Vào lúc 9 giờ sáng nay 16/01/2016, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám Mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, đã dâng Thánh Lễ tạ ơn mừng Kim Cương 70 Năm Linh Mục và Thượng Thọ Bách Niên Cha Cố Phêrô Nguyễn Châu Hải tại nhà thờ Khiết Tâm giáo phận Sàigòn (trụ sở Dòng Thánh Thể Việt Nam).
Cùng đồng tế với Đức Cha Anphong có Cha Giuse Phan Ngọc Trợ, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam, các cha trong linh tông huyết tộc, đồng hương và học trò của Cha Cố.
Trong bài giảng Lễ, Đức Cha Anphong nói: “Tôi thấy có một từ rất thích hợp, diễn tả được thái độ và tâm tình phải có là ĐỘI ƠN: Ơn Chúa nhiều quá, nặng quá, đến độ ta không cầm, mang, khoác vào được, mà phải đội trên đầu, diễn tả sự kính trọng đối với Chúa, với ơn Chúa. Nhìn lại chiều dài một trăm năm cuộc đời và bảy mươi năm linh mục, cha cố như muốn nói với mọi người rằng Chúa ban cho ngài nhiều ơn lắm, ngài biết rõ điều đó, một mình ngài không thể đội ơn Chúa cho cân xứng, nên ngài muốn xin chúng ta cùng đội ơn với ngài”.
Cuộc đời Cha Cố là một chuỗi hồng ân, và Cha Cố đã sống cuộc sống ơn gọi trọn vẹn đến nỗi ai biết ngài, tiếp xúc với ngài đều dành cho ngài những tình cảm sâu đậm.
Đức Cha Anphong nói: “Ngài đã đáp lại ơn huệ và tình thương Chúa bằng việc sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Ngài là một tu sĩ dòng Thánh Thể, nên rất gắn bó với việc tôn sùng bí tích này. Tôi còn nhớ thời ngài làm tuyên úy cho dòng thánh Phaolô Đà Nẵng, mỗi lần đi thăm cha, tôi thường thấy ngài ngồi một mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, với cung cách tôn thờ trầm lặng, đầu gục xuống, lãng quên thời gian. Gặp ngài, tôi thấy như ngài từ một thế giới khác trở về trần thế. Tôi tin rằng ngài đã kín múc sức mạnh nội tâm, ơn thánh nhờ những giờ phút kết hiệp với Chúa để vượt qua những khó khăn và giúp lại cho người khác. Cầu nguyện là lương thực của ngài, như cha Phạm Trung Thành cho biết cha cố dạy đừng đưa ra giải pháp cho một vấn đề khó khăn nếu tiên vàn chưa cầu nguyện và suy nghĩ.”
(Xin xem bài giảng của Đức Cha Anphong) bên dưới.
Trước ngày Lễ, Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp, giáo phận Quy nhơn đã gửi thư cho Cha Cố, trong thư có đoạn viết: “Khi con lên Đại chủng viện Hòa Bình năm 1974, con đã gặp Cha, biết Cha trong Ban Giáo Sư, dạy môn Tu Đức. Con đã được học nơi Cha, không những kiến thức, mà cả con người và nhân cách của một Linh Mục, điều đang trở thành lý tưởng cho một chủng sinh mới lên “làm thày” như con. Khi phải chọn cho mình một vị linh hướng, lúc đó, các thày được tự do chọn cha linh hướng trong số các Cha Giáo, trừ cha Giám Đốc, con đã chọn Cha. Cha đã đồng ý, để cha con thường xuyên được gặp nhau trên đường tu đức. Và từ đó, Cha đã ảnh hưởng trên con rất nhiều.”.
Sau Thánh Lễ, chúng tôi xin được phỏng vấn “chớp nhoáng” Cha Bể Trên Giám Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam, xin ngài cho biết đôi điều về Cha Cố Phêrô. Ngài nói: “Cha Cố Phêrô là cái gốc của Dòng Thánh Thể Việt Nam chúng tôi. Ngay từ thời Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, năm 1960, ngài đã có mặt ở hải ngoại và cùng với Đức Cha mong ước đưa Dòng Thánh Thể về Việt Nam. Nhưng mãi về sau này, đến năm 1972 mới thực hiện được.
Cha Cố có mặt từ đầu, và sau 40 năm Dòng chúng tôi có mặt, ngài vẫn còn hiện diện. Tấm gương của ngài, như Đức Cha Anphong đã nói, đó là gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể và sống đời ơn gọi vui tươi và hạnh phúc. Đó là món quà quý nhất Chúa ban cho Tỉnh Dòng. Ngài là mẫu gương người tông đồ thắp lửa Thánh Thể theo cha Thánh Tổ phụ Eymard.
Xin mọi người cầu nguyện để chúng tôi trong năm Thánh Lòng Thương Xót biết theo gương cha Thánh Tổ phụ và theo mẫu gương sống đời tận hiến vui tươi và khoan dung tha thứ của Cha Cố Phêrô Châu Hải để làm trọn sứ vụ vì Thánh Thể. Thánh Eymard nói “Ở đâu có Thánh Thể, ở đó có Thiên đàng, ở đâu gắn bó với Chúa Thánh Thể, ở đó có niềm vui và hạnh phúc”.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho Cha Cố và cho Nhà Dòng như Cha Giám Tỉnh mong muốn.
Gioan Lê Quang Vinh
Tác giả: Gioan Lê Quang Vinh.
Anh chị em thân mến,
Đáng lẽ cha cố Phê-rô là người chia sẻ trong thánh lễ này mới phải, nhưng như anh chị em thấy, ngài nay già yếu, sức hơi đã cạn kiệt, tâm trí cũng không tinh tường như cách đây hai ba năm nữa. Vì là một người con thiêng liêng của cha cố, (ngài là cha linh hướng của tôi khi ở đại chủng viện Hòa Bình Đà Nẵng, từ năm 1972 và cho đến sau này), tôi xin nói thay cho cha cố qua việc chia sẻ vài tâm tình trước hai biến cố trọng đại và hy hữu là 100 năm cuộc đời và 70 năm linh mục.
Tâm tình trước hết là TẠ ƠN và YÊU THƯƠNG, hai tâm tình này mỗi kitô hữu phải có đối với Chúa. Thánh Gioan cho biết : “Tự nguồn sung mãn của Chúa, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Ngài ban cho mỗi người những ơn họ cần để sống tốt đẹp. Hàng ngày, mỗi người chúng ta nhận được biết bao ơn lành phần hồn phần xác, nhiều như không khí chúng ta hít thở, và bao bọc quanh ta. Thiếu ơn Chúa, chúng ta không thể sống tốt đẹp thân phận làm người và làm kitô hữu. Đứng trước những ơn lành Chúa ban, từ ngữ tiếng Việt diễn tả thái độ của chúng ta không phải là tạ ơn, cảm ơn, ghi ơn, nhớ ơn, biết ơn…, mà tôi thấy có một từ rất thích hợp, diễn tả được thái độ và tâm tình phải có là ĐỘI ƠN : Ơn Chúa nhiều quá, nặng quá, đến độ ta không cầm, mang, khoác vào được, mà phải đội trên đầu, diễn tả sự kính trọng đối với Chúa, với ơn Chúa.
Nhìn lại chiều dài một trăm năm cuộc đời và bảy mươi năm linh mục, cha cố như muốn nói với mọi người rằng Chúa ban cho ngài nhiều ơn lắm, ngài biết rõ điều đó, một mình ngài không thể đội ơn Chúa cho cân xứng, nên ngài muốn xin chúng ta cùng đội ơn với ngài.
Ngài cũng muốn nói như Hôsê trong bài đọc I rằng ngài biết tất cả những ơn ngài được là do tình yêu thương nhưng không từ muôn thuở của Chúa mà thôi, chứ bản thân ngài không có gì xứng đáng để được như vậy. Chúng ta cũng thế, chẳng ai trong chúng ta xứng đáng đâu, mà chỉ do tình thương của Chúa thôi, như lời thánh Phaolô : “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10).
Chúng ta thấy quả thật Chúa đã ban cho ngài rất nhiều ơn và tình thương. Nguyên việc sống cuộc đời dài đằng đẵng một thế kỷ, trong đó ba phần tư thế kỷ là linh mục, và trung tín với sứ vụ linh mục cho đến giờ, đã là những ơn rất đặc biệt và quý hiếm. Trên thế giới này và tại Việt Nam, mấy người được ơn trường thọ như ngài, được là linh mục lâu như ngài ? Ngài đã đảm nhiệm rất nhiều giáo vụ : cha phó, cha sở, cha tuyên úy hướng đạo, bệnh viện, trại giam, dòng tu, cha giáo sư, cha linh hướng, cha dòng, lại còn là một cây bút sắc sảo, đã cho ra đời nhiều tập sách tu đức, hạnh thánh, gương sáng giúp ích cho nhiều người. Ôi bao nhiêu là ơn Chúa và tình thương, để ngài có thể chu toàn tốt đẹp các nhiệm vụ đó !
Chúa ban ơn thì Ngài cũng muốn ta làm sao để ơn Ngài không ra vô hiệu, nhưng sinh lợi cho Chúa, như dụ ngôn các nén bạc trong Tin Mừng. Có khi Chúa nói những lời xem ra đòi hỏi như : “Đã lãnh nhận nhưng không thì phải cho đi nhưng không” (Mt 10,8), “Ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Cha cố Phêrô, theo tôi biết, đã nỗ lực để sinh lợi cho Chúa nhiều lắm. Bao linh mục, trong đó có tôi và một số cha đồng tế đây đã được sự hướng dẫn dạy dỗ của ngài để được như hôm nay. Có những anh em tuy không làm linh mục, (như trong thánh lễ này tôi nhận ra một người bạn cựu chủng sinh cũng là con linh hướng của cha) nhưng đã sống đời tín hữu giáo dân tốt đẹp và vẫn biết ơn ngài. Có bao giáo dân đã lãnh nhận được ơn Chúa từ cha cố. Có bao nữ tu đã thăng tiến trên đường tu trì thánh hiến dưới sự hướng dẫn của ngài. Có bao nhiêu người nhờ đọc các cuốn sách ngài viết mà đã tiến lên trong đời sống thiêng liêng.
Ngài còn sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho Chúa qua gương sáng đời sống của ngài, mà tôi có thể kể hai chứng từ sau đây :
1. Ngài đã đáp lại ơn huệ và tình thương Chúa bằng việc sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Ngài là một tu sĩ dòng Thánh Thể, nên rất gắn bó với việc tôn sùng bí tích này. Tôi còn nhớ thời ngài làm tuyên úy cho dòng thánh Phaolô Đà Nẵng, mỗi lần đi thăm cha, tôi thường thấy ngài ngồi một mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, với cung cách tôn thờ trầm lặng, đầu gục xuống, lãng quên thời gian. Gặp ngài, tôi thấy như ngài từ một thế giới khác trở về trần thế. Tôi tin rằng ngài đã kín múc sức mạnh nội tâm, ơn thánh nhờ những giờ phút kết hiệp với Chúa để vượt qua những khó khăn và giúp lại cho người khác. Cầu nguyện là lương thực của ngài, như cha Phạm Trung Thành cho biết cha cố dạy đừng đưa ra giải pháp cho một vấn đề khó khăn nếu tiên vàn chưa cầu nguyện và suy nghĩ. Tôi không ngại kể một câu chuyện cá nhân rằng trong thời chủng sinh, tôi gặp một khủng hoảng về ơn gọi, những tưởng sẽ chuyển hướng. Khi tôi trình bày sự việc với ngài, ngài dạy tôi không được quyết định gì ngay, vì tôi như đang đi trong cơn bão tố mịt mù, không biết phương hướng đâu, và phải cầu nguyện nhiều. Thế rồi với thời gian, giông tố tan, tôi tìm lại an bình và tiếp tục đi. Hôm tôi dâng lễ tạ ơn sau khi chịu chức giám mục, ngài đến dự và còn dí dỏm bảo tôi : “Nếu hồi ấy mà cha không cương quyết thì đã không có cha Long và hôm nay giám mục Long rồi” ! Ôi tôi rất biết ơn cha đã khôn ngoan linh hướng cho tôi.
2. Niềm vui và “nhân đức” khôi hài. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng niềm vui là biểu hiện của một tâm hồn thánh thiện và toát ra sự bình an nội tâm của một người môn đệ đích thực của Chúa, của một người đã gặp Chúa là niềm vui của mình. Tôi nhớ rằng cha cố luôn tỏa rạng niềm vui ra chung quanh, ngài luôn làm cho người khác vui bằng những câu chuyện khôi hài. Ở bên cha cố, chúng tôi luôn cười cách thoải mái khi được nghe những câu chuyện dí dỏm mà rất đoan trang đứng đắn. Đáp lại, chúng tôi cũng làm cho cố cười bằng những câu chuyện vui. Thời ấy ở đại chủng viện Hòa Bình, tình cha con rất đậm đà thân thiết.
Tôi mong ước chúng ta, nhất là các linh mục tu sĩ, bắt chước cha cố ở hai nét trên : chăm chuyên cầu nguyện, sống kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể và tỏa rạng niềm vui, óc khôi hài dí dỏm trong cuộc sống môn đệ Chúa. ĐHY Phạm Minh Mẫn nhân dịp kết thúc Năm Thánh Thể 2005 đã phát biểu như sau : “Người nào, gia đình nào, cộng đoàn nào, giáo xứ nào đến với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ tìm được sự bình an và cách giải quyết vấn đề theo thánh ý Chúa”. Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, làm thế là chúng ta đang lấy tình yêu đáp lại tình yêu, như chính Chúa dạy chúng ta trong câu chuyện đối thoại với thánh Phêrô trong bài Tin Mừng. Chỉ sau khi ông minh định tình yêu dành cho Chúa, Chúa mới giao phó Hội Thánh cho ông.
Bây giờ hướng về tương lai, chúng ta đều biết nay cha cố đã già, mà theo qui luật tự nhiên, mọi người rồi sẽ phải có lúc kết thúc cuộc sống dương gian để về với Chúa. Không biết lúc nào giây phút này sẽ đến với cha cố, cũng như với mỗi người chúng ta. Chúng ta không nhìn biến cố này với sự bi quan chán nản như người không có niềm tin, vì biết rằng đó là điều kiện để được kết hiệp trọn vẹn với Chúa, mà chúng ta đón nhận biến cố này với niềm vui, lòng tin tưởng và phó thác, như tâm tình mà thánh Phêrô, bổn mạng của cha cố, đã gửi gắm cho môn đệ Timôthê trong bài đọc II : “Sắp đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”.
Cùng với cha cố dâng tâm tình đội ơn và yêu thương trong thánh lễ này, dâng những hoa trái thiêng liêng cha cố đã thu hoạch được trong quãng đời dài đã qua, chúng ta cũng dâng cha cố kính mến của chúng ta lên Chúa, xin Ngài chúc lành, yêu thương và tiếp tục ban ơn nâng đỡ ngài trong những ngày tháng còn lại ở trần gian, để khi đến giờ hồng phúc, cha cố được Chúa mời gọi : “Hỡi người tôi tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi” ! Amen.
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
Con linh hướng của cha cố
Tác giả: + Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá Hưng Hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét