Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Chúa Nhật II Phục Sinh:Kính Lòng Chúa Thương Xót.





Ngày 22/02/1931, tại tu viện Plock Thánh nữ Faustina đã được Chúa Giêsu hiện ra trong một thị kiến.

Trong nhật ký Thánh nữ có ghi: "Ðêm đó, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra. Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn thẳng vào Chúa không chớp mắt trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa phán với Thánh nữ: "Con hãy vẽ một bức hình, theo những gì con trông thấy đây, với lời ghi chú: Giêsu, con tín thác vào Chúa" (gốc tiếng Ba Lan là Jezu, Ufam Tobie, ta thường thấy bản dịch ra tiếng Anh là Jesus, I trust in you)

Thánh nữ đã hỏi Chúa về ý nghĩa của 2 luồng sáng đó, Chúa trả lời: "Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn sâu thẳm của lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Ta, lúc trái tim hấp hối Ta bị lưỡi thâu mở rộng ra. Phúc cho ai ẩn náu trong sự che chở của những luồng ánh sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa không giáng phạt họ."

Sau đó, Thánh nữ đi hỏi mẹ Bề trên, và bà đã trả lời: "Con hãy vẽ Chúa đi".

Nhưng vì khả năng hạn hẹp nên dù đã cố gắng, không có bức vẽ nào đẹp.

Năm 1934, cha linh hướng Michal Sopócko của Thánh nữ liên lạc với một họa sĩ tên là Eugeniusz Kazimirowski ở Wilno, để vẽ lại ảnh Chúa theo sự mô tả của thánh nhân, nhưng không được như ý lắm. Đêm sau Chúa phán: "Giá trị của tấm ảnh này không căn cứ trên nét đẹp của màu sắc, nét vẽ, nhưng là ơn phúc của Ta. Đó là một nhắc nhở về lòng thương xót của Ta, Ta ban cho loài người con tàu để đưa họ tới nguồn suối xót thương và múc lấy mọi ơn phúc. Con tàu đó là tấm ảnh này."

Sau khi Thánh nữ Maria Faustina qua đời ngày 05/10/1938, hương thơm thánh thiện của thánh nhân lan tỏa nhiều nơi cùng với sự phổ biến rộng rãi việc thực hành lòng tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa. Ngoài ra, nhiều người đã được những ơn lành Thiên Chúa ban cho qua lời cầu bầu của sơ Maria Faustina. Tuy nhiên, tiến trình dẫn đến việc phong thánh cho nữ tu Maria Kowalska gặp phải nhiều thử thách. Mặc dầu tại Ba Lan nhiều tín hữu rất sùng mộ và học hỏi sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa được ghi lại trong nhật ký của thánh nữ, Toà Thánh đã từng lên án cuốn sách này là "lạc đạo" vào năm 1959. Ðiều đó cũng dễ hiểu bởi vì Tòa Thánh Roma nhận được một bản dịch nhật ký từ tiếng Ba Lan và được viết từ một người mới học hết lớp 3 (nữ tu Faustina là một người ít học nên nhật ký của thánh nữ hầu như chẳng có ghi dấu chấm phết nào cả).

Khi Ðức Cha Karol Wojtila (Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tương lai) trở thành Tổng Giám mục Krakow năm 1964, ngài đứng trước một tình trạng tế nhị. Dầu sao đi nữa, ngài rất quen thuộc với sứ điệp Thánh nữ Faustina phổ biến vì lúc còn là chủng sinh "chui" trong thời Ðệ Nhị Thế chiến khi Ðức Quốc Xã cai trị Ba Lan, ngài đã thường xuyên viếng thăm Ðền Lòng Thương Xót Chúa ở đồi Lagiewniki, Krakow, nơi thánh nữ Faustina từng cư ngụ và qua đời. Ðức Tổng Giám mục Karol Wojtila cho điều tra sự việc và sau đó cho dịch lại một bản mới nhật ký của sơ Faustina để gửi cho Toà Thánh. Nhờ đó, vào năm 1978 Toà Thánh đã rút lại lệnh cấm cuốn nhật ký của Faustina, chỉ sáu tháng trước khi Ðức Tổng Giám mục Karol được bầu làm Giáo hoàng.

Ngày 18/04/1993, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong Chân phước cho Nữ tu Faustina Kowalska sau khi một người phụ nữ tên Maureen Digan được chữa lành khỏi một bệnh di truyền về máu nhờ lời cầu bầu của nữ tu Faustina. Và cuộc phong thánh vào ngày 30/04/2000 với rất nhiều người tham dự là kết quả của một phép lạ chữa lành cha Ronald P. Pytel (Baltimore, Hoa Kỳ) khỏi bệnh tim. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi Thánh nữ Maria Faustina là "món quà của Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta". Trong bài giảng của buổi lễ phong thánh, Ðức Thánh Cha nói: "Tương lai của nhân loại trên mặt đất này sẽ ra sao? Chúng ta không được biết. Tuy nhiên, con người có thêm tiến bộ thì không may cũng không thiếu kinh nghiệm đớn đau. Nhưng ánh sáng của lòng thương xót Chúa sẽ chiếu sáng đường đi cho con người trong thiên niên kỷ thứ ba. Ðức Thánh Cha cũng đã chính thức công bố từ nay về sau Chúa nhật II Phục sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha cho rằng chỉ khi nào con người cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì con người mới có thể "nhìn vào anh chị em của mình với đôi mắt mới, với thái độ vị tha và liên đới, đại lượng và tha thứ". Việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa hiện nay được phổ biến trong 29 quốc gia khắp thế giới (số liệu năm 2003) qua sự cổ võ hoạt động của khoảng 2 triệu thành viên trong tổ chức "Tông đồ Lòng Thương Xót Chúa" gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Quyển nhật kí của sơ Maria Faustina sau này được biên tập và xuất bản lại dưới tựa đề: Divine Mercy in My Soul: The Diary of St. Faustina

Vào năm 1943, một họa sĩ tên là Adolf Hyla đã vẽ lại bức tranh Lòng Thương Xót Chúa, và đây là bức tranh chính thức thứ hai (được treo trên mộ của Thánh nữ Maria Faustina trong tu viện Our Lady of Mercy ở Cracow-Lagiewniki, Ba Lan), sau bức hình đầu tiên của họa sĩ Eugeniusz Kazimirowsk, bức này được lan truyền và sao chép lại khá giống với các bức hình mà ta thấy ngày nay. Ngoài ra, người ta còn cho rằng bức vẽ thứ ba cũng khá phổ biến là của họa sĩ người Mỹ - Robert Skemp, vẽ Chúa đứng trước một cánh cửa hình vòm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét