Dẫn vào :
Công đồng Vatican II, trong Hiến chế về Phụng đã khẳng định :
« Trong Năm Phụng vụ, Giáo hội tưởng nhớ tất cả các mầu nhiệm của Đức Kitô, từ biến cố nhập thể cho đến ngày Hiện Xuống, và cho đến ngày trở lại của Thiên Chúa. (…) Năm phụng vụ, trong một ý nghĩa chung, mở ra cho chúng ta những sự phong phú của Mầu Nhiệm Đức Kitô. Những mầu nhiệm này trong một phương diện nào đó trở nên hiện tại trong tất cả chiều dài của thời gian ; các tín hữu được đặt để liên hệ với các mầu nhiệm này và được làm cho viên mãn nhờ ân sủng của ơn cứu độ » (HCPV, số 102).
Trong phần này, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa đặc biệt của Mùa phụng vụ Phục Sinh. Chu kỳ mùa Phục Sinh bao gồm :
- Khởi đầu với ngày thứ Tư lễ Tro, kéo dài trong 40 ngày chay tịnh và cầu nguyện.
- Đây cũng được xem như là thời gian chuẩn bị (cho đến Chúa nhật Lễ Lá).
- Tuần thánh được hoàn thiện bằng Tam nhật vượt qua (từ tối ngày thứ Năm Tuần Thánh cho đến kinh chiều ngày Chúa nhật Phục Sinh).
- Tuần Bát nhật Phục Sinh.
- Mùa Phục Sinh gồm cả lễ Chúa Thăng Thiên và kết thúc bởi lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (50 ngày sau lễ Phục Sinh).
1.- Thứ tư lễ Tro
Để hiểu rõ ý nghĩa của Mùa Chay, chúng ta không thể quên ý nghĩa chính của nó được bày tỏ cách rõ ràng trong Tam nhật vượt qua : cuộc Thương Khó, chết và Phục Sinh của Con Thiên Chúa, là trung tâm và cao điểm của năm phụng vụ. Việc cử hành mầu nhiệm vượt qua này đã mang mặc một tầm quan trọng đặc biệt đối với các tín hữu đầu tiên, những người đã có một thời gian dài chuẩn bị, cầu nguyện và đền tội được ghi nhận trong 40 ngày, từ thế kỷ thứ 4. Con số 40 nhằm nói đến thời gian của dân Do thái đã trải qua 40 năm trong sa mạc, sau khi ra khỏi Ai cập. Môsê (Xh 24,18), và chính Đức Giêsu, đã trải qua 40 ngày đêm trong sa mạc (chay tịnh và cầu nguyện) trước khi xuất hiện trước dân chúng để rao giảng Tin mừng. Đó là lý do tại sao Mùa Chay được được giới thiệu như là thời gian đi vào sa mạc, như một kinh nghiệm của việc loại bỏ tất cả những vướng bận, nhờ đó giúp chúng ta trở về với yếu tố căn bản của đời sống chúng ta, trung tâm của niềm tin của chúng ta.
2.- Hai ý nghĩa chính của phụng vụ Mùa Chay
Trước hết đây là thời gian có liên hệ đặc biệt đến các dự tòng. Đây là thời gian chuẩn bị cuối cùng để các dự tòng lãnh nhận bí tích rửa tội vào đêm vọng Phục Sinh. Những dự tòng sống thời gian « bốn mươi ngày » này giống như một thời gian tĩnh tâm lớn có giá trị đặc biệt quan trọng qua việc cầu nguyện và học tập sống kinh nghiệm cộng đoàn một cách sâu sắc. Toàn thể cộng đoàn kitô hữu được mời gọi liên kết chặt chẽ với họ bằng việc nâng đỡi họ bằng lời cầu nguyện cho đến đêm Phục Sinh, cho đến khi những dự tòng này nhận lãnh các bí tích khai tâm Kitô giáo (Rửa tội, Thêm Sức và Thánh Thể). Đây cũng là thời gian của sự đào sâu, của tĩnh tâm cho tất cả các tín hữu, những người trong khi tháp tùng những anh chị em dự tòng, tự chuẩn bị để tuyên xưng lại niềm tin của bí tích rửa tội mà mỗi người đã lãnh nhận. Thời gian Mùa Chay bắt đầu vào ngày thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào tối ngày thứ năm tuần thánh. Các Chúa nhật không được tính vào giống như những ngày đền tội : bởi vì chúng thuộc về những ngày cử hành sự Phục Sinh của Đức Kitô và một cách nào đó giúp chúng ta không quên mục đích của Mùa Chay là : niềm vui Phục Sinh.
Phụng vụ Mùa Chay làm cho chúng ta đi vào viễn tượng của cuộc chiến, nhưng không phải bất kỳ cuộc chiến nào đó : lời điệp khúc của phần giáo đầu Kinh Phụng Vụ từ ngày thứ Tư Lễ Tro hát rằng : « Những ánh mắt hướng nhìn về Đức Kitô, chúng ta đi vào trong cuộc chiến của Thiên Chúa ».
Điểm kế tiếp của ý nghĩa Mùa Chay là mời gọi hoán cải và tin tưởng vào Thiên Chúa. Những phương tiện được đề nghị là lời cầu nguyện, là việc đền tội (bằng những nỗ lực cá nhân) và làm việc thiện. Kinh nghiệm về ăn chay, sống tình yêu huynh đệ nhắc nhở chúng ta rằng, điều căn bản nhất sự đói khát đó là đói khát chính Thiên Chúa. Lời cầu nguyện và việc chia sẻ huynh đệ hướng sự tập trung của chúng ta về hai điều căn bản này của tình yêu : tình yêu với Thiên Chúa và tình yêu với anh em mình.
3.- Chúa nhật Lễ Lá và cuộc Thương khó của Thiên Chúa
Với ngày lễ này, Tuần thánh được bắt đầu. Chúa nhật Lễ Lá cho chúng ta một sự tóm gọn ý nghĩa về mầu nhiệm vượt qua. Phụng vụ thánh thể của ngày này đặt song song hai khía cạnh mà trong sâu thẳm chỉ là một : Vinh Quang và Thập Giá. Cuộc rước lá mở ra cuộc cử hành, nó nhắc nhở chúng ta việc đi vào cách trọng thể của Đức Giêsu vào thành Giêrusalem. Ngày hôm nay vẫn vậy, Giáo hội công bố vương quốc của Đức Kitô : « Chúc tụng Đấng đến nhân danh Chúa ! Hosana (hoan hô) Chúa trên các tầng trời ». Sau phần tung hô vui sướng đó, cộng đoàn tiến bước trong reo hò, bước vào « trong những đau thương của cuộc Thương Khó ». Bề ngoài, chúng ta thấy một sự thay đổi đầy nhiệt huyết, nhưng điều này dẫn chúng ta đi vào cùng tận của sự giằng co của ơn cứu độ : Đấng mà chúng ta công bố và nhận biết như Đấng Cứu Độ của chúng ta cũng là Đấng đã chịu đau khổ vì chúng ta ; Đấng mà chúng ta đi theo đến đồi Sọ cũng là Đấng sẽ đi ra trong chiến thắng từ ngôi mộ vào buổi sáng Phục Sinh. Nếu truyền thống mời gọi chúng ta cầm trong tay cành lá (thiên tuế) được chúc lành và dùng nó trang hoàng cho cây thập giá trong gia đình của chúng ta, là vì để chúng tuyên xưng rằng, Thập Giá là dấu chỉ của vinh quang, vinh quang của Đức Giêsu Phục Sinh.
Tất cả đời sống kitô hữu của chúng ta được tóm kết trong Tam nhật vượt qua, nơi mà chúng ta bước theo từng bước với Đức Kitô trong cái chết và sự Phục Sinh của Người.
4.- Thứ Năm Tuần thánh và sự khai mở của Tam nhật Vượt Qua
Vào cuối thế kỷ thứ 4, thánh Ambroise đã nói về « triduum sacrum » (ba ngày thánh), ý nói thời gian mà Đức Kitô « đã chịu đau khổ, được đặt trong mồ và Phục Sinh ». Nếu tất cả ngày thứ năm vẫn còn thuộc về Mùa Chay, Tam nhật Vượt Qua được mở ra với thánh lễ ban tối (Bữa ăn cuối của Chúa), nơi mà Giáo hội tưởng nhớ việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể. Trong bữa ăn, Đức Kitô đẵ dùng với các môn đệ của Người, Người đã tiên liệu một cách tự do về cái chết của Người cùng với việc hiến dâng cho họ chính xác thịt và máu Người dưới những hình bánh và rượu.
Thánh Thể chỉ được cử hành một lần vào ngày hôm đó và thực sự là một bữa tiệc : một đại lễ. Chính trong thánh lễ này, chúng ta hát kinh Vinh Danh (Gloria), tiếng chuông nhà thờ rung vang và màu trắng được chọn cho màu sắc phụng vụ của ngày lễ. Tuy nhiên, vào cuối của cuộc cử hành, lại mang rất nhiều nỗi buồn. Tất cả cộng đoàn bước theo với lời cầu nguyện trong thinh lặng và tôn thờ Đức Kitô-Thánh Thể.
5.- Ngày thứ Sáu
Ngày này được ghi nhận một cách hoàn toàn là sự đau thương, bởi đó là Cuộc Thương Khó, là cái chết của Chúa. Chúng ta được mời gọi tham dự vào ngày này bằng việc ăn chay và kinh nguyện. Theo một truyền thống rất cổ xưa (và kéo dài cho đến ngày hôm nay), Giáo hội không cử hành Thánh Thể vào ngày này : Con của Thiên Chúa đã bị liệt vào hạng kẻ cùng cực nghèo hèn, nhưng cũng chính vì vậy mà Người cứu độ thế giới.
Phụng vụ của ngày hôm nay bao gồm 3 phần lớn :
- Suy niệm về Lời Chúa (với bài đọc Thương Khó theo thánh Gioan)
- Nghi thức tôn vinh cây thập giá.
- Rước lễ
6.- Ngày thứ Bảy
Đây là một ngày nghỉ (hay còn gọi là ngày tĩnh lặng đặc biệt) : cũng như thiên Chúa đã nghỉ ngơi sau sáu ngày Tạo Dựng, Đức Kitô đang yên nghỉ trong ngôi mộ sau cuộc Thương Khó của Người : một mầm sống mới của tạo dựng mới.
Các nhà thờ trở nên vắng trống sự hiện diện của Thiên Chúa, cửa các nhà tạm được mở bung. Nhưng chúng ta sống ngày này trong sự đón nhận và đợi chờ, với Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đang đợi chờ trong niềm tin ; với tất cả Giáo hội đang đợi chờ trong hy vọng, gần bên ngôi mộ của Đấng Hôn Quân của mình.
(còn tiếp)
Linh mục Giuse Nguyễn Hiễn,OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét