, Kon Trang, Tea Rơxa, Dak Hà, Krong, Plei Rơkơi, Plei Jơdrâp, Dak Tuk, Dak Mot, Dak Jak, Plei Kan, Klau Ngol, Dak Pơxi, Dak Cho, Kon Bơbăn. . . Những địa danh nghe lạ hoắc với người Việt, ngay cả người Việt Kontum, vì chúng ở xa lắc xa lơ thiệt. Mỗi giáo điểm như thế mỗi tháng một thùng thuốc khoảng 2 triệu VND, để người dân, thường là sau Thánh Lễ, chạy vào Ông Cha Bà Xơ kêu ca, và Ông Cha Bà Xơ có gì mà giúp ngay cho họ, người nhà của họ khỏi phải chết oan.
Sơ sơ mỗi tháng 45 triệu VND cho mảng này. Năm 2015, kinh phí eo hẹp, nên phải cắt mất 2 tháng, tháng 6 và tháng 11, còn lại 10 tháng: 45 triệu x 10 = 450 triệu VND # 20 ngàn USD. Vậy mà chẳng thấm tháp vào đâu. Nhiều nơi xin thêm. Nhưng kiếm đâu ra bây giờ. Không đủ sữa thì bầy con đông đúc phải bú nhín nhín thôi.
KMF3
 Phòng phát thuốc Nhà Thờ Plei Jơdrâp, sau một buổi lễ sáng ngày Thứ Năm KMF4
Bok Quyền, Cha Sở Plei Jơdrâp, vui vẻ tiếp đón bệnh nhân tới xin thuốc
Như thế, chỉ mới Chương Trình Y Tế thôi, KMF đã phải chi ít nhất 43 ngàn USD (23,100 + 20,000) rồi, dù đã dè xẻn tối đa.
2 – Học Sinh nghèo
Thiếu nhi là tương lai đất nước. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Mấy cái khẩu hiệu nghe hay thì thật là hay, nhưng suy đi nghĩ lại thì ngậm đắng nuốt cay thế nào. Thiếu nhi nào đây? Hiền tài từ cái lỗ nẻ nào chui ra? Muốn “có cái chữ” thì phải được đi học, được thầy cô tận tâm hướng dẫn, được có cái ăn và chỗ ngủ đàng hoàng, ban đêm không phải thấp thỏm bị tra xét tạm trú tạm vắng, và ban ngày không bị mấy con buôn tính đểu . . . Ai đời con heo nặng 50 kí, giá bán nghe nói mỗi ký 90 ngàn, người ta phù phép bùa mê thế nào mà đưa cho có 3,7 triệu cũng nhận là đủ, chỉ vì mình không biết làm tính nhân . . . Ai đời học sinh lớp 7, mà hỏi 68 + 79 là bao nhiêu, gãi đầu gãi tai một hồi thành ra 1317,  8+ 9 = 17 và 6 + 7 = 13, không đúng sao ?
Ngày trước, Đức Cha Paul Seitz đã rất chú trọng đến việc học của con em người Thượng, lập ra biết bao nhà trẻ, lớp học, duy trì và phát triển trường Cuenot để đào tạo các Giáo Phu. Đùng một cái, biến cố 1975, bao nhiêu công lao của Đức Cha và các vị Thừa Sai coi như tan thành mây khói. Ngày nay cũng vậy, Ông Cha Bà Xơ muốn cho người Thượng có tương lai, biết tính toán làm ăn, thì phải tiếp tục giúp cho lớp trẻ đi học. KMF đang cố gắng góp phần với các Ông Cha Bà Xơ ấy, đảm nhận một phần bữa ăn hàng ngày cho các em trong các nhà nội trú.
 KMF5
Cha Long, Cvk 92, Cha Sở Kon Duh, chuẩn bị chở các em đi học. Cha vất vả một chút, nhưng các em đỡ khổ.
Mấy nhà nội trú này thường là không xin phép chính thức của nhà cầm quyền, bởi Ông Cha biết rằng dù mình có xin thì biết đến đời nào họ mới cho, và họ sẽ hạch lên hạch xuống hỏi qua hỏi lại tại sao không vào ở mấy nhà nội trú do nhà nước lập, nhà cửa to đùng, ngày ngày còn được hướng dẫn để sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương người vĩ đại. 
KMF6 
Thầy Tố (đại diện KMF), Yă Lan, Thầy Huệ và các em nhà nội trú Dak Kia
KMF7
Cha Tổng Đại Diện, Thầy Tố, Yă Oai và các em nhà nội trú Plei Groi
Ở Kontum có 16 nhà (Kon Hơring, Kon Du, Dak To, Plei Kan, Dak Mot, Hà Mòn, Nhà Thờ Gỗ, Kon Jơdreh, Kon Xơm Luh, Tea Rơxa, Mang La, Dak Hà, Dak Kia, De Thun, Plei Bông), và Pleiku có 4 nhà (Chư Sê, Tung Chreh, Plei Groi, Plei Phung), với khoảng 800 em. Mỗi em một ngày chỉ 9,000 VND # 40 xu Mỹ tiền ăn thôi, cho 3 bữa, tức là mỗi tháng mỗi em 270,000 VND # 12 USD. Quý Ân Nhân thử tính nhẩm xem: 800 em x 12 USD x 10 tháng (trừ 2 tháng hè). Có phải là 96 ngàn USD không? Chưa có bút giấy, chưa có đồng phục chi cả, chỉ mới có gạo ăn cho “no cái bụng”, ân nhân gần xa giúp thêm được con cá khô hay miếng tàu hũ mặn. Bữa nào có được miếng thịt kho tàu với cái trứng gà trứng vịt thì cứ coi như là Lễ Thanksgiving vậy.
3 – Bệnh Nhân Phong
Dùng từ Bệnh Nhân Phong là dùng từ cho lịch sự để mà báo cáo theo kiểu nhà cầm quyền, chứ nôm na mà nói thì là Người Cùi.  Đã cùi thì đâu có sợ lở. Nỗi đau thể lý và nỗi đau tinh thần của Người Cùi thì khỏi phải bàn, vậy mà ở Kontum, Người Cùi còn phải mang nỗi đau tâm linh, vì muốn tụ họp đọc kinh cầu nguyện với Chúa, nhiều lúc nhiều nơi, cũng bị cấm đoán, và Ông Cha Bà Xơ có muốn giúp họ, thì cũng phải hành xử thật khôn khéo, coi chừng lại vi phạm qui định về cư trú, vi phạm chính sách tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của người dân, được ghi rành rành trong các nghị quyết của đảng về tôn giáo. Thật tình mà nói thì Người Cùi trong giáo phận Kontum, tính theo tỷ lệ dân số, là đông nhất trong nước Việt Nam, và chắc là cũng đông nhất trong vùng Đông Nam Á. Bởi vậy mà cũng được nhiều đoàn thể và nhiều người quan tâm, qua Caritas Kontum. KMF chỉ có thể phụ vào đó một phần nhỏ, như giúp:
-       Trại Cùi Dak Kia (Kontum, do các Xơ Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn và Các Yă Dòng Ảnh Phép Lạ lo),
-       Trại Cùi Plei Ngol (Gia Lai, do Các Cha & Các Thầy Dòng Phanxicô lo)
-       Trại Cùi Plei Phung (Gia Lai, do Các Xơ Dòng Nữ Vương Hòa Bình lo)
 KMF8
Cha Ya Thu, Thầy Dòng Phanxicô đang rửa vết thương cho Người Cùi tại Plei Ngol
KMF9
Thầy Tố, Anh Võ (đại diện KMF tại Việt Nam), Sr Dòng Nữ Vương Hòa Bình và Dân Làng Cùi Plei Phung
KMF10
Một bể nước sạch ở Làng Plei Phung do Ân Nhân ở Wichita giúp. Người đang rửa tay là trưởng làng, cũng bị cùi
KMF11
Làng Cùi ở Kon Hơring này, nhà cửa do nhà cầm quyền xây giúp cho, nhưng chưa có nước sạch để dùng trong sinh hoạt hằng ngày,vì Ông Cha Bà Xơ chưa được phép cư trú tại chỗ.
Trong năm 2015, cùng với Công Ty Lipoid (Germany, qua Anh Mike Nguyễn), Quý Ân Nhân ở Vancouver (qua RP Paul Bùi Đình Thân Cvk 66) và Quý Ân Nhân ở Wichita (qua RP JB Phạm Quốc Hùng Cvk 63), KMF đã giúp khoảng 20 ngàn USD cho chương trình Bệnh Nhân Phong này, qua những việc cụ thể như cung cấp nước sạch, cung cấp vật dụng y tế rửa vết thương, giúp con em Người Cùi được ăn no để đến trường học, và được Các Xơ, Các Yă kèm thêm các môn văn, toán . . .
4 – Các Em Cô Nhi & Khuyết Tật
Tại Kontum, hiện có ít nhất 6 nhà Cô Nhi, được gọi là Cô Nhi Vinh Sơn, đánh số từ 1 đến 6, mỗi nhà nuôi khoảng trên dưới 100 em mồ côi, có khi là mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc chỉ mồ côi cha, hoặc mồ côi mẹ, và người nhà không đủ khả năng nuôi sống các em nên phó thác cho Các Yă nuôi giùm. Trong 6 nhà Cô Nhi Vinh Sơn ấy, có mấy nhà là được nhà cầm quyền chính thức công nhận? Câu hỏi thật khó trả lời, vì đâu có cái văn bản nào rõ ràng, và nó còn tùy cái gật đầu hay cái thái độ làm ngơ của các quan chức địa phương. Bữa nay tôi vui, tôi thoải mái, không đứa nào nhắm nghía cái ghế của tôi, thì anh cứ vậy mà sống. Bữa sau tôi phải phấn đấu lấy điểm, vậy thì anh nhớ liệu hồn, nếu cần thì tôi phải thí con chốt là anh, vì có đứa đang thọc gậy bánh xe tôi, nó bảo tôi mấy cái nhà cô nhi có lắm kẻ ra vào, trong đó có không ít đứa lề trái rêu rao nói xấu đường lối chế độ, không biết quan tâm đến phúc lợi người dân nghèo cô thân cô thế, gây phương hại cho chính sách đại đoàn kết toàn dân, đi ngược với chủ trương giáo dục của đảng . . .
 KMF12
Các em Nhà Cô Nhi Vinh Sơn 5
KMFphoto8
 Các em cô nhi Vinh Sơn 6 với LM Nguyễn Ngọc Tâm, phó chủ tịch KMF và hai nữ tu Y Nhun và Hồng Ân, người đảm trách nhà cô nhi Vinh Sơn 6
KMF không thể tiếp tay với Các Yă Dòng Ảnh Phép Lạ, để lo cho hết 6 nhà Cô Nhi Vinh Sơn ấy, chỉ có thể giúp một phần tiền ăn mỗi ngày cho 2 nhà Cô Nhi Vinh Sơn 5 và Vinh Sơn 6 thôi, là những nhà ở nơi hẻo lánh, xa đường lộ, ít người lui tới viếng thăm hơn các nhà kia, để các em không ngày nào phải ôm bụng đói đi học. Mỗi nhà Cô Nhi 5 và 6, mỗi nhà khoảng 95 em, mỗi ngày mỗi em 7,000 VND tiền ăn (7,000 VND = 30 cents), vậy mà mỗi tháng cũng hết 17 triệu VND (# 800 USD), một năm cũng hết gần hai mươi ngàn USD rồi (800 x 2 x 12 tháng =19,200 USD).
Chưa hết, ở Pleiku còn có 2 Nhà Khuyết Tật, một nhà ở Trà Bá (gần Bến Xe Pleiku) do các Xơ Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể (Cha Bề Trên Bùi Đức Vượng linh hướng), và một nhà ở Đức An, do Cha Tổng Nguyễn Vân Đông gầy dựng trước đây, nay do Cô Hồng điều hành: KMF không thể giúp thường xuyên, nhưng chỉ có thể giúp Các Xơ và Các Cô nuôi trẻ qua cơn ngặt nghèo khốn khó, rồi tùy Các Xơ và Cha Tổng bươn chải chỗ này chỗ kia. Cụ thể, năm 2015, kinh phí eo hẹp, KMF chỉ giúp được 5,000 USD, để các em khuyết tật khỏi bị quá thiệt thòi so với các em khác.
KMF13 
Các em Nhà Khuyết Tật Đức An
 KMF14
 Tính sơ sơ lại:
-       Chương trình 1        : Y tế (TXCC & Thùng thuốc)                   :           43,000 USD
-       Chương trình 2        : Học sinh nghèo (20 chỗ)                        :           96,000 USD
-       Chương trình 3        : Người Cùi                                               :           20,000 USD
-       Chương trình 4        : Cô Nhi & Khuyết Tật                               :           24,000 USD
Total                                   :         183,000 USD.
KMF góp được: 128,200 USD
Rõ ràng, nói theo ngôn ngữ bây giờ, thu không đủ bù chi, và trong năm 2015 này, KMF còn thiếu đến 55,000 USD mới có thể trang trải cho các dự án đơn sơ của mình, chưa dám tính đến những gì cao xa hơn.
Đến đây, Quý Ân Nhân chắc đã tìm được lời đáp cho câu hỏi ban đầu: “KMF có phụ lòng?”. Hay là đang đăt ra một trăn trở khác: chúng mình có còn nợ “Người Nghèo Kontum” nữa không?
Thay cho lời kết, xin được trích dưới đây, lá thư của Cô Diễm Ly (người phụ trách chương trình giúp học sinh nghèo ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) viết cho Ban Điều Hành KMF dịp Giáng Sinh 2015 vừa rồi:
Hiện nay tụi em đang giúp: 851 em mồ côi + 20 sinh viên mồ côi nghèo + 37 bệnh nhân + 39 học sinh nghèo cùng 356 em học sinh trong 13 lớp tình thương. Tất cả thuộc 133 làng Jrai và Bahnar của Tỉnh Gialai. 
- Trong đó CLB Phanxicô ở Hố Nai của Bác Khoát giúp 300 em mồ côi và 5 Sinh Viên (1,200,000 VND/3 tháng/1 sv); 
- KMF: 258 em mồ côi,
- EDM (Enfants du Mékong): 229 em + trả lương cho 13 lớp (nhưng mà thiếu gần 10 triệu mỗi tháng). 
- Bà Jouan của Hội Hột Lúa giúp 20 mồ côi + 18 bệnh nhân + 2 sinh viên + tìm ba mẹ đỡ đầu thêm cho 10 em mồ côi. Bà Jouan giờ đã gần 90 tuổi và không đi ra khỏi nhà được sau khi mổ đầu gối, do vậy Ơi Tín (= Cha Trần Sĩ Tín, DCCT) nói sau khi Bà mất thì Hội của Bà chắc cũng đóng cửa . . .
Nhưng em luôn cầu nguyện: Chuá ơi, mồ côi là con của Chúa vì các em đâu có muốn ba mẹ mình chết, do vậy nếu Chúa muốn các con Chúa được đi học thì Chúa gởi người giúp, con sẽ chuyển tiền giúp Chúa để lo cho các em . . .
Trước kia em cũng hay mất ngủ và lo lắng cho tương lai các em nhưng giờ đây em rất phó thác và bình an: "Con Chúa thì Chúa sẽ lo"; việc của em là gắng làm tốt bổn phận của mình trong hiện tại . . .
Em tin là KMF sẽ gây được qu để phát triển công việc của Hội, làm Sáng Danh Chúa, vì tiền bạc chỉ là phương tiện Chúa dùng nếu Ngài muốn.
Về phần em, nếu Chúa không gởi tiền đến cho các em mồ côi và bệnh nhân thì em sẽ nghĩ đó là Ý Chúa thấy không cần em nữa. Em đã cố gắng hết sức mình trong công việc và em nghĩ Chúa sẽ không trách em trong ngày phán xét cuối cùng nếu em không tiếp tục công việc.
Trong Năm Mới, nguyện xin Chúa ban cho KMF, Quý Ân Nhân và gia đình, bạn bè luôn An Bình, Vui Vẻ. Chúng em cũng rất mong Giám Mục mới sẽ thương yêu, quan tâm đến người sắc tộc như các GM tiền nhiệm của GP . . .
Saigon12/01/2016
Nguyễn Anh Võ
(vonguyen67@gmail.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét