Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Thời Gian Phụng Vụ: Mùa Phục Sinh (2).


Trong phần thứ nhất của bài viết, chúng ta đã nói đến những khía cạnh đặc biệt của phụng vụ Mùa Phục Sinh, từ đầu Mùa Chay cho đến hết ngày thứ Bảy Tuần thánh. Phần thứ hai này tiếp tục dẫn chúng ta đi vào những điểm chính của việc cử hành đêm Canh thức vọng Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, kết thúc Mùa Phục Sinh.

7.- Phục Sinh và thời gian vượt qua : “Đức Kitô đã Phục Sinh"
a.- Canh thức vượt qua
Với đêm canh thức vọng Phục Sinh rất thánh mà thánh Augustin đã gọi là « Mẹ của tất cả các đêm canh thức thánh », khởi đầu cho một cử hành trang trọng của (mầu nhiệm) Phục Sinh. Đây là thời gian thật trang trọng, thích hợp để nhận lãnh các bí tích khai tâm kitô giáo. Đêm thánh vượt qua này là đỉnh điểm của năm phụng vụ. Nó diễn ra với nhiều phần phụng vụ :
a.1.- Phụng vụ ánh sáng (hay còn gọi là nghi thức làm phép lửa và rước Nến Phục Sinh) :
Các tín hữu cầm nến sáng trong tay tiến vào trong nhà thờ theo sau cây Nến Phục Sinh. Giống như dân của Giao Ước đầu tiên bước đi trong sa mạc, được hướng dẫn bởi cột lửa, các môn đệ của Đức Kitô Phục Sinh được hướng dẫn đi theo Người : « Những ai đi theo ta, sẽ không bước đi trong bóng tối tội lỗi » (Ga 18,12).
a.2.- Phụng vụ Lời Chúa :
Tất cả cùng được hướng dẫn bởi Lời Thiên Chúa. Có nhiều bài đọc gợi nhắc lại các biến cố lớn của ơn cứu độ và giúp cho các tín hữu hiểu biết về mầu nhiệm Phục Sinh ; đồng thời phụng vụ Lời Chúa cũng hướng đến các dự tòng như là phần giáo lý cuối cùng về bí tích rửa tội và bước vào đời sống kitô hữu.
a.3.- Phụng vụ bí tích rửa tội và tuyên xứng đức tin :
Sau bài đọc Tin mừng về sự Phục Sinh và bài giảng, các dự tòng tuyên xưng niềm tin và nhận lãnh các bí tích khai tâm kitô giáo. Các tín hữu cũng tuyên xưng niềm tin của họ và việc rảy nước thánh như một dấu chỉ của bí tích thanh tẩy. Tất cả cộng đoàn cùng hát và cầu xin « nguồn nước sống của ơn cứu độ chảy trào ra sự sống mới » trong họ.
b.- Phụng vụ Thánh Thể : việc cử hành Thánh Thể ngày hôm nay diễn ra cách trọng thể nhất

8. Bát nhật Phục Sinh
Niềm vui vượt qua được kéo dài trong một tuần lễ tiếp theo. Lời chúc tụng cuối cùng của các Giờ Kinh Phụng Vụ được đánh dấu bởi hai lần hát « alleluia » và theo truyền thống, thời gian này được dành cho việc bổ túc các bài học giáo lý cho các tân tòng.
 

9.- Mùa Phục Sinh
Bằng việc cử hành Chúa nhật lễ Phục Sinh, đã mở ra một giai đoạn gồm 50 ngày, được gọi một cách căn bản là Pentecôte (Hiện Xuống), mà sau này được gọi là thời gian Phục Sinh, khi hạn từ Pentecôte được giành riêng cho ngày thứ 50, ngày Hiện Xuống[1].
Chuỗi « năm mươi ngày Phục Sinh » được sống như một « Chúa nhật lớn » của niềm vui và sự tán tụng, bắt đầu từ ngày Phục Sinh và được kéo dài trong 8 Chúa nhật (cho đến lễ Hiện Xuống). Tertullien đã khẳng định rằng, mọi ngày trong toàn thể năm mươi ngày này cần phải được cử hành cùng với một « niềm vui tuyệt đối »[2], vì theo Irénée, mỗi ngày trong năm mươi ngày có cùng một giá trị như ngày Chúa nhật[3]. Thật vâỵ, có rất nhiều yếu tố riêng cho mùa này mà điểm nhấn chính của nó là chiều kích lễ hội. Màu sắc phụng vụ là màu trắng, nó nhắc nhở hình ảnh các thiên thần áo trắng vào buổi sáng Phục Sinh và ngày lễ Lên Trời. Bài ca Alleluia không ngừng được xướng lên, giúp chúng ta tham dự vào bài tụng ca của tất cả những ai « đã được mua về bằng máu của Con Chiên ». Sự hiện diện của cây Nến Phục Sinh đang cháy sáng ở giữa cung thánh nhà thờ mời gọi chúng ta đón nhận và chia sẻ niềm vui ấy.
Trong mùa này, hai cuốn sách Kinh Thánh được đọc lên nhiều : sách Công vụ các Tông đồ mà mỗi ngày đọc một trích đoạn. Nó cũng thay thế các bài đọc Cựu ước : sau Phục Sinh, tất cả trở nên mới, những lời hứa được thực hiện một cách đầy đủ. Các bài đọc Tin mừng theo thánh Gioan giúp chúng ta suy niệm về quà tặng của đời sống mới trong Đức Kitô.
Cũng cần nhắc thêm rằng, vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, Đức cố giáo hoàng Giao-Phaolo II, đã công bố Chúa nhật thứ hai của mùa Phục Sinh là « Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa ». Bài Tin mừng của Chúa nhật này đề cập đến việc Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra cùng thánh Tôma tông đồ và chỉ cho ngài thấy cũng như cho chúng ta « những dấu đinh vinh quang, và trái tim của Người, vốn là nguồn suối ánh sáng và chân lý không bao giờ cạn, của tình yêu và sự tha thứ ».
 
10.- Hướng đến lễ Hiện Xuống : Thánh Thần được hứa ban
Trong phụng vụ của những thế kỷ đầu tiên, lễ Lên Trời và Hiện Xuống không được phân biệt với lễ Phục Sinh của Đức Kitô : sự kiện Phục Sinh đã bao trùm sự lên trời của Đức Giêsu trong vinh quang Chúa Cha và quà tặng của Thánh Thần. Tuy nhiên, dần dần, con số « năm mươi ngày » được xác định rõ (vào từ thế kỷ 2e-3e) khi dựa vào những tương ứng mà Thánh Luca cho thấy trong sách Công vụ các tông đồ, những cử hành đặc biệt này được ghi nhận như là chu kỳ 40 ngày và 50 ngày[4].
a.- Lễ Chúa lên Trời hay còn gọi là lễ Thăng Thiên
« Trong thời gian 40 ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ và nói cho họ về Vương Quốc của Thiên Chúa » (Cv 3). « Chúa Giêsu, sau khi đã nói với họ, được đưa lên trên các tầng trời và ngự bên hữu Thiên Chúa » (Mc 16).
Mặc dù có một sự « biến mất » của Đức Kitô, phụng vụ về ngày lễ Chúa Lên Trời thật là một ngày lễ hội, tràn đầy những lời ca chúc tụng. Tại sao vậy ? Bởi vì, ngày lễ Chúa Lên Trời đánh dấu sự hoàn tất sứ mạng tràn gian của Đức Giêsu : Đức Kitôi đã bị hạ xuống nay được nâng lên trong vinh quang Chúa Cha. Người đã khởi đi từ điểm thấp nhất : bóng tối của ngôi mộ, sự chết… để đạt đến điểm cao nhất : vinh quang của Thiên Chúa.
Bởi vì, lễ Chúa lên trời loan báo vinh quang riêng của chúng ta : trong việc được « đưa lên » của Người, Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta biết, Người sẽ đưa chúng ta lên theo, về với Chúa Cha : Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta. Nhờ cuộc hiến tế tình yêu của Người, Người đã cứu chúng ta và trở nên « người anh cả của chúng ta trong Vương Quốc và ngự trị trong ngai báu vinh quang. Giống như một Mục Tử Tốt Lành trong dụ ngôn, cuối cùng đã tìm thấy con chiên lạc (đó là bản tính con người chúng ta), Người đã mang vác nó trên vai, đem nó về với Chúa Cha : lễ Thăng Thiên của Đức Kitô, trong niềm hy vọng, là vinh quang của chính chúng ta.
Bởi vì ngày lễ này làm cho chúng ta nhớ lại lời của Đức Giêsu : « Và ta, ta sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế » (Mt 28,20). « Và ta, ta sẽ gởi đến với các ngươi điều mà Chúa Cha đã hứa » (Lc 24,49).
 
b.- Lễ Chúa Hiện Xuống : kết thúc Mùa Phục Sinh
Khoảng cách mười ngày giữa lễ Thăng Thiên và lễ Chúa Hiện Xuống giống như một thời gian tĩnh tâm dài.
Theo gương Đức Maria và các môn đệ, chúng ta canh thức trong cầu nguyện, đợi chờ quà tặng của Thánh Thần đã hứa bởi Đức Giêsu. Trong mỗi giờ Kinh chiều, Giáo hội cầu xin : « Hãy đến, lạy Thánh Thần Sáng Tạo, hãy đến thăm viếng chúng tôi ; hãy đến, chiếu sáng tâm hôn các con cái ngài… ».
Lễ Hiện Xuống đã thực trở thành một phần của niên lịch các lễ hội Do thái và được tưởng nhớ đặc biệt đến quà tặng là Luật mà Thiên Chúa đã ban cho dân : năm mươi ngày sau khi ra khỏi Ai-cập (cuộc Vượt Qua thứ nhất), họ đã nhận từ Thiên Chúa bởi vị trung gian là Môsê, những giới điều trên núi Sinai.
Một cách rõ ràng, trong ngày lễ Hiện Xuống, Thiên Chúa ban tặng quà là Luật mới : Thánh Thần của Người. Quà tặng của Thần Khí được nối kết cách khăng khít với công trình cứu độ được hoàn thành bởi Đức Kitô. Vì thế, lễ Hiện Xuống không chỉ là thuộc về Mùa Phục Sinh, nhưng nó còn là một triều thiên, một sự hoàn thành.
Chúa nhật lễ Chúa Hiện Xuống có hai lễ phân biệt : một thánh lễ được gọi là canh thức (vào chiều tối hôm trước) và một lễ khác vào chính ngày. Trong lễ vọng, Phụng vụ Lời Chúa được dựa trên kiểu mẫu của phụng vụ Canh thức đêm Phục Sinh. Một vài bản văn lớn của Cựu Ước được nhắc lại, nhằm loan báo « sự đến » của Thần Khí.
Vào tối ngày lễ Hiện Xuống, cây Nến Phục Sinh được tắt đi và di chuyển khỏi cung thánh, để bắt đầu mùa Thường Niên. Nến Phục Sinh này chỉ dùng lại trong những cử hành bí tích rửa tội và trong các cử hành thánh lễ v à nghi thức an táng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ở lại trong hành vi tạ ơn vì tình yêu của Thiên Chúa đã đổ tràn trong tâm hồn chúng ta bởi Thần Khí, Đấng ngự trong chúng ta.
Linh mục Giuse Nguyễn Hiển,OP.W.OPVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét