Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Làm THÂN con KHỈ.


khỉ

Những tháng năm thơ ấu nơi quê nhà, mỗi lần nghe tiếng trống tùng tùng của gánh xiếc nhỏ Sơn Đông mãi võ là bọn trẻ chúng tôi chạy ào tới, cố len lỏi vào bên trong vòng người đứng chen chúc, không phải để mua những loại thuốc cao đơn hoàn tán như đau lưng nhức mỏi…mà để nhìn cho được chú khỉ thần tượng tuổi thơ.
Một chú khỉ mặc áo quần đỏ chói, đội mũ nồi xanh, nhảy qua vòng lửa rực cháy, đạp xe chạy vòng vòng ngả mũ xin tiền giữa tiếng reo hò cổ võ. Rồi bỏ trường làng lên thủ đô tiếp tục Trung Học. Những ngày nghỉ học, bọn chúng tôi kéo nhau vào sở thú, ngắm những chú khỉ nhảy nhót nô đùa. Từ đó, hình ảnh những chú khỉ ngộ nghĩnh đã nằm sâu trong vùng kỷ niệm tuổi thơ . Dù có cảm tình với khỉ nhưng tôi lại không sinh vào năm Thân, mà lại sinh nhằm tuôi Tỵ nên số phận bò lết long đong.
Luật tuần hoàn bốn mùa thay đổi, ngày qua tháng lại đã hết một năm. Cụ Dê ngậm ngùi khăn gói ra đi để nhường chỗ cho chú Khỉ dáo dác bước tới. Trong 12 con giáp, chú khỉ đến sau cụ dê, nhưng lại tới trước anh gà trong cuộc thi Marathon do Ngọc Hoàng tổ chức. Vì thế cứ đúng chu kỳ 12 năm chú khỉ tái xuất giang hồ với nhiều hỗn danh khác nhau như : dã nhân, đười ươi, bú dù, ngợm, nỡm, hầu…nhưng vẫn thua xa ‘hầu chúa’ CSVN mang cả 100 ngoại hiệu để lừa bịp thiên hạ và phá tan hoang Đất Nước.
Theo tử vi tướng số nam nữ tuổi thân sống an nhàn, thông minh, hoạt bát, dễ chinh phục người khác phái, nhưng không hiểu tại sao các bà các cô tuổi thân lại than thở vắn dài :
-Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi,
Sao tôi lại cứ ngậm ngùi tuổi Thân.
Các cậu, các ông thì không tin như vậy, nếu biết khai thác vốn trời cho, biết đâu ‘trò khỉ’ lại được các cô các bà chú ý. Nói có sách, mách có chứng: đọc truyện Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, ta thấy anh chàng Xuân Tóc Đỏ nhờ khéo bắt chước các chú khỉ sở thú gần đó, nên đã chinh phục được trái tim cô hàng mía. Rồi truyện cách đây không lâu, vị Tông Tông Cờ Hoa đã dùng ‘hầu quyền’ làm cô bé tập sinh chao đảo cuộc đời.
Mải bàn ra tán vào mà quên không nói đến gốc gác của khỉ thật là thiếu sót. Theo các nhà sinh vật học Khỉ là loài tiền sử sinh trưởng trước con người cả triệu năm, mà ngày nay các nhà thám hiểm thỉnh thoảng gặp trên các rặng núi cao tuyết phủ tại Hy Mã Lạp Sơn. Loài vật này rất to lớn đi hai chân như người, lông phủ tuyết trắng xóa được gọi là người tuyết, nên các nhà nhân chủng và sinh vật học cho là loài khỉ có nhiều phần cấu tạo giống loài người nhất. Nét mặt khỉ dễ dàng biểu cảm thái độ vui buồn giận dữ. Khỉ đi hay chạy dùng cả tứ chi, nhưng leo trèo chỉ dùng hai chi trước. Khi có thể ăn cả thực vật lẫn động vật. Khỉ nặng trung bình từ 20- 30 kí. To lớn như loài vượn nặng trên 100 kí, cũng có loại nhỏ như giống khỉ Marmoset Pygmy, Nam Mỹ chỉ bằng ngón tay và có thể bỏ vào túi áo quần. Lông khỉ thường màu tro xám hay hung vàng, có loại lông trắng gọi là bạch hầu, có loại 2 bên má trắng gọi là khỉ bạc má …Trên thế giới có 81 giống khỉ nhưng một số đã tuyệt chủng. Việt Nam chỉ còn 15 loại trong đó có một số quí hiểm được ghi vào sách đỏ cần phải bảo tồn.
Cách thị trấn Cát Bà Hải Phòng 2 km có một đảo khỉ phong cảnh nên thơ, nước trong xanh với bãi tắm trải dài hàng cây số, cát trắng mịn, sạch sẽ. Đây là điểm du lịch cho khách tắm biển và chụp hình những chú khỉ nhảy nhót leo trèo trên cây gần đó.
Vì thế con cháu Mác-Lê-Mao-Hồ đã dựa theo lý thuyết tiến hóa Darwins nhà sinh vật học Anh quốc, mà cho là con người do tiến trình lao động để sinh tồn của loài khỉ : từ bò 4 chân săn mồi, đến ngẩng cao đầu giơ 2 chân trước để bẻ hái trái cây mà dần dần biến hóa thành con người. Nhưng thực tế, ta thấy con cháu của mấy ông ‘tổ khỉ’ này chẳng tiến hóa chút nào, mà lại trở thành thoái hóa thảm khốc, trở về thời đồ đá : người cày thay trâu, từ đỉnh cao trí tuệ xuống vô sản chuyên chính, từ xuất cảng gạo nhất nhì thế giới mà người dân phải ăn khoai sắn, bo bo. Tên Hồ tặc đã cóp- pi y nguyên lý thuyết của các tổ sư Cộng Sản từ : cách mạng vô sản, cải các ruộng đất, trăm hoa đua nở, chiến tranh du kích, trại tù lao động khổ sai… làm cho dân tộc ta điêu đứng triền miên. Ô hô ! xin con cháu các cụ khỉ coi lại kẻo bé cái lầm. Mong các cụ ‘khỉ gió’ đừng làm trò khỉ nữa cho người ghê tởm. Vì gần ba phần tư thế kỷ rồi các cụ có làm được’ khỉ khô’ gì đâu. Thật là đồ lừa bịp, giả nhân giả nghĩa, đồ đười ươi, đồ nỡm…hãy tự biết mình mà xuống đi thôi, đừng u mê đè đầu cỡi cổ người dân , kẻo có ngày lại phải chạy tóe khói về lại rừng xưa !
Nói vậy chứ, khỉ cũng đa tài nên xông cả vào lãnh vực khoa học, làm phi hành gia thám hiểm không gian sau khi chú chó Laika thất bại. Chú khỉ Gordo đầu tiên cỡi hỏa tiễn Jupiter 13 của
Hoa Kỳ lao vào không gian thành công ngày 13/12/58. Thừa thắng xông lên, họ hàng nhà khỉ nối gót theo sau : 2 chú khỉ Able và Baker lại phóng vào không gia trên hỏa tiễn Jupiter 18. Rồi chị Sam xuân tình nhí nhảnh, sặc sỡ xiêm y du hành vũ trũ trên phi thuyền Mercury ngày 21/1/60.
Trong văn chương lịch sử Việt Nam ta cũng thấy bóng khỉ thấp thoáng đâu đây.
Nhà thơ Cao Bá Quát văn tài chí lớn, tính tình cao ngạo hay làm thơ chế diễu vua quan, bị đầy đi làm thày giáo nơi khỉ ho cò gáy tỉnh Sơn Tây, ông đã thốt lên lời thơ chán chường chế diễu cả chính mình :
-Nhà trống ba gian, một thày, một cô, một chó cái,
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
Rồi ông Tú Vị Xuyên văn hay chữ đẹp, thi mãi cũng chỉ đỗ tú tài, chấm biếm những kẻ ngu dốt, quyền thế giàu sang lo lót lại đậu cao như :
-Cử nhân cậu ấm Kỷ,
Tú tài con đồ My,
Thi thế cũng là thi,
Ối khỉ ơi là khỉ…
Nguyễn Vỹ châm biếm triết lý con khỉ, làm thơ con cóc, hạ bút than cho thân phận hẩm hiu rẻ mạt của người cầm bút :
-Chữ như bây giờ là trò chơi,
Làm báo làm bung chán mớ đời,
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con tườu, văn chương cóc,
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán văn ngày tháng qua.
Còn nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, nổi danh với bài Đi Chùa Hương được phổ thành nhạc, có những câu thật ngộ nghĩnh :
-Sau núi Oản, gà Xôi,
Bao nhiêu con khỉ ngồi,
Đến núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi…
Trong các danh nhân nước ta, ông Mạc Đĩnh Chi có tầm vóc nhỏ thó, mặt mũi xấu xí giống khỉ, nhưng thông minh xuất chúng, thi đậu trạng nguyên. Khi ông đi sứ sang Tàu, bị vua quan coi thường, nhưng nhờ tài ứng đáp trôi chảy, nên vua Tàu phong là ‘Lưỡng Quốc Trạng nguyên’.
Nhưng nổi bật về khỉ trong hai truyện Đông Tây đã dựng thành phim mà nhiều người ưa thích là Tề Thiên Đại Thánh và Tarsan (Tặc Giăng).
Trong tôn giáo thì khỉ được các tín đồ Ấn giáo tôn kính như vị thần. Theo trang sử thi Ấn Độ, khỉ là hiện thân của sự trung thành, công bằng, quả cảm. Hanuman là thày trong khoa học, bảo trợ trong đời sống. Sự sùng bái Hanuman với những con khỉ rất phổ biến trong Ấn Độ giáo. Tương truyền Hanuman là con khỉ trung thành, phụ giúp Rama tìm kiếm nàng Sita, đó là con khỉ chúa đã dẫn đàn khỉ đi khắp Ấn Đô tìm nàng Sita bị bắt cóc. Sau đã tìm thấy Sita trong khu rừng của quỉ vương Ravana bên Tích Lan . Trải qua bao cuộc chiến đấu cam go và mưu kế nên đã cứu được công chúa Sita- Vì thế có một cậu bé tên Arshid Ali Khan bang Punjab Ấn Độ mọc đuôi như khỉ, được người dân thờ như thánh sống trở thành biểu tượng thiêng liêng của thần khỉ Hanuman tái sinh.
Tại đền Toshigu, Nikko Nhật Bản, các vị thiền sư cho treo bức điêu khắc cổ có hình 3 con khỉ : 1 con lấy 2 tay che mắt, không muốn thấy truyện gai mắt- 1 con lấy 2 tay bịp tai, không muốn nghe truyện chướng tai- 1 con lấy 2 tay che miệng, không muốn nói lời không tốt. Tín đồ và du khách ngắm tranh đã hiểu được bài học xử thế ở đời : Không ngó bậy, không nghe bậy và không nói bậy. Thật ý nghĩa sâu xa, 1 phút ngắm tranh lòng thành hơn cả 1 giờ tụng kinh không giác ngộ.
Trong truyện Tây Du Ký, khỉ Tôn Hành Giả cùng với Trư Bát Giới và Sa Tăng, hộ tống thày Huyền Trang đời Đường sang tận Ấn Độ thỉnh kinh Phật, dọc đường gặp nhiều yêu quái cản trở phá phách, nhờ pháp thuật cao thâm ba chư huynh đệ hóa giải được, đưa thày vượt qua ngàn dặm tới tận Tây Trức thỉnh kinh đem về nước. Sau thày cho pháp danh là Tôn Ngộ Không và Ngọc Hoàng phong chức Tề Thiên Đại Thánh.
Còn Tarsan là một chú bé bị lạc trong rừng, được khi nuôi khôn lớn có sức mạnh phi thường, giỏi leo trèo, tiếng hú vang dội núi rừng khiến muôn lòai thú phải khuất phục. Lực sĩ Tarsan có người vợ trẻ xinh đẹp là Jane và chú khỉ nhỏ Cheeta thông minh dễ thương, cùng sống hạnh phúc bên nhau nơi núi rừng hoang dã, xa lánh cuộc sống phồn hoa đô thị.
Lần dở trang sử Việt Nam, những biến cố xảy ra trong năm Thân rất nhiều, nhưng trang giấy có hạn, chỉ xin ghi lại hai sự kiện quan trọng, nhưng chúng ta vẫn luôn ghi nhớ. Đó là :
-Mậu Thân 1788: khi vua Quang Trung làm lễ tế trời đất, lên ngôi Hoàng Đế, mở tiệc khao quân, rồi thần tốc thống lãnh 10 vạn quân cùng 100 thớt voi trực chỉ Thăng Long dẹp giặc. Với
khí thế dũng mãnh của tướng sĩ, với lối di quân thần tốc và tài thao lược của vua Quang Trung, chỉ trong 10 ngày 50 vạn quân Thanh bị đánh tan tành không còn manh giáp. Các tướng Tàu hầu hết bị giết, phần còn lại sống sót chạy về nước. Quân sĩ Thanh bị bắt vua Quang Trung cấp dưỡng thuyền bè lương thực cho hồi hương.
-Mậu Thân 1968 : lơi dụng hưu chiến ba ngày Tết, dân quân Miền Nam đang xum họp mừng Xuân, bọn gian manh Bắc bộ phủ Hà Nội, không tôn trọng lời cam kết, phá bỏ truyền thống dân tộc . Chúng ra lệnh cho đặc công trà trộn vào dân chúng, đem vũ khí chất nổ vào đồng loạt tấn công bất ngờ các tỉnh và thị xã Miền Nam ngay trong đêm giao thừa. Nhưng bị quân dân ta kịp thời phát giác, đoàn kết nhất quyết đẩy lui giặc Cộng, khiến chúng thất bại nặng nề về nhân mạng và vũ khí. Với tham vọng và ý đồ đen tối, chúng đã gây bao tang tóc cho người dân vô tội, nhất là tại cố đô Huế hàng ngàn nạn nhân đã bị Việt cộng tàn sát, vùi thây trong các hố chôn tập thể.
Hai sự kiện trên cùng xảy ra vào năm Mậu Thân cách nhau 180 năm. Giặc ngoại xâm lược là quân Thanh bị quân dân ta với tinh thần yêu nước cao cả và tình đoàn kết quyết chiến thắng, ghi lại trang sử Việt rực rỡ ngàn năm. Nhưng bọn tay sai Tàu Cộng, cố quên những trang sử oanh liệt nòi giống anh hùng, đem thân làm nô lệ bán nước cầu vinh như bọn Lê chiêu Thống, Trần ích Tắc xưa, gây cảnh nội thù, huynh đệ tương tàn kéo dài hơn 30 năm mà hậu quả đau thương ngày nay dân tộc ta vẫn còn phải gánh chịu.
Trong ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có nhiều câu nói về khỉ như ‘khỉ ho cò gáy- giết gà dọa khỉ-
Rung cây nhát khỉ- nhăn như khỉ ăn gừng- nói hươu nói vượn- làm trò khỉ….
Nơi thôn quê hẻo lánh chiếc cầu tre lắc lư gập ghềnh gọi là ‘cầu khỉ’
Nếu nuôi người lạ trong nhà dễ lãnh hậu quả không hay như ‘nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà’
Người thiếu phụ dẫn con đi tìm chồng nơi đèo heo hút gió, khỉ ho cò gáy :
-Con ơi mẹ dắt lên đèo,
Chim kêu bên nọ, vượn trèo bên kia.
Vì nàng nghĩ rằng :
-Vượn lìa cây có ngày vượn rũ,
Anh xa mình mặt ủ mày chau.
Câu hò của cô gái không muốn lia xa gia đình nghe sao mà thấm thía :
Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hót biết nhà má đâu !
Viết đến đây, tôi nhớ tới câu thành ngữ của người Mỹ mà gốc gác cho là phát xuất từ Jamaica hay Mali ‘Monkey see, monkey do’ và liên tưởng đến câu truyện cổ tích xứ Mali ‘ Người Bán Nón’ kể rằng :’ Một ngày kia người bán nón đi ngang khu rừng có một bày khỉ đang leo trèo đùa nghịch. Chúng thấy người bán nón đi qua bèn nhào xuống cướp sạch nón của ông ta đội lên đầu. Người này la hét om sòm, nhưng bày khỉ không chút sợ hãi, nghĩ không biết làm cách nào lấy lại số nón, bỗng ông chợt nghĩ đến câu thành ngữ trên và tự nhủ ‘ khỉ nhìn thấy thế nào, sẽ làm giống như vậy’
Ông ta bèn giở nón trên đầu tung lên. Bọn khỉ thấy thế cũng bắt chước theo và ông đã lấy lại được số nón đã mất.’ (xin mở ngoặc với thành ngữ ‘Monkey see, monkey do’ viết sai văn phạm vì động từ không chia dù chủ từ ở dạng số ít, nhưng vì nghe thấy vui vui nên người ta để vậy luôn) . Câu truyện này cũng hợp với tài bắt chước quan thày Tàu cộng của bọn khỉ cầm quyền CSVN hiện nay.
Người ta cho rằng thịt khỉ rất bổ, chữa được bách bệnh, nhất là óc khỉ lại càng quí giá hơn.
Vì thế vua quan Trung Hoa xưa đã khai thác triệt để làm những món cao lương mỹ vị trong cung đình như :
-Bát bửu : 8 món ăn gồm Nem công- Chả phượng- Da tê ngưu- Bàn tay gấu- Gân nai- Vòi voi- Yến sào và Môi đười ươi.
-Bạch mao trà : có một loài khỉ lông trắng sống ở miền núi Vũ Dĩ Sơn, Phúc Kiến, chuyên ăn loại trà non trên vách núi nên tuổi thọ rất cao. Dân quanh vùng nuôi chúng sai lên núi hái trà, chúng ăn trà nhưng không nuốt vào bụng ngay mà dồn vào 2 túi bên má. Dịch vị tiết vào trà thơm ngon, bổ dưỡng, quí hiếm. Loại khỉ này phục vụ qua 2,3 đời chủ vẫn còn dẻo dai khỏe mạnh.
Nên Bạch mao trà có giá trị cao hơn cả Trảm mã trà, Trùng diệp trà, Bạch liên trà, Ô long trà…
-Từ Hy Thái Hậu đãi đại yến Sứ giả Bát Quốc :
Xuân Canh Tý 1874, đời nhà Thanh ,Từ Hy mở đại yến khoản đãi phái đoàn 8 nước Tây phương
Gồm 400 thực khách tham dự, với 140 món ăn, kéo dài 7 ngày đêm, có 7 món ăn đặc biệt cho mỗi ngày là Sâm thử- Tượng tinh- Trư vương- Phương chi thảo- Sơn dương trùng- Trứng công
Và Não hầu (óc khỉ).
Khỉ được cho mặc mũ áo sặc sỡ của quan tướng, cổ đeo tên tuổi các gian thần dân chúng căm ghét, nhốt khỉ trong cũi nhỏ hình ống đầu nhô lên. Khi tiếng khánh lệnh bắt đầu của Từ Hy trổi lên, thì thị vệ lột mũ khỉ ra và dùng chiếc búa đồng gõ vào đầu khỉ, lột chiếc khăn đội đầu khỉ chỉ chừa một lỗ nhỏ, rồi đổ nước xâm nóng vào cho tái đi. Thực khách dùng muỗng múc món ăn đặc biệt chưa từng thấy trên đời, nhưng vừa ăn vừa rùng mình và có nhiều vị khách không thể thưởng thức nổi món ăn cầu kỳ dã man này.
Ngày nay tại Việt Nam các đại gia và cán ngố cũng sưu tầm các món ăn đại bổ khỉ, để chứng tỏ đẳng cấp của mình không bao giờ ‘thoát Trung’ được.
Để kết thúc bài ‘Làm THÂN con KHỈ’ xin tặng con cháu Hầu Vương câu truyện cổ tích sau để tìm hiểu lai lịch nguồn gốc mình- đặc biệt năm nay năm khỉ BÍNH THÂN phải kính giỗ tổ long trọng, diễu hành hoành trang với ‘Khỉ binh’ đi hàng đầu.
Truyện kể rằng : ‘Xưa có một cô gái đi ở đợ cho một nhà giàu trưởng giả, làm việc vất vả không được chủ cho ăn mặc đầy đủ, cho nên đã 20 tuổi mà vẫn gầy còm xấu xí.
Một hôm đi gánh nước, tủi thân ngồi khóc bên bờ giếng. Ông tiên hiện lên với diện mạo cụ già đi đường mệt mỏi xin nước uống. Uống nước xong, ông lại xin cô ít cơm ăn cho đỡ đói. Cô gái nghĩ đến phần cơm còn giành tại nhà, vội chạy về lấy cho ông.
Vì thấy cô gái tốt bụng, ông cho biết mình là tiên và hỏi cô có gì khó khăn cần giúp đỡ. Cô gái ước mình hết xấu xí và quả thật cô đã trở nên xinh đẹp.
Khi gánh nước về trong sự ngỡ ngàng của gia đình chủ. Cô kể lại sự thật cho mọi người, lập tức cả nhà chủ kéo nhau ra giếng mong được gặp tiên để hóa phép cho mình xinh đẹp. Nhưng tiên đã hóa phép cho chúng thành những người xấu xí, bị dân lấy gậy đánh, chúng bỏ chạy lên rừng.
Từ đó cô gái được hưởng gia tà chủ để lại.
Còn gia đình trưởng giả phải ẩn náu trong rừng sâu, nhưng vì tiếc của nên đêm đêm về ngồi trước cổng, kêu gào suốt đêm.
Cô gái và mọi người tính kế đuổi chúng đi, họ nung nóng lưỡi cày đặt trước cổng, đêm lũ khỉ lại mò về. Nhưng khi đặt đít ngồi trên lưỡi cày, thì chúng la lên oang oác, ba chân bốn cẳng chạy tuốt về rừng và không bao giờ dám trở lại.
Ngày nay chúng ta vẫn thấy khỉ đít đỏ, chính là di truyền của tổ tiên để lại.
( Tứ trụ triều đình vương quốc khỉ VN )
Bác Dê nay đã đi rồi,
Năm qua khắc khoải đứng ngồi không yên,
Hồi Giáo quá khích cuồng điên,
Chơi trò khủng bố nhãn tiền khắp nơi,
Lại thêm tai ách đất trời,
Cuồng phong lụt lội cuốn trôi kinh hoàng.
Bính Thân Năm Mới đã sang,
Đón chào chú Khỉ bàn giao bước vào,
Lòng người hy vọng lên cao,
Hòa bình nhân loại khát khao từng giơ.
Chúc cho thỏa nguyện ước mơ,
An Khang Hạnh Phúc đón chờ Xuân sang.
ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét