Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Thánh Lễ An Táng ĐGM Emile Destombes(MEP)



Là người đã trực tiếp liên lạc, tiếp xúc với Đức Cha Émile về việc trở lại phục vụ tại Vương Quốc Cambodia của Anh Em La San vào những năm 2004-2005, Frère Grégoire Nguyễn Văn Tân đã đại diện Tỉnh Dòng La San Việt Nam đến Phnom Penh, để cùng với 4 Frères đang phục vụ tại đây đi viếng xác và tham dự Thánh lễ An táng Đức Cha Émile. Tin và hình ảnh dưới đây do Frère Grégoire Tân gởi đến toàn thể gia đình La San Việt Nam...

Vào ngày thứ năm ngày 28 tháng 01 năm 2016, ĐứcCha Emile thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) đã qua đời, thọ 80 tuổi,  là Giám Mục Phnom Penh từ năm 2001 đến năm 2010. Theo Đức Cha Olivier Schmitthaeusler, Giám mục hiện nay cho biết, ĐứcCha Emile ra đi một cách bình an vài phút sau giờ trưa, sau khi đã chịu Mình Thánh trong Thánh Lễ được dâng trong phòng của Ngài, nơi nhà hưu của các linh mục giáo phận, do linh mục Vincent Sénéchal, MEP, và Đức Cha Schmitthaeusler, MEP cử hành.
Linh mục Vincent Sénéchal, 43 tuổi, Hội Thừa Sai Paris và làm thừa sai tại Cam từ năm 2002 cho biết, Đức Cha Emile quả thật là một “vị chủ chăn”. Được sai đến với dân tộc Khmer, chính Ngài quy tụ cộng đoàn Kitô hữu sống sót sau thảm họa của Khmer Đỏ (1975-1979). Linh mục nhân chứng Vincent Sénéchal, MEP phát biểu: “Ngài là vị thừa sai đầu tiên trở lại Campuchia. Chính Ngài đã tập hợp những người Kitô hữu lại và đã dâng Thánh lễ đầu tiên tại chỗ vào ngày lễ Phục Sinh năm 1990, một Thánh lễ quy tụ được 3000 giáo dân và được ghi dấu trong ký ức như là một “thánh lễ phục sinh”.
Phù hợp với phong tục người Khmer, muốn những nghi thức an táng được tổ chức thật nhanh sau khi qua đời, vì vậy Thánh Lễ an táng Đức Cha Emile được tổ chức sáng thứ Bảy, 30 tháng 1 năm 2016 tại nhà thờ họ đạo thánh Giuse, Phnom Penh. Sau đó, thi hài Đức Cha được chôn giữa nhà hài cốt, nơi để hài cốt của bổn đạo họ Thánh Giuse đã qua đời tại PhsarToch, họ đạo nầy đã được xây dựng lại trong những năm 90. Ngài đã góp phần rất lớnkhi tái lập Giáo Hội Campuchia.(nhà hài cốt nầy được xây bên cạnh nhà thờ và có lẽ theo phong tục khmer, nên lễ nhập quan được thực hiện chỉ 2 giờ trước Thánh lễ an táng, tức 7 giờ sáng ngày 30/1).
Chúng tôi xin trích lại dưới đây tin nhanh được đang trên tạp chí Eglises d’Asie vào ngày 2 tháng 10 năm 2010, nhân dịp tin loan báo việc từ nhiệm của Đức Cha Destombes với tư cách là Giám mục giáo phận Phnom Penh:
“Vào ngày 1 tháng 10 năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã chấp nhận đơn từ nhiệm của Đức Cha Emile Destombes, Giám mục giáo phận Phnom Penh. Với sự rút lui về hưu của một vị linh mục, thành viên của Hội Truyền Giáo Paris (MEP), 75 tuổi, đó là một giai đoạn tái thiết Giáo Hội Cao Miên được sang trang. Vị kế nhiệm của Ngài là Đức Cha Olivier Schmitthaeusler, MEP, 40 tuổi, đảm nhận và được tấn phong làm Giám mục phó của Giáo phận Phnom Penh ngày 24 tháng 12 năm 2009.
Vượt bên trên những nỗi thăng trầm của lịch sử cận đại, cuộc đời của Đức Cha Emile Destombes đã liên kết chặt chẽ với số phận dân tộc Campuchia. Sinh ra vào năm 1935 trong một gia đình ở miền bắc nước Pháp, chịu chức linh mục ngày 21 tháng 12 năm 1961 với tước vị Thừa Sai Paris, người linh mục trẻ ra đi truyền giáo tại Campuchia vào tháng 3 năm 1965. Sau một thời gian học tiếng khmer, Ngài dạy triết trong Tiểu chủng Viện Phnom Penh; từ năm 1967-1975, Ngài làm giám đốc một lưu xá sinh viên tại thủ đô Campuchia. Trong những năm nầy, lúc mà xứ Cam đang bị lôi kéo vào bão táp cách mạng, từ năm 1970-1975, Ngài điều hành một Ủy Ban giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh, do anh của Ngài thành lập, linh mục Yves Ramousse. Khi Phnom Penh bị Khmer đỏ chiếm đóng, là một trong những người Pháp cuối cùng hiện diện tại Campuchia, Ngài vào tị nạn tại tòa đại sứ Pháp và ở lại đó từ 17 đến 30 tháng 4 trước khi bị trục xuất khỏi Campuchia.
Trở về Paris, Ngài dạy thần học cho các đại chủng sinh của MEP và làm việc cho “Echange France-Asie », dịch vụ của Hội Thừa Sai, trách nhiệm về việc thông tin Châu Á và Giáo Hội Châu Á cho cộng đồng người Pháp. Campuchia ở trong tay chế độ người Khmer Đỏ, hoàn toàn bế quan tỏa cảng nên Ngài đi sang Brésil vào năm 1979, nơi mà các Giám mục mời gọi các nhà thừa sai đến. Ngài ở đó 10 năm, làm chánh xứ  Palmeiropolis, trong nước Goias. Vào năm 1989, nhân một dịp đi qua Bangkok, Ngài vào thăm những trại tị nạn người Campuchia ở Thái Lan, Ngài được mời trở lại Campuchia với tư cách là đại diện cho hội Caritas quốc tế và Ngài có cơ hội nối lại mối liên lạc với những sinh viên cũ của Ngài. Thời đó, Ngài là người linh mục ngoại quốc duy nhất trong nước Campuchia. Sau một năm, năm 1990, nhờ Ngài, Giáo Hội Công Giáo được nhà nước Campuchia chính thức công nhận. Vào ngày 7 tháng 4 năm 1990, Ủy Ban trung ương của Cách Mạng cho phép mở “nhà thờ của đạo công giáo” (« église de la religion chrétienne »). Lần đầu tiên kể từ năm 1975, những người công giáo Khmer tham dự một cách công khai thánh lễ vào ngày lễ Phục Sinh do linh mục Emile Destombes chủ lễ.
Dần dần, cộng đồng Kitô hữu bị phân tán do giặc giã gây nên – và phần lớn bị tiêu diệt trong những năm dưới chế độ Pol Pôt (1975-1979) – tụ họp lại và Giáo Hội từ từ sống lại. Vào năm 1993, sự tự do tôn giáo được thể chế mới nhìn nhận. Vào năm 1994, Toà Thánh Roma và Phnom Penh tái lập bang giao. Vào năm 1995, một chủng sinh người Campuchia được thụ phong linh mục, linh mục Pierre Sophal Tonlop, vị linh mục đầu tiên từ 22 năm qua. Đến năm 1997, linh mục Emile Destombes được tấn phong Giám mục phó Phnom Penh và đã đảm nhận trách nhiệm Giám mục chính Giáo phận Phnom Penh sau khi Giám mục Ramousse từ nhiệm. Với khoảng độ 20 000 giáo dân, cộng đồng Kitô hữu minh chứng sự năng động của mình. Các linh mục và tu sĩ nhấn mạnh đến sự đào tạo, thành lập những cộng đoàn đức tin nho nhỏ và tham gia vào nhiều công tác xã hội và từ thiện.
Sức khỏe suy giảm trong một thời gian vì đau bệnh, ĐứcCha Destombes đã trình một cách chính thức đơn từ nhiệm  vào dịp sinh nhật thứ 75 của Ngài, ngày 15 tháng 8 vừa qua. (tức năm 2010)”
 
Tin La San từ Vương Quốc Cambodia
Đối với anh em La San, Đức Cha Émile không những là một cựu giáo sư trường La San Miche, mà còn là vị ân nhân đã ủng hộ anh em La San thực hiện ước mơ trở lại Cambodia tiếp tục sứ mạng giáo dục của Dòng sau hơn 30 năm bị gián đoạn, đó là vào tháng 1/2006. Chính Ngài đã đến làm phép lành ngôi nhà La San đầu tiên của các anh em ở ngoại ô Phnom Penh. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên, Ngài tỏ ra rất vui mừng khi được tin La San có ý định trở lại Cambodia. Anh em vẫn nhớ lời Ngài dặn dò: Anh em phải học tiếng Khmer để phục vụ người Khmer. Và trong suốt 10 hiện diện tại Cambodia, anh em La San lúc nào cũng nỗ lực học tiếng Khmer theo như lời dăn dò của Ngài và giúp các em người Việt học tiếng Khmer để hòa nhập với xã hội Cam. Và anh em nhận thấy đó là con đường duy nhất để người Việt có thể vươn lên được. Ngôi nhà La San thứ hai cũng nhắm mục đích đó, cho nên anh em đã chọn mua một lô đất giữa làng người Cambodia và hiện nay có hơn 100 em học sinh mẫu giáo người Khmer lẫn người Việt đến học theo chương trình Khmer. Vì vậy, để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc vị ân nhân, tất cả anh em La San hiện diện tại Cam đều đi viếng xác của Ngài vào chiều 29/1/2016 và tham dự Thánh Lễ an táng vào ngày 30/1/2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét